"Cơ quan quản lý buông lỏng tất cả các khâu từ khảo sát, xây dựng, vận hành và không có đủ năng lực để quản lý các nhà máy thủy điện", GS. TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, nhận xét.
- Đợt mưa bão vừa qua, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bị cho là xả nước làm ngập nhiều xã mà không thông báo, ý kiến của ông thế nào?
- Cơ quan nhà nước cần vào cuộc xác minh nhiệm vụ của mỗi bên, cần có số liệu quan trắc đầy đủ để đánh giá trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện. Tuy nhiên, sự việc cho thấy có thể công tác dự báo mưa lũ khác xa thực tế khiến chủ đầu tư phải xả nước ồ ạt khi có lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.
Điều này cũng phản ánh việc quản lý vận hành của chúng ta còn yếu. Theo tôi, các thủy điện phải chịu giám sát của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp tỉnh, phải có cơ quan giám sát việc tích nước hồ, khi lũ cao phải xả theo từng bước, tránh đột ngột cho hạ du.
GS. TS Phạm Hồng Giang.
|
- Ông đánh giá như thế nào về mật độ nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung hiện nay?
- Miền Trung có lợi thế thủy điện vì lòng sông dốc. Thủy điện cũng giúp giữ nước mùa mưa và xả nước mùa khô, điều hòa nguồn lợi nước. Số lượng nhà máy thủy lợi ở miền Trung là khá nhiều song nếu phù hợp quy hoạch, vận hành đúng quy trình thì không có vấn đề gì, sẽ không ai thắc mắc là xây dựng nhiều hay ít. Hiện nay 30% sản lượng điện từ thủy điện nên chúng ta sẽ thiếu điện nếu ngừng hoạt động các nhà máy.
Tuy nhiên, thời gian qua có những sự cố của nhà máy thủy điện gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống dân cư, đó là lỗi do vận hành. Thủy điện như con dao, ai cũng phải dùng song dùng không cẩn thận sẽ đứt tay.
- Đời sống dân cư vùng hạ du có thể chịu những ảnh hưởng tiêu cực gì?
- Thủy điện có tác động xấu là chiếm một diện tích lớn đất đai do ngập nước, gây thay đổi môi trường, ảnh hưởng đến môi sinh. Khi làm thủy điện, người ta có thể chuyển dòng chảy sang lưu vực mới gây khô cạn cho lưu vực cũ. Nhiều thủy điện tích nước gây khô cạn cho hạ du.
Do đó, việc xây dựng thủy điện phải xem xét các mặt, phát huy ưu điểm kinh tế xã hội địa phương và hạn chế gây xáo trộn đời sống người dân.
Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ vào sáng 15/10. Ảnh: Đức Hùng.
|
- Giải pháp nào để giảm thiểu tác động tiêu cực của thủy điện?
- Công tác khảo sát, quy hoạch phải làm thật kỹ và có nhiều giải pháp để khắc phục những bất lợi xảy ra và giám sát trong quá trình vận hành. Đây là những vấn đề có thể nhìn thấy được song người ta có quyết tâm làm hay không. Nhiều doanh nghiệp tư nhân rất dễ bỏ qua yêu cầu về môi trường, môi sinh, phòng chống lũ nên khâu lựa chọn chủ đầu tư cũng phải kỹ lưỡng.
Ngoài ra, phải có cơ quan giám sát xây dựng, giám sát vận hành các nhà máy thủy điện. Tôi nhận thấy thời gian qua cơ quan quản lý buông lỏng tất cả các khâu từ khảo sát, xây dựng, vận hành và không có đủ năng lực để quản lý vấn đề này.
- Các nước trên thế giới nhìn nhận sự phát triển thủy điện ra sao?
- Có những nước 98% sử dụng thủy điện như Na Uy, Thụy Sỹ đã xây dựng nhiều dự án lớn song vẫn tiếp tục làm thủy điện nhỏ. Họ xem xét nhiều mặt tác động đến đời sống dân cư để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Brazil từng xây dựng thủy điện lớn nhất trên sông Amazon và phải từ bỏ do người dân phản đối trong quá trình xây dựng.
Trong tương lai, nhiều nước sẽ sử dụng điện hạt nhân, điện gió song thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo.
Đoàn Loan
Lũ đã xả, mưa lớn, điện mất thì báo dân thế nào?
18/10/2016 03:00 GMT+7
- Chỉ có một phó chủ tịch huyện nhận được điện thoại chiều tối 14/10. Khi đó lũ đã xả, mưa lớn, điện mất thì thông báo tới dân bằng cách nào - Chủ tịch huyện Hương Khê nêu.
Cuộc đối thoại giữa tổ điều tra thuỷ điện Hố Hô xả lũ với đại diện nhà máy diễn ra chưa đầy 1 tiếng, không mời chính quyền xã huyện. Vị Chủ tịch huyện tự tìm đến và không ai đoái hoài.
Chóng vánh
Trước thông tin Bộ Công thương thành lập đoàn công tác vào điều tra thông tin thuỷ điện Hố Hô xả lũ không thông báo gây thiệt hại lớn, dư luận, người dân cũng như chính quyền sở tại rất quan tâm.
Ông Vũ Mạnh Hùng và đại diện thuỷ điện Hố Hô quả quyết xả lũ đúng quy trình
|
Chiều qua, giới báo chí đã trực sẵn tại nhà máy thuỷ điện Hố Hô (Tuyên Hoá, Quảng Bình) để lấy thông tin.
14h, tổ công tác do ông Đỗ Đức Quân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương dẫn đầu đã làm việc vào làm việc với đại diện công ty thuỷ điện Hồ Bốn (sở hữu thuỷ điện Hố Hô).
Cuộc họp tiến hành được chừng 10 phút thì đại diện Sở Công thương có mặt. 10 phút tiếp, Chủ tịch huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cũng đã có mặt tại cuộc họp.
Ông Vũ Mạnh Hùng, đại diện thủy điện Hố Hô khẳng định với đoàn công tác rằng đã “xả lũ đúng quy trình”.
Ông nói, căn cứ diễn biến tình hình thời tiết của khu vực, ngày 10/10 Ban chỉ huy PCTT&TKCN nhà máy thủy điện Hố Hô đã có văn bản số 09, về việc báo cáo tình hình điều tiết nước thủy điện Hố Hô và thông báo số 10, ngày 12/10 gửi tới UBND các xã về việc phối hợp thực hiện phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du thủy điện Hố Hô do mưa lớn gây ra.
Phó tổng cục trưởng Đỗ Đức Quân dẫn đầu tổ điều tra
|
“Trước khi xả lũ nhà máy có gọi điện trực tiếp tới lãnh đạo các xã, ai nghe, không nghe, chúng tôi đều có nhật ký ghi chép”, ông quả quyết.
Tổ công tác đã có một số chất vấn với đại diện nhà máy, như nhà máy có hệ thống đo mưa không? Lượng mưa trong thời gian xả lũ là bao nhiêu? Có gửi công văn thông báo trước cho tỉnh, huyện và các xã không?
Những chất vấn của tổ điều tra đã được lãnh đạo thủy điện Hố Hô trả lời ngay lập tức: Tất cả quy trình trong vận hành xả lũ đều đảm bảo.
“Ngoài thông báo văn bản, chúng tôi còn gửi bằng email cho các cơ quan tỉnh. Các cuộc điện thoại thông báo đều ghi chép đầy đủ”, đại diện nhà máy nói.
Ông Lê Ngọc Huấn
|
Sau khi đại diện nhà máy hứa cung cấp tài liệu chứng minh xả lũ “đúng quy trình” như đã báo cáo, cuộc họp kết thúc, đoàn chuyển sang kiểm tra thực tế tại công trình.
Huyện, xã không biết
Thấy cuộc họp giữa 2 bên kết thúc chóng vánh, phóng viên đã đề nghị tổ điều tra nghe chủ tịch huyện phát biểu, lúc này tổ công tác Bộ Công thương mới biết tới sự có mặt của chủ tịch UBND huyện Hương Khê.
Ông Lê Ngọc Huấn bày tỏ sự bất ngờ vì tổ công tác vào làm việc để làm rõ việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô ảnh hưởng tới dân nhưng lãnh đạo huyện không hề nhận được thông tin.
Bản thân ông chỉ nghe đại diện Sở Công thương báo muộn nên đã đến trễ.
Thuỷ điện Hố Hô đã nhiều lần xả lũ gây thiệt hại cho người dân huyện Hương Khê
|
“Để làm rõ sự việc phải thật khách quan, đó là phải có sự tham gia của lãnh đạo các xã bị ảnh hưởng trên địa bàn. Phải để cho họ nói sự thật là có nhận được thông báo xả lũ của nhà máy hay không, nhà máy điện thoại thông báo lúc mấy giờ vào chiều 14/10”, ông Huấn bức xúc.
Ông Huấn tiếp tục cho biết, bản thân là Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban phòng chống lụt bão huyện nhưng không nhận được thông báo. Chỉ có một phó chủ tịch nhận được điện thoại của nhà máy vào chiều tối 14/10. Khi đó lũ đã xả, mưa lớn, điện mất thì thông báo tới dân bằng cách nào?
Đại diện Bộ Công thương cho biết, sáng nay, một thứ trưởng sẽ vào kiểm tra nhà máy và làm việc với huyện cùng các xã bị ảnh hưởng.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh không nhận được thông báo của nhà máy thủy điện Hố Hô.
Duy Tuấn
Hậu họa thủy điện: Chặn nước thu tiền, xả lũ dìm dân
18/10/2016 03:00 GMT+7
Không dừng lại ở những sự cố như vỡ đập, nứt đập, vỡ đường ống dẫn dòng, thủy điện từ lâu đã khiến bao người nghi ngại, sợ hãi khi vào mùa mưa bão bỗng biến thành những “quả bom nước”, xả nước theo quy trình khó lường khiến người dân điêu đứng.
Thiên tai hay nhân tai?
Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình,... đang trong những ngày “màn trời chiếu đất” khi lũ lụt càn quét.
Riêng Hà Tĩnh đang phải trăn trở với câu hỏi: “quả bom nước” nào đã đổ xuống đầu họ, khiến người dân trở tay không kịp trong ngày 14 và 15/10 vừa qua?
Lãnh đạo huyện Hương Khê tiết lộ, nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước.
Thủy điện Hố Hô xả lũ (ảnh Lương Bằng) |
Việc xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ kèm theo mưa lớn khiến mực nước lên rất nhanh. Nhiều người dân không kịp trở tay.
Đáng ra, việc xả lũ phải được thông báo trước, nhưng lãnh đạo huyện Hương Khê cho rằng không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô là Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (có trụ sở ở Yên Bái) vẫn một mực khẳng định: “Trong quá trình đợt lũ từ ngày 12 đến 15/10, công ty đã vận hành công trình điều tiết lũ phù hợp với các quy trình được duyệt và không làm tăng nguy cơ thiệt hại cho vùng hạ du”.
Trước những thông tin khác nhau, Bộ Công Thương đã họp khẩn và lập tổ công tác vào điều tra. Ngày 17/10, đoàn công tác sẽ có mặt ở thủy điện Hố Hô để làm rõ vấn đề “có hay không thủy điện Hố Hô bảo vệ nhà máy mà bỏ mặc người dân ở hạ lưu?”.
Nếu nhìn vào lịch sử của thủy điện mùa mưa lũ, việc một thủy điện xả lũ ồ ạt để bảo vệ nhà máy, bỏ mặc sự sống ở dưới hạ lưu không phải là chuyện hiếm gặp.
Năm 2014, Nhà máy thủy điện Bắc Hà (đặt tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã phải bồi thường và hỗ trợ cho dân vùng hạ lưu, bởi giữa quý 3/2014 đã xả lũ ẩu, gây thiệt hại hàng trăm hécta hoa màu của người dân vùng hạ du tại các xã Long Phúc, Lương Sơn, huyện Bảo Yên.
Thông tin này khi ấy trở thành “chuyện lạ”. Bởi lẽ, đợt mưa lũ nào cũng có tình trạng người dân “trở tay không kịp” khi thủy điện xả lũ ồ ạt, còn trách nhiệm vẫn dừng lại ở mức “đúng quy trình”, chưa nói đến việc bồi thường.
Tháng 3/2015, Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế) xả lũ với lưu lượng ban đầu 500 m3/s, sau đó tăng lên khiến nhiều vùng trũng ở huyện Quảng Điền ngập lụt giữa mùa khô, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Còn năm 2013, trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại khá nặng nề cho tỉnh Quảng Nam khi nhiều người chết, nhà cửa hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Sau trận lũ lịch sử này, nhiều cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị các nhà máy thủy điện phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại do việc xả nước gây ra. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khi đó cho rằng các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn Quảng Nam không gây ra lũ nên không có trách nhiệm bồi thường.
Còn rất nhiều trường hợp khác người dân phải chịu đựng những trận lũ được cho là do con người “phù phép” ra mà không biết phải kêu trời hay kêu “ông thủy điện” mỗi khi lâm cảnh ngập lụt.
Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ làm người dân ở huyện Hương Khê phải trèo lên nóc nhà tránh lũ.
|
Chủ đầu tư thủy điện vì ai?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, đã từng phải thốt lên “hiếm nơi nào thủy điện gây họa nhiều như ở Việt Nam”.
Ngoài những sự cố an toàn hồ đập như thủy điện sông Tranh, sông Bung 2, vị chuyên gia am hiểu về thủy điện còn liệt kê ra những tác động tiêu cực của thủy điện ở Việt Nam.
Đó là các hồ đập nói chung gây ra những tác động tiêu cực như thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng môi sinh của những loài thủy sinh, hồ chứa gây ngập nhiều diện tích rộng. “Nếu quản lý yếu kém, có tình trạng lợi dụng làm thủy điện rồi tiện thể phá rừng”, ông Giang lưu ý.
Ông Giang cũng chỉ ra một thực tế đáng ngại. Lẽ ra, những hồ thủy điện có dung tích lớn phải tham gia chống lũ, đằng này lại giữ mức nước hồ cao trước lũ, làm tăng thêm lượng nước đổ xuống hạ du (do ngoài lũ tự nhiên ra còn xả thêm nước sẵn có trong hồ).
“Chống hạn cũng vậy. Khi hạn hán, hồ thủy điện vẫn tích nước để tăng công suất điện trong mùa mưa sắp đến, không xả nước về hạ du chống hạn. Những điều này phải được ghi rõ cấp phép dự án thủy điện và buộc chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc”, ông Phạm Hồng Giang nói.
Tai tiếng dồn dập, có thể thấy thủy điện ở Việt Nam không có lỗi, mà lỗi ở tại con người - những người vận hành thủy điện. Khi hạn thì tích từng giọt nước, khi lụt thì xả nước ồ ạt,... Phải chăng, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đang coi lợi ích của mình là số một, sau đó mới là đời sống của biết bao người dưới hạ lưu?
Bắt đầu kiểm tra thủy điện Hố Hô xả lũ
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, làm trưởng đoàn chiều 17/10 đã có buổi làm việc với chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn - chủ đầu tư thủy điện Hố Hô - thanh minh, tất cả các đánh giá về sự ngập lụt ở Hương Khê đều cho rằng ngập lụt là từ nguồn nước qua thủy điện Hố Hô, song thực tế, còn từ nhiều nguồn khác. Chẳng hạn như lượng nước từ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đổ về cũng là lượng nước lịch sử.
Hơn nữa, trong đợt mưa xối xả, tại nhà máy xảy ra tình trạng nguy cấp là toàn bộ vai phải nhà máy có hiện tượng sạt lở. Hiện các vết sạt lở vẫn còn.
“Khi sạt lở xảy ra, anh em theo dõi và thấy gây nguy hiểm cho an toàn của nhà máy và công tác vận hành, và cho con người. Anh em họp khẩn thống nhất điều tiết nước để vừa đảm bảo an toàn cho đập, vừa khẩn trương dừng ngay công tác vận hành vì bị sạt lở”, ông Hùng kể.
Chủ đầu tư nhà máy cho rằng, nếu sạt sở xuống trạm biến áp thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, vẫn tỏ ra bức xúc trước việc thủy điện Hố Hô xả lũ.
Ông Huấn cho rằng đợt lũ vừa qua, với thời gian xả lũ đột ngột của thủy điện Hố Hô, người dân di dời, chạy được khỏi thiệt mạng là giỏi lắm rồi; chưa kể lại lụt vào ban đêm, mất điện, không có ánh sáng, nên việc di tản tài sản người dân rất khó khăn. Nhiều xã bị lũ quét, chứ không phải chỉ là lụt nữa, nên không di chuyển được tài sản, tivi, tủ lạnh trôi hết. Đó là thực tiễn.
“Thời gian tới đề nghị công ty có phối hợp tốt hơn trong xả lũ, trong công tác phòng tránh ngập lụt ở xã hạ du thủy điện”, ông Huấn nhấn mạnh.
|
Hà Duy
Thuỷ điện xã lũ, cãi vã: Thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết
18/10/2016 06:00 GMT+7
- Càng cãi vã, càng lộ rõ quản lý quá yếu, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, GS. TSKH Phạm Hồng Giang bình luận với Góc nhìn thẳng vụ tranh cãi thuỷ điện Hố Hô xả lũ gây ngập lớn trong trận lũ lụt miền Trung vừa diễn ra.
Thủy điện xả nước ngay trong lũ gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh là vấn đề đã được nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên những ngày gần đây, vấn đề này tiếp tục nóng trở lại khi cơn lũ ở miền Trung vừa diễn ra với việc thuỷ điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước.
Ngày 17/10, một đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã vào Hà Tĩnh để điều tra vụ xả lũ trên.
Để góp thêm một góc nhìn về câu chuyện này, chuyên mục Góc nhìn thẳngcủa báo VietNamNet đã mời GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam để bàn luận, mổ xẻ thêm.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
This is a modal window.
No compatible source was found for this media.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS, nói về phát triển thuỷ điện ở Việt Nam, đang có hai luồng ý kiến rất khác biệt. Một bên cho rằng, thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch, rẻ, an toàn, nên phát triển tốt. Nhưng một bên cho rằng, thủy điện chính là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn về người và của mỗi khi xả lũ đúng vào dịp mưa lũ. Vậy, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Không phải riêng nước ta, trên thế giới đều đánh giá, thuỷ điện là năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc phát triển thuỷ điện cũng là việc cần thiết. Trên thế giới, ở nơi nào có điều kiện phát triển thuỷ năng thì đều tận dụng cả.
Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy rằng, cái lỗi chính của chúng ta là đã phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa một cách ồ ạt. Chúng ta đã thiếu quản lý tốt về quy hoạch, về khảo sát, về xây dựng, về vận hành và thiếu giám sát một cách đầy đủ, kịp thời. Chính vì vậy mới gây ra tình trạng này.
Phần lớn, thuỷ điện nhỏ là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, với vốn không lớn. Họ đổ tiền vào làm và làm một cách ồ ạt. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền lại quản lý chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Có thể, một phần do thiếu trách nhiệm, một phần do thiếu hiểu biết.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong quá trình phát triển thuỷ điện, luôn có câu chuyện tranh cãi về việc quy trình xả nước như thế nào, xả vào thời điểm nào, mức xả bao nhiêu cho phù hợp. Việc vận hành dường như lúng túng. Theo ông, việc vận hành này cần có giải pháp thế nào cho phù hợp nhất?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Có thể nói, nếu chúng ta làm một cách nghiêm túc, đúng theo các yêu cầu để đảm bảo sử dụng nguồn nước hài hoà, từ khâu khâu quy hoạch lẽ ra chúng ta đã phải làm tốt.
Tức là, lẽ ra, chúng ta đã phải khảo sát rất kỹ, có đề cập đến các tất cả các tình huống như khi phải xả lưu lượng lớn về hạ du thì phải có bản đồ vùng ngập lụt. Những chỗ có nguy cơ ngập lụt lớn nhất thì phải có giải pháp cùng với người dân giải quyết, trong đó, kể cả việc di dời.
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet) |
Khi vận hành thuỷ điện và xả lũ, quy trình của chúng ta phải rất nghiêm túc, nghiêm khắc. Bởi các ông chủ nhà máy thuỷ điện bao giờ cũng muốn giữ một mực nước trong hồ cao, nhưng trong mùa lũ thì không thể giữ mức nước hồ cao như vậy, phải hạn mức nước trong hồ xuống thấp trước khi lũ về. Muốn hạ mức nước hồ một cách kịp thời, chuẩn xác thì phải có những dự báo tốt, dự báo sớm.
Tất cả những điều đó phải được quy định để người chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện phải tuân theo. Và các cấp quản lý phải giám sát rất chặt chẽ, phải có người thường xuyên trực tiếp giám sát nhà máy thuỷ điện vận hành trong mùa lũ. Đó là việc mà chúng ta đáng lẽ phải làm nhưng đến giờ, chúng ta chưa làm được.
Nhà báo Phạm Huyền:Ông có thấy rằng, rất nhiều vụ việc xả lũ xảy ra, các bên như chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện thường đổ lỗi cho nhau. Gần đây, như ở trường hợp thuỷ điện Hố Hô cũng vậy, theo ông, chính quyền địa phương cần có vai trò chủ động như thế nào?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Có thể nói, việc này không phải đã diễn ra lần đầu, đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đến bây giờ, cũng không biết là lỗi tại ai? Nhà máy bảo rằng, tôi làm đúng quy trình. Đúng quy trình tức là khi anh nhận được thông báo phải hạ thấp mức nước hồ, thực tế anh có hạ không?
Địa phương thì nói rằng, nhà máy xả nước không đúng. Thế thì, tôi cho rằng, việc cãi vã nhau như thế này, rõ ràng hthể hiện chúng ta có những lỗ hổng nhất định trong quy trình và có những lỗ hổng nhất định trong việc giám sát.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhìn tổng thể về "công" và "tội" của thủy điện thời gian qua ở nước ta, ông đánh giá ra sao về hiệu quả của việc phát triển thuỷ điện? Một số ý kiến cho rằng, các nhà máy thủy điện nhỏ, công suất thấp, hiệu quả kinh tế không lớn nhưng mỗi khi có mưa lũ xảy ra thì chính các nhà máy này là nguyên nhân chính gây thiệt hại lớn về người và của? Ông nghĩ thế nào về điều này?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Thuỷ điện cần đầu tư ban đầu, sau đó khi vận hành, không tốn kém gì. Chỉ việc đo đồng hồ điện rồi sau đó, thu tiền thôi. Thế nhưng, ban đầu, có thể người ta đầu tư, vẽ ra dự án hay, vay được ngân hàng. Vay xong rồi, nếu có khó khăn, không trả nợ được ngân hàng thì đã có Nhà nước, thành nợ xấu của Nhà nước.
Đó là mặt trái của thuỷ điện nhỏ và động cơ làm thuỷ điện nhỏ vừa qua là như vậy. Thực ra, nếu các doanh nghiệp đó phát triển, làm tốt thì sẽ là tốt chung cho cả nước. Chỉ có điều, chúng ta quản lý yếu quá nên luôn xảy ra các tình huống như vậy.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền- Hữu Khôi
Clip: Bạt Tuấn- Xuân Quý- Huy Phúc
Tin khác:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét