Tây Tạng đã bị ĐCSTQ xâm lược gần 7 thập kỷ. Song ít ai biết được lịch sử bi hùng và đẫm máu của cuộc kháng chiến giành độc lập gần 20 năm của Tây Tạng dưới sự giúp đỡ của Mỹ.
Tây Tạng trước khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đóng là từng một vùng đất huyền bí mang đậm dấu ấn Phật Giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma phúc hậu tươi cười là hình ảnh biểu trưng cho vương quốc, tay ông xoay bánh xe kinh luân để tìm về cõi niết bàn. Người dân ôn hòa không ai thích bạo lực. Sau đó, ĐCSTQ đến, họ đã nhanh chóng tiêu diệt những người điềm tĩnh nơi đây. Gần 70 năm sau khi Trung Quốc tiếp quản Tây Tạng, chuyện thần thoại vẫn tồn tại nơi đây và thậm chí còn nhiều hơn. Nhờ vào giới truyền thông đưa tin và vì người phương Tây ngày càng có hứng thú với Phật giáo, những câu chuyện này đã được truyền xa khắp thế giới.
Khác với kịch bản xảy ra ở những quốc gia bị Trung Quốc tấn công, người Tây Tạng không cho phép người Trung Quốc dễ dàng xâm lược năm 1951. Trong gần 20 năm sau đó họ đã trường kỳ chiến đấu, cuộc kháng chiến đẫm máu giáng nhiều đòn nghiêm trọng lên kế hoạch bành trướng của lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Người ngoài cuộc không thể thấy được sự ác liệt của cuộc chiến vì nội tình cuộc kháng chiến đều không được công khai, bí ẩn đến nỗi không một tiểu thuyết gia nào có thể tưởng tượng ra rằng nó nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). CIA đã bảo trợ các trại huấn luyện bí mật và tiếp tế vũ khí cùng trang bị để hỗ trợ các thủ lĩnh ly khai chống lại các máy bay ném bom và pháo binh của quân đội thường trực Trung Quốc – đội quân đông đảo nhất hành tinh.
Bối cảnh của câu chuyện bắt đầu vào mùa thu năm 1951, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hành quân vào thủ đô Lhasa cổ kính của Tây Tạng sau khi buộc chính phủ tôn giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma ký vào “Kế hoạch Hòa bình Giải phóng Tây Tạng”. Thỏa thuận bịp bợm này được duy trì một chút ở Lhasa, nhưng ở những vùng xa xôi bị Trung Quốc chiếm đóng, họ đã cho bắt ép tập thể hóa hoặc giết chết các thủ lĩnh bộ tộc và các lạt ma.
Vào thời điểm đó, các thương nhân có ảnh hưởng ở Tây Tạng bắt đầu huy động một phong trào kháng chiến mà sau này trở thành tổ chức Chushi Gandrug. Người tổ chức ra Chushi Gandrug là Gompo Tashi Andrugtsang – một thương nhân 51 tuổi rất giỏi chiến đấu và uống rượu. Dù không có kế hoạch tác chiến và trang thiết bị lạc hậu, Tây Tạng đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công và đột kích thành công đáng kinh ngạc.
Cuối cùng, cuộc nổi dậy toàn dân đã nổ ra vào tháng 2/1956, sau khi Trung Quốc ném bom các tu viện cổ tại Chatreng và Litang, giết chết hàng ngàn tu sĩ và thường dân đang quyết bảo vệ nơi đó. Trước sức mạnh quân sự ngày càng mạnh của quân thù, Gompo Tashi với trang thiết bị ít ỏi của tổ chức Chushi Gandrug biết rằng họ sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Do đó, anh trai của Đức Đạt Lai Lạt Ma là Gyalo Thondup đã được CIA tiếp cận và ông đã liên lạc với người Mỹ. Ông nhận thấy người Mỹ hoàn toàn thích thú với viễn cảnh ủng hộ người Tây Tạng và xem nó nằm trong chiến dịch chống cộng sản toàn cầu.
Theo ý kiến của một thành viên CIA, nếu không có diễn biến gì khác, cuộc kháng chiến của người Tây Tạng sẽ là một phương cách để gây ra ‘vết thương cho cộng sản đỏ’ mặc dù cấp bậc cao nhất của chính quyền Hoa Kỳ không yêu cầu CIA đưa quân đi giải phóng Tây Tạng. Quân du kích của Gompo Tashi rất vui mừng trước viễn cảnh hỗ trợ của Mỹ. Họ biết rất ít về Hoa Kỳ, nhưng xem những tuyên truyền của ĐCSTQ mà họ biết thì đất nước xa xôi này là kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc.
Sau đó vào một đêm tối đen như mực của mùa xuân năm 1957, CIA đã khiến 6 người đàn ông thuộc nhóm Gompo Tashi vô cùng phấn khích. Ngay lúc nhìn thấy chiếc máy bay đầu tiên của CIA họ đã kinh ngạc tột độ – đến nỗi người Tây Tạng phải phát minh ra một từ mới để nói về nó, gọi là máy bay là namdu, hay “con tàu trên không”- và lần đầu tiên họ được nhìn thấy người da trắng. Sau một chuyến bay không thể tưởng tượng được trong cỗ máy phi thường, sáu người Tây Tạng bị làm cho ngơ ngác đã hạ cánh xuống Saipan, hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Marianas Tây Bắc Thái Bình Dương để được huấn luyện, dù hầu hết họ không biết Saipan ở nơi nào trên Trái đất. 5 tháng sau đó, sáu người Tây Tạng được huấn luyện sử dụng vũ khí hiện đại và chiến thuật du kích. Họ cũng được đào tạo về hoạt động gián điệp và mật mã, cách vận hành máy thu/phát vô tuyến quay tay.
Một cựu chiến binh Tây Tạng nhớ lại: “Chúng tôi đã sống chỉ để giết bọn Trung Quốc. Niềm hy vọng của chúng tôi rất to lớn”.
Gyato Wangdu, người tham gia khóa huấn luyện và sau này trở thành tư lệnh cuối cùng của Chushi Gandrug, đã yêu cầu nhân viên điều hành CIA Roger McCarthy cho mình “một loại vũ khí hạt nhân cầm tay nào đó … mà các học viên có thể sử dụng để tiêu diệt hàng trăm người của ĐCSTQ”. CIA từ chối, nhưng McCarthy nói thêm rằng Wangdu đã được huấn luyện cách tiêu diệt quân địch và nhanh chóng sử dụng thành thạo bazookas cùng súng cối.
Vào mùa thu năm 1957, người Tây Tạng chưa bao giờ nhìn thấy “chiếc thuyền trên bầu trời” nên giật mình ngạc nhiên khi hướng mắt về ánh sáng lạnh lẽo của đêm trăng tròn. Athar Norbu là một trong những người nhảy dù đầu tiên, nhớ lại: “Chúng tôi có thể thấy sông Nhã Lỗ Tạng Bố bên dưới phát ra ánh sáng lập lòe trong bóng tối. Đó là một đêm trời trong mây tạnh. Hạnh phúc dâng trào trong tim… khi chúng tôi lao ra khỏi máy bay”. Tại Lhasa, Athar Norbu và một du kích khác đã liên lạc với Gompo Tashi. Dự án chiến đấu bí mật này có tên là ST Circus (đấu trường Tây Tạng). CIA giờ đã tham gia vào cuộc chiến.
Mùa hè năm 1958, Gompo Tashi thành lập trụ sở mới tại Triguthang ở miền nam Tây Tạng, nơi đây tập trung hàng ngàn người thuộc lực lượng kháng chiến Tây Tạng. Để nỗ lực được nhiều người ủng hộ hơn, họ đổi tên phong trào thành Tensung Dhanglang Magar (Lực lượng Tự nguyện bảo vệ Phật giáo). Hai người Tây Tạng được CIA đào tạo quan sát mọi hoạt động và truyền tin lại cho Mỹ. Vào tháng 7, lần đầu tiên CIA thả khí giới xuống Tây Tạng – phần lớn là súng trường Lee-Enfield cũ. Cựu chiến binh của ST Circus nhớ lại sự phấn khích lúc nhận thư tín từ đồng đội thân tín cách xa 15.000 dặm, ở một nơi tưởng chừng chỉ có trong thần thoại và chỉ vài người Mỹ có thể xác định được vị trí trên quả địa cầu.
Ngay cả Giám đốc CIA Allen Dulles, khi tìm kiếm Tây Tạng trên bản đồ thế giới, đã mò mẫm khu vực xung quanh gần Hungary sau đó may mà có một sĩ quan cấp dưới nhã nhặn chỉ cho ông. John Kenneth Knaus, cựu sĩ quan của CIA, người đã từng làm việc trong cuộc kháng chiến Tây Tạng từ năm 1959 đến năm 1965, thừa nhận: “Có điều gì đó rất đặc biệt” về Tây Tạng – trong đó có cả thiên đường huyền thoại Shangri-La, xứ sở thần tiên được miêu tả trong tiểu thuyết “Chân trời đã mất” của James Hilton năm 1933. Ngoài ra các nhân viên CIA có liên quan – tự gọi mình là “Câu lạc bộ người già Tây Tạng” – thừa nhận trong tiếng cười sảng khoái rằng họ thấy may mắn vì được tham gia vào “cuộc hành quân tốt đẹp” này, còn hơn tham gia sự kiện Vịnh Con Lợn bất thành năm 1961 ở Cuba.
Rộn ràng vì hai nhân viên vận hành máy vô tuyến ở miền trung Tây Tạng đã vận hành thành công, CIA đã xây dựng một cơ sở bí mật hàng đầu tại Camp Hale, bang Colorado, nguyên là căn cứ của Sư đoàn núi số 10 của Quân đội Hoa Kỳ. Người Tây Tạng yêu thích dãy núi Rocky cao hơn 3.000m, những ngọn núi cao và những khu rừng rậm rạp của Camp Hale vì chúng gợi nhớ về quê hương của họ, nên họ đã gọi đó là trại Dhumra, nghĩa là “khu Vườn”. Sinh hoạt tại Camp Hale rất khắc khổ, huấn luyện rất nghiêm khắc và kỹ lưỡng. Khi người Tây Tạng lên máy bay để trở về nhà, ai cũng mang theo những thứ giống nhau: vũ khí cá nhân, bộ liên lạc không dây và viên nang xianua gắn vào cổ tay trái của mỗi người.
Những chiến binh Tây Tạng ở Camp Hale có niềm tin rằng họ đang được huấn luyện để giành lại độc lập cho Tây Tạng. Thông dịch viên Thinley Paljor nhớ lại: “Trong phòng chơi, chúng tôi treo bức tranh của Dwight D. Eisenhower có chữ ký của ông: ‘Dành cho những người bạn Tây Tạng của tôi, từ Eisenhower’. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng vị tổng thống đó đang ủng hộ chúng tôi”.
Các chuyên gia huấn luyện cũng cảm thấy giống vậy khi nhân viên CIA và chiến binh Tây Tạng hình thành những mối liên kết cực kỳ mạnh mẽ.
Quay trở lại Tây Tạng, chiến dịch kháng chiến mãnh liệt đã được đền đáp. Các chiến binh tự do kiểm soát hữu hiệu các vùng quan trọng của vương quốc đồi núi này. Được khuyến khích, CIA đã thả thêm khí giới lần hai cho đội quân của Gompo Tashi, sau đó thêm hai lần tiếp tế vào năm 1958.
Tuy nhiên, ở thủ đô Lhasa, chiếc mặt nạ chung sống hòa nhã của ĐCSTQ với vị vua trẻ Tây Tạng là Tenzin Gyatso và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã bị lột bỏ. Nhiều vụ xô xát rõ ràng được dựng nên, thậm chí là tấn công thường dân. ĐCSTQ lên kế hoạch trừ khử Đức Đạt Lai Lạt Ma, vô số dân chúng của Lhasa lúc đó vây quanh cung điện để bảo vệ ông. Việc làm cách nào mà Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát ra khỏi đám đông này vẫn còn là điều bí ẩn. Vào ngày 17/3/1959, các binh sĩ kháng chiến đã lén đưa ông ra khỏi cung điện Potala, đến vùng lãnh thổ của quân du kích. Nhóm của họ có thêm hai người Tây Tạng do CIA đào tạo gia nhập để hộ tống ông đến biên giới Ấn Độ.
Hai ngày sau, vẫn không ai hay biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn thoát. Khi hay tin, ĐCSTQ đã rót đạn vào cung điện bỏ trống. 2 giờ sáng ngày 20/3, họ bắt đầu bắn phá thành phố. Tức giận khi biết Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát, họ đã hành quyết thường dân của Lhasa để hả giận. Số lượng chính xác chưa được xác định, nhưng theo báo cáo, các thi thể nhiều tựa như đống gỗ xếp chồng trên đường phố. Quân số ĐCSTQ đông hơn và mạnh lên nhờ có máy bay, thông tin liên lạc vô tuyến được cải thiện và PLA truy sát không ngừng, do đó lực lượng Chushi Gandrug ở miền đông Tây Tạng nhanh chóng bị tiêu diệt. Khi đối mặt với cuộc công kích dữ dội, Gompo Tashi và tàn quân đã gia nhập đoàn người di cư Tây Tạng qua dãy Himalaya, theo lãnh tụ lưu vong của họ. Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bay tới Ấn Độ, số lượng người Tây Tạng bí mật bay đến trại huấn luyện Camp Hale ở Mỹ tăng lên. Cuối cùng, 259 người Tây Tạng được huấn luyện ở đó.
Tuy nhiên, người Tây Tạng cũng đã có những thành công nhất định. Gompo Tashi sau đó liên kết với Roger McCarthy, nhân viên hoạt động của CIA phụ trách chương trình Tây Tạng vào thời điểm đó. Những chi tiết về cuộc tấn công ngày 25/12 của 200 chiến binh được Tashi kể lại: “Những người đàn ông tấn công vào ngày hẹn và chiến đấu trong 15 ngày, phá hủy hơn 500 doanh trại và nhiều phương tiện của Trung Quốc… Báo chí của ĐCSTQ… tường thuật rằng hơn 550 binh sĩ Trung Quốc đã ‘anh dũng’ hy sinh trong trận chiến này. Chúng tôi đã mất 20 người và 9 người khác bị thương”. Tashi kể thêm 29 quân tình nguyện Tây Tạng dẫn đầu 400 người dân địa phương tấn công một trại lính Trung Quốc khác trong vùng. “Trận chiến đó kéo dài 10 ngày”, ông nhớ lại.“Họ đã gây thương vong nặng nề cho người Trung Quốc …”.
Rồi vào ngày 24/1/1959, “một lực lượng tình nguyện viên khác của chúng tôi gồm 130 người đã tấn công quân Trung Quốc tại Tengchen và chiếm lấy pháo đài ở Teng Dzong… Hơn 4.000 người ở địa phương đã tình nguyện tham gia với chúng tôi… Cuộc tiêu diệt quân Trung Quốc có hệ thống và sắp hoàn thành thì không may vì lúc đó bầu trời trong veo, quân Trung Quốc bắt đầu ném bom phản công và xả súng máy từ trên máy bay… Chúng tôi đã không giết được hết bọn người Trung Quốc nhưng sẽ làm được nếu có thông tin liên lạc tốt hơn giữa các lực lượng và nếu trời không trong đến thế”.
Tháng 9/1959, cách Lhasa hơn 200 dặm về phía đông bắc, hơn 18 du kích được thả xuống gần Chagra Pembar để đào tạo lực lượng người bản địa tập trung tại khu vực cắm lều rộng lớn cùng với thân quyến và vật nuôi. Cuối cùng lực lượng đã lên tới 35.000 người Tây Tạng. Trong văn hóa truyền thống của các bộ lạc Tây Tạng hơn 1000 năm qua, họ đã tụ tập theo cách này. Giữa tiếng kêu của bầy gia súc và biển khói lam bốc lên từ các bếp ăn, ít nhất hai trong số các nhóm chiến binh Tây Tạng đã phát tín hiệu để được hỗ trợ thêm.
Ngay sau đó CIA thực hiện vài lần tiếp tế vũ khí, lần này cung cấp súng trường bán tự động M-1, súng cối, lựu đạn, súng trường không giật và súng máy. CIA tiếp tế cũng không hề ít. Lần đầu tiên bao gồm 126 kiện khí giới, bao gồm 370 súng trường M-1 với 192 viên đạn mỗi khẩu súng, bốn khẩu súng máy với 1.000 viên đạn mỗi lần bắn và hai bộ vô tuyến. Lần tiếp tế thứ hai diễn ra vào tháng tiếp theo, và lần thứ ba là 226 kiện trong đợt trăng tròn kế tiếp cung cấp thêm 800 khẩu súng trường, 200 bao đạn dược và 20 hộp lựu đạn. Ngày 6/1/1960, khoảng 650 kiện hàng được thả xuống với nhiều trang bị hơn, cộng với thuốc và thực phẩm. Rõ ràng, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tị nạn thành công, CIA đã quan tâm hỗ trợ vũ khí hơn cho Tây Tạng.
(Hết phần 1)
Bảo Long, theo History Ne
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét