Thanh Hà
Chủ tịchTập Cận Bình (G), thủ tướng Lý Khắc Cường (T) và nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc TQ trong ngày lễ Quốc Khánh 01/10/2016 tại Bắc KinhREUTERS/Damir Sagolj
Một năm trước Đại Hội Đảng lần thứ 19 được dự trù tổ chức vào tháng 10/2017, ý đồ chính trị của tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn được giữ kín. Ẩn số vẫn còn nguyên vẹn về danh tính những người có thể lên thay thế hai ông Tập Cận Bình- Lý Khắc Cường sau 10 năm họ điều hành đất nước.
Nhiều dấu hiệu rạn nứt giữa hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường càng khiến giới quan sát quốc tế thận trọng trước những nước cờ của chủ tịch Trung Quốc.
Vào lúc 370 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp kín tại Bắc Kinh, giới phân tích xem đây là một khóa họp quan trọng, vì có thể hé lộ một vài thông tin về về vai trò của Tập Cận Bình sau 10 năm lãnh đạo đất nước.
Kể từ khi lên cầm quyền, cuối năm 2012- đầu 2013, ông Tập Cận Bình đã từng bước thâu tóm quyền lực. Chính sách bài trừ tham nhũng, « đả hổ diệt ruồi » của ông đã khiến nhiều nhân vật trong hàng ngũ quân đội, đảng viên ở mọi cấp phải run sợ. Theo thống kê chính thức của Cơ quan Kỷ luật Trung ương Đảng, từ năm 2013 tới nay, hơn một triệu đảng viên đã bị trừng phạt hay đình chỉ chức vụ vì tội tham nhũng.
Ở cấp cao nhất, sau việc loại Chu Vĩnh Khang, nguyên bộ trưởng bộ Công An, từng là ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và cũng là người từng lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, ông Tập đã « thêm thù, bớt bạn ».
Trên chính trường Bắc Kinh, một số người xem chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » là phương tiện để ông Tập loại các đối thủ cả trong hàng ngũ Đảng lẫn bên quân đội.
Dù vậy, như nhận xét của Dexter Roberts , hãng tin Bloomberg, ông Tập Cận Bình, từng phục vụ trong quân đội, vẫn còn duy trì ảnh hưởng lớn với bộ phận này.
Cho tới thời gian gần đây, hai nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc là các ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhoa), Tôn Chánh Tài (Sun Zhengcai) bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và Trùng Khánh được coi là có triển vọng được đề cử thay thế cặp bài trùng Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường.
Nhưng theo như ghi nhận của nhà chính trị học Joseph Fewsmith, đại học Boston, Hoa Kỳ chưa chắc là hai ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chánh Tài đã « lọt vào mắt xanh » của ông Tập.
Trong trường hợp hai nhân vật nói trên bị gạt ra ngoài danh sách những người có thể lên thay thế Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường, điều đó có nghĩa là ông Tập cảm thấy an tâm về thế lực của mình. Chuyên gia Joseph Fewsmith đại học Boston không loại trừ khả năng lãnh đạo số một Trung Quốc gài một người thân tín, xuất thân từ Chiết Giang, bệ phóng chính trị của họ Tập. Trong thời gian từ 2002 đến 2007, ông Tập Cận Bình từng là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Giả thuyết chủ tịch Trung Quốc chọn người thừa kế xuất thân từ Chiết Giang lại càng được củng cố khi một số nhà quan sát nhận thấy rằng, giữa ông Tập và thủ tướng Lý Khắc Cường có nhiều bất đồng.
Mùa xuân năm nay ông Tập Cận Bình đã tấn công Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, vốn được coi là lò đào tạo các lãnh đạo tương lai. Đoàn Thanh Niên Cộng Sản là điểm khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của thủ tướng Lý Khắc Cường và tổ chức này từng được cựu chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào ưu ái.
Do vậy, giới phân tích không loại trừ khả năng, qua Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tập Cận Bình gián tiếp tấn công ông Hồ Cẩm Đào và phe nhóm, đồng thời làm suy yếu thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Tập có thể viện cớ các chương trình cải tổ kinh tế do thủ tướng họ Lý tiến hành chậm đem lại kết quả mong muốn, để triệt hạ một đối thủ tiềm tàng.
Tuy vậy, như ghi nhận của hãng tin Bloomberg, những tính toán của ông Tập Cận Bình nhắm vào người tiền nhiệm và trong một chừng mực nào đó là nhắm vào thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chẳng mấy rõ ràng.
Gần đây, ông Tập đã chính thức ca ngợi những đóng góp to lớn của ông Hồ Cẩm Đào cho sự thành công của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lại cũng nhân vật số một trong guồng máy lãnh đạo Bắc Kinh vừa cất nhắc một người thân cận với Hồ Cẩm Đào.
Nói tóm lại, như đánh giá của giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), đại học Hồng Kông, tham vọng chính trị của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không biết đâu mà lường.
Hội Nghị Trung Ương 6, khóa 18, có thể là dịp để các phe phái xem chừng lẫn nhau, và chắc chắn là ở hậu trường chính trị Bắc Kinh đang diễn ra những vụ thanh toán, hoặc dàn xếp để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào mùa thu năm tới.
Tập Cận Bình thỏa hiệp trong đảng để giữ Vương Kỳ Sơn sau 2017?
Thủy Thu |
Nhằm giữ lại cộng sự ăn ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể phải đưa ra những thỏa hiệp và nhượng bộ quan trọng cho thế lực chống đối.
Ngày 24/10, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (ĐCSTQ) chính thức khai mạc. Hội nghị sẽ tập trung nghiên cứu hai văn kiện quy tắc mới về quản lý đảng do Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn đệ trình.
Truyền thông Trung Quốc nhận xét, hai văn kiện này sẽ hình thành nên một hệ thống hoàn chỉnh, tránh hiện tượng xuất hiện những "mảnh vỡ" trong quá trình chấp hành kỷ luật.
Theo giới quan sát, là Bí thư CCDI, ủy viên Ủy ban thường vị Bộ chính trị nên Vương Kỳ Sơn được coi là người tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng và là cộng sự ăn ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề quản lý đảng.
Truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia cho rằng, với thành tích và nhiệm vụ khó khăn trong chiến dịch chống tham nhũng, Vương Kỳ Sơn có thể vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí Bí thư CCDI sau Đại hội 19 được diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Tuy nhiên, do đến Đại hội 19, Vương Kỳ Sơn (sinh năm 1948) đúng độ tuổi về hưu theo quy tắc "7 lên 8 xuống" thường thấy của ĐCSTQ nên sự đi hay ở của ông đến nay vẫn là một câu đố.
Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
Tập Cận Bình có thể phá "quy tắc ngầm"
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) nhận định, chính nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có ý phá "quy tắc ngầm Trung Nam Hải" nhằm giữ Vương ở lại để sát cánh cùng ông trong chiến dịch chống tham nhũng.
Theo chuyên gia về truyền thông đại chúng Kha Vũ Thiến từ Đại học bang Indiana, Mỹ, nếu để giữ Vương lại mà không đủ khả năng cân bằng với các thế lực chống đối, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đối mặt với mạo hiểm.
Chiến dịch chống tham nhũng của hai ông Tập, Vương đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích nên các nhóm này sẽ coi quy tắc "7 lên 8 xuống" là lý do và căn cứ tự nhiên nhất buộc Vương phải về hưu.
"Điều này cũng có thể thúc đẩy ông Tập tăng cường chú trọng 'nhận thức chung', đồng thời đưa ra những thỏa hiệp và nhượng bộ quan trọng cho thế lực chống đối", chuyên gia phân tích chính trị June Teufel Dreyer, Đại học Miami (Mỹ) nhận định.
Vương Kỳ Sơn "úp mở" chuyện đi hay ở?
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, Kha Vũ Thiến cho biết, Vương Kỳ Sơn đã từng nhiều lần công khai nói về việc nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo Kha, đây có thể chỉ là cách thăm dò chính trị.
Trước đó, vào ngày 15/11/2012, khi trúng cử trở thành Bí thư CCDI, Vương từng nói "vì lý do tuổi tác, có lẽ [tôi] chỉ nhậm chức một khóa Bí thư CCDI".
Bà Kha đánh giá, cách Vương dùng chữ "hoặc" cho thấy Vương vẫn chưa nói hết "điều muốn nói".
Đặc biệt, tháng 4/2015, trong buổi trò chuyện với hai học giả người Mỹ, Vương từng "than phiền" về những khó khăn trong quá trình chống tham nhũng nhưng theo Kha, buổi trò chuyện này thực chất đã phát đi tín hiệu muốn liên nhiệm của Vương.
Nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh Chương Lập Phàm lại nhận định, nội bộ ĐCSTQ đang đối diện với một cục diện "mất cân bằng", hai văn kiện được thảo luận tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 (24-27/10) có thể sẽ là "vũ khí" giúp Vương Kỳ Sơn tiếp tục nắm giữ vị trí quan trọng sau Đại hội 19.
Đa chiều (Mỹ) kết luận, dù Vương có về hưu hay không, hội nghị lần này sẽ là lần "tỏa sáng" quan trọng nhất của ông trước khi kết thúc năm năm nhiệm kỳ.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét