Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Biển Đông: Ván Cờ Khó

Việt Nam không nên đứng nghiêng về bên nào hết, vì khiêu khích hay đụng chạm Trung Quốc là tất phải có thiệt hại, nhưng phải suy nghĩ rằng về lâu dài hướng đi phú cường và an toàn tất yếu là phải nhờ vào Hoa Kỳ.


Càng lúc càng hung hiểm... Trong khi Philippines có vẻ như sẽ thân với Trung Quốc, có phải Việt Nam sẽ cô đơn khi áp lực phương Bắc càng lúc càng mạnh...

Trong khi đó, Nga và TQ lộ vẻ thân thiết hơn, các nước bên phe quang minh chính phái như Mỹ-Nhật-Úc không chắc đã rủ thêm bao nhiêu đồng minh nữa để cản bước Hoa Lục.

Bản tin RFI cho biết rằng hai chiến hạm Mỹ đã ghé cảng chiến lược Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam ngày 02/10/2016. Trong một bản thông báo, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS John S. McCain cùng với tầu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable đã thăm căn cứ Hải Quân Cam Ranh trong khuôn khổ các Hoạt Động Giao Lưu Hải Quân NEA (Naval Engagement Activity) kỷ niệm 21 năm ngày bình thường hóa bang giao Việt - Mỹ.

Theo hãng tin Anh Reuters, chuyến ghé cảng Cam Ranh đầu tiên của hai chiến hạm Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, đã đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình cải thiện quan hệ quân sự giữa hai kẻ cựu thù.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Washington quyết định dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội vào tháng Năm vừa qua trong khuôn khổ chiến lược xoay trục qua châu Á của tổng thống Barack Obama. Bối cảnh chuyến thăm cũng đáng chú ý vì diễn ra vào lúc vấn đề Biển Đông vẫn gây căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Bị Bắc Kinh lấn lướt, Hà Nội ngày càng đa dạng hóa quan hệ và xích lại gần Washington hơn.

Cam Ranh là một căn cứ Hải Quân được đánh giá là có một vị trí chiến lược quan trọng, cho phép kiểm soát vùng Biển Đông. Cho đến nay, hiếm khi Việt Nam cho chiến hạm nước ngoài ghé cảng Cam Ranh. Trước Hoa Kỳ, Cam Ranh đã từng đón tiếp tàu Hải Quân các nước Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp.

Về phần Hoa Kỳ, các thông tin báo chí trước đây đã nhiều lần tiết lộ rằng phía Mỹ đã ngỏ ý muốn được quyền cập cảng Cam Ranh một cách thường xuyên và dễ dàng hơn.

RFI ghi rằng theo báo The Diplomat, trong một bài viết công bố hôm nay, cũng ghi nhận tính chất lịch sử của chuyến ghé cảng Cam Ranh của hai chiến hạm Mỹ: «Lần đầu tiên từ khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam vào năm 1975». Vào năm 2012, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là Leon Panetta đã trở thành quan chức Mỹ cao cấp nhất tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ năm 1975. Theo tờ báo của quân đội Mỹ Stars and Stripes thì hai chiến hạm Mỹ đã kết thúc chuyến thăm hôm 04/10.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Tổng thống Philippines sẽ đối mặt những trở ngại lớn theo sau lời đe dọa bớt mua võ khí Mỹ để quay sang mua võ khí Nga và Trung Quốc kể cả việc huấn luyện lại một đội quân đã quá quen làm việc với Hoa Kỳ, theo nhận định của các chuyên gia.

Trong diễn văn tại Manila hôm 4/10, ông Rodrigo Duterte nói Hoa Kỳ không muốn bán phi đạn và các loại võ khí khác cho Philippines, nhưng Nga và Trung Quốc đã ngỏ lời là có thể cung cấp võ khí dễ dàng cho Manila.

Đây là phát biểu mới nhất trong loạt những lời lẽ mang tính đối nghịch với Hoa Kỳ khơi dậy những ngờ vực về mối quan hệ đồng minh lâu năm quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á trước một Trung Quốc hung hăng.

Phẫn nộ vì Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines, ông Duterte đã gọi Tổng thống Barack Obama là đứa con hoang và đe dọa ngưng tập trận chung với Washington.

Tòa Bạch Ốc hôm 4/10 loan báo Mỹ chưa nhận được liên lạc nào chính thức từ chính quyền Duterte liên quan đến thay đổi mối quan hệ.

Mỹ là nước cung cấp võ khí lớn nhất cho Philippines, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm.

VOA nhắc rằng Philippines là nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận nhiều quỹ tài trợ của Mỹ nhất, dưới chương trình Viện trợ Tài chính Quân sự Nước ngoài. Chương trình này do Mỹ cung cấp để giúp các nước mua võ khí và thiết bị do Mỹ sản xuất. Trong năm tài khóa 2015, Manila nhận 50 triệu đôla từ chương trình này.

Như vậy, với sự chuyển hướng mà ông Duterte nhắc tới, quân đội Philippines sẽ phải mất nhiều năm để điều chỉnh sự tập trung vào công nghệ võ khí của Nga và Trung Quốc, theo giáo sư Richard Javad Heydarian thuộc đại học De La Salle ở Manila.

Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề hàng hải Trung Quốc thuộc trường Navy War College của Mỹ, Lyle Goldstein, cho rằng không đơn giản là mua một radar từ nước này rồi dùng với một phi đạn từ nước khác, các loại võ khí phải vận hành phù hợp với nhau. Ông cũng lưu ý là nhiều sĩ quan Philippines được đào tạo ở Mỹ, nối liền văn hóa quân sự giữa hai nước chặt chẽ.

Philippines năm ngoái chi 3.9 tỷ đôla cho quân sự, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm.

Một bản tin khác của RFI nêu nghi vấn: Nga và Trung Quốc thông đồng tại Biển Đông?

Bản tin nói rằng quan hệ Nga-Trung dựa trên mong muốn chung là đẩy lùi Hoa Kỳ, chống lại sự phát triển NATO ở châu Âu và chính sách tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Nga đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, Nga cần thị trường mới để xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu khí. Trung Quốc đã ký kết một hợp đồng lớn mua khí đốt của Nga, và là một thị trường rộng lớn cho vũ khí và công nghệ Nga.

Vấn đề là, theo Giáo sư Carl Thayer, ông Putin chắc chắn đang cố gắng tìm cách lấy lòng Trung Quốc, cho dù phải trả cái giá là ảnh hưởng đến những mối quan hệ bằng hữu xưa nay trong khu vực.

Nga và Việt Nam thỏa thuận rằng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình bởi các bên liên quan. Nhưng Nga không tôn trọng quan điểm của Việt Nam là khi liên quan đến lợi ích của bên thứ ba trong khu vực, thì bên thứ ba này phải được tham gia đàm phán. Việt Nam ghi nhận lợi ích của các bên ngoài khu vực, đặc biệt khi liên quan đến tự do hàng hải và hàng không.

Theo giáo sư Carl Thayer, những gì chúng ta trông thấy có thể nói một cách chính xác hơn là sự hợp tác nhất thời vì những lợi ích giới hạn, chứ không phải là một cam kết chiến lược sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, báo Xã Luận ghi rằng, theo phân tích của BMI Research, ứng cử viên Hillary Clinton là người ủng hộ chiến lược "trục châu Á" điều này đồng nghĩa với việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi, Tổng thống Duterte lại muốn thi hành chính sách ngoại giao độc lập hơn và sẽ không bắt tay với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Còn ứng cử viên Donald Trump đã nhiều lần đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ phải duy trì mối quan hệ đồng minh lâu đời với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, NATO và Ả Rập Xê-út cũng như hiệp ước quốc phòng lâu đời với Philippines.

Bản tin Xã Luận cũng dẫn lời BMI Research:

"Trong vòng 6 năm tới nếu như ông Duterte vẫn tại vị, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines sẽ đầy bất ổn dù Manila không nghiêng hẳn về Trung Quốc. Chính quan hệ đồng minh lỏng lẻo giữa Mỹ và Philippines sẽ giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế khi mà năng lực chống đối chọi với Trung Quốc bị suy giảm."

Như thế, Việt Nám phản ứng thế nào?

Ông Donald Trump là kẻ vụ lợi, ai cũng thấy, nhưng câu hỏi cần suy nghĩ là: Có thực bà Hillary Clinton gắn bó với chính sách Xoay Trục Sang Châu Á?

Trên nguyên tắc, Việt Nam không nên đứng nghiêng về bên nào hết, vì khiêu khích hay đụng chạm Trung Quốc là tất phải có thiệt hại, nhưng phải suy nghĩ rằng về lâu dài hướng đi phú cường và an toàn tất yếu là phải nhờ vào Hoa Kỳ.

Trần Khải

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào: