03/10/2016
Tác giả: Jamil Anderlini
Dịch giả: Song Phan
29-9-2016
Nhà độc tài này đang nhận được sự tăng vọt về lòng ngưỡng mộ của dân. Nhưng sự trỗi dậy của phong trào tân Mao này có thể đảo lộn sự ổn định của Trung Quốc.
Hai du khách chụp ảnh trước tượng chàng thanh niên Mao Trạch Đông ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. © WassinkLundgren
Một tấm màn ô nhiễm dầy treo trên Quảng trường Thiên An Môn và từ một khoảng cách xa bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông ở trên lối vào Tử Cấm Thành trông hơi bị nhòe. Mới 8 giờ sáng mà nhiệt độ ở trung tâm Bắc Kinh đã lên tới 30°C. Tuy nhiên sức nóng và khói bụi không ngăn hàng ngàn người xếp hàng chờ đợi lâu hàng giờ, đến tỏ lòng kính trọng với thân xác được bảo quản của “nhà cầm lái vĩ đại”. Kể từ khi ông qua đời cách đây 40 năm, thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông – hay có nhiều khả năng, một bản sao bằng sáp – đã được trưng bày trong một lăng mộ được xây có chủ đích ở trung tâm địa lý và mang tính biểu tượng của thủ đô Trung Quốc. Hơn 200 triệu người đã đến viếng.
Ở phương tây, Mao được biết chủ yếu là “Hoàng đế Đỏ” của Trung Quốc – một nhà độc tài hiểm độc, dung dưỡng tệ sùng bái cá nhân cực đoan, phát ra cuộc Cách mạng Văn hóa thảm hại và chủ mưu cuộc “Đại nhảy vọt”, dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử. Các chuyên gia ước tính rằng Mao chịu trách nhiệm về cái chết của từ 40 triệu đến 70 triệu người trong thời bình – nhiều hơn con số của Hitler và Stalin gộp lại. Tuy nhiên, trong khi Hitler, Stalin và hầu hết các nhà độc tài toàn trị khác của thế kỷ 20 đều bị loại bỏ sau khi chết, Mao vẫn là nhân vật trung tâm ở Trung Quốc hiện đại. Đảng Cộng sản mà ông góp phần thành lập vào năm 1921 và hệ thống chính trị độc tài Lênin mà ông dựng lên vào năm 1949 vẫn cai quản đất nước. “Tư tưởng Mao Trạch Đông” được ghi trong Điều lệ đảng, và từ năm 1999, khuôn mặt ông đã tô điểm trên hầu hết các tờ giấy bạc (điều mà ông không cho phép làm trong suốt đời mình).
Nhưng sơn phết lại di sản của Mao là một chiến lược mạo hiểm. Nhờ việc đảng kiểm soát chặt chẽ đối với giáo dục, truyền thông và cả công luận, hầu hết người dân Trung Quốc đều biết rất ít về những sai lầm khủng khiếp của Mao. Quả vậy, hiện nay nhà độc tài này được ngưỡng mộ hơn bất cứ lúc nào tính từ khi ông mất. Năm ngoái, gần 17 triệu người hành hương về quê ông – Thiều Sơn – thuộc vùng quê miền trung, Trung Quốc. Vào giữa thập niên năm 1980, chỉ có khoảng 60.000 người thực hiện chuyến đi này.
Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự nổi lên của một phong trào chính trị ồn ào của phe “tân-Mao” – những nhà tranh đấu cánh tả theo các ý tưởng bình đẳng không tưởng mà các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đã bỏ đi phần lớn. Phe tân Mao này theo định nghĩa là phong trào ngầm, nên rất khó để ước tính số lượng, nhưng những kiến nghị công khai đồng tình với mục đích của họ đã thu hút được hàng chục ngàn chữ ký trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia tin rằng có nhiều khả năng một ứng viên tân Mao sẽ thắng cử một cuộc tổng tuyển cử ở Trung Quốc hiện nay, nếu như bầu cử tự do được cho phép. Điều này có nghĩa là phong trào có thể có được sự đồng tình của hàng trăm triệu trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Như vậy, nó đặt ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống độc tài ở đất nước đông dân nhất thế giới hiện nay.
“Nhanh lên các đồng chí, bước tới đi”, một thanh niên mặc áo trắng cầm loa hét lên với các du khách xếp hàng tại Quảng trường Thiên An Môn, nhiều người cúi lạy ba lần trước một bức tượng Mao lớn khi bước vào lăng. Khách viếng không được phép chụp ảnh và các nhân viên bán quân sự cao lớn xua tay thúc giục, bảo đảm rằng không ai có hơn một cái lướt mắt nhanh chóng vào nhân vật được bọc trong lá cờ búa liềm và đặt trong một chiếc quan tài pha lê đằng sau một bức tường bằng kính. Chỉ cách đó một cây số là khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt, chỗ các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc làm việc và sinh sống.
Nhiều người trong số những người tới viếng di hài của Mao đã bị sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây bỏ lại phía sau. Họ thấy Mao như là biểu tượng của một xã hội đơn giản, công bằng hơn – một thời kỳ mà tất cả mọi người đều nghèo nhưng ít ra là nghèo như nhau. Những người nghiên cứu việc sống dậy của lòng ngưỡng mộ Mao Trạch Đông ở Trung Quốc thấy đó như là một phần của một hiện tượng toàn cầu rộng lớn hơn bao gồm sức mời gọi của Donald Trump ở Mỹ, Brexit ở Anh và các nhà chính trị dân túy cánh tả và cánh hữu ở châu Âu. Tại thời điểm nhiễu loạn sâu sắc và oán giận gay gắt đối với giới thượng lưu, người dân ở nhiều nước bị thu hút bởi nỗi nuối tiếc thời đã qua và truyền thống. Đối với dân thường ở Trung Quốc, điều đó là Mao và xã hội không giai cấp mà ông ta nhắm tới.
Du khách đứng trước chân dung có tính biểu tượng của chủ tịch Mao nhìn ra Thiên An Môn ở Bắc Kinh. © WassinkLundgren
“Chủ tịch Mao là một người vĩ đại thật sự, nhưng đây không phải là đất nước mà ông mơ ước, đây không phải là chủ nghĩa cộng sản”, một giảng viên đại học ở độ tuổi 30 từng đi từ miền trung Trung Quốc đến Bắc Kinh để tỏ lòng kính trọng với nhà cựu độc tài nói. “Nền kinh tế hiện nay bị chi phối bởi các ngành công nghiệp độc quyền do con cái của các quan chức cấp cao điều khiển. Chính phủ hiện nay, do Tập Cận Bình (TCB) lãnh đạo, rất tệ hại”. Thời Mao, nói công khai như thế này về nhà lãnh đạo sẽ là căn cứ để bị xử tử hình tại chỗ. Dưới thời Chủ tịch TCB, kẻ đang giám sát một cuộc truy bức tự do ngôn luận, điều đó vẫn có thể dẫn đến tội lật đổ và một án tù.
…
Nhưng có lẽ chính Chủ tịch TCB còn làm nhiều hơn bất cứ ai khác trong việc thúc đẩy sự sống lại của chủ nghĩa Mao hiện nay. Từ khi trở thành chủ tịch vào cuối năm 2012, ông dường như thường đi theo vết của Mao – trích dẫn Mao rất nhiều và thậm chí lặp lại một số ý tưởng của ông ta. TCB đã có rất nhiều chuyến hành hương được truyền hình tới các địa điểm cách mạng quan trọng, trong đó có lăng của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn, và đã ra lệnh cho các quan chức Đảng “mãi mãi giương cao ngọn cờ Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Ông cũng đã mắng nhiếc “các thế lực thù địch nước ngoài” với một sự dữ dội chưa từng thấy kể từ thời Mao, lúc mà Trung Quốc đánh nhau với các nước láng giềng và phương Tây.
Chủ tịch TCB tại một hội nghị chuyên đề kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao, Bắc Kinh, 16/12/2013. © WassinkLundgren
“TCB một lần nữa lại biến Tư tưởng Mao Trạch Đông thành một vấn đề có tầm quan trọng cơ bản; ông sử dụng một số lượng lớn lời của Mao trong các bài phát biểu và bình luận của mình”, Zhang Hongliang (张宏良/Trương Hoành Lương), giáo sư kinh tế tại Đại học Dân tộc Trung ương ở Bắc Kinh và là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của phong trào tân Mao nói. “Bạn có thể thấy ông ta rất quen thuộc với các trước tác và tư tưởng của Mao và rất tôn thờ chúng”, ông nói thêm một cách khẳng định.
Việc TCB theo chân Mao đã làm nhiều người ở Trung Quốc ngạc nhiên, vì cá nhân nhà độc tài này chịu trách nhiệm về những đau khổ khủng khiếp mà gia đình riêng của TCB nếm trải. Cha ông, Tập Trọng Huân, là một lãnh đạo du kích cộng sản từng là phó thủ tướng vào cuối thập niên 1950, nhưng ông đã bị thanh trừng vào năm 1962 và trải qua gần 10 năm trong tù. TCB chỉ mới 13 tuổi khi Mao tung ra cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm 1966. Là con trai của “phần tử xấu”, ông bị bức hại, bỏ tù và cuối cùng bị đưa đến sống trong một hang đầy chí rận ở vùng nông thôn nghèo. Gia đình ông chỉ được chính thức phục hồi năm 1978 – hai năm sau cái chết của Mao đưa cuộc Cách mạng văn hóa đến kết thúc.
Việc TCB theo chân Mao cũng là khó hiểu vì sự nguy hiểm vốn gắn liền với việc nhắc nhở mọi người về những ý niệm ông ta phấn đấu vì chúng. Xét cho cùng, Mao là một nhà cách mạng lãng mạn kêu gọi công nhân và nông dân cầm vũ khí lật đổ chế độ độc tài khô cứng, tập trung của cải vào tay kẻ mạnh. Và dù vẫn tự gọi mình là cộng sản, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ gần như tất cả các ý tưởng kinh tế và xã hội mà Mao theo đuổi. Bản thân TCB, giống như nhiều đồng sự của ông, đã ủng hộ cải cách thị trường tự do vốn là cái mà Mao ghê tởm.
Chắc chắn rằng Trung Quốc hiện đại sẽ làm Mao kinh hoàng, với sự bất bình đẳng sâu sắc, thương mại hóa tràn lan và thiếu các quyền cho công nhân và nông dân. Trung Quốc là một trong những xã hội nghèo nhất nhưng bình đẳng nhất trên thế giới trong thập niên 1980 nhưng ngày nay nó là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất, với 1% các hộ gia đình giàu nhất sở hữu một phần ba của cải của đất nước. Về mặt thu nhập, Trung Quốc cộng sản hiện nay kém bình đẳng hơn nước Mỹ tư bản và các nước lớn duy nhất có sự bất bình đẳng về thu nhập tồi tệ hơn là Nam Phi và Brazil.
“Mao sẽ rất không hài lòng với cách thức mà Trung Quốc trở nên giàu có, với một số kẻ làm ra một lượng lớn tiền, trong khi những người khác vẫn cứ nghèo”, Mao Yushi (茅于轼/Mao Vu Thức) 87 tuổi, “cha đỡ đầu” của kinh tế Trung Quốc hiện đại (không họ hàng gì với nhà độc tài quá cố). Nhà kinh tế ủng hộ thị trường này bị gán là “hữu khuynh” trong một trong những cuộc thanh trừng của Mao vào cuối thập niên 1950 và đã trải qua hai thập niên bị tra tấn như một tù nhân trong và ngoài các trại tập trung lao động của Trung Quốc. Trong vài năm qua, các công trình của ông bị kiểm duyệt và ông đã trở thành mục tiêu nổi bật của phe tân Mao vốn từng kêu gọi bắt giam ông về tội lật đổ vì chỉ trích Mao.
“TCB là một ‘vương hầu đỏ’ [như con cháu các anh hùng cách mạng được gọi]. Vì vậy, phần lớn quyền lực của ông xuất phát từ lịch sử của đảng và do vậy, ông không thể chỉ trích Mao”, Mao Yushi nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn hộ nhỏ, ồn ào ở phía tây Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, chủ tịch TCB cũng “sợ rằng những người trẻ tuổi sẽ bắt đầu tin vào Tư tưởng Mao Trạch Đông và sẽ muốn bình đẳng”. Điều mâu thuẫn giữa nhu cầu đảng muốn tôn vinh người sáng lập nó để chống đỡ tính chính đáng của mình và nỗi lo sợ rằng làm như vậy có thể, nói như Karl Marx, “sẽ gieo mầm hủy diệt chính mình” nhiều hơn chỉ là trên lý thuyết.
…
Tháng Hai năm ngoái, một nhóm tự xưng là “những người cộng sản Trung Quốc theo Mao” từ 13 tỉnh thành đã tổ chức một cuộc họp bí mật hai ngày tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc. Bản tuyên ngôn mà sau đó họ công bố trực tuyến không hề thua kém một cuộc kêu gọi làm cách mạng lật đổ hệ thống hiện tại mà họ cho rằng đã diễn tiến thành một “chế độ độc tài phát xít tư sản do các nhà tư bản độc quyền quan chức lãnh đạo”.
Nhóm này đã cảnh báo trong bản tuyên ngôn rằng cái mà Trung Quốc có hôm nay “đích thị là loại chủ nghĩa tư bản tồi tệ nhất mà Mao đã cảnh báo là kết quả của chủ nghĩa xét lại”, và “một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mới là cách duy nhất để đảo ngược sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản”. Họ cam đoan sẽ vận động quần chúng và nói rằng cơ hội tốt nhất cho thành công nằm ở việc khuấy động sự nổi loạn trong công nhân và nông dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Thậm chí đáng ngại hơn cho TCB, nhóm cũng đã tuyên bố được sự “chăm sóc đầy yêu thương, ủng hộ và hướng dẫn” từ “các đồng chí lão thành” và “các gia đình cách mạng vô sản thuộc thế hệ trước – ám chỉ đến sự ủng hộ từ những bậc lão thành trong đảng và các gia đình chính trị có thế lực.
Một thập niên trước, ngay cả việc gợi lên về một cuộc nổi dậy cách mạng theo chủ nghĩa Mao cũng có vẻ là lố bịch. Nhưng những người nghiên cứu hiện tượng tân Mao nói rằng các nhóm này đặt ra một mối đe dọa lớn đối với đảng Cộng sản hiện đại. “Trong thập niên qua cái gọi là chủ nghĩa tân Mao đã phát triển thành phong trào chính trị đáng kể nhất ở Trung Quốc, và là một phong trào thu hút sự hậu thuẫn cả từ bên trong đảng lẫn ở cấp cơ sở”, Jude Blanchette, tác giả một cuốn sách sắp ra về sự nổi lên của phe tân Mao Trung Quốc nói. “Đối với giới chủ chốt cầm quyền, một phe cánh tả ngày càng mạnh mẽ mang đến cùng với nó nỗi đe dọa về việc mất tính chính đáng. Vì vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc thấy mình ở trong thế lưỡng nan (Catch-22): đè bẹp phe tân-Mao đồng thời phủ định gốc rễ cách mạng của chính mình, nhưng cho phép họ hoạt động không trói buộc thì có nguy cơ xảy ra một cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy”.
Để đối phó với nhóm họp nhau ở Lạc Dương năm ngoái, chính phủ của TCB đã đàn áp nhanh chóng, cứng rắn và cũng rất lặng lẽ. Một số người ủng hộ và một đối thủ của phe tân Mao nói rằng nhiều người tham gia cuộc họp đã bị bắt giữ và một số bị kết án tù. Hiện giờ, “cuộc cách mạng” đang chủ yếu đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng và không có bằng chứng cho thấy nhóm tân Mao nào nắm được vũ khí hoặc có khả năng phát động loại chiến tranh du kích từng đưa Mao và đảng Cộng sản lên cầm quyền. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rõ một phong trào chính trị mạnh mẽ có thể bắt đầu từ các gốc rễ rất khiêm tốn như thế nào. “Hãy thử đoán đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu ra sao?” Blanchette nói. “Chỉ là 12 chàng công tử bột trong một căn phòng ở Thượng Hải nói về việc giành lấy quyền trên cả nước.”
. . .
Trong bối cảnh này, việc Chủ tịch TCB cố mô phỏng Mao trông giống như một nỗ lực nhằm xoa dịu các nhà phê bình có uy thế cánh tả và vô hiệu hoá một cuộc nổi dậy đang manh nha hơn là một cố gắng quay lại thời Mao. Trong khi ông đã đi xa hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác của Trung Quốc trong bốn thập niên qua trong việc ca ngợi Mao, TCB vẫn cố gắng để cân bằng. “Các nhà lãnh đạo cách mạng không phải là thần thánh mà là những con người. Chúng ta không thể tôn sùng họ như thần thánh,” ông nói trong một bài phát biểu hiệu chỉnh cẩn thận, đánh dấu kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao vào ngày 26 tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, “chúng ta cũng không thể phủ nhận họ hoàn toàn và xóa đi những công tích lịch sử của họ chỉ vì họ phạm sai lầm”.
Chiếc ghế Mao ngồi tiếp các lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Richard Nixon (ảnh giữa), bảo tàng Thiều Sơn. © WassinkLundgren
Đây là một thực tế khó chịu và đối với một số người, không thể dò được rằng sự nổi lên của phong trào tân Mao và sự ngưỡng mộ tăng vọt của Mao thật ra có trước nhiệm kỳ của TCB và những nỗ lực đề cao nhà độc tài của ông. Các ý tưởng của Mao gần như không còn được ưa chuộng ngay sau khi ông mất. Gần đây khoảng một thập niên trước, hầu hết những người có học may lắm đều nghĩ ông như là một nhân vật lỗi thời đáng ngượng.
Nhưng vào năm 2003, một số trang web tân Mao có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc đã được thành lập, chỉ hai năm sau khi đảng Cộng sản chính thức cho phép các nhà tư bản tham gia vào hàng ngũ của mình. Hiện nay các trang web này có hàng chục triệu khách viếng và những trang ủng hộ công khai nhất chủ nghĩa tân Mao thu hút hàng triệu người theo dõi trên phương tiện truyền thông xã hội.
Sima Nan (司马南/ Tư Mã Nam) là một nhà tân chủ nghĩa Mao hàng đầu và là bình luận viên nổi tiếng với cả triệu người theo dõi trên cái tương đương với Twitter của Trung Quốc. Ông nói “Trong những năm gần đây, một ít kẻ giàu có mới mang lòng thù hận đã làm việc không mệt mỏi để phỉ báng Mao Trạch Đông, nguỵ tạo rất nhiều điều vô nghĩa, để bôi nhọ hình ảnh của Mao. Những khía cạnh sặc sỡ của xã hội Trung Quốc hiện đại, những điều vốn làm cho người dân bình thường phẫn nộ… cái tạp nham ghê gớm này không thể có lúc Mao còn sống!”
Hầu hết phe tân Maoist và những người nghiên cứu chúng thấy khả năng với tới hơn 700 triệu người sử dụng Internet của Trung Quốc là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy hiện tượng này. Blanchette nói “Trớ trêu thay, không có internet thì sẽ không có phong trào theo Mao hiện đại. Được tung hô ở phương tây như một công cụ để giải phóng các dân tộc bị áp bức khỏi các hệ tư tưởng lỗi thời như chủ nghĩa Mác, đối với phe tân Mao nó bày ra các phương tiện để tiến hành một cuộc chiến tranh không cân xứng với phe “chạy theo tư bản” vốn đã có lần xâm lấn vào Đảng Cộng sản cách mạng và bây giờ kiểm soát đòn bẩy quyền lực nhà nước”.
Nông dân trong Đại Nhảy vọt, một chủ trương gây ra nạn đói hơn là phát triển kinh tế. © WassinkLundgren
Thông điệp phe tân Mao quả có vẻ tạo ra được sự đồng cảm trong một số lượng lớn người Trung Quốc theo cách mà các kêu gọi cải cách dân chủ kiểu phương Tây không có được. Trong các cuộc thăm dò trên bốn cổng web lớn nhất của Trung Quốc năm ngoái, hơn 80% trong số 1,1 triệu người được hỏi cho biết, họ ủng hộ Cách mạng văn hóa hoặc tiếc nuối về nó.
Một phần của sự ngưỡng mộ Mao tăng vọt là do những thành tựu rất thực tế. Ngay cả một số nhà phê bình vững vàng nhất vẫn ngưỡng mộ cách mà ông đã chấm dứt hơn một thế kỷ yếu nhược và sự thống trị của thực dân Nhật Bản và phương Tây. Ông cũng trông coi một thời kỳ mà tuổi thọ ở Trung Quốc tăng lên gần gấp đôi và nạn mù chữ và quyền của phụ nữ được cải thiện đáng kể. Nhưng sự tiếc nuối về thời của Mao cũng phản ánh một thực tế rằng giới trẻ Trung Quốc chưa bao giờ được dạy trọn vẹn câu chuyện. Cách mạng Văn hóa, Đại nhảy vọt và vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 là một số trong những chủ đề cấm kỵ trong các lớp học ở Trung Quốc. Các học giả nói rằng trên thực tế không thể xuất bản bất cứ thứ gì khác hơn là tiểu sử đã qua gạn lọc như thánh của Mao, trong khi các vở truyền hình do truyền thông nhà nước sản xuất lại tập trung vào giai đoạn cách mạng anh hùng trước khi ông lên nắm quyền.
“Về cơ bản, bất cứ ai dưới 50 tuổi ở Trung Quốc đều không có ý niệm gì về những cái đã xảy ra dưới thời Mao và tất cả bọn họ đều tin rằng ông ta vĩ đại và tốt đẹp bởi vì đó là những gì họ thấy trên TV và đọc trong sách,” Yang Jisheng (楊繼繩/ Dương Kế Thằng) , cựu phóng viên truyền thông nhà nước mà cuốn sách ‘Bia mộ’ là một tường thuật chắc nịch về nạn đói do Đại nhảy vọt gây ra trong những năm cuối thập niên 1950. Yang ước tính có đến 36 triệu người chết vì đói khi Mao ra lệnh cho nông dân nung chảy các công cụ của họ trong các lò ở sân sau để làm ra loại thép vô dụng và các quan chức báo cáo sản lượng ma ngày càng cao hơn. Các nhà sử học khác ước tính lên đến 45 triệu người chết trong nạn đói. Cuốn sách của Yang bị cấm ở Trung Quốc và theo lệnh chính phủ ông không được phát biểu công khai.
Phán xét chính thức duy nhất về di sản phá hoại của Mao xảy đến năm 1981, khi đảng đưa ra “nghị quyết về một số vấn đề trong lịch sử của Đảng ta từ khi thành lập nước cộng hòa”. Trong khi che đậy về Đại nhảy vọt, nghị quyết có nói tới cuộc Cách mạng Văn hóa “do Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo và chịu trách nhiệm cho thất bại nghiêm trọng nhất và những tổn thất nặng nề nhất của đảng, nhà nước và nhân dân”. Tuy nhiên, nghị quyết kết luận rằng “những đóng góp của Mao cho cách mạng Trung Quốc vượt xa các sai lầm của ông. Công của ông là chính và lỗi của ông là phụ”.
…
Hiện nay, nhiều người thuộc phe tân Mao và những người ủng hộ có thế lực của họ muốn thấy có sự đánh giá lại nghị quyết này để xóa đi, thậm chí những phê phán ít ỏi đó. Yin Hongbiao, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh ưu tú của Trung Quốc và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Cách mạng Văn hóa nói “Phe tân Mao nói rằng nạn đói thời Đại nhảy vọt không hề xảy ra, đó là tin đồn do CIA mở đầu”. Bản thân Yin một thành viên Hồng vệ binh, băng nhóm học sinh từng làm nhục, tấn công và trong một số trường hợp giết chết các giáo viên và cán bộ chính phủ theo lệnh của Mao từ năm 1966 đến 1969. Sau đó, ông đã trải qua chín năm rưởi trong một mỏ than sau khi Mao đưa hơn 17 triệu Hồng vệ binh đến các vùng quê để “học hỏi quần chúng”.
Trưng bày bằng sáp cảnh Mao tuyên bố thành lập nước CHNDTH, 1/10/1949, bảo tàng Thiều Sơn. © WassinkLundgren
“Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao là Stalin và Lenin gộp lại; họ nói những sai lầm mà ông phạm phải trong những năm cuối đời là Stalin nhưng họ vẫn muốn một phần của Lenin, nhân vât cha sáng lập; họ không có ai khác ngoài Mao”, Yin nói trong một cuộc phỏng vấn tại phòng làm việc của ông trong khuôn viên trường đại học. Ông nói rằng nhiều trí thức lớn tuổi và các quan chức đang thận trọng về sự sống lại của chủ nghĩa Mao hiện nay từ những kinh nghiệm riêng của họ trong Cách mạng Văn hóa.
Nhưng chính sự việc rằng Mao khuyến khích công nhân và nông dân tấn công các tầng lớp chủ chốt – các nhà lãnh đạo chính trị, trí thức, các chuyên gia và những người được giáo dục tốt, thuộc các gia đình giàu có trước đây – làm cho nhiều người dân thường rất nuối tiếc về thời kỳ nhiều hỗn loạn chính trị đó. Giống như nhiều người bị thu hút bởi phong trào chính trị dân túy ở phương tây, người dân quay sang chủ nghĩa tân Mao ở Trung Quốc, đã bị lỡ hầu hết những thành quả của toàn cầu hóa. Họ tức giận với định chế, với bất bình đẳng gia tăng và sự thất bại của chủ nghĩa tư bản và họ mong mỏi một thời đơn giản hơn trước đây thậm chí khi thời đó không bao giờ thật sự tồn tại.
Những cái cốc ở cửa hàng bán hồ lưu niệm ở Thiên An Môn in hình Mao (trái) và chủ tịch TCB (phải). © WassinkLundgren
Xu hướng phỉ báng người nước ngoài và kêu gọi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi là rõ rệt trong phe tân Mao, vốn tin rằng Mao sẵn sàng hơn các nhà lãnh đạo hiện tại rất nhiều trong việc đương đầu với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Guo Nianshun, một sinh viên 24 tuổi Đại học Bắc Kinh nói, “Mao giải phóng Trung Quốc khỏi chủ nghĩa thực dân và ông đứng lên chống phương tây, ông thật sự vĩ đại. Nếu không có ông ấy, chúng tôi sẽ không có nước Trung Quốc hiện đại, hùng mạnh mà chúng tôi có ngày hôm nay”.
…
Sự sống lại của chủ nghĩa Mao cũng có một chiều kích thần bí gần như tôn giáo, điều đó có vẻ đặc biệt không phù hợp vì Mao thù ghét các tôn giáo có tổ chức. “Mao Trạch Đông đứng lên vì người dân, vì những người ở bậc thang thấp nhất, do đó Mao đã trở thành Mao của nhân dân”, Zhang Hongliang (Trương Hoành Lương), lãnh đạo phe tân Mao nói. “Điều này có phần giống như Chúa Giêsu của đạo Kitô; lúc bắt đầu, Giêsu là Giêsu của người nghèo, Giêsu của công chúng. Với sức mạnh của lực lượng công chúng này, đạo Kitô thành thống trị và là tư tưởng chỉ đạo các cường quốc phương Tây “.
Việc thánh hoá này có nghĩa lý hơn khi bạn đặt nó trong bối cảnh truyền thống dân gian Trung Quốc và tệ sùng bái cá nhân cực đoan trong những năm cuối của Mao. Trong suốt lịch sử Trung Quốc, các hoàng đế vĩ đại và các chính khách thường được thần thánh hoá: trong trường hợp của Mao, điều này xảy ra trong Cách mạng Văn hóa. Trong một vở diễn đặc biệt nóng sốt năm 1968, phần lớn đất nước đã bắt đầu sùng bái quả xoài vì Mao đã tặng một thùng xoài cho một số công nhân nhà máy. Hầu hết dân thường đều dành một chỗ trang trọng thờ Mao trong nhà và nhiều người cấu trúc ngày làm việc của họ quanh nó: cầu xin được chỉ dẫn buổi sáng, cảm ơn Chủ tịch vì lòng tốt của ông buổi trưa và báo cáo lại cho ông buổi tối. Những nghi thức này thường được đi kèm bằng một màn “vũ trung thành” kỳ lạ được chính thức thừa nhận.
Nơi mà sự sống lại lòng sùng mộ gần như tôn giáo đối với Mao rõ ràng nhất hiện nay là ở làng Thiều Sơn, ở một vùng quê thuộc tỉnh Hồ Nam ở miền nam Trung Quốc. Đây là nơi mà Mao sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả và là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Trung Quốc – nơi mà việc khai thác thương mại tràn lan hình ảnh của Mao vật lộn với yêu cầu thần thánh hóa cậu bé địa phương đã trở thành hoàng đế. Lá bùa in chân dung của Mao treo trên kính chiếu hậu hay đặt trên bảng điều khiển hầu hết các xe hơi và xe tải ở Thiều Sơn. Dân địa phương nói rằng nó giúp họ được an toàn trên những con đường nguy hiểm có tiếng của Trung Quốc. “Mọi người quanh đây đều tin vào Mao,” Peng Kai, 28 tuổi, một lái xe taxi nói. “Đó chắc chắn là một loại đức tin tôn giáo”.
Trong tháng Hai vừa qua năm mới của Trung Quốc, hơn 500.000 du khách đổ về thành phố 110.000 người này, khiến giao thông ách tắt kéo dài 10 ngày. Hầu như tất cả những người đến đây đều cúi lạy, cầu nguyện và đặt hoa trước bức tượng đồng khổng lồ được chính phủ dựng lên trong quảng trường Mao Trạch Đông rất lớn, được xây có chủ đích. Những bài hát thời cách mạng văn hóa so sánh Mao với “mặt trời đỏ trong tim ta” ầm vang từ chân tượng. Hầu hết người dân địa phương nói về Mao theo kiểu cách tôn giáo không che đậy và các đám hướng dẫn viên du lịch thương mại kể lại nhiều “phép lạ” từng xảy ra trong cuộc sống của ông khi cố bắt nạt du khách vào mua các bức tranh giá cắt cổ. Từ khi TCB lên nắm quyền, một “hội trường tưởng niệm” to lớn mới và “bảo tàng di tích” tách biệt đã mở và một trung tâm giao thông lớn đang được xây dựng.
Để hoà nhịp với chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của TCB, các bảo tàng nhà nước tô đậm tính thanh đạm và liêm khiết của Mao. Trong các hộp kính trưng bày là một vài đôi vớ cũ của Mao, một dây thắt lưng được cho là ông đã mang 20 năm và chiếc “quần vá” mà ông từng mặc để tiếp Thủ tướng Anh Clement Attlee vào năm 1954. Ngôi nhà thật nơi Mao sinh ra là một khu phức hợp có khoảng sân mái tranh lớn trong một bầu không khí đâu đó giữa Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem và dinh thự của Elvis Presley ở Graceland.
Năm 1957, Mao nói “câu hỏi ai thắng ai, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, vẫn chưa thật sự giải quyết”. Bây giờ câu hỏi này đã được giải quyết một cách toàn diện với phần thắng thuộc chủ nghĩa tư bản ở quê ông, và trên cả nước. Trong một cửa hàng lưu niệm Mao ở Thiều Sơn, người chủ Zhou Guanghua (Châu Quang Hoa) 53 tuổi nói về Mao một cách quý mến nhưng cũng nhớ lúc tất cả các doanh nghiệp tư nhân bị cấm đoán hoàn toàn và mọi người phải vật lộn để tự nuôi thân.
“Khi tôi nói với cậu con trai 20 tuổi của tôi rằng chúng tôi không có gạo để ăn hồi còn trẻ, cậu hỏi tại sao chúng tôi không ăn thịt thay thế”, Zhou nói. “Đất nước hiện nay giàu có hơn và giới trẻ không có chút ý niệm về nó lúc Mao đang nắm quyền ra sao”. Zhou lớn lên trong Cách mạng Văn hóa, lúc mà điều duy nhất ông học ở trường là hô khẩu hiệu như “Đập tan đế quốc Mỹ” và “Mao Chủ tịch muôn năm” như thế nào. Những hiện giờ, ông có việc làm đàng hoàng là bán tượng, áp phích, cốc và các mặt hàng khác được trang trí với hình ảnh của Mao.
Một cuộc tập hợp quần chúng bên ngoài Thiên An Môn, trong Cách mạng Văn hóa, cuối thập niên 1960. © Bettmann/Getty Images
Đối với những người mà cuộc sống bị các chính sách sai lầm và các cuộc thanh trừng tàn độc của Mao huỷ hoại, có một điều trớ trêu ngọt ngào ở sự kiện là Mao lại trở thành biểu tượng của thương mại hóa và tôn giáo dân gian, hai trong những điều ông đã đấu tranh chống lại suốt đời mình. Nhưng những người này cũng lo ngại rằng TCB và chính phủ của ông đang dấn bước vào lối đi nguy hiểm qua việc cố khuyến khích sự tôn sùng Mao trong khi đàn áp các ý tưởng thực tế mà ông ta theo đuổi. Mao Yushi, nhà kinh tế già “hữu khuynh” nói “Với tay này, lãnh đạo cố che đậy sai lầm của Mao Trạch Đông, trong khi với tay kia họ kiểm soát những nỗ lực phổ biến những ý tưởng của Mao. Những ý tưởng của ông có sức mạnh to lớn, nhưng những ý tưởng đó cũng làm đảng hết sức lo lắng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét