Dân trắng tay ‘đúng quy trình’?

(PL)- Hôm qua, 16-10 tại Hà Tĩnh, Chủ tịch huyện Hương Khê - ông Lê Ngọc Huấn bức xúc rằng việc xả lũ cùng với mưa lớn đã gây thiệt hại rất lớn cho nhân dân huyện này nên nhà máy thủy điện phải chịu một phần trách nhiệm
"Họ cất nước để chạy thủy điện, bình thường thì không xả, mưa to thì đổ xuống. Nghĩa là khi thiếu thì anh không cho, lúc người ta thừa thì anh xả, hạ lưu mưa như trút, ngập úng là đương nhiên" - ông Huấn nói. Hậu quả của việc xả đúng quy trình này là 5.000 nhà dân ngập chìm trong lũ, thiệt hại chưa thể đong đếm.
Theo đại diện Nhà máy thủy điện Hố Hô, lượng mưa hai ngày qua quá lớn, lũ đổ về rất nhiều, do vậy thủy điện xả ra là một phần, phần còn lại vẫn do nước lũ dâng nhanh dẫn tới ngập lụt. Ông Lê Ngọc Huấn phản bác, đáng ra khi đài báo áp thấp nhiệt đới, thủy điện phải xả trước vài ngày, đợi đến khi mưa về mới xả thì "nói làm sao cho đúng". Dù vậy Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn cho rằng "việc xả lũ là đúng quy trình". Từ ngày 13 đến sáng 15-10, đơn vị đã chủ động thông báo huyện xin điều tiết lòng hồ vì lượng nước đổ về rất lớn. Lưu lượng xả được tăng dần theo lưu lượng nước về.
Có một điều chắc chắn rằng nếu dự báo trước tình hình mưa lũ, nếu đừng chỉ nhìn thấy lợi ích cục bộ từ việc tích nước, chủ động xả bớt nước hồ để có thêm dung tích chứa lũ thì Nhà máy thủy điện Hố Hô không những không gây thiệt hại cho dân mà còn góp phần điều tiết nước, ngăn bớt lũ cho hạ du. Còn quy trình ư? Đây không phải là lần đầu tiên người ta nghe câu ấy từ cửa miệng các doanh nghiệp thủy điện và quan chức nhà nước. Ba năm trước tại Nghệ An, hồ thủy lợi Vực Mấu cũng ồ ạt xả, kèm với mưa lớn, hậu quả là 20.000 nhà dân bị ngâp, thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước. Việc xả lũ này được lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết là không lường trước tình hình mưa lũ, tuy nhiên vị này cũng cho rằng qua kiểm tra, đoàn kiểm tra của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và các đơn vị liên quan tại Nghệ An kết luận Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An đã vận hành đúng quy trình xả lũ.
Tại sao đúng quy trình mà nhà ngập, dân chết? Tại sao? Tại sao khi xin dự án thủy điện thì ông nào cũng nói hồ thủy điện sẽ góp phần cắt lũ của hạ du bằng cách điều tiết nước nguồn ồ ạt đổ về. Nhưng hậu quả chỉ là mất rừng, gây thêm ngập lụt; giữa thiên tai và mưa ngập, không những không điều tiết được lũ mà còn thả thêm quả bom nước xuống đầu dân?
Đúng quy trình ư? Nếu “quy trình” chỉ đơn giản là báo trước hai ngày rồi cứ việc xả hết các cửa tràn thì đó là quy trình của sự thiếu dự báo; cục bộ, hẹp hòi về lợi ích và là quy trình của sự vô cảm. Nếu chỉ báo trước hai ngày mà không biết điều tiết nước từ trước cả khi áp thấp đến gần thì đó là quy trình của những cỗ máy vô tri, không phải quy trình của con người có lương tâm. Cho dù báo trước hai ngày thì với lượng nước ấy cộng thêm cơn lũ lớn, dân biết chạy đâu? Nhà cửa, ruộng vườn, gia sản bao đời chỉ có bấy nhiêu, họ có treo ngôi nhà mình lên trời được đâu mà tránh lũ.
Người dân vùng lũ không kêu được bởi đang bận chạy lũ. Nhưng dư luận cả nước không thể tán đồng những quy trình đổ thêm nước vào dòng lũ để cuốn trôi gia sản của người dân. Nếu quả thật việc xả thêm nước vào dòng lũ ấy là đúng quy trình thì Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói về quan điểm của mình về cái quy trình ấy.
Lẽ nào người dân phía hạ du các nhà máy thủy điện phải trắng tay “đúng quy trình” và "chết đúng quy trình’’?
ĐỨC HIỂ