2-5-2019
Có một “dòng tiền chết chóc” đang được chảy ngầm! Và đây không còn là chuyện riêng của EVN mà là của Bộ Công thương và lớn hơn là Chính phủ. Thậm chí là chế độ!
Có thể tóm tắt như sau:
– EVN vận hành các nhiệt điện than bên cạnh các nhiệt điện than tư nhân. Nhiệt điện thải ra tro xỉ và có rất nhiều độc chất trong tro xỉ. Ngoài ra, nó có cả đồng vị phóng xạ. Những độc chất này rất mịn và thậm chí siêu mịn (có thể nhỏ hơn 1/620 đường kính sợi tóc, trực tiếp xuyên qua mao mạch vào máu người và động vật).
– Tiền xử lý tro, xỉ mà các nhiệt điện bắt buộc phải trả khoảng 600.000 đồng/tấn. Tuy nhiên không một đơn vị nào có phép xử lý chất thải rắn (do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp) lại thực sự xử lý cả. Phương pháp trước nay là chôn lấp công khai và trái phép. Gần đây chuyển từ chôn lấp sang san lấp công trình xây dựng, san lấp đường giao thông, hoàn nguyên mỏ (hoàn nguyên mỏ là cách chơi chữ trí trá, đem tro xỉ đổ xuống các mỏ đất, mỏ đá đã khai thác thì sao gọi là hoàn nguyên?).
– Tất cả các giấy phép cho phép san lấp đều là văn bản dưới luật và vi phạm Luật Bảo vệ môi trường 2014 lẫn điều 50 Hiến pháp 2013.
– Các đơn vị hiếm hoi (đếm trên đầu ngón tay của 1 bàn tay) có thể xử lý được tro, xỉ nhiệt điện Ở MỨC AN TOÀN THEO CHỈ TIÊU XUẤT KHẨU bị EVN “bít cửa” bằng hợp đồng bán tro xỉ với giá 0 đồng. Nghĩa là người có khả năng xử lý chất thải đã bị “đớp” 600.000 đồng/tấn còn kẻ gây ô nhiễm thì nhởn nhơ đút tiền vào túi.
Chưa đủ tham lam, các “sân sau” còn muốn bán số tro, xỉ ấy với giá từ 10.000-50.000 đồng/tấn. Nghĩa là muốn “hút máu” tiếp những người thực sự có khả năng xử lý chất thải.
Không ai ngu để đi làm tôi mọi cho lũ gian thương và tham quan ấy nên tro, xỉ chất núi, chiếm quỹ đất rất lớn của quốc gia và gây ô nhiễm nặng nề xung quanh các vùng chôn lấp. Hết đất, chúng mới nghĩ ra trò san lấp vi phạm pháp luật như đã nói ở trên.
– Nhưng EVN không thể làm được điều đó một mình. Chí ít, có năm nơi mà nhiều cán bộ cần phải ra tòa vì liên quan đến quy trình xả thải và ăn tiền xử lý chất thải: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương.
Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án nhiệt điện. Họ không công khai các ĐTM nhiệt điện để dân giám sát và trên thực tế, các điểm ô nhiễm do nhiệt điện bây giờ ở tình trạng khủng khiếp. Bộ Xây dựng cho phép đem tro, xỉ nhiệt điện đi san lấp theo Tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu xây dựng nhưng tôi hoàn toàn có thể chứng minh bằng các test thôi nhiễm và cả test đồng vị phóng xạ. Tiêu chuẩn Việt Nam mới về việc đem tro, xỉ đi san lấp thiếu rất nhiều chỉ số kiểm định là cách tiếp tay của Bộ Khoa học công nghệ. Bộ Giao thông vận tải cũng tham gia để đem tro xỉ đi làm đường (cao tốc Bắc – Nam sắp tới chẳng hạn).
Riêng Bộ Công thương, đơn vị quản lý trực tiếp của EVN, có lẽ không cần nói thêm nữa. Bởi người dân có thể chỉ trực tiếp và khẳng định nhà máy nào của EVN xả thải không qua lọc tĩnh điện vào ban đêm, cụ thể từng chút một. Chí ít, chả thấy chút trách nhiệm của Cục Kỹ thuật An toàn của Bộ này ở đâu?
…
Xử lý (mà thật ra có xử lý đâu) 1 tấn tro xỉ thì lũ gian thương ấy “ăn” 600.000 đồng. Vậy cứ nhân với 75 triệu tấn tro xỉ vào năm 2020 bạn sẽ hiểu dòng tiền ấy lớn đến cỡ nào. Và đến năm 2030, khi toàn bộ các nhiệt điện sẽ tăng chừng gấp đôi, “dòng tiền chết chóc” ấy còn khủng khiếp hơn.
Tôi đã cảnh báo nát nước về một viễn cảnh vô cùng tăm tối khi tro, xỉ ấy san lấp trực tiếp làm nền chung cư bán cho dân, làm nền đường giao thông đi qua vựa lúa Miền Tây,.v.v… Nếu biết có bao nhiêu người dân Vĩnh Tân tan nhà, nát cửa vì bệnh tật, vì bị ô nhiễm tàn phá sinh kế thì hãy cứ việc im lặng. Để “dòng tiền chết chóc” ấy cứ chảy vào túi bọn quan tham, lũ gian thương và biến thành biệt thự, thành thẻ xanh định cư nước ngoài. Để lại trong tương lai một quốc gia tan nát như Vĩnh Tân hôm nay (xem ở comment).
Được biết, có khá nhiều hồ sơ tố cáo liên quan vấn đề trên đã gửi đi các nơi. Và tôi còn giữ một niềm tin mong manh rằng phải có đại án ở ngành điện và các Bộ liên quan.
Không có cũng chả sao, một ngày nào đó nhân dân khi đủ hiểu sẽ tự làm điều đó!
P/s: Sáng nay, báo VNN nói về “Chuẩn bị cho Đại hội (Đảng) XIII, chuẩn bị cho đất nước cất cánh”. Xin thẳng thắn cảnh báo rằng số người chết vì ô nhiễm cũng sẽ “cất cánh” rất nhanh từ sau 2030!
Chú thích: Xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là một trong những nơi lượng mưa ít ỏi nhất Việt Nam. Nên niềm vui bé mọn của dân ở đấy cũng ngắn ngủi vô cùng. Có điều, tro xỉ đi san lấp sẽ cho dân cả nước “sáng mắt, sáng lòng” nhanh thôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét