(Quốc tế) - Thêm những tín hiệu từ Bắc Kinh cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá được cục diện quyền lực tồn tại hàng chục năm qua ở Bộ chính trị nước này.
Ủy ban thường vụ Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp trong cả ngày 7/1 vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, để nghe báo cáo từ Ban bí thư trung ương và 5 cơ quan tổ đảng lớn nhất nước này.
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho rằng thông báo “không bình thường” của các cơ quan thông tấn Trung Quốc về Hội nghị này đã phản ánh tình hình quyền lực trong giới lãnh đạo Trung Nam Hải thời điểm hiện tại.
Theo Đa Chiều, sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập vừa thiết lập lại các tiểu ban quyết sách, đồng thời thông qua chiến dịch chống tham nhũng để cải tổ cơ cáu quyền lực.
Phá thế “cửu long trị thủy”
Tại Hội nghị 7/1, ông Tập đã nghe báo cáo công tác của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Quốc vụ viện, Chính hiệp toàn quốc, Pháp viện (tòa án) nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Loại hình hội nghị báo cáo thế này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, tuy nhiên năm ngoái hội nghị không bao gồm phần báo cáo của Ban bí thư trung ương.
Năm nay, Bí thư thứ nhất Ban bí thư trung ương đảng CSTQ Lưu Vân Sơn là người báo cáo với ông Tập.
Đa Chiều phân tích, có khả năng hình thức này đã được Tập Cận Bình xây dựng thành hoạt động mang tính cơ chế. Bên cạnh đó, trong thông báo của truyền thông Trung Quốc cũng ẩn chứa nhiều tín hiệu đáng chú ý.
Giới quan sát chỉ ra, trong 5 cơ quan tổ đảng phải báo cáo với ông Tập, bên cạnh 2 trường hợp phổ thông là Viện trưởng Pháp viện tối cao Châu Cường và Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Tào Kiện Minh, thì 3 trường hợp còn lại đều là các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, tức thuộc nhóm 7 người quyền lực nhất Trung Quốc.
3 người này gồm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Nhân đại Trương Đức Giang và Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh.
Như vậy, bên cạnh 2 ông Tào, Châu, đã có 4/7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị phải đứng ra báo cáo công tác.
3 trường hợp không báo cáo ở Hội nghị này là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, cùng với… chính ông Tập Cận Bình.
Trong các thông tin sau Hội nghị, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh việc thực hiện quy phạm hóa và chế độ hóa đối với cơ chế “lãnh đạo trung ương tập trung thống nhất”.
Cơ chế các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc phải báo cáo với lãnh đạo tối cao cũng trở thành động thái xác định rõ vai trò cấp trên-cấp dưới giữa ông Tập và 6 nhân vật quyền lực còn lại.
Tại hội nghị báo cáo đầu năm tháng 1/2015, Trung Nam Hải đã nhấn mạnh “quy củ chính trị”. Đây cũng trở thành “từ khóa” của hội nghị này.
Đa Chiều bình luận, từ “quy củ chính trị” năm ngoái cho đến sự nhấn mạnh “chế độ hóa và quy phạm hóa” năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình trên thực tế gần như đã đặt “dấu chấm hết” cho cục diện chính trị “cửu long trị thủy” dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
“Cửu long trị thủy” là cục diện mà 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc được phân chia quyền lực tương đối đồng đều và mỗi người trở thành “quyền lực tuyệt đối” trong hệ thống mà mình kiểm soát.
Giới lãnh đạo Trung Nam Hải hiện nay tin rằng chính sự tiêu cực của cơ chế trên là điều đã tạo ra những “con hổ” như cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang, nhân vật một thời được gọi là “trùm an ninh” Trung Quốc.
“Lãnh đạo cốt lõi”
Đa Chiều cho hay, sự kiện Tập Cận Bình tiếp xúc lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tháng 11/2015 được thông báo trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc với mức độ bảo mật gia tăng.
Theo đó, ông Tập đã trao cho Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư quyền đại diện trung ương, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc để thông báo tới các lãnh đạo cấp 1 của các Bộ, tỉnh, quân đội nước này.
Hành động của Tập Cận Bình bên cạnh thể hiện sự tín nhiệm và vị thế chính trị của Lật Chiến Thư, còn cho thấy ông Tập đã nắm được quyền lực chắc chắn ở cả các vấn đề trong và ngoài đảng.
Tại một cuộc tọa đàm hồi tháng 5/2015, giáo sư Đại học quốc phòng Trung Quốc Mã Tuấn bình luận: “Nếu 10 năm sau Trung Quốc mới lại chống tham nhũng thì có 10 Tập Cận Bình cũng không cứu vãn được.
Ông Tập xuất hiện lúc này là phù hợp, có thể xem là ‘lãnh đạo cốt lõi thế hệ thứ 3′ thực thụ.”
Đánh giá của ông Mã thời điểm đó khiến dư luận Trung Quốc rất quan tâm, bởi khái niệm “lãnh đạo cốt lõi” thế hệ thứ nhất và thứ hai của Trung Quốc được dùng cho hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Trong khi đó, “lãnh đạo cốt lõi thế hệ thứ ba” cho đến nay vẫn thường được hiểu là Giang Trạch Dân cùng đội ngũ lãnh đạo của ông này.
Với những hành động chấn chỉnh mạnh mẽ kỷ cương trong đảng CSTQ Trung Quốc, dẹp bỏ dần nguy cơ phân quyền như ông Hồ Cẩm Đào cùng cuộc cải cách quân đội đang diễn ra, giới phân tích tin rằng Tập Cận Bình đang có nhiều không gian để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và các kế hoạch cải cách kinh tế-xã hội để tạo dấu ấn riêng trong thời kỳ nắm quyền của mình.
(Theo Thế Giới Trẻ)
(Quốc tế) - Quyền lực tập trung vào 4 Tổng cục này quá lớn và trên thực tế đã hình thành một tầng lớp lãnh đạo độc lập, làm thay quá nhiều chức năng của Quân ủy.
Nhân Dân nhật báo ngày 12/1 đưa tin, gần đây Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo chỉ huy các lực lượng vũ trang nước này. Chiều qua 11/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tổ chức họp báo giới thiệu về cơ cấu mới của Quân ủy Trung ương.
Ngô Khiêm cho biết, theo cơ cấu lãnh đạo chỉ huy mới, 4 cơ quan cấp Tổng cục bao gồm: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của nó và được giải tán. Chức năng của 4 cơ quan này sẽ do 15 đơn vị mới trực thuộc Quân ủy Trung ương đảm trách.
15 đơn vị mới trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc được chia thành 7 bộ, 3 ủy ban, 5 đơn vị trực thuộc, cụ thể gồm 7 bộ: Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Công tác chính trị, Bộ Hậu cần bảo đảm, Bộ Phát triển trang bị, Bộ Quản lý huấn luyện, Bộ Động viên quốc phòng.
3 ủy ban: Ủy ban Kỉ luật, Ủy ban Chính pháp, Ủy ban Khoa học công nghệ. 5 đơn vị trực thuộc bao gồm: Cục Hoạch định chiến lược, Cục Cải cách và biên chế, Cục Hợp tác quân sự quốc tế, Cục Thẩm tra kế hoạch, Cục Quản lý sự vụ cơ quan Quân ủy Trung ương.
Kể từ khi thành lập, quân đội Trung Quốc đã trải qua các mô hình cơ quan đầu não 4 Tổng cục, 8 Tổng cục, 3 Tổng cục và quay lại 4 Tổng cục. Lý do giải tán 4 Tổng cục và thành lập 15 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương thay thế được Ngô Khiêm giải thích:
Quyền lực tập trung vào 4 Tổng cục này quá lớn và trên thực tế đã hình thành một tầng lớp lãnh đạo độc lập, làm thay quá nhiều chức năng của Quân ủy Trung ương, ảnh hưởng đến lãnh đạo của Quân ủy.
Với cơ cấu bộ máy lãnh đạo chỉ huy mới, Quân ủy Trung ương và đứng đầu là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình là người nắm quyền quản lý, chỉ huy trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội Trung Quốc, các đơn vị chủ lực trực tiếp tác chiến mà không phải thông qua quá nhiều khâu trung gian như trước.
Theo The Indian Express ngày 11/1, trong buổi lễ ra mắt 15 cơ quan mới trực thuộc Quân ủy Trung ương hôm qua, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, chiến thắng trong chiến tranh là nhiệm vụ trọng tâm của quân đội. Ông gọi cuộc cải cách này là một bước đột phá quan trọng để quân đội Trung Quốc mạnh hơn.
Ngoài 15 cơ quan giúp việc, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy 4 Quân chủng: hải quân, lục quân, không quân, tên lửa; 5 Chiến khu: Đông, Bắc, Tây, Nam, Trung tâm; 1 binh chủng mới được thành lập: Chi viện chiến lược.
Dưới Bộ Tư lệnh Lục quân hiện có 18 quân đoàn chủ lực với 160 ngàn quân; Dưới Bộ Tư lệnh Hải quân có 3 hạm đội. Và một điều đáng chú ý nữa, trong danh sách 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương không thấy nhắc đến Bộ Quốc phòng.
Trong cơ chế điều hành mới cũng không có vai trò của Bộ Quốc phòng, bởi về tác chiến, mệnh lệnh sẽ đi trực tiếp từ Quân ủy Trung ương – Chiến khu – Đơn vị thực hiện. Về huấn luyện, mệnh lệnh sẽ đi trực tiếp từ Quân ủy Trung ương – Quân chủng – Đơn vị thực hiện.
(Theo Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét