05/09/2018
Nguồn: Carl Bildt, “Why Marx Was Wrong”, Project Syndicate, 09/05/2018.
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx đã làm cho nhiều người quan tâm tới các tác phẩm của ông, cùng với việc khánh thành bức tượng tại quê nhà của ông ở Trier, Đức.
Tại lễ kỷ niệm chủ nghĩa Marx ở Bắc Kinh vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “như ánh mặt trời ló rạng, học thuyết này đã soi sáng con đường cho nhân loại khám phá quy luật của lịch sử và tìm đường giải phóng chính mình.” Ông còn tuyên bố rằng Marx “đã chỉ ra con đường lý thuyết khoa học để tiến tới một xã hội lý tưởng nơi mọi người được hưởng sự bình đẳng và tự do, không còn áp bức hay bóc lột.”
Do những điều ông Tập phát biểu là ở một nước Trung Quốc theo chủ nghĩa Marx, những người tham dự không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đồng tình với chúng. Tuy nhiên, phát biểu tại Trier cùng ngày, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đưa ra nhận định riêng của mình khá hào phóng với Marx: “Ngày nay, ông bị gán cho những thứ mà ông không phải chịu trách nhiệm và cho những việc không phải do ông gây ra, bởi có nhiều quan điểm ông viết ra đã được biên soạn lại thành những điều đối nghịch.”
Ý nghĩa đằng sau câu nói này của Juncker chưa thực sự rõ ràng. Xét cho cùng, chủ nghĩa Marx gây ra đau khổ cho hàng chục triệu người vốn đã bị buộc phải sống dưới những chế độ tự ủng hộ chủ nghĩa Marx. Phần lớn trong thế kỷ 20, 40% nhân loại phải chịu cảnh đói ăn, lao động cưỡng bức, bị kiểm duyệt và các hình thức đàn áp khác dưới tay của những người tự xưng là các nhà Marxist.
Trong phát biểu của mình, Juncker dường như muốn ám chỉ đến phản đề thường thấy: tội ác của những người cộng sản trong suốt thế kỷ 20 đều do người ta bóp méo tư tưởng của Marx, chứ bản thân ông không phải chịu trách nhiệm.
Lập luận này có hợp lý không? Marx đã dành phần lớn cuộc đời mình để phân tích nền kinh tế chính trị phương Tây trong giai đoạn công nghiệp hoá vào giữa thế kỷ 19. Song, những ảnh hưởng lâu dài của ông liên quan tới những tư tưởng của ông về tương lai cũng như tác động của chúng đối với xã hội. Khi xem xét di sản của Marx, chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh này.
Marx coi tài sản tư hữu là căn nguyên của mọi tội lỗi trong các xã hội tư bản mới nổi trong thời đại của ông. Theo đó, ông tin rằng chỉ bằng cách bãi bỏ nó mới giải quyết được sự phân chia giai cấp trong xã hội và qua đó đảm bảo cho một tương lai hòa hợp của con người. Sau này, cộng sự của Marx là Friedrich Engels tuyên bố rằng dưới chế độ cộng sản, nhà nước sẽ không còn cần thiết nữa và “sẽ lụi tàn đi.” Những lời khẳng định này không phải là suy đoán, mà đúng hơn là được đưa ra như các tuyên bố khoa học về viễn cảnh tương lai.
Nhưng, tất nhiên những luận điểm đó đều là rác rưởi, và học thuyết về lịch sử của Marx – chủ nghĩa duy vật biện chứng – đã được chứng minh là sai lầm và nguy hiểm trong mọi khía cạnh thực tiễn. Nhà triết học lỗi lạc thế kỷ 20, Karl Popper, một trong những người phê bình Marx mạnh mẽ nhất, đã gọi Marx là “nhà tiên tri sai lầm.” Và nếu cần thêm bằng chứng, thì đó là việc các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 20 đã trở thành những xã hội dân chủ, cởi mở và thịnh vượng.
Ngược lại, những chế độ từ chối chủ nghĩa tư bản và đi theo chủ nghĩa Marx đều đã thất bại, và không phải do trùng hợp ngẫu nhiên hay là do những tín đồ của chủ nghĩa Marx hiểu lầm học thuyết của ông. Bãi bỏ chế độ tư hữu và thiết lập nền kinh tế nhà nước không chỉ cướp đi tinh thần kinh doanh, vốn rất cần cho việc thúc đẩy xã hội phát triển, mà thậm chí còn xoá bỏ quyền tự do của con người.
Bởi chủ nghĩa Marx coi tất cả những mâu thuẫn trong xã hội là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, điều sẽ biến mất khi quyền tư hữu tài sản không còn, nên sau khi xây dựng chủ nghĩa cộng sản thì sự bất đồng quan điểm không còn được cho phép. Theo mặc định, bất kỳ thách thức nào đối với chế độ mới đó đều được coi là tàn dư bất hợp pháp của chế độ áp bức trước đó.
Do đó, những chế độ theo chủ nghĩa Marx trên thực tế đều là sự mở rộng mang tính logic của học thuyết Marx. Tất nhiên Juncker đã đúng khi cho rằng Marx, qua đời 34 năm trước Cách mạng Nga, không phải chịu trách nhiệm đối với những trại cải tạo lao động, nhưng các tư tưởngcủa Marx phải chịu trách nhiệm đối với chúng.
Trong công trình nghiên cứu mang tính cột mốc có nhan đề Main Currents of Marxism (Những dòng chảy chính của chủ nghĩa Marx), gồm ba tập, nhà triết học Ba Lan Leszek Kolakowski, người đã trở thành một nhà phê bình hàng đầu về chủ nghĩa Marx sau một thời tuổi trẻ ủng hộ chủ nghĩa này, lưu ý rằng Marx gần như không quan tâm tới con người dù họ thực sự tồn tại. “Chủ nghĩa Marx rất ít hoặc không để ý tới thực tế là con người được sinh ra và chết đi, họ là đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già, khoẻ mạnh hay ốm yếu.” Cũng như vậy, “trong mắt ông, cái ác và sự đau khổ chẳng có ý nghĩa gì ngoại trừ là công cụ của giải phóng. Chúng chỉ là những thực tế xã hội thuần tuý, chứ không phải là một phần thiết yếu của điều kiện sống con người.”
Góc nhìn của Kolakowski giúp lý giải việc nhiều chế độ theo đuổi học thuyết mang tính tiên định và máy móc này của Marx buộc phải áp dụng chủ nghĩa toàn trị khi đối mặt với thực tế của một xã hội phức tạp. Họ không phải lúc nào cũng thành công, nhưng kết quả thì bao giờ cũng bi thảm.
Về phần mình, Tập coi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong vài thập niên qua là “minh chứng thép” cho giá trị tiếp tục của chủ nghĩa Marx. Song, thực tế lại là điều ngược lại. Nên nhớ rằng chính Trung Quốc thời cộng sản thuần tuý đã gây ra nạn đói và sự khủng bố trong phong trào “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hoá.” Thời điểm Mao ra quyết định tịch thu đất đai của nông dân và quốc hữu hóa các công ty của doanh nhân cũng là lúc các thảm kịch đã được dự báo trước. Kể từ đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ bỏ cách tiếp cận giáo điều này.
Dưới thời người kế nhiệm Mao là Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ đã phát động chính sách “mở cửa” kinh tế. Sau năm 1978, Trung Quốc tiến hành khôi phục chế độ tư hữu và cho phép tư nhân thành lập doanh nghiệp, và kết quả thật sự ngoạn mục.
Ngày nay, nếu sự phát triển của Trung Quốc bị kìm hãm bởi bất cứ thứ gì, thì đó là tàn dư của chủ nghĩa Marx vốn còn hiện hữu tại các doanh nghiệp nhà nước yếu kém và trong hoạt động đàn áp những người bất đồng chính kiến. Hệ thống độc đảng tập trung của Trung Quốc đơn giản là không tương thích với một xã hội đa dạng và hiện đại.
Hai trăm năm sau ngày sinh của Marx, ngẫm nghĩ về di sản trí tuệ của Marx chắc chắn vẫn là một điều khôn ngoan. Tuy nhiên, chúng ta làm vậy không phải để kỷ niệm, tung hô, mà để phòng ngừa cho xã hội cởi mở của chúng ta khỏi những cám dỗ về chủ nghĩa toàn trị vốn đang ẩn náu trong các lý thuyết sai lệch của ông.
Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.
Copyright: Project Syndicate 2018
5
0 1 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét