Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Ông Vũ Khoan bàn về đổi mới chính trị

(Chính trị) - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói ông có 4 ấn tượng lớn về quá trình đổi mới chính trị Việt Nam 30 năm qua.

LTS – Hôm 8/10/20216, lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về 30 năm Đổi Mới ở Việt Nam được tổ chức bởi Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức. Tuần Việt Nam xin giới thiệu những chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói ông có 4 ấn tượng lớn về quá trình đổi mới chính trị Việt Nam 30 năm qua.
Ấn tương đầu tiên là Việt Nam ưu tiên đổi mới kinh tế kết hợp với từng bước đổi mới về chính trị. Trước đó, Liên Xô và Đông Âu lại chú trọng vào đổi mới chính trị, nhưng Việt Nam đã không làm như vậy.
Vũ Khoan, đổi mới chính trị, 30 năm đổi mới
Ông Vũ Khoan.
Việt Nam có câu “có thực mới vực được đạo”, mà kinh tế Việt Nam năm 1986 lạm phát tới gần 800%, người dân Việt Nam rất đói theo nghĩa đen, nên Việt Nam phải ưu tiên đổi mới kinh tế nhằm cứu lấy dân tộc.
Hơn nữa, không thể đổi mới được bất cứ cái gì trong một xã hội hỗn loạn. Việt Nam cũng rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tế ở Liên Xô và Đông Âu lúc đó.
Vả lại, đổi mới chính trị là một quá trình vô cùng phức tạp, liên quan đến rất nhiều người, vả lại, chưa có tiền lệ và mô hình. Vì vậy, Việt Nam phải đổi mới dần từng bước, vừa đổi mới, vừa xác định mô hình.
Ấn tượng thứ hai là đổi mới chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Ông Vũ Khoan dẫn chứng bằng một ví dụ mà ông hay trích dẫn khi trả lời về tính đặc thù: Người Việt uống rượu gạo bịt nút lá chuối, người Anh thì uống Whisky, người Pháp uống rượu vang, hay người Nhật uống Sake, còn người Trung Quốc thì uống rượu Mao Đài…
Thế giới hầu như không ai không uống đồ uống có cồn cả, nhưng mỗi dân tộc có khác theo đặc thù của mình. Cải cách chính trị cũng vậy, Việt Nam có truyền thống văn hóa phương Đông, truyền thống của một nước đã trải qua chiến tranh và một thời gian dài trải qua thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp”, ông Vũ Khoan giải thích.
“Chính vì vậy, cải cách chính trị ở Việt Nam được tiến hành theo cách duy tình hơn duy lý, và đó là con đường riêng của Việt Nam”, ông Vũ Khoan tạm kết luận.
Còn ấn tượng thứ ba liên quan đến việc đổi mới chính trị một cách đồng bộ, ông Vũ Khoan nói.
Đổi mới đầu tiên là trước kia bên Đảng can thiệp vào mọi công việc trực tiếp của hệ thống chính quyền, bây giờ Đảng đã dành một quyền chủ động rất lớn cho các cơ quan lập pháp và hành pháp. Từng là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng và đại biểu Quốc hội, ông Vũ Khoan cảm nhận rất rõ về việc này.
Đổi mới thứ hai trong Đảng là dân chủ trong Đảng cũng phát triển rất nhiều. Ông Vũ Khoan không có thời gian chia sẻ với hội thảo, nhưng ông cũng cảm nhận rất rõ với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng trong suốt 15 năm.
Đổi mới thứ ba là sự đổi mới mang tính đồng bộ, từ đổi mới về Đảng, đổi mới về Nhà nước, và đổi mới về xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo ở đất nước này do lý tưởng của Đảng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, và được công nhận. Những hy sinh của Đảng được nhân dân đánh giá rất cao. Trong Hiến pháp năm 2013 đã nói rõ hai điều trước kia chưa từng nói: Một là Đảng chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của nhân dân, hai là Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Đổi mới thứ tư là đổi mới chính trị dựa trên cơ sở lấy dân làm gốc.  Theo ông Vũ Khoan, Đảng cầm quyền luôn luôn có một mối đe dọa là trở thành quan liêu hóa, và sẽ tha hóa. Do đó, từ nhiều năm nay, Đảng đã đặt rất cao vấn đề xây dựng và củng cố Đảng, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, để biến Đảng thành một đảng thực sự của dân, do dân và vì dân.
Đổi mới trong Đảng có khi không được thông tin lắm trong người dân, nhưng mà những hoạt động của Quốc hội ở các kỳ họp được truyền hình trực tiếp toàn quốc, và có những đổi mới về hệ thống lập pháp. Vai trò của lập pháp vượt trội lên so với trước đổi mới, khi các kỳ họp Quốc hội của Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Nhưng từ ngày đổi mới các cuộc họp của Quốc hội diễn ra hẳn.
Thứ nhất, về lập pháp, Quốc hội đã tập trung rất nhiều xây dựng một khuôn khổ pháp luật, mà chủ yếu là tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. Theo thực tế khi làm Phó Thủ tướng chỉ đạo việc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO, ông Vũ Khoan cho biết Việt Nam phải đổi mới hệ thống luật pháp phù hợp với tầm quốc tế, và trong 10 năm đàm phán Việt Nam đã đổi mới hơn 100 văn bản lập pháp theo cái chuẩn chung của nhân loại.
Thứ hai là tính công khai của Quốc hội đã đạt đến mức cao chưa từng có. Tất cả những buổi chất vấn đối với các bộ trưởng, cả Phó Thủ tướng lẫn Thủ tướng, đều được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, và nhân dân giám sát xem những người lãnh đạo Chính phủ và các bộ đã giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm ra sao.
Thứ ba là quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với những việc lớn của đất nước, và đối với những công trình lớn của đất nước. “Khi tôi làm Phó Thủ tướng, chúng tôi vẫn bảo trước đây Chính phủ có thể tự quyết mọi chuyện, bây giờ nhất nhất đều phải trình qua Quốc hội, tiêu từng đồng phải xin ý kiến của Quốc hội. Chính phủ thì quá vất vả, nhưng đối với quốc gia thì quá tốt”, ông Vũ Khoan chia sẻ.
Về tư pháp, hiện nay Việt Nam đang có một chương trình đổi mới tư pháp do Chủ tịch nước đứng đầu, để cải cách hệ thống tư pháp Việt Nam theo những giá trị chung của nhân loại, mô hình chung của các quốc gia. Có rất nhiều điều trước đây không hề có ở Việt Nam bây giờ đã có, chẳng hạn như tranh tụng trước tòa. Hay trước đây, trong thời gian chiến tranh, Việt Nam thậm chí đã giải tán cả Bộ Tư pháp, còn trường đại học pháplý hoàn toàn không có. Bây giờ, vai trò tư pháp khác bằng vai phải lứa với những hệ thống, thành tố khác của hệ thống, có tiếng nói riêng và chỉ tuân theo pháp luật.
Còn cơ quan hành pháp thay đổi như thế nào? Thay đổi thứ nhất là chuyển từ một chính phủ quản lý mọi việc, theo kiểu hội đồng quản trị một tập đoàn, sang quản lý kinh tế gián tiếp về luật pháp. Từ đó chính phủ thu hẹp bớt lại, chỉ còn hơn 20 bộ quản lý đa ngành – đa lĩnh vực, từ gần 40 bộ trước đây.
Thứ hai, trong những ngày gần đây, Chính phủ Việt Nam đang nhấn mạnh thông điệp “chuyển từ chính phủ quản lý sang chính phủ kiến tạo”, tức là tạo môi trường hành lang cho doanh nghiệp hoạt động.
Thứ ba là ở Chính phủ quá trình phân quyền diễn ra rất mạnh mẽ, và quyền hành của các cấp địa phương rất là lớn.
Thứ tư là trong công cuộc đổi mới này tất cả dựa vào dân, bắt đầu từ dân chủ cơ sở.
Những điều chờ mong của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Theo ông Vũ Khoan, điều thứ nhất, cũng được phản ánh trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, là ưu tiên cách thức đổi mới Đảng. Đảng lãnh đạo, Đảng không tự mình đổi mới thì khó có cái sự đổi mới trong toàn xã hội. Trong sự đổi mới Đảng này vấn đề then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để gạt bỏ dần những khía cạnh tiêu cực, để cho Đảng xứng đáng hơn với sự tin cậy của nhân dân.
Mong mỏi thứ hai của ông Vũ Khoan là cơ quan hành pháp và lập pháp có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong quy trình làm luật, để cho những đạo luật được thông qua mang tính bao quát và đầy đủ hơn những hoạt động của xã hội. Hiện nay, các đạo luật của Quốc hội thông qua thường được thiết chế mang tính khuôn khổ, chứ chưa đi vào chi tiết. Để luật có hiệu lực lại cần Chính phủ ra các nghị định để cụ thể hóa các luật đó, mà không ít khi các nghị định đó lại không khớp với luật. Rồi sau nghị định lại đến thông tư của các bộ để thi hành, thì thông tư lại càng chệch so với luật. Ông Vũ Khoan mong mỏi rằng luật phải được soạn thảo chi tiết để thi hành được ngay, và việc đó phải do Quốc hội tiến hành.
Ông Vũ Khoan cũng muốn rằng bản thân Quốc hội cũng cần phải là những người sáng kiến ban hành luật, chứ cho đến nay Chính phủ là bên chủ yếu có sáng kiến ra luật.
Điều thứ ba mà ông Vũ Khoan mong chính là điều mà Thủ tướng nhấn mạnh rất nhiều: chuyển từ chính phủ chỉ đạo trực tiếp sang chính phủ kiến tạo. Ông Vũ Khoan cho rằng nhiệm vụ chính của Chính phủ là kiến tạo, dàn dựng hành lang pháp lý thông thoáng, dễ dàng cho doanh nghiệp hoạt động và người dân sống.
Và thứ tư, ông Vũ Khoan mong làm sao hợp giữa mở rộng dân chủ với củng cố kỷ cương. Luật có cải tiến đến mức nào đi chăng nữa mà người dân không hiểu và không tuân thủ thì xã hội làm sao phát triển được, ông Vũ Khoan nói.
Điểm cuối cùng là hiện nay Việt Nam đang hội nhập rất là sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thì đổi mới chính trị nói chung, và đổi mới cái luật pháp nói riêng, phải song hành với quá trình hội nhập đó. “Hiện nay Việt Nam tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới, có rất nhiều luật lệ khác nhau, luật lệ trong nước phải đáp ứng được những đòi hỏi đó”, ông Vũ Khoan nói.
(Theo Vietnamnet)

Không có nhận xét nào: