Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Quỹ BHXH thất thoát hơn ngàn tỉ, ai chịu trách nhiệm ?

(NLĐO) - Trong khi cơ quan soạn thảo lo lắng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu thì các ĐB Quốc hội chất vấn về chuyện quỹ BHXH thất thoát hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai.


ĐB Trần Thanh Hải: Lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằngThảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sáng 29-5, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Văn Hưng (đoàn TP HCM) bức xúc việc BHXH dùng tiền cho công ty cho thuê tài chính vay, thất thoát cả ngàn tỉ đồng nhưng đến nay không giải trình rõ trách nhiệm thuộc về ai, lấy đâu tiền bù lại số tiền này ?
ĐB Trần Thanh Hải: Lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng

Đồng tình, ĐB Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng BHXH là cơ quan sự nghiệp nhưng lại được quyền lấy tiền người lao động đóng góp để chi cho việc khác thì cần phải xem lại. Dự thảo luật chưa đưa ra được chế tài đối với trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm hoặc lợi dụng để chiếm đoạt tiền BHXH. “Tôi thấy có những thay đổi trong dự thảo luật còn gây băn khoăn. Ban soạn thảo lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng” - ông Hải nói.
ĐB Lê Trọng Sang cho biết BHXH đang đầu tư ra ngoài “gớm lắm” nhưng lại mất khả năng thu hồi. “Trước đây tôi hình dung chỉ có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài nhưng quỹ BHXH cũng đầu tư ra ngoài ngành. Nếu sử dụng tiền đó vào công trình quan trọng của quốc gia, công cộng, cổ phiếu trái phiếu của nhà nước thì còn được. Còn bây giờ thì lại lo lắng vỡ quỹ” - ông Sang bức xúc.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh thẳng thắn: “Tôi hay bất cứ ĐB Quốc hội nào cũng thế thôi. Mấy bữa nữa tôi nghỉ hưu mà lương hưu thấp hơn thì tôi không chịu. Lúc về hưu mà hưởng lương chỉ bằng 50% bây giờ thì chắc chắn không ai đồng tình rồi. Tôi hỏi nhiều nhà khoa học thì họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy. Vỡ quỹ hay không vỡ quỹ do anh quản lý. Các anh tính đúng tính đủ, thu đúng, thu đủ để đảm bảo quỹ. Không thể nói lo người về hưu như tôi hưởng nhiều mà phải điều chỉnh”.
Dẫn ra tình trạng nợ bảo hiểm nhiều, chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn dẫn tới nguy cơ thâm hụt, thiếu, ông Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng nếu giải quyết bài toán hiện nay tốt hơn thì không thể dẫn nỗi lo vỡ quỹ BHXH. “20 năm nữa thế hệ hiện nay mới bắt buộc đóng bảo hiểm thì phải bổ sung vào quỹ. Họ cũng đóng đủ thì sao vỡ quỹ được. Nhiều nhà khoa học nói với tôi rằng câu chuyện ban soạn thảo đề ra không thực tế, không thể từ lo lắng vỡ quỹ bảo hiểm rồi lại nói tới câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu được” - ông Ánh bày tỏ.
"Không khắc phục được chuyện nợ đọng như bây giờ. Bảo hiểm như thuế, đến tháng không đóng thì phải khấu trừ ngay tại ngân hàng" - ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất.
Công đoàn có quyền khởi kiện bảo hiểm để bảo vệ người lao động nhưng không biết khởi kiện ai?. Công đoàn đại diện cho người lao động mà lại đi kiện doanh nghiệp đóng bảo hiểm, công đoàn có dám kiện giám đốc không, như thế là bất hợp lý ? Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại cách thiết kế, làm sao để đảm bảo đóng đúng, đóng đủ không có chuyện nợ nần như bây giờ. Không thấy có câu nào cơ quan bảo hiểm đi đòi nợ, nếu mai mốt có nợ nần bảo hiểm kiện ra tòa thì chả có luật nào điều chỉnh cả" - ĐB Ánh thẳng thắn.
ĐB Ngô Ngọc Bình (đoàn TP HCM), nhận xét đọc dự thảo Luật BHXH thấy mất đi nhiều hơn được nên cần nghiên cứu lại. "Việc mở rộng đối tượng thì đối tượng thế nào, bởi đi sâu vào mới thấy phần đông người lao động hiện nay rất khốn khó. Quan điểm của Đảng trong nghị quyết 21 Trung ương, mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện nhưng phải bổ sung vấn đề còn bất cập trong bảo hiểm. Như vấn đề tách bảo hiểm xã hội khỏi đơn vị hành chính ra khỏi khu vực doanh nghiệp, sự nghiệp khác, tách riêng luật bảo hiểm với bộ máy công quyền như các nước trên thế giới; đưa nội dung bảo hiểm xã hội vào luật công chức, viên chức, nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân, phải quy định về chế độ hưu trí của bộ máy công quyền.
Không đồng tình với đề xuất nâng độ tuổi lao động, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) phân tích: Khi còn trong độ tuổi lao động thì không chấp nhận cào bằng lương bởi lúc này là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu thì không thể xảy ra câu chuyện có người hưởng lương hưu cao chót vót, cao gấp 3-4 lần so với người khác như hiện nay được. Bà Lan cho rằng đây là vấn đề an sinh xã hội. “Lương của công nhân hiện nay còn không đủ sống thì đừng đòi hỏi có thể giúp họ sống no đủ với lương hưu. Chúng ta phải làm sao để xây dựng chính sách có sự hòa đồng” - bà Lan nêu quan điểm.
Thế Kha

Không có nhận xét nào: