Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Cá chết ở Hồ Tây: "Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra rõ nguồn xả thải"

Nói về vụ việc cá chết ở Hồ Tây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra rõ nguồn xả thải xem nguồn nước có vấn đề gì không. Có thông tin là do thiếu oxy, nếu như vậy phải tìm hiểu rõ tại sao".
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 4/10, phóng viên hỏi: Sáng cùng ngày Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã báo cáo về sự cố cá chết ở Hồ Tây lên Thủ tướng Chính phủ. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông tin về việc này, đặc biệt  nguyên nhân ban đầu do đâu? 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết,cá chết tại Hồ Tây là sự kiện trước nay chưa từng có. Một diện tích hơn 500 ha xảy ra sự cố với 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Ngay sau khi có hiện tượng trên, Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp xuống kiểm tra. Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh nguyên nhân. Sáng nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học môi trường, đặc biệt là Bộ Công an tiến hành kiểm tra, rà soát nguyên nhân tại sao cá chết.
Hình ảnh cá chết trắng Hồ Tây, Hà Nội.
“Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra rõ nguồn xả thải xem nguồn nước có vấn đề gì không. Có thông tin là do thiếu oxy, nếu như vậy phải tìm hiểu rõ tại sao. Khi có kết quả, các cơ quan chức năng sẽ chia sẻ thông tin cụ thể”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Ứng trước 3.000 tỷ bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại do Formosa xả thải

Cũng tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi về công tác thống kê và phương án hỗ trợ thiệt hại sau vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua hiện đã triển khai đến đâu, việc sử dụng kinh phí bồi thường 500 triệu USD của Formosa Hà Tĩnh cụ thể như thế nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, 4 tỉnh miền Trung đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Công tác thống kê được các địa phương tiến hành theo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Việc thống kê thiệt hại được tiến hành từ cấp thôn với sự tham gia của chính quyền, đại diện đoàn thể, người dân và đại diện chức sắc tôn giáo cùng cấp. Sau đó kết quả thống kê sẽ được thẩm định tại cấp huyện, thẩm tra tại cấp tỉnh cùng với sự tham gia của các thành phần nêu trên và đến nay đã gửi Bộ NN&PTNT để tổng hợp.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó xác định 7 nhóm đối tượng được bồi thường gồm: khai thác hải sản; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thuỷ sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thuỷ sản. 
Cùng với đó đã quy định về định mức cụ thể cho từng nhóm đối tượng và thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng (từ 4/2016 đến hết tháng 9/2016). Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 10/10/2016.
“Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã họp và quyết định ứng trước 3.000 tỷ đồng (từ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa) cho các tỉnh để tạm ứng cho các đối tượng được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Tuấn Minh

Không có nhận xét nào: