Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Ông Nguyễn Đình Hương nói lạ; Riêng BCHTW Đảng mỗi năm NS cấp khoảng 100 triệu USD; Quốc hội họp ngày hết 1 tỷ VND xưa nay làm gì ?

‘Phải có một tổ chức đủ quyền để giám sát quyền lực’

Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng bây giờ không có ai giám sát các cơ quan quyền lực.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đang diễn tại Hà Nội, Trung ương tiếp tục thảo luận về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và một số vấn đề quan trọng khác. Quyết tâm của Đảng là rất rõ ràng, điều mà đảng viên và nhân dân mong đợi là từ quyết tâm biến thành hành động cụ thể ra sao. Về vấn đề này, VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.
Giám sát quyền lực, Nguyễn Đình Hương, Đảng viên
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.
PV: Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đánh giá tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn nghiêm trọng. Theo ông, tại sao Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay nhưng suốt 5 năm qua tình trạng đó vẫn không giảm?
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, giữa hai nguyên nhân bên ngoài và bên trong thì nguyên nhân bên trong chủ quan là chính. Bây giờ họ tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng chứ không tham nhũng như ngày trước. Một câu hỏi đặt ra cho Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta có 4 hệ thống rất hoàn chỉnh gồm Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đoàn thể chính trị nhưng vấn đề tham nhũng vẫn lọt được. 4 hệ thống song song, mạnh như vậy, biên chế nặng nề như vậy nhưng không ai chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân của nguyên nhân.
Chúng ta phải học tập Nghị quyết của Đại hội VI. Hồi Đại hội VI, tôi còn nhớ phải tìm một nguyên nhân của nguyên nhân là công tác cán bộ. Theo tôi, cán bộ cấp trên phải trong sạch trước thì mới giáo dục cấp dưới được.
Hội nghị Trung ương lần này tôi rất tin tưởng sẽ có những đánh giá đúng đắn về tình hình suy thoái trong nội bộ Đảng và nguyên nhân vì sao không thực hiện được, từ Nghị quyết Trung ương 4 không đẩy lùi được.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng đã có kết quả quan trọng như hàng loạt vụ án kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng đưa ra xét xử thời gian gần đây đó thôi, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Hương: Chúng ta cứ chạy theo các vụ án này, vụ án khác thì cũng rất cần nhưng nếu cứ chạy như vậy thì không bao giờ ngăn chặn được mà phải tìm ra giải pháp đó là nguyên nhân của nguyên nhân là gì. Làm thế nào xây dựng Đảng được tốt cả về mặt tư tưởng, tổ chức, cán bộ. 3 mặt đó đều phải song song.
PV: Do nghị quyết chưa trúng hay do hành động thiếu quyết liệt hay do những biểu hiện tham nhũng, tình trạng suy thoái, tự diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, vấn đề chỉ đạo chỉ có một phần. Nhưng trong chỉ đạo thực hiện chúng ta hơi nặng về công tác giáo dục, công tác tư tưởng. Quản lý nhà nước phải quản lý bằng pháp luật, bằng thể chế. Bây giờ cứ xin và cho, công tác cán bộ làm theo quy trình như vụ Trịnh Xuân Thanh thì sẽ không chống được tiêu cực.
PV: Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục cảnh báo nếu không đẩy lùi được tình trạng suy thoái thì có thể gây hậu quả khôn lường. Theo ông, những hậu quả có thể có là gì nếu không đẩy lùi được tình trạng này?
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, không đẩy lùi được tham nhũng và tình hình này phát triển nghiêm trọng thì đó là một sự sống còn. Ban Chấp hành Trung ương cùng với cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, làm tốt hơn nữa cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ Đảng.
Tôi còn nhớ, hồi cải cách ruộng đất, Bác Hồ chỉ đạo: các chú phải xuống xin lỗi dân đi, có sai thì sửa. Nước yên thì thuyền yên. Dân có tin Đảng, thương Đảng thì mới tha thứ cho Đảng.
PV: Thời gian qua, đảng viên và nhân dân cả nước ghi nhận sự nêu gương của một số lãnh đạo cấp cao nhưng càng xuống cấp dưới, cấp cơ sở thì sự chuyển biến vẫn chưa rõ nét, thậm chí “án binh bất động”. Hiện tượng cá nhân giàu nhanh, giàu bất thường hay cả họ làm quan cùng một địa phương hoặc bộ ngành diễn ra không còn cá biệt. Khi bị phát hiện vẫn biện hộ đúng quy trình, cả họ làm quan chỉ là ngẫu nhiên khiến nhân dân suy giảm lòng tin. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi cho rằng về việc này không chỉ cơ sở và cấp huyện mà không gương mẫu từ cấp Trung ương. Muốn trách cấp dưới thì trước tiên cấp trên phải sòng phẳng. Trên không nghiêm thì dưới không nghiêm.
Nói quy trình vụ Trịnh Xuân Thanh là anh biện hộ cho quy trình, nhưng đằng sau rất nhiều chuyện. Trịnh Xuân Thanh, một người mắc sai phạm như vậy mà được đưa về làm Phó Chủ tịch tỉnh, làm Tỉnh ủy viên, ứng cử đại biểu Quốc hội và trúng cử đại biểu Quốc hội, thì người ta bảo quy trình đúng. Có xin có cho, Bí thư tỉnh xin, Ban Tổ chức đồng ý, Bộ Công thương cho… như vậy là đúng quy trình. Nhưng bản chất quản lý ông Trịnh Xuân Thanh đã lọt từ Ban Tổ chức Trung ương, lọt từ Bộ Công thương, từ Tập đoàn Dầu khí.
PV: Trong 4 nhiệm vụ Tổng Bí thư gợi mở lần này, theo ông nên chăng cần đưa giải pháp xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng lên trên giải pháp đảng viên phê bình và tự phê bình?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi đồng tình với những giải pháp của đồng chí Tổng Bí thư nêu lên. Trong đó, tôi đồng tình với giải pháp về giám sát. Bây giờ không ai giám sát cơ quan quyền lực. Cơ quan nào giám sát? Ủy ban Kiểm tra Trung ương không đủ thẩm quyền.
Phải có một tổ chức đủ quyền lực để giám sát các cơ quan quyền lực. Phải thay đổi một cách cơ bản việc này. Phải có một tổ chức giám sát có quyền lực do Đại hội các cấp bầu, giám sát cả những hành vi cán bộ vi phạm  và có dấu hiệu vi phạm.
Người dân rất đồng tình với những ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và người dân cũng đang chờ hành động của người đứng đầu, của Bộ Chính trị.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Thanh Trường - K.Anh/VOV

Không có nhận xét nào: