Suy nghĩ gì từ “sự ra đi” của ông Đỗ Mười?
Một việc chấn động dư luận thuở bấy giờ liên quan đến cả nội trị lẫn ngoại giao, đó là thái độ gay gắt của Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với bức thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi các Uỷ viên Bộ Chính trị ngày 9/8/1995.
Từ cuộc đời đến sự nghiệp, Tổng Bí thư Đỗ Mười là cả một khối mâu thuẫn khổng lồ. Đọc các bài về ông trên đủ các loại "lề" những ngày này, càng trải nghiệm được phần nào những chiều kích khác nhau và hậu thế chắc vẫn sẽ còn viết tiếp về ông.
Tác nhân và nạn nhân
Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Trung hồi những năm 1995 bị gây khó dễ sau khi bức thư của Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị được đưa lên mạng; chuyện này ít người biết. Ngày nay thì chính các trang mạng "lề đảng" đã đăng nguyên văn bức thư kèm theo những lời bình khá "mùi mẫn" (xem Dân trí 10/8/2015).
Nhưng năm 1996, nhà lão thành cách mạng Lê Hồng Hà phải ngồi tù 2 năm, vì "tội" tán phát bức thư của ông Võ Văn Kiệt; Cùng trong chuyện này còn có ông Hà Sĩ Phu và ông Nguyễn Kiến Giang bị một năm tù.
Thuở ấy, ông Mười phản ứng gay gắt với nội dung bức thư và cả với Nguyễn Trung, Trợ lý của ông Kiệt (Người chấp bút bức thư).
Nguyễn Trung bị điều tra trong việc bức thư lên mạng… May thay người ta tìm ra trên bản copy, có "bút lục" của một đồng chí trong Bộ Chính trị. Nhờ thế, Nguyễn Trung thoát nạn. Nhưng ông Trung vẫn tự mình "treo áo từ quan", vì không tán thành việc bức thư bị đối xử như vậy.
Sau hơn 23 năm, cho đến nay, chính trường Việt Nam vẫn chưa có bức thư thứ hai, vượt được hiệu ứng "bóng đè" của tư duy bảo thủ, "vén" được bức màn sương để đi cùng thời đại như thế.
Tổng Bí thư Đỗ Mười, bị hay được dán cho cái nhãn "vừa là nhà cải cách vừa là người bảo thủ, vừa có việc thúc đẩy, vừa có lúc kìm hãm sự nghiệp đổi mới". Mâu thuẫn trong con người ông bộc lộ qua những chủ trương ông vừa là đồng tác giả, vừa là nạn nhân (Theo nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài, ông vẫn để lại nhiều đánh giá trái chiều).
Có nhà quan sát nhận xét: "Sự cứng nhắc mà ông bị phê phán chứng tỏ ông không chịu hay không thể tiến hành các chính sách bảo thủ mà không có sự ủng hộ đồng thuận. Ngoài ra, sự bế tắc chính sách xuất phát từ sự đa nguyên lẫn lộn: vừa có sự kết hợp của cả phương thức cải tổ lẫn bảo thủ, thành ra cải tổ vẫn tồn tại, tuy không nở rộ. Phe bảo thủ có thể làm chậm nhưng không thể ngưng trệ động lực cải cách" (David W.P. Elliott).
"Muộn mất hàng chục năm"
Dù sao, tên tuổi của ông gắn liền với một giai đoạn đầy sóng gió của của thời kỳ chuyển đổi. Năm 1995 là năm có nhiều dấu ấn rõ rệt trong tiến trình hội nhập. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Việt Nam đánh dấu một chặng đường vốn đã được thiết kế kéo dài trước đó hơn 20 năm.
Tháng 6/1975 các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt đã đề xuất với ông Lê Duẩn và ông Trường Chinh chủ trương bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng phải 20 năm sau, năm 1995, quan hệ quốc tế rộng rãi mới được thiết lập, bang giao với Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và ASEAN mới được khôi phục và thiết lập.
Tuy nhiên, không nên quên, cột mốc đáng nhớ nói trên chỉ được dựng lên sau "các cột mốc" tháng 9/1990 và tháng 6/1991, tức là sau hội nghị Thành Đô và sau Đại hội lần thứ 7 của Đảng Cộng sản. Đây là giai đoạn ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, nhưng thời kỳ ấy cũng có những "góc khuất" mà mãi về sau mới có thông tin.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị kiểm điểm về hội nghị Thành Đô, ông Đỗ Mười cố bảo vệ điều mà Trần Quang Cơ cho "không phải bình thường hóa quan hệ, mà là phụ thuộc hóa quan hệ" vào Trung Quốc. Tại cuộc họp ấy, ông Phạm Văn Đồng khẳng khái: "Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết thì có nên hay không…. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy".
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có lúc bực quá (vì mọi việc không tiến triển đúng nhịp độ cần thiết) đã thốt lên, những ai không thấy nhu cầu phải thay đổi thì cứ để cho cuộc sống dạy cho họ những bài học đích đáng. Trần Quang Cơ ghi trong hồi ký, những việc cần làm với Mỹ, về sau chúng ta đã làm, nhưng muộn mất hàng chục năm.
Dưới thời ông Đỗ Mười, Việt Nam đưa ra slogan nổi tiếng: "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Từ chính sách đối ngoại dựa trên ý thức hệ là chính, chủ yếu thông qua mô hình "hai phe bốn mâu thuẫn", chuyển sang chính sách đa phương hoá/đa dạng hoá.
Xoá các "vệt trắng lịch sử"
Từ nay, tân Chủ tịch nước và Đại hội 13 sẽ là đề tài thời sự. Ở đây đề cập tới một tương tác nóng hổi của mối liên hệ này. Đó là mối "nhân duyên" giữa tân lãnh đạo và đường lối của đảng. Và lần này, lại vẫn Nguyễn Trung, thân lươn bao quản lấm đầu, mà tấm lòng trinh bạch ấy vẫn "chưa chừa"… (Xem "Đại hội XIII…", Viet-studies, 7.10.2018).
Ngay cả Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm có lúc cũng không khỏi ngạc nhiên. Ông từng nêu câu hỏi, tại sao có thể lãng phí ngần ấy thời gian?
Mất 20 năm để bình thường hoá, sau đó, mất gần 20 năm nữa thì mới kiến tạo được "quan hệ đối tác toàn diện" và nay dẫu cả hai phía Việt Mỹ đều mong muốn nhưng vẫn chưa nâng cấp được lên "quan hệ đối tác chiến lược".
Vì vậy, dư luận đón đợi một cuộc tái ngộ trong bang giao Việt—Mỹ. Liệu quá trình hình thành "chiến lược Ấn—Thái—Dương" (IPS) giữa các cường quốc hàng đầu trong khu vực, có tạo nổi một FOIP (Free and Open Indo—Pacific)? Và Việt Nam sẽ ở đâu trong "chuỗi liên hệ chiến lược" mới ấy?
Summit Trọng—Trump sẽ cho thấy: Việt Nam hoặc vẫn sẽ là "bèo dạt mây trôi", hay sẽ đứng lên tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình!?
Để đánh giá gần đúng các nhân vật lịch sử, nên "công khai hoá" một số sự kiện mà giới nghiên cứu thường gọi là những "vệt trắng", "vệt mờ" trong một quá khứ không xa để khôi phục phần nào lòng tin của người dân cũng như của bạn bè quốc tế.
Trong quá trình đưa ra đường lối, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường.
Cứ nhìn các cuộc đấu đá trên thượng đỉnh của nước Mỹ, hay xung quanh vấn đề Brexit của Anh quốc… bất cứ ở đâu đều có các nhóm lợi ích, các phe phái. Cái không bình thường ở ta, là chủ trương "quét tất cả xuống dưới thảm". Và điều này gây khó cho các thế hệ hậu bối.
Tác giả nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Phó Viện trưởng — Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển (VIDS) thuộc VUSTA. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả.Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi ý kiến của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng và các khách mời khác tại một thảo luận Bàn tròn Thứ Năm về chủ đề có liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét