(NLĐO)- Trần Tiến tự sự ông “ăn ở phần hậu vận”, còn trước đây đã từng suýt bị công an bắt vì sáng tác nhạc “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ với khán giả, cũng là tự sự về cuộc đời mình trên sân khấu tối 30-9
Mặt dù “rất ghét” việc kể chuyện, dẫn giải về bài hát mà muốn để người nghe tự cảm nhận song trước sự “đòi hỏi” bằng những tràng pháo tay không ngớt của khán thính giả Hà Nội trong Đêm nhạc In the spotlight với chủ đề Hà Trần hát Trần Tiến tối 30-9, nhạc sĩ Trần Tiến đành phải kể chuyện về ca khúc sáng tác hàng chục năm trước nhưng lần đầu được biểu diễn trên sân khấu của ông: Rock đồng hồ.
Ông chia sẻ mình là người “ăn ở phần hậu vận”. “Tiền vận tôi như con chó lang thang rách rưới ở Hà Nội, viết nhạc đến đâu là bị cấm đến đó, thế mà hậu vận lại được trao Huân chương Lao động, giải thưởng nhà nước” – ông cười và chia sẻ mình rất may mắn vì đã không bị bắt. Điệp khúc tình yêu bị cấm vì có chữ “hôn” (Nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em) và 12 năm sau mới được hát, Thành phố trẻ cấm vì có uống rượu (Anh đi đâu về/Dầu máy đầy tay/Lưng trần gió bể/Chung vài xị đế/Nhậu cùng bạn bè)…
Rock đồng hồ chính là 1 trong 16 bài hát khiến ông bị 6 chiến sĩ công an đuổi bắt và ông trốn được nhờ một bà cụ già ở bên kênh Nhiêu Lộc (TP HCM) giúp đỡ. Sau đó, ông nhờ được một người bạn có máy bay quân sự đưa ông ra Hà Nội gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban văn hóa văn nghệ của Đảng. Gặp xong, theo Trần Tiến thuật lại, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bảo: “Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động lòng yêu nước”.
Rock đồng đồ nói về câu chuyện chiếc đồng hồ có 3 cái kim, cái anh mỏng manh nhất là anh kim giây thì không ai nhắc đến, người ta có hỏi thì hỏi cái anh kim giờ ngắn ngủn béo béo ấy “Mấy giờ rồi?”, không ai hỏi “Mấy giây rồi?”. “Cuộc đời là như vậy. Nhân dân chúng ta trong những năm tháng đó không ai để ý, người ta để ý mấy anh mập ú ấy. Cho đến nếu khi đồng hồ chết, người ta mới nhớ đến kim giây, mới nhớ đến nhân dân” – Trần Tiến chia sẻ.
Bên cạnh những ca khúc mới được Hà Trần “khai quật” trong kho âm nhạc của chú mình, Hà Trần hát Trần Tiến tối 30-9 vẫn là những ca khúc hết sức quen thuộc với những người yêu ca khúc của nhạc sĩ lãng du này: Thành phố trẻ, Ngẫu hứng phố, Em vẫn như ngày xưa, Ngẫu hứng sông Hồng, Sắc màu, Vết chân tròn trên cát, Ra ngõ mà yêu, Điệp khúc tình yêu, Quê nhà, Mẹ tôi…
Tuy nhiên, với những hòa âm mới mẻ và tuyệt vời của Hồng Kiên, với dàn nhạc quy tụ đủ mặt những anh tài nổi tiếng xứ Bắc như Hồng Kiên, Thanh Phương, Lưu Hà An, Vũ Văn Hà và những tài năng trẻ, mà theo như cách Hà Trần nói vui là “500 anh em nhạc công Hà Nội”, và đặc biệt với giọng ca ám ảnh, hát “như lên đồng” của Hà Trần đã làm nên một diện mạo mới cho âm nhạc Trần Tiến và mang đến cho các ca sĩ cũng như khán giả những giây phút thăng hoa với âm nhạc.
Không gian âm nhạc khác lạ tuyệt vời đó khiến nhạc sĩ Trần Tiến không đừng được, đã bước lên sân khấu để bắt tay nhạc sĩ Hồng Kiên khi chương trình mới diễn ra được khoảng 20 phút dù theo kịch bản thì phần giữa chương trình ông mới xuất hiện. “Những bản nhạc quen thuộc được Hồng Kiên phối khí lại khiến tôi ngồi dưới nổi hết gai ốc. Đêm nay, nhạc Trần Tiến chỉ “du ca” môt chút bên ngoài tấm màn sân khấu, còn lại, cả chương trình là âm nhạc thưởng thức. Tôi hết sức bất ngờ khi cháu tôi cùng những người bạn "phủ" lên một sự sang trọng cho âm nhạc của tôi. Không có một chiêu trò hay thủ thuật của âm nhạc thị trường. Đây là âm nhạc Hà Nội đích thực. Tôi xúc động vì những gì cháu tôi và ekip thực hiện một thì xúc động vì các bạn yêu nhạc đã đến đây mười” – nhạc sĩ chia sẻ trong tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả.
Hà Trần kể để có được những bản phối đó, giám đốc âm nhạc của chương trình là nhạc sĩ Hồng Kiên đã trải những bản nhạc của Trần Tiến ra bàn và suốt ngày đối diện, lảm nhảm “trò chuyện” với nó suốt một tháng liền, đến mức vợ anh sắp phải gọi bác sĩ.
Bắt đầu đêm nhạc, ca sĩ trẻ Tạ Quang Thắng với trang phục “bụi bặm” ôm guitar thùng đứng trước tấm màn nhung sân khấu hát mộc Thành phố trẻ, Ngẫu hứng phố: “Em đi đâu về, mà tóc đầy me/Em ngồi em chải, nghĩ gi vui thế... mà cười một mình…”, “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình nguời thôi…” gợi nhớ một Trần Tiến lãng du, đầy ngẫu hứng với nhạc du ca. Tấm màn nhung kéo ra, đưa khán giả bước vào không gian âm nhạc sang trọng với giọng ca Hà Trần, thưởng thức các ca khúc đã được “làm mới” một cách tuyệt diệu. Đến khi Hà Trần vẫy chào trong ca khúc cuối Quê nhà, sau khi tấm màn nhung khép lại, khán giả vẫn còn ngơ ngác, chưa muốn rời đi như vẫn chìm đắm trong không gian âm nhạc, hay vẫn cảm thấy thiếu một chút gì đó.
Đúng lúc đó, tiếng đàn guitar bập bùng bên ngoài kéo khán giả ùa ra sảnh, họ đã thật sự vỡ òa trước một sân khấu "dã chiến" được dựng ngay bên ngoài sảnh. Ở đó, Trần Tiến, vẫn "du ca" như bao nhiêu năm trước, cùng các ca sĩ Tạ Quang Thắng, Y Garia (con trai cố nhạc sĩ Y Moan)… ôm đàn, say sưa hát Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, Chào cuộc đời… Sau không khí thưởng thức nghệ thuật, khán giả đã thực sự sống với không khí giao cảm cùng nhạc Trần Tiến khi cùng ông hát vang những ca khúc quen thuộc. Mở màn như một tiếng vọng bên ngoài tấm màn nhung, du ca Trần Tiến đã thực sự trở lại trong niềm say mê của tầng tầng lớp lớp khán giả vây quanh.
Và kế bên sân khấu du ca đó, ban tổ chức đã thiết kế vài chiếc bàn nhỏ, nơi người hâm mộ có thể nán lại để cụng vài ly bia, trò chuyện đôi chút với hai chú cháu Trần Tiến, Trần Thu Hà (Hà Trần) và ekip sản xuất - những người vừa có một đêm nhạc thành công.
Nhiều nhạc sĩ đã mang âm nhạc ra với đường phố, còn Trần Tiến đã mang đường phố vào nhà hát, một cách trọn vẹn và đầy say mê.
Một số hình ảnh ghi nhận về đêm nhạc được đánh giá là một trong những đêm nhạc In the spotlight hay nhất trong chuỗi chương trình này suốt 5 năm qua:
Nhạc sĩ Trần Tiến ký tặng độc giả cuốn "Ngẫu hứng" của ông với 27 khúc ngẫu hứng văn xuôi
Trong các độc giả có cả "Giáo sư Cù Trọng Xoay"
Tạ Quang Thắng gợi nhớ không khí du ca Với "Thành phố trẻ", "Ngẫu hứng phố" trước khi tấm màn nhung sân khấu mở ra
Hà Trần là “linh hồn” của đêm nhạc này
Nhạc sĩ Trần Tiến lên sân khấu bắt tay nhạc sĩ trẻ Hồng Kiên vì những bản phối tuyệt vời khiến ông gai người
Hà Trần và người chú mà cô thấy mình còn giống với ông hơn là với bố của mình. Cô tâm sự khi mình còn rất trẻ đã hát được những bài của ông vì dường như mình đã được "chuyển giao năng lượng" từ ông: "Chú giống như sống trước dùm tôi một quãng đời và chuyển giao lại cho tôi"
Ca sĩ Y Garia (con trai cố nhạc sĩ Y Moan) hát những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên của Trần Tiến không thể nào hay hơn
Hà Trần với chiếc váy thiết kế riêng, in hình những lời hát của Trần Tiến: "Tôi đang mặc những câu hát của bố Tiến"
Sân khấu du ca là một kết thúc quá tuyệt vời cho đêm nhạc và khán thính giả
D.Ngọc-Ảnh: Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét