09:13, 12/10/2018
Các đấng quân vương thời xưa đều là bậc ở dưới Trời mà trên vạn người, nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. Nhưng vì sao dưới nhiều triều đại, dân chúng vẫn ấm no, lương thiện mà không trở thành nạn nhân của việc lạm quyền? Hơn thế nữa, của cải của dân còn được dồi dào, tục dân được đổi tốt. Phải chăng chỉ nhờ vào tài năng lãnh đạo?
Làm chính trị hay đại nghĩa trị quốc không vị tư
Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, có rất nhiều những sự thật đã bị lu mờ. Ví như, mấy ai tin rằng một quốc gia do vua chúa nắm quyền lực tuyệt đối lại có thể thịnh vượng và phát triển? Bởi một khi đã có quyền lực trong tay, lòng người sẽ khó mà giữ được cho chính. Quân vương mà bất chính thì triều đình ắt bất chính, triều đình bất chính thì dân sao có thể chính, dân đã bất chính rồi thì xã hội loạn lạc là lẽ thường tình.
Thế nên, không ít người đời nay một mực tin rằng, xã hội mà chúng ta gọi là phong kiến là “không kiện toàn”, “thối nát” và “kém phát triển”. Vậy nhưng, suốt hàng nghìn năm đó, cổ nhân đã để lại những bài học vô cùng ý nghĩa về việc quyền lực nhiều hay ít không phải là vấn đề. Cốt lõi là phải hiểu làm “chính trị” là gì để điều hành đất nước cho hợp với Đạo.
Xưa, khi Quý Khương Tử hỏi Khổng Tử về chính trị (tức là cách cai trị). Khổng Tử đã đáp rằng:
“Chữ chính trị (cai trị) từ chữ chính (ngay thẳng) mà có, nghĩa là cai trị (chính) là chăm lo cho dân trở nên ngay thẳng, chính đáng. Nay đại phu là bậc dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình ngay thẳng, chính đáng thì còn ai dám ăn ở bất chính?” – (Luận ngữ, Chương Nhan Uyên).
Lúc Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn cũng nói rằng: “Này ông Thuấn, vận khí trên trời sắp sửa đặt lên vai ông, ông phải trung thực làm theo chính đạo. Nếu một ngày nào đó, ông đưa thiên hạ vào cảnh bần cùng, thì trời cao sẽ tước hết phúc lộc đã dành cho ông!”.
Có thể thấy, quan niệm làm vua của người xưa không phải chỉ là vì sự tham lam, khát vọng quyền lực. Vua nhận mình là Thiên Tử cũng không phải chỉ là sự cao ngạo, mị dân. Mà vì họ nhận thức rằng đó là sứ mệnh được Trời ban cho, dẫn dắt lương dân, chăm lo cho đời sống dân chúng được đủ đầy. Muốn thế, bậc quân vương cũng phải thuận theo chính đạo, bởi quân có đức nhà nước hưng, quân vô đức, nhà nước vong.
Những minh quân thời xưa đều biết rõ đại nghĩa trị quốc này nên đều tu dưỡng thiện tính thiên phú của bản thân, tu thành quân tử đại đức xứng với Đất Trời, điều này được coi là nhiệm vụ chính yếu của người cầm quyền, không dám có chút trễ nải.
Thay Trời chăm dân
Có câu rằng “dân dĩ thực vi Thiên” (dân coi miếng ăn là Trời), ý nói dù ai làm vua cũng vậy, dân chỉ thật sự coi trọng và yêu mến người nào bảo vệ, chăm lo được cho đời sống thiết thực của họ, cho miếng ăn, chỗ ngủ, đời sống tinh thần lẫn vật chất đều lành mạnh, sung túc của họ. Thế nên kẻ làm vua, chẳng phải có tất cả quyền lực trong tay rồi thích làm gì thì làm, chèn ép, bóc lột người dân mà không có báo ứng gì. Động đến “Trời” của người dân, thì sớm muộn cũng sẽ có biến.
Trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ Lý Trần được xem là thịnh thế bắt đầu từ “vị Tổ Trung hưng thứ nhất” Lý Công Uẩn. Xuất thân từ cửa Phật, ông thấm nhuần tư tưởng tu thân, mang ân đức của quân vương tới cho bách tính, lương dân. Đến đời Lý Thánh Tông, đại nghĩa thương dân như con vẫn được gìn giữ để lại những giai thoại tới muôn đời.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa đông năm Ất Mùi (1055), trời giá lạnh khủng khiếp, Lý Thánh Tông nói với các vị quan lại rằng: ‘Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét run như thế này, ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao chịu đói lạnh khổ sở, chưa biết phải trái ra làm sao. Ăn không đầy bụng, mặc không đủ che thân, vì gió rét nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương’. Rồi vua truyền lấy chiếu cho tù nhân và cho mỗi ngày hai bữa ăn”.
Thương xót đến cả những phạm nhân, thành phần thuộc đáy xã hội, bởi vua nghĩ rằng những kẻ phạm tội phần lớn là vì không hiểu rõ luật lệ nên mới phạm pháp. “Năm 1064, vua Lý Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Đông Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào con gái yêu mà nói với các quan rằng: Ta yêu con ta, như là cha mẹ dân yêu dân, vì dân không hiểu luật lệ nên mới bắt tội, ta lấy làm thương. Vậy từ rày về sau không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan hồng cả” – (Trích Đại Việt sử ký toàn thư). Kẻ tội phạm vua còn thương như vậy thì thuận dân, lương dân vua ắt sẽ chăm lo cho đời sống được đủ đầy.
Tới thời Lê Thánh Tông, đường lối chính trị kết hợp giữa pháp trị và đức trị vẫn được duy trì, nhưng để yên lòng dân thì cốt lõi là tu thân dưỡng đức cho vẹn toàn. Lê Thánh Tông hiểu cái lý này, nên ông tự nhắc mình về trách nhiệm “thay Trời chăm dân” qua bài thơ Quân đạo (Đạo làm vua) như sau:
“Đế vương đại đạo cực tinh nghiên
Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên
Thế trị, bảo bang tư kế thuật
Thanh tâm, qủa dục tuyệt ưu điền.
Bàng cầu tuấn nghĩa phu văn đức
Khắc cột binh nhung trong tướng quyền
Ngọc chúa động tri hàn úc tự
Hoa, di dược lại thái bình niên”.
Dịch nghĩa:
Đế vương đạo lớn cốt cho tinh,
Lo nước, kính Trời hết sức mình,
Trị loạn vốn chăm gìn nết cũ,
Ăn chơi quyết lánh giữ lòng thanh.
Cầu hiền: quốc sách cần tôn đức,
Trọng tướng: quân nhung mới chí tình,
Ấm lạnh xa gần soi đuốc ngọc,
Dưới trên trăm họ hưởng thanh bình.
Hay trong bài Tự Thuật, vua Lê Thánh Tông cũng đã viết:
“Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc Trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”.
Người nắm trong tay quyền lực tuyệt đối không phải chỉ để đứng trên vạn người, mà là để chăm lo cho vạn người. Muốn thế thì luôn phải ghi nhớ trách nhiệm vĩ đại và luôn nhìn lại mình mỗi ngày, đọc sách, tu sửa tâm mình cho chính. Trong việc chính sự thì lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, làm mục đích cai trị chứ không phải nhằm thoả cái dục vọng quyền lực, lợi ích thấp hèn.
Không chen lẫn tư tâm vụn vặt
Trong điều di huấn thứ nhất của samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân, Saigo Takamori đã viết: “Điều hành chính phủ quốc gia tức ‘thay Trời hành đạo’ phải thuận theo tự nhiên, Đất Trời, nên không được xen lẫn tư lợi dù chỉ một chút”.
Điều di huấn thứ tư ông cũng lại viết: “Người đứng đầu vạn dân luôn phải thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh lãng phí, thực hành tiết kiệm, dốc hết sức làm việc để làm gương cho dân, nếu không khiến dân cảm động, thương cảm về sự cần mẫn của mình thì khó thực thi mệnh lệnh chính phủ. Hiện nay vừa mới bắt đầu Duy Tân mà chỉ nghĩ đến nhà cao cửa rộng, áo lụa quần là, hầu thiếp xinh đẹp, chăm chăm tích trữ, làm giàu cho bản thân thì không thể đạt thành tựu Duy Tân đúng nghĩa”.
Trong điều di huấn thứ mười sáu, Saigo cũng đúc kết lại rằng: “Nếu đánh mất tâm hồn tiết nghĩa, liêm sỉ, sẽ không thể duy trì quốc gia. Các quốc gia Tây dương cũng vậy. Nếu người đứng trên chỉ biết đòi hỏi kẻ dưới chiến đấu vì lợi ích riêng mình, quên mất con đường đúng đắn thì kẻ dưới cũng bắt chước, chạy theo tiền của, đâm ra hẹp hòi, lâu dần không còn trong sạch, lòng tự trọng nữa…”
Muốn vậy Saigo cho rằng người lãnh đạo càng phải thuận theo Đạo. “Đạo là đạo lý căn bản, tự thân trong Trời Đất nên để đạt được sự tận cùng của học vấn, phải luôn tâm niệm lấy câu ‘Kính Thiên Ái Nhân” – (Trích di huấn thứ hai mốt của Saigo). Kính Thiên để biết khiêm nhường, đặt mình dưới sự ước thúc của đạo đức căn bản. Ái nhân để luôn đặt lợi ích của người khác, của lê dân bách tính lên trên lợi ích cá nhân vụn vặt, nhỏ bé.
Các minh quân thời xưa đều không nghĩ làm vua là một đặc ân để mình hưởng thụ vinh hoa phú quý, bởi họ biết rằng, đức hạnh của người quân tử liên quan đến đại sự quốc kế dân sinh. Người làm vua là để dẫn dắt, cho dân chúng cuộc sống ấm no, thịnh vượng hơn. Vì thế, họ đều kính trọng Trời Đất, ham học sách Thánh hiền, biết “lấy chính đạo để trị nước”, tự thấy trách nhiệm của người làm vua là chăm lo cho dân, thương dân như con. Để làm được điều đó, mọi hành động, suy nghĩ đều phải dựa trên chính đạo, không phải chỉ là lời nói suông.
Thế nên quyền lực tập trung không phải là điều thật sự đáng lo ngại, nếu người làm chính trị đều hiểu rằng “bậc dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình ngay thẳng, chính đáng thì còn ai dám ăn ở bất chính?” và: “Cái gốc của việc lập đức là trước hết phải chính tâm. Tâm chính là thân chính, thân chính là người tả hữu cũng chính, người tả hữu chính thì triều đình chính, triều đình chính thì nước nhà mới chính, nước nhà chính thì thiên hạ chính” – (Trường Đoản Kinh).
Thuần Dương
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét