Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Không chỉ là chuyện cá chết ; Vụ cá chết ở Hồ Tây: Phó Thủ tướng giao Bộ Công an vào cuộc

(Xã hội) - Hồ Tây được ví là lá phổi của Hà Nội. Mấy ngày nay, lá phổi này bị tổn thương khiến hàng chục tấn cá chết theo một cách oan uổng. Chuyện gì đang xảy ra trong lòng lá phổi rộng hàng trăm hecta này?

Không chỉ là chuyện cá chết 
Không chỉ là chuyện cá chết
Thông tin ban đầu được Hà Nội đưa ra cho biết do thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường kết hợp với việc thiếu oxy trong nước dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt.
Dù đó chỉ là nhận định ban đầu, nhưng ngay lập tức ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia.
Phát biểu trên một tờ báo, TS Bùi Quang Tề (chuyên gia về bệnh thủy sản, nguyên trưởng phòng sinh học thực nghiệm Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho rằng nói thay đổi thời tiết dẫn đến hiện tượng nước mặt hồ Tây có chỉ số oxy bằng 0 là vô lý.
Ông Tề khẳng định chính các chất độc, các chất thải hữu cơ đổ vào hồ Tây quá mức cho phép đã khiến các chất thải hữu cơ có nhiều trong hồ hút oxy để phân hủy, dẫn tới việc cá chết.
GS.TS Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội Sinh thái học VN, cũng cho rằng mặt hồ Tây rất thoáng, nếu nói cá chết do thiếu oxy là vô lý. Ông Yên thừa nhận hồ Tây đang bị ô nhiễm, nhưng mức độ ô nhiễm không thể khiến cá chết hàng loạt được.
Các nhà khoa học thì vậy, còn cư dân mạng cũng bắt đầu thả sức đồn đoán. Nhiều ý kiến cho rằng xung quanh hồ Tây không có nhà máy nào thải ra lượng nước thải có chất thải cực độc để gây chết cá tức thì như những ngày qua. Một số ý kiến đặt nghi vấn vào Redoxy-3C – một chế phẩm dùng xử lý ô nhiễm nước hồ.
Nguyên do là trước đó, Hà Nội đã dùng chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước ở 15 hồ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, không có thông tin Redoxy-3C đã được dùng ở hồ Tây. Ngược lại, sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây mới có thông tin cơ quan chức năng dùng 4,5 tấn chế phẩm Redoxy-3C rải trên khu vực cá chết bất thường để khử độc, làm sạch mặt nước.
Các thông báo trước đó cũng cho biết việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C ở các hồ đã làm giảm các chỉ số ô nhiễm và không ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh.
Nói chung, khi bức màn bí mật về hiện tượng cá hồ Tây chết chưa được vén lên, sự hoang mang, lo lắng ngày một lớn.
Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi cá chết, cơ quan chức năng của thủ đô đã vào cuộc rất kịp thời.
Bên cạnh việc tập trung vớt cá chết, Hà Nội đã đưa ra cảnh báo người dân không sử dụng cá chết ở hồ Tây làm thực phẩm, đồng thời chuyển toàn bộ cá chết sang bãi rác Nam Sơn để xử lý.
Việc giám định mẫu nước, mẫu cá và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, làm sạch nước hồ cũng nhanh chóng được thực hiện.
Chiều 2-10, đích thân chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo truy tìm nguyên nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội sớm điều tra nguyên nhân cá chết ở hồ Tây để thông tin cho nhân dân.
Điều đó chứng tỏ việc minh bạch thông tin cho người dân là rất cần thiết, bởi nếu xác định được bất cứ nguyên nhân nào bất thường gây ra hiện tượng cá chết thì nó phải được xử lý nghiêm, chứ không phải chỉ là chuyện cá chết đơn thuần.
(Theo Tuổi Trẻ)

Vụ cá chết ở Hồ Tây: Phó Thủ tướng giao Bộ Công an vào cuộc

- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, TN&MT... cùng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây.
Tại họp báo thường kỳ chính phủ chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây là sự kiện hy hữu, trước nay chưa hề có.
“Ngay cả cá mè, cá chép, cá trắm, cá trôi rất to đều chết đồng loạt, chết trên diện rộng, gây bức xúc trong dư luận”, Bộ trưởng nói.
cá chết ở hồ tây, cá chết
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Minh Quang
Mặt hồ có diện tích khoảng 500ha với 24 cửa xả. Ngay khi xảy ra hiện tượng trên, chiều tối 2/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các cơ quan chức năng đã đi cano ra Hồ Tây kiểm tra tình hình.
Ông Mai Tiến Dũng thông tin, Thủ tướng cũng đã giao Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc trên. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, TN&MT, KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm rõ nguyên nhân cá chết.
cá chết ở hồ tây, cá chết
Làm rõ nguyên nhân Hồ Tây thiếu oxy khiến 200 tấn cá chết. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Ngay khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo công khai. Tinh thần của Thủ tướng là yêu cầu làm rõ nguồn xả thải từ đâu đến, nguồn nước có vấn đề gì không… Có người nói cá chết do thiếu oxy, vậy cái gì gây ra thiếu oxy phải làm rõ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo thống kê, từ 1/10 đến nay đã có hơn 200 tấn cá bị chết tại Hồ Tây. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quận Tây Hồ, các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, vớt cá chết để hạn chế tình trạng ô nhiễm, lấy mẫu nước để phân tích, xác định nguyên nhân, cơ quan y tế dự phòng cũng đã phun thuốc chống độc, khử trùng.
Thúy Hạnh

Không có nhận xét nào: