Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Các lãnh đạo châu Á “giải mã” Trump; Lập trường chung giữa ông Trump và tổng thống Philippines có thể hé lộ tương lai của Châu Á




RFI


mediaHai lá cờ Nhật và Mỹ trước một màn hình TV ở Tokyo ngày 08/11/2016.REUTERS/Toru Hanai
Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ dẹp bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và đã tỏ ý muốn sửa đổi các liên minh giữa Mỹ với các nước trong khu vực. Thế nhưng, hãy còn quá sớm để kết luận rằng chính sách “xoay trục” của tổng thống Barack Obama đã chết. Đó là nhận định của hãng tin Bloomberg trong một bài viết đăng hôm nay, 14/11/2016. RFI lược dịch.





Đối với các lãnh đạo châu Á, câu hỏi lớn được đặt ra từ chiến thắng của Trump là không biết Hoa Kỳ sẽ còn đặt trọng tâm kinh tế và chính trị vào châu Á hay không, do nhà tỷ phú đã tuyên bố sẽ thi hành một chính sách ngoại giao ít can thiệp ra bên ngoài hơn.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích hiện đang đọc kỹ những lời bình luận của ông Trump cũng như của các cố vấn của ông để cố tách bạch chủ trương “nước Mỹ trước hết”, mà ông đưa ra trong lúc tranh cử, với thực tế của việc điều hành đất nước, ngay cả với đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội.
Dựa theo tên tuổi những người sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt, như ông Randy Forbes, bộ trưởng Hải quân tương lai, và dựa trên những tuyên bố của những người thân cận với ông Trump, giáo sư Sam Crane, thuộc trường William College, Massachusetts, cho rằng ông Trump sẽ thi hành chính sách như, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tổng thống mãn nhiệm Obama.
Trong một bài viết đăng vào tuần trước, hai cố vấn tranh cử của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã cho rằng chính sách của ông Obama là “giơ cao đánh khẽ”. Họ xem việc triển khai chiến hạm đến Singapore và thủy quân lục chiến đến Úc chỉ là những hành động “làm cho có”. Họ viết rằng với ông Trump làm tổng thống, hải quân Mỹ sẽ được tăng cường để trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn đóng vai trò là người bảo đảm cho trật tự tự do ở châu Á.
Bản thân ông Trump cũng đã nhanh chóng nói chuyện với lãnh đạo các nước Nhật, Hàn Quốc và Úc về cam kết của ông liên quan đến các quan hệ an ninh. Tuy vậy, do là một nhân vật khó lường trước, hiện giờ không thể biết được là ông Trump sẽ làm gì một khi lên nắm quyền.
Theo lời cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, hiện chưa thể đánh giá hết mức độ can dự của ông Trump vào châu Á. Trả lời phỏng vấn vào tuần trước, bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia Luhut Panjaitan cũng cho rằng hãy còn quá sớm để xét đoán ông Trump, nhưng ông tin là Hoa Kỳ “sẽ nhìn thấy các lợi ích quốc gia của họ”.
Với khẩu hiệu tranh cử là “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, ông Trump khó mà rút nước Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Sáu trong số 15 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ là nằm ở khu vực này. Đại sứ lưu động của Singapore Bilahari Kausikan, dự báo rằng các nước châu Á sẽ khai thác cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc để hưởng lợi trong khi vẫn duy trì quan hệ với cả hai bên.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã chỉ trích Nhật Bản và Hàn Quốc không đóng góp đúng mức cho căn cứ quân sự của Mỹ, gây quan ngại là ông sẽ rút quân Mỹ ra khỏi hai nước này. Thế mà, trong cuộc điện đàm sau bầu cử, ông Trump đã nói với tổng thống Park Geun-hye rằng ông đồng ý “100%” về sự cần thiết phải ngăn chận Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, vẫn có nguy cơ là ông Trump gây tổn hại đến các liên minh ở Bắc Á, theo nhận định của Yukio Okamoto, nguyên là một nhà ngoại giao từng cố vấn cho hai lãnh đạo Nhật.
Về Biển Đông, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc xây một pháo đài ở khu vực này. Tháng 3 vừa qua, ông đã tuyên bố rằng : “Họ làm điều đó tùy thích vì họ không tôn trọng tổng thống của chúng ta và họ không tôn trọng đất nước chúng ta.” Nhưng bối cảnh chính trị nội bộ của nước Mỹ hiện nay khiến người nghi ngờ rằng ông Trump không sẳn sàng can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột ở nơi xa xôi như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Có một lời hứa mà chắc là ông Trump sẽ thực hiện đó là sẽ “khai tử” hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho là sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ. Nhưng thủ tướng New Zealand John Key khi trả lời đài phát thanh New Zealand đã cho rằng ông Trump sẽ nhận được cùng ý kiến cố vấn từ bộ Ngoại giao, từ Lầu năm góc và từ bộ Tài chính giống như tổng thống Obama. Lời khuyên đó là Mỹ cần duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện ở châu Á và tự do mậu dịch là một cách để đạt được điều đó.



Tổng thống Philippines Duterte (trái, ảnh: Getty Images), Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (ảnh: Flickr)

Lập trường chung giữa ông Trump và tổng thống Philippines có thể hé lộ tương lai của Châu Á

Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ Donald Trump có nhiều điểm chung bất ngờ với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, điều này có thể gợi ý cục diện tương lai cho khu vực Châu Á. 
Bài viết dưới đây của tác giả Charmaine Deogracias, nhà nghiên cứu Á tại Trung tâm Đông Tây, Washington DC, Hoa Kỳ, sẽ cho thấy lập trường chung của hai nhà lãnh đạo về các vấn đề chủ chốt của châu Á.
*********
Nếu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump hiện thực hóa lời đe dọa mà ông tuyên bố trong quá trình tranh cử về việc rút Hoa Kỳ ra khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông cũng có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Phòng thủ chung với Philippines.
Ông Trump cho rằng liên minh an ninh quốc tế là “lỗi thời”, nói rằng nó “đã tiêu tốn của chúng ta cả một gia tài”.
Ông cũng nói như vậy về các liên minh khác của Mỹ ở châu Á.
Những quan sát này có trong bài nghiên cứu trước bầu cử của Trung tâm Đông Tây ở Washington DC. Cơ quan này đã xem xét những tuyên bố của ông Trump trước cuộc bầu cử ngày 08/11, tập trung vào các vấn đề chủ chốt ở châu Á như một phần của dự án “Những vấn đề của châu Á đối với Mỹ và những vấn đề của Mỹ đối với Châu Á” .
Ông Trump dường như phản ánh cảm nhận của Tổng thống Rodrigo Duterte, người cũng đã đặt ra câu hỏi về tầm quan trọng của hiệp ước phòng thủ 65 năm tuổi với Mỹ, và nói rằng ông sẵn sàng “sửa đổi hoặc bãi bỏ” nó.

Liên minh quân sự Mỹ-Philippines

Ông Trump và ông Duterte có nhiều điểm chung chứ không chỉ về Hiệp ước phòng thủ chung. Đầu tiên, quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ là “Chính sách đối ngoại độc lập” của ông Duterte.
Nói rằng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ chỉ có lợi cho Mỹ, ông Duterte gần đây đã kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận trong vòng hai năm tới.
Trong khi đó, Trung tâm Đông Tây lưu ý rằng lập trường của ông Trump về các mối liên minh của Mỹ và các đối tác an ninh ở châu Á là: “Hoa Kỳ đang bị các đồng minh lợi dụng bởi họ không chia sẻ gánh nặng về chi phí quốc phòng nhiều như họ cần làm”.
“Hơn nữa, các đồng minh trong khu vực nên chuyển sang hướng tự duy trì an ninh của họ hơn nữa, có thể dưới hình thức Mỹ rút quân khỏi khu vực và / hoặc họ phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình”, Trung tâm Đông Tây nói về quan điểm của ông Trump.
Trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên vào ngày 27/9, ông Trump nói: “Tôi muốn giúp đỡ tất cả các đồng minh của chúng ta, nhưng chúng ta đang tốn mất hàng tỷ, hàng tỷ đô la. Chúng ta không thể là cảnh sát của thế giới. Chúng ta không thể bảo vệ các quốc gia trên khắp thế giới được”.
Trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng ngày 19/10, ông nêu tên một số quốc gia: “Như Nhật Bản và một số nước khác, chúng ta đang bị tước đoạt bởi tất cả những người ở (các nước) – chúng ta đang bảo vệ các nước khác. Chúng ta đang tiêu tốn một gia tài cho việc đó. Họ có một món hời nhất thế kỷ. Điều tôi đang nói là, chúng ta phải đàm phán lại các thỏa thuận này, bởi vì đất nước chúng ta không thể đủ khả năng bảo vệ Ả Rập Saudi, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, và nhiều nơi khác”.
Philippines và Nhật Bản là hai nước đồng minh của Mỹ ở châu Á. Theo hiệp ước, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật khỏi sự xâm lược từ bên ngoài. Các thỏa thuận quốc phòng của Philippines dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung 1951, đây cũng là nền tảng cho Thỏa thuận Giao lưu Quân đội năm 1998 và Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA) được ký kết vào năm 2014.
Khi nói chuyện với một nhóm các doanh nhân Nhật Bản và Philippines ở Tokyo hồi tháng trước, ông Duterte cho biết ông đã sẵn sàng để “sửa đổi hoặc bãi bỏ” các hiệp định và nhắc lại rằng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Philippines sẽ kết thúc.
Nhưng theo khuyến nghị của Bộ Quốc phòng tại cuộc họp nội các hôm 7/11, ông Duterte đã chấp thuận việc tiếp tục các cuộc tập trận quân sự và thực hiện EDCA.
Tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng và các quan chức quân sự đã liệt kê những lợi ích cho đất nước từ các cuộc tập trận hàng năm.
Tuy vậy, ông Duterte đã yêu cầu cắt giảm một nửa số lượng bài tập quân sự và bỏ cuộc tập trận hải quân, đổ bộ trên bãi biển và tấn công tàu của Hải quân và Thủy quân lục chiến. Ông cũng cho rằng cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn nên tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và chống khủng bố.
Các thay đổi sẽ được trình bày tới chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris Jr. trong cuộc họp tại Manila ngày 22/11.

Sự bài ngoại của ông Trump

Những điểm giống nhau giữa hai vị tổng thống Trump và Duterte đã liên tục được chỉ ra – từ các lời lẽ gây tranh cãi khi vận động tranh cử, chương trình dân túy và lời khen ngợi của họ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến cách cư xử với phụ nữ và mối quan hệ với giới truyền thông.
Trong lời chúc mừng ông Trump, ông Duterte nói ông và tổng thống Mỹ mới đắc cử khá giống nhau, ít nhất là trong cách ăn nói.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Đông Tây, ông Trump là người không có nhiều kinh nghiệm chính trường, nhưng có kết nối với khu vực (châu Á) qua việc kinh doanh. Ông sở hữu tài sản ở Philippines – tòa tháp Trump tại Century City ở Makati, tại Hàn Quốc và có các dự án đang tiến triển ở châu Á.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử ở bang Maine, ông liệt kê Philippines cùng hàng tá các nước khác mà ông gắn mác là các quốc gia khủng bố, ông cho rằng những cư dân nước này không nên được phép ở Mỹ, “bởi vì bạn không thể xác minh lý lịch của họ”.

‘Điểm mấu chốt’ là Trung Quốc

Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”, còn tổng thống Duterte đã thề sẽ làm đảo Mindanao trở nên tầm cỡ. Theo cùng chiến dịch này, cả hai đang nhắm tới Trung Quốc về mặt kinh tế.
‘Chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp Philippines’, ông Duterte nói trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã. Trong chuyến thăm Bắc Kinh bốn ngày hồi tháng trước, “điểm mấu chốt”của ông hướng tới Trung Quốc đã thu hoạch được các khoản vay và các dự án đầu tư trị giá 24 tỷ đô từ Trung Quốc. Ông Duterte đã khôi phục hiệu quả mối quan hệ thân thiện của Philippines với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về “nước Mỹ trên hết” vào ngày 27/4, ông Trump nói rằng việc sửa chữa mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc là một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra một thời kỳ thịnh vượng hơn nữa đối với người Mỹ.
“Tôi yêu Trung Quốc. Ngân hàng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Bạn biết trụ sở Hoa Kỳ của họ được đặt ở đâu không? Trong tòa nhà này, Trump Tower. Tôi yêu Trung Quốc. Người ta nói, ồ, bạn không thích Trung Quốc ư? Không, tôi yêu họ”, ông Trump phát biểu khi ông tuyên bố ứng cử ngày 16/6/2015.
Ông Duterte nói thành tựu của ông với Trung Quốc là vì lợi ích của nền kinh tế Philippines và ông sẽ không ngần ngại gác bỏ mối bất bình cay đắng về vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Nghiên cứu của Trung tâm Đông Tây có ghi nhận lập trường của ông Trump về Biển Đông sau khi một tòa án quốc tế ra phán quyết ngày 12/7 bác bỏ cơ sở pháp lý trong tuyên bố chủ quyền Trung Quốc về phần lớn khu vực (Biển Đông). Ông nêu ra mối lo ngại về việc Trung Quốc huy động quân sự ở Biển Đông và nói rằng những hành động leo thang như vậy không nên được dung thứ.
Ông Trump đề cập đến Biển Đông duy nhất một lần trong suốt chiến dịch của mình.
Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại hồi tháng 4, ông nói,“Một nước Mỹ mạnh mẽ và thông minh là một nước Mỹ sẽ tìm một người bạn tốt hơn ở Trung Quốc, tốt hơn so với chúng ta có bây giờ. Nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm ở vùng Biển Đông. Họ không được phép làm việc đó”.
Giống như tổng thống Duterte, ông Trump nhìn nhận Trung Quốc về khía cạnh thương mại, hơn là vấn đề an ninh.
Nhưng không giống như tổng thống Duterte nhắm mục tiêu tăng cường thương mại và đầu tư Trung Quốc vào Philippines, ông Trump dự định tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ để kìm hãm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 365,7 triệu đô năm ngoái.
Ông cũng muốn Mỹ gây áp lực kinh tế đối với Trung Quốc để kiểm soát Bắc Triều Tiên.
Ông Trump vào đầu tháng Giêng nói với tờ New York Times rằng sức mạnh duy nhất mà Mỹ có với Trung Quốc là hoạt động thương mại khổng lồ. “Tôi sẽ đánh thuế các sản phẩm Trung Quốc sắp tới. Tôi sẽ đánh thuế, đúng vậy -.Họ làm thế với chúng ta. Tôi sẽ đánh thuế. Và, hãy để tôi nói cho bạn biết… thuế nên ở mức 45%”, ông nói.
Trung tâm Đông Tây theo dõi bài phát biểu kinh tế của Trump ở Detroit vào tháng 8, trong đó ông nói: “Điểm cốt lõi trong kế hoạch của tôi là thực thi thương mại với Trung Quốc. Riêng điều này có thể đem lại hàng triệu việc làm cho nền kinh tế của chúng ta. Trung Quốc chiếm gần một nửa toàn bộ thâm hụt thương mại của chúng ta”.
Trong một bài phát biểu tại New Jersey hồi tháng 5, ông Trump tự tin nói về quan hệ Mỹ-Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ hành xử tốt và Trung Quốc sẽ là người bạn của chúng ta. Chúng ta sẽ làm tốt hơn cùng Trung Quốc với tôi (làm tổng thống), và nền kinh tế của chúng ta sẽ hiệu quả hơn với tôi”.

Nhân quyền

Ông Duterte dị ứng với vấn đề nhân quyền, còn ông Trump thì im lặng về vấn đề này.
Khi nhắc đến nhân quyền, ông Duterte đã nổi giận. Ông gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là ‘con trai của một ả điếm’ và bảo ông Obama ‘xuống địa ngục’ khi Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông.
Nghiên cứu của Trung tâm Đông Tây không phát hiện ông Trump có bất kỳ bài phát biểu nào về nhân quyền và dân chủ ở châu Á.
Sự im lặng của ông Trump về nhân quyền con người dường như hợp ý với ông Duterte, người bây giờ muốn Philippines và Mỹ duy trì “bạn bè và đồng minh.” Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ông đã tuyên bố quan hệ “chia tay” Mỹ về kinh tế và quân sự.
Chỉ trích gần đây của ông Duterte rằng Mỹ không được đối xử với Philippines như chó đeo xích đã thu hút sự chú ý của ông Trump.
Hai tuần trước cuộc bầu cử, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng ý kiến của ông Duterte cho thấysự thiếu tôn trọng đối với nước Mỹ“.
Từ khi ông Trump được bầu làm tổng thống, ông Duterte vẫn chưa gây chiến với Mỹ – ít nhất là cho tới bây giờ.
Ông Duterte kết luận hôm 10/11 tại Kuala Lumpur: “Cần phải có sự tôn trọng trong tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến cả hai nước, đặc biệt là các hiệp định mà chúng tôi đã ký với họ và có rất nhiều thỏa thuận. Nó sẽ được tôn trọng, tất cả những điều này”.
Tác giả: Charmaine Deogracias, nhà nghiên cứu về châu Á tại Trung tâm Đông Tây, Washington DC, Hoa Kỳ
Bài được công bố trên VERA Files.
Nhi Nhi biên dịch
Xem thêm:

Ông Tập, ông Trump đồng ý ‘sớm gặp nhau’

14.11.2016
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh tư liệu)
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống tân cử của Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng ông Donald Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Theo tin từ Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump hôm thứ Hai đã đồng ý “sớm gặp nhau” để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước.
Tuyên bố từ văn phòng của ông Trump ở New York cho biết: “Trong suốt cuộc gọi, các nhà lãnh đạo đã xác lập một nhận thức rõ ràng về sự tôn trọng lẫn nhau và Tổng thống đắc cử Trump nói ông tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tạo ra một trong những mối quan hệ mạnh mẽ nhất cho cả hai nước trong tương lai”.
Vẫn theo CCTV, ông Tập nói với ông Trump rằng “Thực tế chứng minh là chỉ có sự hợp tác là lựa chọn đúng đắn cho Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động thương mại và sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc đã xem Mỹ giống như một kẻ dễ bị lừa phỉnh.

Không có nhận xét nào: