Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Cam Ranh, Việt Nam với “ván cờ siêu cường“

(An ninh quốc phòng) - Vịnh Cam Ranh sẽ có thể trở thành phương tiện tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và tạo điều kiện cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á như là đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Vịnh Cam Ranh có vai trò hoàn hảo với chiến lược “địa điểm chứ không phải căn cứ quân sự” của Lầu Năm Góc…

Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 1
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam
Chuyên gia Mỹ “định vị” Việt Nam trong ván cờ siêu cường
Việt Nam bị buộc phải theo nhà Hán vào năm 111 TCN. Từ đó trở đi, Việt Nam luôn bị phương bắc đô hộ hoặc ở trong tình trạng chư hầu trong gần 1.000 năm. Sau đó, các triều đại Việt như Lý, Trần, Lê đã chiến đấu chống lại sự kiểm soát từ phương bắc, đẩy lùi quân xâm lược đông hơn gấp nhiều lần. “Ảnh hưởng của Trung Hoa tới Việt Nam thể hiện trong mọi lĩnh vực văn hóa, xã hội và chính quyền, từ đôi đũa của người nông dân đến cây bút lông của các chí sĩ và quan lại”, Keith Weller Taylor của Đại học Cornell đã viết như vậy trong cuốn The Birth of Vietnam (tạm dịch: Sự ra đời của nước Việt Nam) năm 1983.
Quả thực, văn học Việt Nam thấm đẫm các di sản cổ điển Trung Hoa: Chữ Hán từng là ngôn ngữ của tầng lớp trí thức Việt Nam, cũng giống như châu Âu từng dùng tiếng Latin. Tuy nhiên trải qua tất cả những điều đó, văn hóa dân gian Việt Nam vẫn giữ được sự độc đáo hơn so với văn học bác học. Theo như chuyên gia Victor Lieberman từ Đại học Michigan Đông Nam Á giải thích: “Trong giới trí thức bấy giờ, các quy tắc của Trung Hoa được áp dụng phổ biến đến mức những nguồn gốc lạ lẫm trở nên không thích hợp”.
Mong muốn mãnh liệt của người Việt Nam được độc lập với Trung Quốc được tăng cường hơn trong quá trình tiếp xúc với người Chăm và người Khmer ở phía nam, những dân tộc chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ thay vì nền văn minh Trung Hoa. Mặc dù có sự tương đồng khá lớn với Trung Quốc, người Việt Nam vẫn giữ sự kiêu hãnh về những khác biệt nho nhỏ và điều này khiến các sự kiện từ quá khứ trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn.
“Những chiến thắng trước Trung Quốc và người Chăm ở phía nam đã giúp Việt Nam xây dựng một bản sắc riêng – một quá trình dài mà Trung Quốc không lúc nào để Việt Nam được yên, cho đến tận thời kỳ hiện đại. Năm 1946, Quốc Dân Đảng đã cấu kết với thực dân Pháp để quân Tưởng Giới Thạch xuống thay thế quân Pháp ở miền bắc Việt Nam. Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình “không bao giờ chịu hết cừu hận Việt Nam”, học giả Templer đã viết như vậy. Ngoài việc xua 100.000 quân tấn công Việt Nam năm 1979, Đặng Tiểu Bình còn thực thi chính sách thâm hiểm khiến Việt Nam “chảy máu” bằng cách đẩy Việt Nam vào cuộc chiến du kích ở Campuchia.
Nhưng hiện nay, khi vấn đề đường biên giới trên bộ – nguyên nhân của các cuộc xung đột- đã phần lớn được giải quyết thì cuộc tranh giành mang đậm chủ nghĩa dân tộc ở châu Á lại chuyển sang diễn ra trên Biển Đông. Với gần 2.000 dặm đường bờ biển ở Biển Đông, Việt Nam bỗng nhiên rơi vào giữa vở kịch lịch sử và địa chính trị có thể sẽ bi tráng tương đương với những cuộc chiến tranh trên bộ vào cuối thế kỷ XX.
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 2
Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km và các nhà chứa máy bay
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 3
Cận cảnh một phần Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép
Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương, kết nối các tuyến đường biển quốc tế qua các eo biển Malacca, Sunda, Lombok và Makassar. Hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm trên thế giới và ¾ giao thông hàng hải toàn cầu đi qua những điểm huyết mạch này. Lượng dầu vận chuyển từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca, trên đường đến Đông Á đi qua Biển Đông gấp 3 lần lượng dầu vận chuyển qua kênh đào Suyez và gấp 15 lần lượng dầu vận chuyển qua kênh đào Panama. 2/3 nguồn cung cấp năng lượng cho Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung cấp năng lượng cho Nhật Bản và Đài Loan và khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Biển Đông cũng có lượng tích trữ lên đến 7 tỷ thùng dầu và khoảng 900 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Nếu tính toán của Trung Quốc rằng Biển Đông có trữ lượng 130 tỷ thùng dầu là chính xác thì Biển Đông sẽ có trữ lượng dầu lớn hơn bất kỳ nơi nào trừ Ả rập Xê út.
Biển Đông có hơn 200 đảo nhỏ, bãi đá và rặng san hô, trong số đó chỉ hơn 30 thực thể địa lý nổi trên mặt nước. Đây đều là đối tượng của những tranh chấp lãnh thổ địa chính trị gay gắt và phức tạp với số lượng ngày càng tăng lên. Vào giữa năm 2010, Trung Quốc khuấy động cả khu vực khi gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Trung Quốc đã yêu sách toàn bộ những gì nằm trong khu vực mà nước này coi là “đường lịch sử” và đánh dấu trên bản đồ bằng cái gọi là “đường chín đoạn” ngang ngược – một đường vòng cung hình lưỡi bò bao trọn tất cả các đảo từ đảo Hải Nam cách Trung Quốc 1.200 dặm về phía nam đến gần Singapore và Malaysia. Đây là trung tâm của toàn bộ Biển Đông. Kết quả của tuyên bố bành trướng hung hăng này là tất cả các quốc gia ven biển đều chống lại Trung Quốc. Họ cũng ngày càng quay sang Mỹ để giành lấy sự ủng hộ về mặt quân sự và ngoại giao.
“Đường biên giới trên bộ không còn là vấn đề quan trọng với chúng tôi nữa khi so sánh với Biển Đông”, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới quốc gia khi đó cho hay. Khi chúng tôi gặp ông ở văn phòng bày trí hết sức giản dị của ông, ông Chiến đang vận bộ complet màu xám và tiếp đón tôi theo phong cách đặc trưng của người Việt Nam khiến tôi nhớ tới ấn tượng của chính khách Singapore Lý Quang Diệu, về các nhà lãnh đạo Việt Nam những năm 1970 là vô cùng nghiêm túc và trọng Nho giáo. Cuộc gặp bắt đầu và kết thúc rất đúng giờ. Ông Chiến cho chúng tôi xem một bài thuyết trình hết sức chi tiết, phê phán tham vọng bành trướng ở Biển Đông từ mọi góc độ.
Ông Chiến cho hay 1/3 dân số Việt Nam sống ở ven biển và lĩnh vực biển chiếm 50% GDP của đất nước. Việt Nam có chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông. Đây chính là vùng đặc quyền kinh tế được Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển công nhận. Ông Chiến giải thích rằng Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được phần lớn các vấn đề ở Vịnh Bắc Bộ bằng cách chia đôi khu vực vịnh. Ông Chiến quả quyết: “Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận “đường lưỡi bò”. Trung Quốc nói rằng khu vực này đang trong tranh chấp. Chúng tôi không công nhận điều đó. “Đường lưỡi bò” đã xâm phạm đến chủ quyền của 5 quốc gia”.
Sau đó ông Chiến cho tôi xem một loạt các bản đồ trên máy tính của ông và kể lại lịch sử lâu đời của dân tộc: “Khi quân Minh xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XV, họ không chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Nếu những quần đảo này thuộc về Trung Quốc, tại sao nhà Minh không vẽ trên bản đồ? Vào đầu thế kỷ XX, nếu như hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc thì tại sao nhà Thanh lại lờ chúng đi ?”.
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 4
Trung Quốc đã triển khai trái phép các công trình quân sự và chiến đấu cơ J-11B tới đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Vào năm 1933, Pháp đưa quân đến quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Chiến nêu rõ rằng những quần đảo này thuộc về Đông Dương thuộc Pháp, do đó bây giờ chúng phải thuộc về Việt Nam. Ông cũng bổ sung rằng vào năm 1956 và năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm lấy các đảo đá trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cuối cùng, ông Chiến cho tôi xem một slide hình ảnh nhà thờ Santa Maria del Monte ở Italy đang giữ một ghi chép địa lý từ năm 1850 với một trang rưỡi giải thích quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam ra sao.
Người Việt Nam nhắc đi nhắc lại với tôi rằng Biển Đông không chỉ là khu vực tranh chấp lãnh thổ, nó còn là nơi giao nhau của thương mại hàng hải toàn cầu, là khu vực hết sức quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản và là nơi mà một ngày nào đó Trung Quốc có thể kiểm tra sức mạnh của Mỹ ở châu Á. Việt Nam thực sự nằm ở trung tâm lịch sử và văn hóa của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – cái tên mà các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Obama gọi khu vực Ấn Độ và Đông Á.
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 5
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh
Không gì minh họa mong muốn của Việt Nam trở thành một nhân tố lớn trong khu vực hơn việc nước này gần đây đã mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo tuyệt tác. Một chuyên gia quốc phòng phương Tây ở Hà Nội nói với tôi rằng thương vụ tương đối tốn kém với Việt Nam khi phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để duy trì những tàu ngầm này. Quan trọng hơn, chuyên gia cho rằng người Việt Nam sẽ phải huấn luyện các thủy thủ để sử dụng chúng – một công việc phải đào tạo cả một thế hệ mới. “Để đối phó với tàu ngầm đối thủ, họ nên tập trung vào tác chiến chống tàu ngầm và bảo vệ ven biển”. Rõ ràng người Việt Nam đã mua những chiếc tàu ngầm này để khẳng định rằng “Chúng tôi đang rất nghiêm túc”.
Thỏa thuận tàu ngầm trị giá nhiều tỷ USD với Nga này bao gồm cả 200 triệu USD chi phí xây dựng cơ sở bảo dưỡng, nâng cấp cảng Cam Rang – một trong những cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, khống chế các tuyến đường hàng hải ở Biển Đông và từng là một căn cứ vận hành lớn của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Người Việt Nam đã tuyên bố mục đích của họ là để Vịnh Cam Ranh luôn sẵn sàng chào đón hải quân các nước ghé thăm.
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 6
Việt Nam đã khai trương cảng quốc tế Cam Ranh và tiếp đón tàu hải quân nhiều nước ghé thăm
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 7
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Cam Ranh, Viet Nam voi “van co sieu cuong“ - Anh 8
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam
Ian Storey, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đã nhận định Vịnh Cam Ranh sẽ có thể trở thành phương tiện tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và tạo điều kiện cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á như đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Vịnh Cam Ranh có vai trò hoàn hảo với chiến lược “địa điểm chứ không phải căn cứ quân sự” của Lầu Năm Góc. Theo đó các tàu bè và máy bay Mỹ có thể thường xuyên ghé thăm các tiền đồn quân sự nước ngoài để sữa chữa và tiếp tế mà không cần sự sắp xếp chính thức và nhạy cảm về mặt chính trị.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ trên thực tế đã được tuyên bố vào tháng 7/2010 tại Diễn đàn khu vực Đông Nam Á họp tại Hà Nội, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và Mỹ sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực đa phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại đây. Theo bà Hillary, các yêu sách lãnh hải phải dựa trên cơ sở các thực thể trên mặt đất, khái niệm thềm lục địa đã bị cái gọi là “đường lịch sử” của Trung Quốc xâm phạm. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì khi ấy đã gọi bài phát biểu của bà Hillary “thực sự là một cuộc tấn công Trung Quốc”. Thế nhưng các quan chức Mỹ đã nhún vai trước lời bình luận của ông Dương Khiết Trì.
(Theo Viettimes)

Không có nhận xét nào: