18:36 - 08/10/2016
Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực hết mình khắc phục tình trạng cá chết ở Hồ Tây, kết quả, môi trường nước hồ dần được khôi phục trở lại.
Tuy nhiên, trước những sự cố, đối tượng xấu thường lợi dụng để kích động người dân gây ra hành vi nguy hiểm, do vậy, người dân cần tỉnh táo, hết sức cảnh giác trước âm mưu phá hoại.
Hồ Tây được khôi phục trở lại
Hồ Tây vừa trải qua một trong những sự cố môi trường nặng nề nhất từ trước tới nay. Khoảng 200 tấn cá đã chết chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo trực tiếp việc xử lý cá chết khu vực Hồ Tây |
Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được tích cực điều tra, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng: “May mà lực lượng chức năng TP đã kịp thời khắc phục hậu quả, nếu không lượng cá chết có thể nhiều gấp bội, Hồ Tây và môi trường xung quanh sẽ gặp thảm họa thực sự”.
Ngay khi phát hiện sự việc, 1.000 quân nhân Bộ Tư lệnh Thủ đô, 300 công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, 200 công nhân các Công ty Thoát nước, vệ sinh hồ Tây… cùng hàng nghìn đoàn viên thanh niên, lực lượng địa phương đã được huy động, làm việc suốt ngày đêm, thu vớt xác cá, làm vệ sinh hồ.
Cá chết liên tục được vớt khỏi Hồ Tây |
Đến cuối ngày 5/10, xác cá nổi trên mặt nước đã được dọn sạch sẽ, không còn hiện tượng cá chết. Ngày 6/10 mùi tanh hôi đã gần như không còn xuất hiện. Ngày 7/10, chỉ còn khu vực lều dã chiến của các lực lượng dọn vệ sinh hồ tại 128 Thụy Khuê còn chút mùi tanh, ngoài ra quanh Hồ Tây, môi trường đã hoàn toàn trở lại trong lành.
Các đơn vị chức năng nỗ lực vớt xác cá để làm trong sạch Hồ Tây |
Một trong những chuyên gia đầu ngành về thủy sản, TS Bùi Quang Tề nhận định: “Lượng nước thải hữu cơ đổ vào quá lớn sẽ kiến hàm lượng NH3 tăng cao, dẫn đến giảm hàm lượng ô xy trong nước. Việc thiếu ô xy chính là nguyên nhân khiến cá chết. Cùng với hiện tượng tảo nở hoa, thiếu ô xy để phân hủy các chất hữu cơ cũng là một trong những nguyên nhân chính”.
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI ngày 6/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ngay từ lúc xảy ra sự việc cá chết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo CATP Hà Nội và Sở TN-MT Hà Nội phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân. Đến thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra sự việc. Tới đây, Hà Nội sẽ đầu tư hệ thống quan trắc nước, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải tại khu vực hồ Tây cũng như các hồ trên địa bàn thành phố.
Thu gom, vận chuyển cá chết đem xử lý tại bãi rác Nam Sơn |
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đang cải tạo 17 hồ nước và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sông Tô Lịch tại Yên Xá (huyện Thanh Trì)… để thời gian tới Hà Nội nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh nguyên nhân. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học môi trường, và Bộ Công an tiến hành kiểm tra, rà soát nguyên nhân tại sao cá chết. Khi có kết quả, Văn phòng Chính phủ thông báo tới cơ quan báo chí.
Ngay sau khi có hiện tượng thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống hiện trường tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng cá chết ở Hồ Tây. UBND Thành phố đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách xử lý sự cố.
Trong đó, Chủ tịch Thành phố yêu cầu lấy mẫu cá sống và chết đưa đi giám định nhằm xác định nguyên nhân cá chết và cá có bị nhiễm các chất độc hại hay không.
Tại bãi rác Nam Sơn, xác cá được phun thuốc khử trùng, xử lý để tránh phát sinh mầm bệnh rồi đem chôn cùng vôi bột.
|
UBND TP Hà Nội cũng ban hành Công điện về tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội; Công ty MTV thoát nước Hà Nội tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn; tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại nơi sinh hoạt.
Các đơn vị này cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hồ nước trên địa bàn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường phải thực hiện các phương án xử lý ngay và báo cáo UBND TP để kịp thời chỉ đạo.
Điều đáng lo ngại, trước những sự cố, các đối tượng xấu thường lợi dụng sự thiếu kiềm chế và nhiều khi là suy nghĩ và hành động theo tâm lý đám đông để kéo dân, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh sinh viên xuống đường, tụ tập và kích động, gây ra những hành vi phá rối nguy hiểm.
Môi trường Hồ Tây đã được khôi phục |
Do vậy, rất mong các lực lượng chức năng nghiêm khắc xử lý những hành động kích động, trái pháp luật, vừa gây mất trật tự, an ninh kinh tế, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đồng thời, người dân, nhất là các bạn trẻ, học sinh sinh viên cần cảnh giác trước những âm mưu phá hoại, không để đối tượng xấu lợi dụng, kích động xuống đường gây ra những hành vi nguy hiểm, trái pháp luật.
Theo KTĐT
Những hình ảnh chưa từng có về cá chết ở Hồ Tây
Ngày đăng: 03/10/2016
Theo ghi nhận, đã có hơn chục tấn cá chết ở Hồ Tây. Nhiều người sống ở khu vực Hồ Tây đánh giá đây là hiện tượng cá chết chưa từng có.
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, sáng 2/10, nhiều người dân sống ven Hồ Tây (Hà Nội) khá bất ngờ với hiện tượng cá chết ở Hồ Tây trắng cả mặt hồ. Cá chết nổi đầy trên mặt nước, bốc mùi hôi tanh nồng nặc khiến không khí nơi đây trở nên rất khó chịu.
Cho đến đêm ngày 2/10, các lực lượng xí nghiệp thoát nước, lực lượng chức năng quận Tây Hồ vẫn đang tiếp tục tiến hành trục vớt xác cá. Hàng trăm công nhân đã được huy động.
Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây nhiều, đồng loạt khiến không khí quanh khu vực hồ trở nên rất hôi thối. Khu vực ghi nhận có nhiều cá chết nhất là khu vực quanh tuyến đường Trích Sài.
“Chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều đến thế. Chiều nay tôi vớt được những con trắm ốc, cá chép to hiếm thấy, nặng đến gần 15kg. Bịt đến 2 chiếc khẩu trang mà vẫn thấy buồn nôn vì mùi cá chết, tôi vẫn phải làm cố nốt đêm nay. Tất cả anh em đều phải cố gắng, không vớt được hết cá chết, nước sẽ càng ô nhiễm hơn”, ông Lâm, 45 tuổi, một công nhân môi trường nói trên báo Dân việt.
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Hồng Phong (Thụy Khuê – Hà Nội) cho biết, bản thân ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây với mức độ lớn như lần này.
“Trước đây ở Hồ Tây cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết, tuy nhiên chủ yếu là những loại cá nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ. Lần này cá chết trên diện rộng, nhìn khắp mặt hồ đâu cũng thấy trắng xóa. Đặc biệt, xung quanh khu vực này mùi hôi tanh bốc lên rất khó chịu.”, ông Phong kể lại trên báo Dân trí.
Sau đây là những hình ảnh cá chết ở Hồ Tây nhiều chưa từng có trên báo Dân việt và báo Trí thức trẻ:
Hồng Hà (T/H)
Bất ngờ với nguyên nhân hàng tấn cá chết nổi trắng hồ Tây
Ngày đăng: 02/10/2016
Kết quả test nhanh mẫu nước cho thấy, nước ở Hồ Tây bị thiếu ô xy. Hiện tượng thiếu ô xy trong nước có thể là do thời tiết chuyển mùa.
Vài ngày trở lại đây, xung quanh khu vực Hồ Tây bao gồm các tuyến đường Trích Sài, Lạc Long Quân (Tây Hồ)… xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Cá chết nổi trắng mặt hồ, dạt vào bờ bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cho cuộc sống của không ít hộ dân tại các tuyến đường này bị ảnh hưởng.
Bác Bình – 60 tuổi, một người dân sống tại đường Trích Sài (Tây Hồ) cho biết: “Khoảng 3 ngày trở lại đây, hồ Tây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Đặc biệt là từ tối mùng 1 đến sáng 2/10, số lượng cá chết tăng nhanh chóng. Cá chết đủ loại bao gồm chép, rô phi, cá mè… kích thước chủ yếu to bằng lòng bàn tay. Bình thường gia đình tôi hay mở cửa sau cho thoáng nhưng vài ngày này phải đóng cửa vì cá nặng mùi quá”.
Bác Bình – 60 tuổi, một người dân sống tại đường Trích Sài (Tây Hồ) cho biết: “Khoảng 3 ngày trở lại đây, hồ Tây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Đặc biệt là từ tối mùng 1 đến sáng 2/10, số lượng cá chết tăng nhanh chóng. Cá chết đủ loại bao gồm chép, rô phi, cá mè… kích thước chủ yếu to bằng lòng bàn tay. Bình thường gia đình tôi hay mở cửa sau cho thoáng nhưng vài ngày này phải đóng cửa vì cá nặng mùi quá”.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, công nhân vệ sinh môi trường đã có mặt để vớt cá chết, tránh nước hồ bị ô nhiễm. “Số lượng cá chết rải rác khắp Hồ Tây nên việc vớt cá không xuể. Chúng tôi huy động từ 3 thuyền máy đi vớt cá. Cá chết vài ngày trở lại đây phải có số lượng hàng tấn. Chỉ riêng ngày 1/10, chúng tôi vớt được hơn nửa tạ cá chết”, một công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ.
Chiều 2/10, ông Nguyễn Văn Thắng – Bí thư Quận Ủy Tây Hồ thông tin với PV về kết quả kiểm tra nhanh mẫu nước ở Hồ Tây sau khi xảy ra hiện cá chết hàng loạt nổi trên mặt hồ. Ông Thắng cho biết, sáng 2/10, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hà Nội đã lấy mẫu nước ở 4 điểm trên Hồ Tây để kiểm tra. Kết quả test nhanh mẫu nước cho thấy, nước ở Hồ Tây bị thiếu ô xy. Hiện tượng thiếu ô xy trong nước có thể là do thời tiết chuyển mùa.
Hiện quận cũng đang phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ TP.Hà Nội làm rõ nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết ở Hồ Tây từ đó có biện pháp khắc phục.
Quận Tây Hồ đang tập trung vớt cá chết nổi trên mặt hồ để tránh ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và khách sạn quanh hồ, đồng thời phối hợp với đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân dẫn để có hướng khắc phục.
Bí thư Quận Ủy Tây Hồ cũng cho biết, sau khi nhận được báo cáo của quận Tây Hồ về hiện tượng cá chết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục. Trong trường hợp hiện tượng cá chết do thời tiết chuyển mùa dẫn tới thiếu ô xy thì phải đưa máy móc ra hồ sục nước tạo ô xy cho cá.
Được biết, vài năm trở lại đây, hồ Tây đã trở thành “tâm điểm” hứng nước thải khi mỗi ngày phải nhận 4.000m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ.
Nho Quế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét