Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A về tác động của EVFTA đến môi trường hoạt động của các nghiệp đoàn độc lập

Bởi
 AdminTD
 -

8-10-2018
Mới đây, TS Nguyễn Quang A, với tư cách một người nghiên cứu về xã hội dân sự, đã được Quốc hội châu Âu mời đến dự phiên điều trần về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ diễn ra vào ngày 10/10/2018. Để hiệp định này được thông qua, phía Việt Nam sẽ phải có lộ trình phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO, bao gồm việc cho phép thành lập các Nghiệp đoàn độc lập và tiến hành thương lượng tập thể. Vì vậy, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang A về những thay đổi mà hiệp định mang đến cho môi trường hoạt động của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam, và cách chúng ta tận dụng chúng.
HỏiThưa bác, để hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam được thông qua, phía Việt Nam sẽ phải có lộ trình phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO, bao gồm việc cho phép thành lập các Nghiệp đoàn độc lập và tiến hành thương lượng tập thể. Hiện phía EU và phía Việt Nam đang có những động thái nào để xúc tiến việc này ạ?

Đáp: Giả như TPP không bị Mỹ bỏ rơi, thì Việt Nam đã có thể hay chắc chắc chắn sẽ phải phê chuẩn ba công ước lõi của ILO (số 87 về Quyền tự do về Hiệp hội và Bảo vệ Quyền để Tổ chức [Freedom of Association and Protection of the Right to Organise], số 98 về Quyền để Tổ chức và Thương thuyết Tập thể [Right to Organise and Collective Bargaining] và số 105 về Xoá bỏ Lao động Cưỡng bức [Abolition of Forced Labour]). Như thế không chỉ có vấn đề nghiệp đoàn độc lập mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến nhân quyền như cấm lao động cưỡng bức (mà chủ yếu tại các trại cải tạo và các nhà tù và như thế có thể cải thiện đáng kể đời sống của các tù nhân nhưng cũng đụng đến lợi ích to lớn của các nhóm lợi ích như một bộ phận của Bộ công an).
TCTPP không có Mỹ nên không có áp buộc mạnh trong phụ lục giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam phải phê chuẩn như EVFTA. Vấn đề là Việt Nam bao giờ thì phê chuẩn và sau khi phê chuẩn thì thực hiện ra sao. Theo đại sứ Việt Nam tại EU Việt Nam sẽ phê chuẩn chúng trong vòng 2 năm, không quá 2021. EVFTA nằm trong khung khổ chính trị của thoả thuận đối tác và hợp tác (partnership and cooperation agreement-PCA) được EU và Việt Nam ký năm 2012, và PCA có một điều có thể chế tài nếu một bên vi phạm. Tuy nhiên cho đến nay chưa có EVFTA nên cũng khó chế tài về những vi phạm nhân quyền mà chỉ có thể lên tiếng trong đối thoại nhân quyền hàng năm giữa EU và Việt Nam, cho nên nếu EVFTA được ký và được phê chuẩn thì EU sẽ có một “cây gậy” mạnh hơn nhiều để gây áp lực Việt Nam thực hiện “điều khoản các quyền con người, dân chủ và pháp trị” hơn là không có EVFTA. Vấn đề là EU sẽ có cây gậy ấy (nếu có EVFTA) hay không (nếu không có EVFTA) và nếu có thì họ có sử dụng cây gậy ấy hay không?
Hỏi: Nếu ba công ước cơ bản còn lại của ILO được phê chuẩn, môi trường hoạt động của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ thay đổi thế nào thưa bác?
Đáp: Nếu 2 công ước số 87 và 98 thì các nghiệp đoàn độc lập phải được tổ chức nếu Việt Nam thực hiện nghiêm túc (họ chỉ thực hiện dưới áp lực của nhân dân Việt Nam bằng các cứ thực thi quyền của mình). Thực ra nếu người lao động Việt Nam cứ theo Hiến pháp và Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã gia nhập từ các năm 1980 biết quyền lập hội, lập nghiệp đoàn là quyền của mình và cứ thế thực thi thì chẳng cần đợi đến EVFTA, nhưng có EVFTA thì sẽ thuận lợi hơn (nói như thế có nghĩa rằng chỉ thuận lợi hơn thôi vấn đề chính vẫn là người lao động Việt Nam, kể cả các công chức, có dám thực thi quyền của mình hay không). Còn nếu chỉ nghĩ rằng khi có TTP (hay CPTPP) và EVFTA sẽ có nghiệp đoàn độc lập thì sai hoàn toàn, cái chính là người lao động có hăng hái thực hiện quyền của mình hay không.
Hỏi: Ngày 06/06/2018, 90 tổ chức dân sự và chính trị đã cùng ký kiến nghị đòi bác bỏ hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam vì lý do nhân quyền. Ngày 17/09/2018, 32 nghị sĩ từ các đảng lớn của EU đã viết thư gửi Cao ủy Thương mại của EU, để đề nghị không thông qua hiệp định nếu tình hình nhân quyền của Việt Nam không được cải thiện. Theo bác, hai sự kiện này có thể ảnh hưởng tới các diễn biến sắp tới ở mức độ nào?
Đáp: Vấn đề ở đây cũng như vấn đề con gà và quả trứng. EU và Việt Nam đều cần EVFTA và lưu ý rằng đây là Hiệp định tự do thương mại, không phải hiệp định nhân quyền, nó phục vụ cho các doanh nghiệp là chính và chúng ta nên biết các doanh nghiệp họ mạnh hơn các tổ chức xã hội dân sự về vận động hành lang rất nhiều. Việc đòi bác bỏ EVFTA có thể do họ chưa cân nhắc đúng những điều lợi và hại khi có EVFTA. Bác bỏ EVFTA cũng là bác bỏ những quyền kinh tế của khá đông dân Việt Nam.
Theo tôi các tổ chức xã hội dân sự phải động viên nhân dân thực hiện quyền của mình hơn là nghĩ rằng EVFTA rất có lợi cho nhà nước Việt Nam và lấy EVFTA như một công cụ để buộc chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền (nhớ rằng họ chỉ cải thiện nếu nhân dân chúng ta ép 24/7 bằng việc thực thi quyền hợp pháp của mình). Đòi cải thiện nhân quyền trong khi họ đang đàm phán để có được các điều kiện tốt hơn là rất chính đáng, nhưng cả 2 bên đã thống nhất về văn bản rồi thì vấn đề chỉ còn là: a) bác bỏ hay không ký hay ký mà không phê chuẩn hoặc b) ký và phê chuẩn mà thôi. Theo tôi cách ứng xử theo a) là không có lợi cho nhân quyền ở Việt Nam mà vô hình trung còn phụ hoạ cho các nhóm lợi ích chống EVFTA ở Việt Nam.
Cho nên tôi nghĩ 90 tổ chức ấy nên cân nhắc lại, tuy tôi tôn trọng ý kiến của họ. 32 nghị sĩ EU có lẽ họ có những lý do của riêng họ hay đảng của họ hoặc do họ chưa hiểu thật kỹ những hệ luỵ có thể có cho dân quyền và dân chủ hoá ở Việt Nam. Tôi không đồng tình với họ và nghĩ yêu cầu của họ có thể gây trở ngại cho EVFTA nhưng chắc không cản được các lợi ích của các doanh nghiệp EU và Việt Nam.
Hỏi: Trong vấn đề EVFTA, khối xã hội dân sự độc lập Việt Nam nên lên tiếng và hành động thế nào để tối đa hóa lợi ích của đất nước, cả về mặt kinh tế lẫn nhân quyền ạ?
Đáp: Theo tôi các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam nói chung nên ủng hộ EVFTA bằng cách gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để họ phê chuẩn EVFTA và nhất là 3 công ước lõi của ILO, gây áp lực trong việc thực thi và giám sát việc thực hiện (cả với chính phủ Việt Nam và EU); nhưng quan trọng nhất giáo dục, động viên nhân dân Việt Nam thực thi quyền của mình mà không chờ chính phủ hay quốc hội cho phép. Quyền ta ta cứ làm, đấy mới là chính còn tất cả các thứ khác kể cả EVFTA chỉ tạo cơ hội thuận lợi hơn mà thôi (và đừng kỳ vọng quá vào chúng, hãy hỏi chính chúng ta quyền của chúng ta đấy sao không thực thi?)
Hỏi: Nếu mọi việc thuận lợi, khối xã hội dân sự độc lập nên tận dụng những cơ chế nào của EU, để tham gia giám sát việc thực hiện các cam kết về nhân quyền của Việt Nam ạ?
Đáp: Không cần chờ cơ chế nào của EU cả (tuy có những cơ chế như vậy) song chúng ta có sử dụng để ép cả EU lẫn Việt Nam thực hiện tốt hay không. Vẫn sự chủ động của chúng ta là chính.
HỏiNếu chính quyền Việt Nam đáp ứng không đầy đủ các yêu cầu về nhân quyền của EU, hoặc cố tình trì hoãn, câu giờ, liệu Quốc hội Châu Âu có dứt khoát hoãn EVFTA không, hay vẫn thông qua vì lợi ích của các doanh nghiệp ạ?
Đáp: Phải hỏi Ủy ban châu Âu thì mới đúng. Nếu Quốc hội châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA thì EVFTA có hiệu lực và sau đó Uỷ ban châu Âu mới là người xem xét nếu Việt Nam vi phạm thoả thuận. Tôi nghĩ Uỷ ban châu Âu sẽ làm mọi cách để ép Việt Nam thi hành, nhưng nếu Việt Nam vẫn cố tình vi phạm thì liệu Uỷ ban EU có treo EVFTA như Đức đã treo “đối tác chiến lược” hơn một năm hay không là tuỳ ở tính toán của họ về lợi ích và chi phí và trong trường hợp này khó có thể biết họ sẽ ứng xử ra sao nhất là phải lưu ý đến sự vận động hành lang của giới doanh nghiệp (họ có nhiều nguồn lực và quan hệ hơn các tổ chức xã hội dân sự rất nhiều). Tôi nhấn mạnh lại lần nữa nó cũng phụ thuộc vào chính người dân Việt Nam. Nếu ai cũng đồng lòng “quyền ta ta cứ làm” một cách xây dựng, lấy lợi ích của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam làm trọng thì áp lực ở trong nước mới là nhân tố chính trong sự nghiệp này, sự ủng hộ quốc tế trong đó có EU là quan trọng, nhưng sự ủng hộ chỉ tạo thuận lợi hơn một chút cho chúng ta mà thôi. Hành động của chúng ta mới là nhân tố quyết định.
HỏiGần đây, bác và nhiều cây bút khác đã nhận định rằng có một thế lực trong chính quyền đang cố tình cản trở EVFTA. Vậy thế lực này là ai, họ cản trở bằng cách nào, và để phục vụ lợi ích của ai ạ?
Đáp: Không phải có một thế lực đâu mà rất có thể có nhiều thế lực vô tình hay cố ý cản trở EVFTA. Tôi không có bằng chứng dứt khoát về họ, nhưng hãy chỉ xét về lợi ích chúng ta có thể giả định những thế lực nào có thể cản trở EVFTA.
_ Các thế lực nước ngoài không muốn Việt Nam phát triển, muốn Việt Nam phụ thuộc vào họ thì ít có khả năng họ ủng hộ EVFTA vì có EVFTA Việt Nam sẽ đỡ phụ thuộc hơn vào họ. Và những người ủng hộ hay đi theo các thế lực như vậy có thể tìm cách cản trở EVFTA;
_ Có các nhóm lợi ích mà quyền lợi của chúng bị xói mòn khi có EVFTA (thí dụ lãnh đạo của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam chắc không vui khi thấy có thể có các nghiệp đoàn độc lập cạnh tranh với họ; hay những người cai tù, quản lý trại cải tạo chắc không muốn nguồn thu lợi khổng lồ từ lao động cưỡng bức mang lại sẽ bị Công ước 105 của ILO ngăn cản; hay những kẻ chuyên vi phạm nhân quyền sẽ bị kìm tay chắc cũng không mấy ủng hộ EVFTA);
_ Cũng có những người vì ý thức hệ, có thể vô tình hay cố ý, cản trở EVFTA như đã có sự cản trở đối với Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ năm 1999 mãi đến 2000 mới ký được, hay sự gia nhập WTO của Việt Nam;
_ Hay tất cả những người thuộc các loại trên.
Họ cản trở bằng nhiều cách từ tăng cường đàn áp, vi phạm nhân quyền, vi phạm luật pháp của nước khác và luật pháp quốc tế, đến tuyên truyền, vận động chống EVFTA. Tất nhiên họ phục vụ cho lợi ích của chính họ hay của quan thầy của họ.
HỏiMới đây, công an A67 đã ngăn bác xuất cảnh, do sợ bác đến dự phiên điều trần của EVFTA. Trong trường hợp họ tiếp tục ngăn cản khiến bác không thể đến dự, bác muốn nhắn gửi thông điệp gì đến Quốc hội Châu Âu ạ?
Đáp: Tôi được EU mời đích danh với tư cách một người nghiên cứu về xã hội dân sự đến dự buổi Điều trần của Quốc hội châu Âu diễn ra vào chiều ngày 10-10-2018 tại Brussells. Ngày 18-9-2018 tôi sắp bay đi Australia thì bị A67 chặn không cho đi, vi phạm trắng trợn quyền tự do đi lại của tôi. Tôi đã kịch liệt phản đối và tố cáo việc làm sai trái của họ. Họ cứ sợ tôi sẽ bay thẳng từ Australia đến Brussells. Tôi đã nói với họ tôi về Việt Nam ngày 5-10-2018 và chỉ đi Brussells vào ngày 9-10-2018 theo kế hoạch.
Giấy mời cho buổi Điều trần đã được gửi cho các đại biểu Quốc hội Âu châu, cho công chúng (vì đây là buổi Điều trần công khai). Tôi đã giải thích cho đại diện A67 rằng nếu họ cản tôi đi Brussells thì đây là một BẰNG CHỨNG không thể chối cãi về việc A67 cản trở EVTFA một việc theo tôi là rất đáng lên án.
Bài phát biểu tại buổi Điều trần tôi đã gửi đến ban tổ chức khá lâu rồi (mà nội dung chính cũng đã được tôi dịch ra tiếng Việt và công bố công khai trên mạng xã hội). Nói cách khác, EU biết được chứng kiến của tôi (tôi nói ngay cả khi tôi bị cản, thậm chí bị bắt tôi cũng vẫn ủng hộ EVFTA) cho nên đối với bản thân tôi đến được Brussells là rất tốt, còn nếu họ cản trở tôi không đến dự được thì cũng không quá quan trọng vì những điều tôi muốn nói đã được trình bày bằng văn bản rồi), nhưng sẽ là một sự mất mặt, mất thể diện của Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (tôi không muốn họ ngu đần đến mức tự bôi tro trát trấu lên mặt mình, nhưng rất có thể họ làm thế). Rất nhiều người muốn cản EVFTA nhân dịp này sẽ càng lớn tiếng kêu gọi chống EVFTA. Nhưng họ có chống được EVFTA hay không (mà việc cản tôi có thể được coi là một việc như vậy) lại là chuyện khác (ảnh hưởng của giới doanh nghiệp, tính toán dài hạn của những chính trị gia có tầm nhìn, và nhiều nhân tố khác ủng hộ EVFTA). Tôi mong EVFTA được ký, được phê chuẩn và tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện.
PV Tú Cầu, Nghiệp đoàn Báo chí Việt Nam, thực hiện
Bấm vào đọc thêm:

Không có nhận xét nào: