Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

VnEconmy: Chiến lược xoay trục của Mỹ bấp bênh sau khi vua Thái Lan qua đời

Nhà vua Bhumibol giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên minh lâu dài giữa Mỹ và Thái Lan...

Chiến lược xoay trục của Mỹ bấp bênh sau khi vua Thái Lan qua đời
Một bức chân dung của nhà vua Bhumibol Adulyadej tại đền thờ Wat Thai ở Los Angeles, Mỹ ngày 13/10 - Ảnh: Reuters.
BÌNH MINH
Việc nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời làm gia tăng thêm bất ổn đối với chiến lược xoay trục về phía châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay vào thời điểm còn chưa đầy 1 tháng là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, nhà vua Bhumibol giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên minh lâu dài giữa Mỹ và Thái Lan sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đến nay, Washington vẫn coi mối quan hệ này có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Nhà vua qua đời đúng lúc chiến lược xoay trục của Mỹ - chính sách tái cân bằng trọng tâm ngoại giao và an ninh về phía khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm tạo đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc - gặp khó. 

Trụ cột chính của chiến lược này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia thành viên, đang gặp trở ngại tại Quốc hội Mỹ. Không ai dám chắc Tổng thống Obama có thể đưa TPP vượt qua “cửa ải” Quốc hội trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Trong khi đó, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đều phản đối TPP.

Một thách thức nữa đối với chiến lược xoay trục của Mỹ ở thời điểm hiện nay là những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Manila là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng những phát biểu gay gắt của ông Duterte về Mỹ và ông Obama kể từ khi lên cầm quyền đang phủ bóng lên mối quan hệ song phương.

Một số quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Malaysia đều đang tập trung vào các vấn đề chính trị trong nước và tránh nắm vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Australia thì thận trọng, không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014, Thái Lan vốn dĩ đã không mấy tích cực trong các vấn đề khu vực. Nước này được dự báo sẽ còn tham gia ít hơn nữa vào các vấn đề khu vực trong thời gian để tang vua và cuộc chuyển giao quyền lực hoàng gia có thể nhạy cảm về mặt chính trị.

Thái tử Maha Vajiralongkorn, người sẽ trở thành nhà vua mới của Thái Lan, không có mối quan hệ gần gũi với Mỹ như vua cha - người được sinh ra ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ nhận định rằng tình hình ở Đông Nam Á hiện nay đã khác nhiều so với khi ông Obama công bố chính sách xoay trục hồi năm 2011.

“Cái chết của nhà vua Thái Lan làm gia tăng độ bất ổn ở Đông Nam Á. Điều này khiến việc Mỹ tái cân bằng về phía châu Á trở nên khó khăn hơn, bởi nhiều nước trong khu vực này đang có tâm lý kiểu ‘chờ xem’”, ông Hiebert phát biểu.

“Khi chiến lược xoay trục mới bắt đầu, Thái Lan muốn tham gia, nhà lãnh đạo mới của Malaysia muốn tham gia, Tổng thống Aquino lên cầm quyền ở Philippines và là một nhà lãnh đạo rất cởi mở với Mỹ, Indonesia có một vị Tổng thống theo chủ nghĩa quốc tế. Nhưng tình hình hiện nay đã khác”.

Theo Reuters, việc vua Bhumibol qua đời đồng nghĩa với việc Washington sẽ phải dựa nhiều hơn vào Việt Nam trong chiến lược ở khu vực.

“Việt Nam là nguồn động lực trong các đánh giá chiến lược” của Mỹ - đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu hôm thứ Ba tuần này ở Washington.

“Indonesia đang rất tập trung vào các vấn đề trong nước, Thái Lan cũng vậy, còn Malaysia đang có khủng hoảng chính trị. Tôi không biết Philippines sẽ đi theo hướng nào. Singapore có nhiều nhà chiến lược, nhưng họ là một đảo quốc nhỏ. Tôi không nghĩ có thể dựa vào Lào, Campuchia hay Myanmar để tạo động lực chiến lược cho ASEAN”, ông Osius nói.

Không có nhận xét nào: