Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Việt Nam nên chấm dứt ‘bưng bít thông tin về lúa gạo’

Sản xuất gạo sạch và ngon không phải chỉ để xuất khẩu, chấm dứt câu chuyện “xuất đi bị trả về” mà còn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng thay đổi rõ rệt của người tiêu dùng trong nước.


01ff3_gao
Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao về chuyện gạo Việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả về.
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, một chuyên gia giảng dạy thuộc Đại học RMIT (Australia), có nhiều trăn trở đối với nông nghiệp Việt Nam cho biết, không phải gần đây mà từ năm 2008 đến nay, đã nhiều lần lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do vi phạm các cảnh báo về an toàn thực phẩm, cụ thể là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Tại Australia, thông tin về các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lan truyền rất nhanh do kết nối mạng đã toàn cầu hóa và một khi có sự cố, người Australia sẽ không nhập khẩu các sản phẩm bị lên tiếng nữa.
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, Việt Nam không nên lo ngại và bưng bít các thông tin về lúa gạo nữa, đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi chất lượng sản phẩm của mình.
Thông tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại cho thấy, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép và đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
GS Võ Tòng Xuân thuộc Trường Đại học Nam Cần Thơ bày tỏ nỗi lo ngại về việc gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về và khẳng định rằng, sự việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của gạo Việt Nam đối với thị trường xuất khẩu.
Từ sự cố gạo bị trả lại cộng tín hiệu xuất khẩu gạo trên cả nước liên tục sụt giảm kể từ đầu năm 2016 đến nay (8 tháng đầu năm lượng xuất khẩu giảm 16,6%), thị phần phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thông qua xuất khẩu tiểu ngạch, cho thấy tồn tại hàng loạt bất cập và nỗi lo xa cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.
Hơn hai năm nay, các nhà hoạch định chính sách đã nhắc tới câu chuyện lúa gạo Việt Nam có nguy cơ mất ngôi “nhất nhì” về xuất khẩu trong khi khu vực đang nổi lên các đối thủ cạnh tranh đáng gờm như gạo Thái Lan, gạo Campuchia và trong tương lai còn có cả gạo Myanmar…
Từ nhiều năm nay, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã họp bàn nhiều về vấn đề xây dựng “thương hiệu lúa gạo Việt Nam” để quảng bá và hỗ trợ xúc tiến thương mại, xuất khẩu nhưng các thông tin về gạo Việt kém chất lượng, bị trả về do có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt mức như gáo nước lạnh hắt vào đống lửa mới nhóm với tiến độ rất ì ạch.
Tại hội thảo về chủ đề “Phát triển thị trường cho gạo sạch Việt Nam và nông sản an toàn hữu cơ” tổ chức ngày 7/10 tại Hà Nội, nằm trong chuỗi sự kiện về gia tăng giá trị – nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam, các chuyên gia đều lên tiếng đề nghị, tiềm năng xuất khẩu lúa gạo vẫn còn nhiều dư địa nhưng đã đến lúc phải soi lại mình, khẩn trương chuyển hướng sang sản xuất lúa gạo sạch và ngon để giữ thị trường xuất khẩu.
Phần lớn các chuyên gia cũng cho rằng, vựa lúa gạo của thế giới là ĐBSCL cần phải từng bước chuyển sang canh tác an toàn, sản xuất nông sản hữu cơ theo xu hướng tiêu thụ mới của người tiêu dùng thế giới.
Sản xuất gạo sạch và ngon không phải chỉ để xuất khẩu, chấm dứt câu chuyện “xuất đi bị trả về” mà còn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng thay đổi rõ rệt của người tiêu dùng trong nước.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, giám đốc một công ty sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, hiện nay bữa ăn của người Việt đã thay đổi, ăn ít cơm và tăng thịt cá rau quả, coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng về sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là gạo phải ngon.
Vì thế, chúng ta không thể đứng nhìn gạo Thái Lan tràn ngập thị trường nội địa, trong khi chúng ta cũng là một “cường quốc” về lúa gạo xuất khẩu.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, ĐBSCL lâu nay đã triển khai cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa gạo quy mô hàng hóa chất lượng cao nhưng trên thực tế, doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng với bà con nông dân cũng không giám sát được bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào.
Theo GS Võ Tòng Xuân, đã đến lúc Nhà nước phải thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thể để nông dân thoải mái sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay.
Để quản lý hiệu quả thì cần kiểm soát thông qua doanh nghiệp, bắt buộc các doanh nghiệp phải xem lại quy trình sản xuất lúa gạo có đảm bảo mới được thu mua.
Quan trọng hơn, phải chuyển sang chiến lược mới: sản xuất lúa gạo chất lượng cao bằng công nghệ kỹ thuật cao như Thái Lan đang đẩy mạnh.
Phúc Hậu
Theo SGGP

Không có nhận xét nào: