Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Ông Vũ Ngọc Hoàng, giá tất cả TW đều như ông!

Bùi Quang Vơm

18-1-2016
Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông do báo Tuổi Trẻ thực hiện hôm 16/01, quả thật tôi hết sức bất ngờ. Thú thật là tôi chưa bao giờ tâm đắc như vậy với một đảng viên cộng sản. Ông nói: “Tình hình hiện nay phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình. Tôi hiểu giá trị của việc phải ổn định để phát triển, nhưng đổi mới căn bản không có nghĩa là không ổn định, không có nghĩa là làm mất ổn định, mà đổi mới căn bản mới có một sự ổn định căn bản, lâu dài, thực chất, chắc chắn“.
Ông hoàn toàn đúng. Phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình. Những cái gọi là đổi mới tới thời điểm này, là đổi mới trên ngọn, đổi mới chắp vá, không phải là đổi mới căn bản theo đúng nghĩa chữ căn bản là gốc rễ, tiếng Anh hay tiếng Pháp đều gọi là radical. Vì không đổi mới tới tận gốc rễ, cho nên đảng cứ loay hoay giữa sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, giữa quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghiã với quan hệ sản xuất XHCN. Từ đó mới ép cho ra cái Thị trường Định hướng XHCN, ngụ ý Thị trường nhưng có sự chỉ đạo của Đảng. Đây có nghĩa là Thị trường nửa vời, là đổi mới không căn bản.

Muốn có phát triển nên phải cầu cứu Thị trường, nhưng muốn tới XHCN thì phải tiêu diệt dần kinh tế tư nhân TBCN. Đã Định hướng XHCN thì đương nhiên và bắt buộc phải ưu tiên kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước phải là chủ đạo. Nền kinh tế có một thành phần làm chủ đạo, được Nhà nước bảo hộ, vạch sẵn đường đi theo một ý tưởng chủ quan nào đó, cũng gọi là kế hoạch hoá, thì không còn là nền kinh tế thị trường nữa. Thị trường là Cung Cầu, là Cạnh Tranh làm thế nào để Định Hướng? Vừa muốn được công nhận Thị Trường đầy đủ vừa muốn có kinh tế được Định Hướng, có phải là lẩn thẩn không?
Một chuyện chưa rõ ràng nữa là, cái định hướng có phải ngụ ý rằng, trong khi chưa tới được XHCN, thì còn cần Kinh tế thị trường, sau đó thì không. Nghĩa là tới lúc nào đó, các thành phần kinh tế phi XHCN khác sẽ phải bị triệt tiêu, chỉ còn lại duy nhất kinh tế quốc doanh. Khi ấy, có phải Đảng lại phát động chiến dịch Cải tạo thương nghiệp Tư bản Tư doanh. Và Thần Chết Đỗ Mười lại tái xuất?!
Có lần ông Trọng hé lộ rằng có lẽ phải đến giữa thế kỷ này mới kết thúc giai đoạn quá độ. Chưa một ai xác định những tiêu chí cần đủ của giai đoạn quá độ, nhưng ngầm hiểu là đạt ngang với các nước phát triển hịện nay. Đó là lúc tận thế của các Đại gia tư nhân và kinh tế cá thể.
Hiểu chữ căn bản (radical) của ông cho đúng nghĩa là đổi mới từ nền tảng của xã hội. Đó là cái nền mà trên đó chúng ta xây dựng mọi cấu trúc, cả kinh tế lẫn văn hóa xã hội, cái mà Mác gọi là Hạ tầng cơ sở. Một hạ tầng xã hội đa thành phần, đa sở hữu gọi là Hạ tầng Đa nguyên là Hạ tầng hình thành tự nhiên ngay từ khi ra đời và phát triển của xã hội loài người. Trên cái nền Hạ tầng này, Kinh tế thị trường cũng hình thành tự nhiên, tự điều chỉnh, tự thích ứng, tự hoàn thiện dưới áp lực không bao giờ giảm gay gắt của những xung đột tự thân, mà mãi tới thế kỷ thứ mười tám, mới có một người Anh tên là ADAM SMITH đặt tên cho nó là Bàn tay vô hình. 
Bản chất của Xã hội là Đa Nguyên. Nó chỉ bị bóp méo, biến dạng do các nguyên nhân khác nhau từ ý chí chủ quan của loài người, hoặc các sản phẩm từ ý chí của con người, như các loại Tôn giáo, các loại triết học, các loại chủ nghĩa.v.v… Nhưng tất cả những loại biến dạng này chỉ có tính tạm thời, hay gọi là trạng thái không ổn định, giống như dao động của con lắc, như sóng gió trên mặt hồ nước.
Trên cái nền Đa nguyên ấy, mọi cái đều Đa nguyên. Mác gọi là Hạ tầng cơ sở và Thượng tầng kiến trúc. Trong một xã hội không thể chỉ có một loại người, chỉ có một loại tư tưởng. Có những Tôn giáo có tới hàng trăm triệu tín đồ. Nhưng không bao giờ chỉ có một tôn giáo duy nhất trên mặt Địa cầu. Đức tin là cái riêng, thuộc sở hữu riêng, bất khả tước đoạt của mỗi người. Đó chính là bản chất của Đa Nguyên.
Cho nên cái căn bản mà ông nói, tôi hiểu đó không phải là đổi mới, mà về bản chất, nó là sự trở về. Trở về với trạng thái vốn có trước khi nó bị biến dạng. Nền kinh tế Kế hoạch hoá tập trung quan liêu, hướng tới một nền kinh tế không sở hữu, không hàng hoá, không tiền tệ, là một loại biến dạng, tức là nó chỉ xuất hiện do ý chí của con người trong một giai đoạn nhất định. tức một loại biến động, một dao động, nhưng là dao động tắt dần, và thời kỳ này là thời kỳ nó đã tắt từ châu Âu, đang tắt và sẽ tắt hoàn toàn. Cái đuôi Định hướng XHCN chính là sự níu kéo của cái dao động quán tính đó. Cái đuôi này tự nó sẽ biến mất.
Tôi biết khi nói chỉ có Đổi mới căn bản mới giải quyết căn bản được tình hình, có nghĩa là chỉ có bỏ hẳn cái đuôi XHCN vớ vẩn kia đi, thì mới có bình đẳng cơ hội kinh doanh, bình đẳng về các nguồn lực, mới hết bao cấp, mới hết ưu tiên, hết bảo hộ và mới có cạnh tranh thực sự, và quan trọng hơn là mới mất đi cái đống tài sản công làm mồi ăn cho những lòng tham không đáy. 
Nhưng tôi không dám chắc rằng nói đổi mới căn bản là ông ngụ ý đổi mới cả nền tảng tư tưởng. Tức là bấng cả rễ Chủ Nghĩa Mác-Lênin. Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. 
Trong số các ông, tôi không nhớ là ai, có người nói rằng “Kinh tế thị trường trong XHCN hay trong TBCN đều phải là kinh tế thị trường. Tất nhiên XHCN cao hơn, nhưng trước khi cao hơn thì phải bằng đã”. 
Đúng quá, Mác nói rằng sau khi phát triển tới tột bậc, Xã HộiTư Bản sẽ chuyển sang Xã Hội Chủ Nghĩa?! Như vậy là XHCN cao hơn, ưu việt hơn, nhưng chủ nghĩa tư bản phát triển trên mặt đất từ ba trăm năm nay, mà chẳng thấy nước Tư Bản phát triển nhất nào chuyển thành nước XHCN cả. Có vẻ như ở các nước Tư Bản phát triển này, không có ai đào mồ chôn ai cả. Các giai cấp đối kháng sống thuận hoà với nhau. Giai cấp vô sản được nhà nước tư sản bảo hộ bằng mọi lọai chính sách, từ bảo hiểm y tế tới bảo hiểm thất nghiệp, thu nhập thấp được trợ cấp để đảm bảo sức mua tối thiểu…tự do nghiệp đoàn, tự do xuống đường…Chủ Nghĩa Mác phá sản và trở thành thủ phạm của hận thù và phân hoá xã hội, thậm chí là gợi hứng của chủ nghĩa khủng bố. Trước khi có XHCN ở Việt Nam, hãy cố vươn lên cho bằng cái Xã Hội Tư Bản kia đã.
Ông Trọng, vốn tự cho là người có lý luận uyên bác, không hiểu tại sao lại tự hỏi “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….” 
Không biết cái Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện của ông là gì? Có phải cái xã hội không giai cấp, không sở hữu, không có kinh tế hàng hoá, không sử dụng tiền tệ, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, xã hội tự quản không chính phủ, không nhà nước… Đây là một mớ những ước vọng ấu trĩ, hoang tưởng. Tôi không tin rằng ông Trọng vẫn kiên định lòng tin vào những thứ này như là lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tại sao một tiến sỹ lý luận, một tổng bí thư một Đảng đang cầm quyền có thể đặt một câu hỏi như thế, trong khi ngay trước mắt ông, một thế giới Tư Bản tồn tại từ hơn ba trăm năm vẫn đang không ngừng hoàn thiện và đang là ước mơ của bao dân tộc, trong đó có cả Việt Nam.
Khi ông nói “đổi mới căn bản mới có một sự ổn định căn bản, lâu dài, thực chất, chắc chắn”, tôi hiểu là ông muốn nói tới bản chất của Ổn Định. Ổn định căn bản, thực chất, chắc chắn, phải là ổn định tự thân, tự nhiên, không phải ổn định do cưỡng bức, gò ép. Bất cứ sự ổn định nào đạt được bằng bạo lực, và duy trì bằng áp lực nhân tạo, thì sau khi dỡ bỏ bạo lực, dỡ bỏ áp lực, sự ổn định ngay lập tức biến mất.
Xã hội Việt Nam, nền Chính trị Việt Nam đang có ổn định, không có tranh chấp, bạo loạn, không có biểu tình đình công… nhưng không phải là ổn định thực chất, chắc chắn, không phải ổn định căn bản. Nó đang được duy trì bằng bưng bít thông tin, bằng ngăn cấm tự do tư tưởng, tự do tìm kiếm tin tức, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình… Trật tự xã hội đang được duy trì bằng một lực lượng cảnh sát khổng lồ, một áp lực thường trực trên không khí sinh hoạt xã hội. Chỉ cần buông lỏng hệ thống áp lực này, chưa thể biết những biến cố gì có thể xảy ra, Đấy chính là mầm mống củ sự mất ổn định, hay là ổn định không thực chất.
Vì vậy tôi hiểu rằng, đổi mới căn bản của ông là Dân chủ hoá xã hội thực sự, không phải là dân chủ hình thức. Bởi vì dân chủ thực chất đảm bảo các quyền tự do cơ bản của con người, đảm bảo để xã hội luôn có đầy đủ cơ hội giải tỏa bức xúc gây ra bởi những bất cập luôn tồn tại trong chính sách, trong luật pháp v.v..tạo điều kiện cho một sự điều chỉnh và hoàn thiện kịp thời, đồng thời như những van supáp giải toả và điều hoà áp lực xã hội, tạo sự ổn định bền vững. Bởi vậy, Dân chủ hoá xã hội, không phải không phải là buông lỏng các áp chế, tạo ra bất ổn định, mà là tạo ra sự ổn định có tính căn bản, thực chất và bền vững, thông qua việc triệt tiêu tận gốc các mầm mống bất ổn định một cách tự động.
Về việc chống Tham nhũng, tôi thấy Ông cũng rất đúng, khi nói rằng “Lâu nay trong chống tham nhũng đã có nhiều nghị quyết, nhưng tại sao tham nhũng và lợi ích nhóm chưa dừng lại, có mặt còn tiếp tục phát triển? Cũng như ông GS. Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, cũng nói rất đúng rằng “Giờ có cả tham nhũng trong chính sách, tham nhũng trong chính trị chứ không chỉ có tham nhũng trong kinh tế. Tham nhũng giờ không phải là tham nhũng vặt mà là tham nhũng lớn, không chỉ tham nhũng cá biệt mà còn thành cả hệ thống.” 
Sau đó ông tự hỏi “Có điều gì đó phải suy nghĩ cặn kẽ hơn. Thứ nhất là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực và thứ hai là chưa phát huy đầy đủ dân chủ.”
Đúng là muốn chống được Tham nhũng thì việc trước nhất là phải kiểm soát quyền lực, vì chỉ có quyền mới tham nhũng, dân thì tham nhũng cái gì! Mà không phải là đảng viên thì làm gì mà có quyền. Ông cũng thừa biết rằng cần phải có một cơ quan độc lập mới kiểm soát được, mà làm sao có được một cơ quan như thế trong chế độ độc đảng cầm quyền. Với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoat động của xã hội, quyền chức do đảng phân phát ra, quyền kiểm soát quyền chức phát ra ấy lại là đảng. Đó là cái vòng luẩn quẩn người ta vẫn gọi là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Quyền không thể kiểm soát thì tất có chuyện lộng quyền lộng, lạm dụng quyền vì vụ lợi là hành vi tham nhũng.
Như vậy, chỉ có trong đảng thì không thể kiểm soát được chuyện lạm quyền, cho nên như ông nói, thứ hai là phát huy đầy đủ dân chủ. Đúng quá, nếu có dân chủ đầy đủ đúng nghĩa thì đương nhiên có Luật Pháp độc lập, có tự do báo chí, có tự do chính trị… như vậy sẽ có đầy đủ mọi phương tiện, công cụ để giám sát quyền lực. Quan chức tham ô như con chuột trong lồng dưới hàng triệu con mắt, có tài, có gan cũng khó ăn cắp được.
Cũng phải nói thêm rằng, để chống ăn cắp, ngoài chuyện giám sát cẩn thận kẻ có khả năng ăn cắp, còn phải triệt tiêu tất cả những của cải có thể được coi là vô chủ, tức là dễ dàng trở thành của ăn cắp. Đó là tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại các Tập đoàn quốc doanh, là tài sản công, là đất đai nhà nước thống nhất quản lý, là hầm mỏ, là rừng, là biển. Tất cả những loại tài sản này dứt khoát phải có chủ. Nhà nước là tất cả, nhưng chẳng là ai. Cho nên, cái của nhà nước cũng là của tất cả.
Còn chuyện về chủ quyền, tôi thấy ông khôi hài nhưng cũng thật đúng. “Thế giới ngày nay cũng như một làng. Trong làng có kẻ khỏe mạnh, hung bạo, nhưng không vì thế mà muốn hiếp đáp ai cũng được, không thể cậy khỏe làm càn. Vì người yếu thế hơn biết la làng, cả làng biết xúm lại…” Nhưng ông chợt làm tôi liên tưởng tới anh Chí, Chí Phèo. Nếu đã biết la làng, thì từ kêu la đến cào mặt chẳng còn mấy. Nên làm tới luôn.
Làm ầm lên là đúng, với kẻ chơi không quân tử và mẹo vặt, chẳng nên âm thầm chịu trận ra vẻ cao thượng làm gì. Nhưng về lâu dài đây chắc chắn không phải là lối chơi tối ưu. Trung quốc có thay đổi được tính cách, nếu cứ mãi nằm trong tay một nhóm người cầm quyền. Ông thử nghĩ xem điều gì xảy ra nếu Trung Quốc trở thành một nước dân chủ như Pháp, Mỹ? Trung Quốc có dễ dàng thu hút các nước để tạo ra một cộng đồng hoà bình, thịnh vượng kiểu Châu Âu không? Có lẽ cả ASEAN nhập vào cộng đồng này cả. Như vậy, vấn đề là giúp Trung Quốc trở thành người khổng lồ thật sự. Một anh Cả xứng đáng. Lo gì phải làm đường tơ luạ trên bộ, trên biển, rồi những con đường, những vành đai, vừa tốn kém vừa lộ liễu dã tâm. Và nếu quyết tâm giúp Trung Quốc, chắc ASEAN phải Dân chủ hoá trước.
Tôi đặc biệt tâm đắc với tiêu chí cán bộ “Đổi Mới, nhưng Trong Sạch” của ông, hoàn toàn trùng khớp với kiến nghị của tôi trong bức thư “Chọn gì, Bầu ai” gửi Đaị biểu các ông cách đây vài tuần. Nói thẳng ra là tôi không chọn ông Dũng, nhưng cũng không chọn ông Trọng cho vị trí đứng đầu đảng. Nhưng tôi có chút nghi ngờ. Theo như ông nói, phương án lựa chọn là hết sức thận trọng, làm rất kỹ nên cuối cùng có được sự nhất trí rất cao giữ Bộ Chính trị và TW.
Việc ông Trọng làm tiếp Tổng Bí thư thêm một hai năm nữa, không có gì đáng nói, vì đây là cái lúng túng của Bộ Chính trị trong việc chuẩn bị cán bộ nguồn, cũng có chuyện bây giờ, nhân tài như lá muà thu. Dù sao thì ông ấy cũng chỉ là bước đệm.
Nhưng như vậy ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước hai năm để chuẩn bị cho vị trí Tổng Bí Thư là kế thừa, hay căn bản. Kế thừa gì, truyền thống Tổng Bí thư là người Bắc à? Hay căn bản, đúng là đang từ Lý luận, Quốc hội sang Tổng Bí thư, bây giờ từ Công An sang Tổng Bí thư, thực là một thay đổi cực lớn nhưng rõ ràng không thể Căn bản được. Nước nhà vốn đang thèm, đang thiếu dân chủ, nhất là đã quá nhiều công an.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, không thể biết ông này là căn bản, thừa kế hay trẻ hoá. Tôi không thấy ông này thuộc lọai nào. Và tôi cũng không tin là ông này trong sạch.
Cuối cùng thì cũng phải xin được chia tay ông, mặc dù còn rất, rất nhiều điều tôi muốn được thọ giáo ông, vì quả thực, tôi đã không ngờ được nghe những điều trên kia từ miệng một TW uỷ viên, một phó Ban Tuyên Giáo TW. Những điều nói ra của ông là qúa đúng. Chắc chắn còn nhiều điều chưa thể hoặc chưa tiện nói ra. Có thể tôi đã nhầm khi nghĩ rằng TW các ông như ếch ngồi đáy giếng, các ông chỉ được nhìn một mảnh trời con con, mà tệ hơn, ngay cái mảnh bé xíu đó lại có cái màu của cái mắt kính mà người ta đeo vào mắt các ông. Tôi thành thực xin được xá tội.

Nghĩ tới Đại hội ngày mai, tôi cứ ước gì cả hai trăm TW uỷ viên, hay cả 1510 Đại biểu Đại Hội, đều giống như ông, có được hiểu biết và tấm lòng của ông.

Không có nhận xét nào: