“Cỏ May xin đăng ký kinh doanh về ngành sản xuất gạo. Họ nộp đơn lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sau hàng tháng đợi chờ, vẫn không có hồi âm. Cỏ May lúng túng hỏi chuyên gia, và được khuyên: Hãy thử xin ở Singapore!”
>> "Lẽ ra người Việt đã phải đạt thu nhập bình quân 10.000 USD"
>> HSBC: Kinh tế Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức, khó khăn
>> "Việt Nam đứng cuối bảng ASEAN về nhiều tiêu chí"
Chỉ vài tiếng đồng hồ, mọi thủ tục hoàn tất, và Cỏ May chính thức hoạt động ở Singapore. Nhập lúa từ Việt Nam, chế biến thành gạo phẩm chất cao, và bán trong các siêu thị tại Singapore.
Câu chuyện này đã được TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc kể tại Hội thảo “30 năm đổi mới: Thành tựu, Bài học và Triển vọng”, hôm 8/10 vừa qua.
Theo quan sát của ông Doanh, từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập đến nay có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hoạt động ở Singapore và Thái Lan, những nơi có môi trường kinh doanh tốt hơn nhiều so với Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh. Ảnh: Ngô Vương Anh
“Điều đó tốt cho các công ty đó, nhưng là một thách thức lớn cho Việt Nam, bởi bao nhiêu thuế má và việc làm được tạo ra Singapore và Thái Lan được hưởng tất”, TS Doanh lưu ý.
Những câu chuyện mà TS. Lê Đăng Doanh vừa kể chỉ là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt sau 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Còn vô vàn những thách thức khác trong hành trình tới phồn vinh mà chúng ta không có cách nào né tránh được, buộc phải đối diện và tìm cách vượt qua.
Cho đến nay, mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam đã xây dựng vẫn còn chưa hoàn thiện. Để minh chứng cho đúc kết này, TS Doanh đưa ra vài dẫn chứng cụ thể:
Thứ nhất, đất đai và tài nguyên thiên nhiên được coi là “sở hữu toàn dân”, tức là không có chủ sở hữu cụ thể, dẫn đến thực trạng một số quan chức tham lam đã lạm dụng quyền lực để thu lợi bất chính. Chẳng hạn như chênh lệch quá cao giữa giá đến bù đất cho nông dân với giá đất xây dựng.
Hay việc thuê đất, giao đất không dựa trên hợp đồng tự nguyện giữa người dân và doanh nghiệp, mà thông qua biện pháp hành chính, cưỡng chế, gây ra bất bình trong xã hội. Hoặc hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên, rừng và đất rừng được chuyển giao cho danh nghiệp khai thác cũng còn thiếu công khai minh bạch, tạo ra miếng đất màu mỡ cho quan chức suy thoái tham nhũng.
Thứ hai, tín dụng lãi suất vẫn còn được điều hành bằng biện pháp hành chính, phần lớn tín dụng được giao cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Kết quả là nguồn lực được phân bổ không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều vốn nhưng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng.
Thứ ba, nhà nước vẫn còn can thiệp vào thị trường ở các cấp khác nhau, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm phát triển. Nhà nước duy trì độc quyền ở nhiều sản phẩm và dịch vụ chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả, làm môi trường kinh doanh kém lành mạnh, tạo cơ hội cho một số đối tượng giàu lên nhanh chóng, trong khi số đông doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vật vã mãi chưa lớn lên được. Chính vì vậy, sau một thời gian tăng trưởng ngoạn mục, kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bất ổn, bội chi ngân sách cao, nợ công tăng, và tốc độ tăng trưởng giảm sút, TS Doanh kết luận.
Thứ tư, chi thường xuyên còn cao do bộ máy công kềnh. Theo ông Doanh, cần tái cơ cấu ngân sách toàn diện gắn liền với tái cơ cấu bộ máy, thiết lập kỷ luật ngân sách nghiêm minh, công khai, minh bạch, gắn liền với trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân để tiết kiệm chi tiêu.
Bên cạnh đó còn có cả mối lo nợ công (năm 2015 đạt 63% GDP và đụng trần nợ công), chiếm tỷ lệ chi trả khá cao làm cho cân đối ngân sách trở nên khó khăn.
“Tất cả những thách thức kể trên muốn khác phục và vượt qua đều cần một cải cách duy nhất: cải cách thể chế”, TS Doanh đúc kết sau khi rút ra 4 vấn đề lớn đang góp phần kìm hãm con đường đưa Việt Nam tới phồn vinh.
Cải cách thể chế - đổi mới lần 2
Ông Doanh cho rằng, “tình hình trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam và các cam kết hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện sớm những cải cách thể chế cơ bản và có hệ thống, thay vì những cải cách cục bộ, từng mặt, từng bộ phận như cho đến nay”.
Xem ra con đường đã được khai thông bởi, trong chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020, được Đại hội XI thông qua đã đề ra yêu cầu cải cách chính trị. Cụ thể như sau: “Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Văn bản này cũng xác định nghiêm túc rằng “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là khâu đột phá chiến lược số 1.
Tuy nhiên, TS Doanh không khỏi cảm giác tiếc nuối bởi những định hướng đúng đắn kể trên vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, rốt ráo trong khi thời gian trôi đi rất nhanh, láng giềng cũng chạy rất nhanh, còn chúng ta vẫn lề mề ở tít dưới xa.
Mặc dù ý thức rằng cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn thậm chí có cả những chống đối quyết liệu từ những nhóm lợi ích vốn liên kết chặt chẽ với nhau nhằm thao túng chính sách quốc gia, tuy nhiên ông Doanh vẫn có niềm tin sắt đá rằng “cuộc sống luôn mạnh hơn mọi giáo điều”.
Theo Huỳnh Phan
VietnnamNet
VietnnamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét