Dân trí Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan hành pháp xem xét sớm trình dự án Luật Biểu tình để đảm bảo quyền công dân và tạo hành lang pháp lý cho việc khiếu nại, tố cáo đông người.
>> “Nhà nước còn nợ nhân dân Luật Biểu tình”
>> Chưa trình dự Luật Biểu tình đã xin lùi là thiếu nghiêm túc
Sáng 4/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên thảo luận về các báo cáo này, trong khuôn khổ phiên họp thứ 4.
Công dân chặn xe, đánh cán bộ - biểu hiện bức xúc gia tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, cả nước phát sinh gần 63.500 đơn khiếu nại và hơn 17.200 đơn tố cáo.
Chính phủ đánh giá, mặc dù tình hình khiếu kiện của công dân có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh yếu tố đặc biệt của năm nay là tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh: “Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân. Khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyên và vận động thì có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ”.
Báo cáo cũng liệt kê một số vụ việc cụ thể để minh chứng: công dân tỉnh Thanh Hóa dùng dao chém vào đầu cán bộ Ban tiếp công dân; công dân tỉnh Nam Định đấm vào mặt Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương; công dân các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội bao vây, túm áo, xô đẩy, chặn xe, la hét, xúc phạm và đe dọa Trưởng ban; công dân Nghệ An, hộ khẩu thường trú tại tình Đắk Lắk đe dọa giết Phó Trưởng phòng Tiếp dân 1; công dân Bà Rịa-Vũng Tàu chửi bới, xúc phạm, túm áo đe dọa đánh cán bộ tiếp dân Văn phòng Chính phủ; 2 công dàn tỉnh Bạc Liêu đánh vào mặt Trưởng ban...
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng như đã nêu.
UB Tư pháp đề nghị đánh giá tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với năm 2015 và chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra (trên 85%). Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu làm rõ tình trạng việc đơn thư tố cáo tăng hơn năm trước về số lượng đơn thư và số lượng vụ việc, vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%), hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi Quốc hội đã ban hành Luật đất đai 2013...
Dân bức xúc vì cán bộ không tương xứng yêu cầu nhiệm vụ
Về nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, cơ quan thẩm tra nhìn nhận đã xuất hiện một số nguyên nhân mới như việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng quá khích như thời gian qua ở một số tỉnh miền Trung.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực này có dấu hiệu “quá tải” và không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ như báo cáo nêu, từ đó có giải pháp khắc phục cụ thể.
Trước tình trạng công dân khiếu kiện có thái độ quá khích, bức xúc, nhiều vụ xô xát, hành hung và đe dọa cán bộ, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ông Định đề nghị Chính phủ nêu rõ, đích danh người đứng đầu các ngành, các cấp không trực tiếp tiếp công dân và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của luật.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng thống kê, có ý kiến đề nghị cần làm rõ công tác tiếp công dân đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công dân chưa, hay còn có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét