Trong tương lai có thể bà Michelle Obama không quan tâm đến chính trị, nhưng nếu Đệ nhất phu nhân thay đổi ý kiến thì bà Hillary Clinton rất muốn hai người cùng nội các, nếu bà đắc cử.
Báo USA Today dẫn lời bà Clinton trả lời kênh Extra TV: “Chúng ta thấy rằng Michelle Obama muốn tập trung vào những vấn đề quan trọng, như giáo dục cho nữ sinh trên toàn thế giới. Bà ấy và tôi đã bàn về vấn đề này khi cùng nhau ở thành phố Winston-Salem. Tôi muốn trở thành người đồng hành tốt nhất có thể bất cứ khi nào bà ấy muốn tham gia vào bộ máy chính phủ lần nữa”.
Bà Clinton khẳng định nội các của bà luôn đón nhận đệ nhất phu nhân Mỹ.
Bà nói thêm: “Bà ấy là đệ nhất phu nhân gương mẫu và tôi biết dó là một công việc khó khăn đến mức nào… Vì vậy tôi cảm thấy gần gũi với bà ấy và tôi rất biết ơn những gì bà ấy đem lại cho tôi, tất cả sự tự tin và lòng can đảm”.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới, bà Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Trong suốt chiến dịch tranh cử của bà Clinton, đệ nhất phu nhân Michelle Obama luôn lên tiếng ủng hộ, kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
Trong khi đó, tuần trước Tổng thống Obama đã trả lời báo giới về khả năng phu nhân của ông có khả năng tranh cử trong tương lai hay không. Ông nói: “Cô ấy là người tài năng và thông minh, và tôi không thể tự hào hơn về cô ấy. Nhưng Michelle không có đủ sự kiên nhẫn và không có xu hướng để thực sự trở thành ứng cử viên”.
Ông Obama chia sẻ vợ chồng ông sẽ phải làm rất nhiều việc sau khi hết nhiệm kỳ. Và do không còn là tổng thống nên ông sẽ phải thực hiện chúng theo một cách khác.

Người ủng hộ tích cực cho bà Clinton

Trước đó, bà Michelle là một trong số những người ủng hộ tích cực cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Bà từng phát biểu say mê, nội dung ca ngợi nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ, tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và các chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Gần đây nhất, tại cuộc mít-tinh ở bang Bắc Carolina hôm 27/10, bà Clinton phát biểu đầu tiên và nhận được tràng pháo tay hưởng ứng khi vừa giới thiệu bà Michelle, người cũng tham dự cuộc mít-tinh này.
Bà Obama nói hôm 27/10: “Chúng ta có tầm nhìn của Hillary về một cường quốc giàu sức mạnh và tươi sáng, đủ chỗ cho tất cả mọi người. Đây là nơi mỗi chúng ta đều có thể đóng góp nỗ lực cá nhân mình, và là nơi mọi người sát cánh để mạnh mẽ hơn.”
Đệ nhất phu nhân bày tỏ: “Mỗi hành động, từng lời nói của chúng ta đều hàm chứa suy tư về hàng triệu trẻ em đang theo dõi. Chúng ta muốn một vị tổng thống sẽ gánh vác trọng trách này, đủ bình tĩnh và chín chắn để hoàn thành công việc. Một cá nhân vững vàng, đủ tin cậy để có thể nắm giữ mã vũ khí hạt nhân, vì chúng ta muốn giấc ngủ mỗi đêm được an tâm rằng con em và đất nước ta an toàn.”
Dương Lương


Người Việt tại Mỹ: "Trump quá đáng ghê tởm hay bị bôi nhọ?"

Hiếu Trung | 
Người Việt tại Mỹ: "Trump quá đáng ghê tởm hay bị bôi nhọ?"

“Chúng tôi dù là bạn bè thân thiết cũng ít khi hỏi là ông (bà) bầu cho Donald Trump hay Hillary Clinton, nói ra rồi lại cãi nhau chí chát", luật sư N.T ở San Jose kể với Zing.vn.

Đối với nhiều người Việt tại California, đại điện đảng Cộng hòa Donald Trump là ứng cử viên tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, xứng đáng bị bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ “đè bẹp” trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ủng hộ ông Trump và cho rằng tỷ phú New York bị giới truyền thông bôi nhọ.
Luật sư N.T, 60 tuổi, là người sống và làm việc tại San Jose, “thủ phủ” của người Việt ở bang California, từ gần 40 năm qua.
Rất năng nổ tham gia các hoạt động cộng đồng, ông am hiểu tường tận về các hoạt động chính trị tại Mỹ cũng như tâm lý, tình cảm và sự lựa chọn của người Việt ở San Jose nói riêng và California nói chung.
Lái xe chở tôi đi thăm văn phòng tranh cử của bà Clinton ở San Jose, ông nói thẳng ông cực kỳ căm ghét Trump.
Không thể tưởng tượng nổi một kẻ như Trump lại có khả năng trở thành tổng thống Mỹ được. Nhưng nói với bạn vậy thôi chứ ở đây người Việt như chúng tôi dù là bạn bè thân thiết cũng ít ai hỏi ông (bà) bầu cho Trump hay Clinton. Mỗi người một quan điểm chính trị riêng, nói ra rồi lại cãi nhau chí chát, mất cả tình bạn”, luật sư N.T nhấn mạnh.
Kẻ 'đáng tởm'
Theo ông, Trump có thể thu hút nhiều cử tri Mỹ vì vẻ ngoài hào nhoáng của một tỷ phú lắm tiền nhiều của.
Nhưng đằng sau cái mã đó ông ta thậm đáng ghê tởm. Đã có một ứng cử viên tổng thống nào huyênh hoang về chuyện sờ soạng chỗ kín của phụ nữ chưa?”, luật sư N.T bức xúc.
Theo ông, Trump cho thấy ông ta chẳng biết gì về chính trị - ngoại giao, nhưng khoảnh khắc mà nhiều cử cử tri Mỹ giật mình tỉnh ngộ về Trump là khi ông ta không chịu chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống nếu bà Clinton chiến thắng.
Người Việt tại Mỹ: Trump quá đáng ghê tởm hay bị bôi nhọ? - Ảnh 1.
Lá phiếu có in song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt của một cử tri gốc Việt bầu chọn bà Hillary Clinton.
Tôn trọng kết quả bầu cử, dù bất cứ bên nào giành chiến thắng, là một phần quan trọng của nền dân chủ Mỹ.
Hành động đó của Trump cho thấy ông ta không hề tôn trọng thể chế dân chủ. Lẽ ra nếu khẳng khái tuyên bố sẽ chấp nhận kết quả bầu cử dù thắng hay thua, ông ta sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ. Sự từ chối đó chắc chắn khiến ông ta mất nhiều lá phiếu”, luật sư N.T dự đoán.
Doanh nhân J.N, chủ một nhà hàng Việt Nam khá sang trọng và ngon miệng ở khu Litte Saigon tại San Jose, giải thích với Zing.vn một cách rõ ràng hơn về hiện tượng Donald Trump. Là một thành viên đảng Cộng hòa, nhưng kỳ bầu cử năm nay anh cũng quyết định ủng hộ bà Clinton.
Trump đánh vào tâm lý của những người Mỹ da trắng cảm thấy bị xã hội bỏ rơi. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy đa phần người ủng hộ Trump là người da trắng, đã lớn tuổi. Họ là những người ngày xưa chỉ học hết trung học là đã kiếm được việc làm ổn định”, anh phân tích.
Con cái của họ cũng đi theo con đường đó. Nhưng kinh tế Mỹ và thế giới đã thay đổi rất nhiều. Các nhà máy sản xuất vải, xe, lắp ráp hàng hóa... đã không còn, loại công việc này được đưa ra nước ngoài như Mexico, Trung Quốc, Đông Nam Á...
Công nghệ phát triển, đòi hỏi người lao động có bằng cấp cao hơn. Những người từng làm loại công việc này, giờ ở tuổi 50-60, bị mất việc làm.
Con cái họ cũng vậy. Chính sách của chính phủ Mỹ để hỗ trợ họ cũng bị hạn chế. Do đó họ cảm thấy bị bỏ rơi.
Nhìn xung quanh, họ thấy mình phải chạy đua với người Mỹ gốc Á, người da đen, người gốc Mexico. Họ nghĩ rằng người nhập cư cướp công việc của họ. Họ đặt câu hỏi tại sao chính phủ Mỹ chỉ thực hiện những chính sách có lợi cho người nhập cư”.
Ông Trump đã tận dụng được tâm lý bất mãn đó. Trump khẳng định rằng chính phủ Mỹ đã đối xử tệ bạc với tầng lớp này, và chính quyền Tổng thống Barack Obama suốt 8 năm qua cũng không đem lại lợi ích gì cho họ.
Trump đổ lỗi rằng nhiều thỏa thuận thương mại của Mỹ với các nước chỉ có lợi cho nước ngoài và gây thiệt hại cho người Mỹ da trắng.
“Các cử tri Mỹ da trắng giận dữ sẽ không quan tâm đến việc ông Trump ăn nói bậy bạ hay hành xử không ra gì. Họ chỉ biết rằng ông Trump có tiếng nói phản ánh những gì họ nghĩ. Họ tin rằng ông Trump với kinh nghiệm làm ăn sẽ giải quyết được những vấn đề của họ”, anh J.N khẳng định.
Nỗi lo cuộc sống
Tại San Jose, trung tâm thương mại Grand Century ở khu Little Saigon là nơi người Việt thường hay lui tới tụ tập cà phê, ăn uống.
Ở đây bán nhiều đồ ăn Việt Nam khá ngon, từ cháo vịt Thanh Đa cho đến bánh xèo và bún bò Huế. Ngồi trong quán cà phê Paloma trong tòa nhà Grand Century, nữ doanh nhân Vịnh Thanh Thảo bày tỏ với Zing.vn nỗi lo lắng về tương lai của cộng đồng người Việt trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay của nước Mỹ.
Người ta cứ nghĩ nước Mỹ còn đang giàu mạnh, nhưng thực ra nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Nhà cửa giá ngày càng cao, người trẻ gốc Việt nói riêng và thanh niên Mỹ nói chung ra trường lập gia đình, có việc làm dù là hai vợ chồng đều vất vả nhưng cũng khó có thể mua nhà. Mượn tiền ngân hàng giờ cũng không dễ dàng gì.
Tương lai sẽ còn khó khăn hơn nữa. Mỹ cần một chính trị gia giỏi, một lãnh đạo giỏi để đương đầu với những khó khăn hiện tại và tương lai”, chị tâm sự.

Người Việt tại Mỹ: Trump quá đáng ghê tởm hay bị bôi nhọ? - Ảnh 2.
Một cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu sớm thay vì chờ tới ngày 8/11.

Với chị, vị trí tổng thống Mỹ không chỉ lãnh đạo nước Mỹ mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với cả thế giới. Chị cho rằng một doanh nhân như Trump không đủ tầm để trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Với rất nhiều người, Trump là một kẻ dị hợm và chẳng biết gì. Những người có tầm nhìn xa sẽ không thể bầu chọn Trump”, chị Thảo quả quyết.
Theo chị, việc Trump tranh cử tổng thống là thông điệp rằng “có tiền mua tiên cũng được”.
Trump muốn chứng tỏ rằng chỉ cần có tiền là có thể làm được bất kỳ những gì ông ta muốn. Và nếu ông ta đắc cử thì điều đó sẽ trở thành sự thật. Nhưng tiền không phải là tất cả. Cử tri cần phải phản bác thông điệp đó bằng lá phiếu chống lại Trump”.
Nhiều người Việt ở đây luôn nghĩ mình chỉ là người di cư. Nhưng thực tế họ là công dân Mỹ, là người Mỹ gốc Việt, do đó có bổn phận và quyền lợi là đi bầu cử để chọn người xứng đáng lãnh đạo đất nước. Không phải cứ người da trắng với là người Mỹ. Đây là điều quan trọng đối với cộng đồng người Việt”, chị Thảo nhấn mạnh.
Chị gửi gắm niềm tin vào bà Clinton với hi vọng rằng bà sẽ đủ sức giải quyết được những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Trump bị đối xử bất công?
Nhưng dù xu hướng ngả về đảng Dân chủ đang lan rộng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, ước tính vẫn còn khoảng 40% ủng hộ đảng Cộng hòa. Kỹ sư công nghệ Hải, một cử tri đảng Cộng hòa , rất nhiệt tình lái xe từ xa tới Grand Century để trao đổi với Zing.vn quan điểm cá nhân khác biệt của anh về ông Trump.
Tôi thích ông Trump vì ông ta là nhân tố mới”, anh Hải giải thích.
Thứ nhất, ông Trump là tỷ phú, chả cần nhận tiền của ai. Ông ta giàu có nên sẵn sàng chi tiền túi ra tranh cử. Bà Clinton thì nhận rất nhiều tiền quyên góp của Phố Wall và chắc chắn sẽ bị họ thao túng.
Nhưng ông Trump bị giới truyền thông Mỹ bôi nhọ và vùi dập. Video ông ta nói tục tĩu về phụ nữ chỉ là chuyện phiếm của đàn ông. Nhưng truyền thông quyết diệt ông Trump nên moi móc chuyện quá khứ.
Bản thân bà Clinton cũng có những chuyện xấu trong quá khứ nhưng truyền thông không đụng đến, chỉ có một số trang web trên mạng nêu lên. Bà ấy không đủ tiêu chuẩn về luật pháp để trở thành tổng thống nhưng được truyền thông bơm lên nhiều.
Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Mỹ nhiều năm qua rất yếu. Ví dụ như chính quyền Obama phản ứng khá yếu ớt với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Điều đó có thể làm cho Trung Quốc nghĩ họ muốn làm gì thì làm ở biển Đông và chính quyền Obama sẽ không dám làm gì mạnh tay. Ông Trump lên lãnh đạo có thể sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc”, kỹ sư Hải đánh giá.
Anh cho biết có rất nhiều cử tri ủng hộ Trump dù không nói ra để tránh bị mang tiếng, nhưng đến ngày bầu cử sẽ bỏ phiếu cho tỷ phú New York. Do đó ông Trump vẫn có cửa thắng dù đang thất thế.
Tuy nhiên kỹ sư Hải không bỏ phiếu cho ông Trump hay bà Clinton.
Tôi thấy rằng Mỹ có nhiều đảng nhưng nhiều năm qua truyền thông chỉ ủng hộ hai đảng. Đó là điều không tốt.
Do đó năm nay tôi bầu cho ông Gary Johnson của đảng Tự do vì muốn vượt qua tư tưởng 2 đảng. Tôi biết sẽ chỉ bà Clinton hoặc ông Trump thắng, nhưng nếu tỷ lệ phiếu dành cho ứng cử viên thứ 3 đủ cao thì đó là tín hiệu cho thấy rằng hệ thống chính trị cần đối xử bình đẳng với đảng thứ 3, thứ 4 đó”.
Ở San Jose, không ít người Việt đã đi bỏ phiếu sớm. Và có rất nhiều người đang nóng lòng chờ đến ngày bầu cử 8/11 để thực hiện quyền công dân, để góp phần của cá nhân mình vào việc quyết định đường hướng tương lai của đất nước.
theo Zing

Trước "giờ G": Tương lai nào cho chân vạc Mỹ-Nga-Trung thời kỳ hậu Obama?

Lâm Oanh | 
Trước "giờ G": Tương lai nào cho chân vạc Mỹ-Nga-Trung thời kỳ hậu Obama?
Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Dù Hillary Clinton hay Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, quan hệ giữa Mỹ - Nga - Trung Quốc đều sẽ bước sang một trang mới.

Với Trung Quốc: Vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng
Hai đảng lớn nhất của Mỹ đều có những nhận thức chung căn bản trong vấn đề Trung Quốc.
Đó là, Mỹ - Trung là hai cường quốc có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn trong lĩnh vực kinh tế; Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có ảnh hưởng nhất định đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Những nhân tố này đã tạo nên sự phức tạp, khó lường trong thái độ của Mỹ với Trung Quốc và đến nay, Washington chưa thực sự áp đặt lệnh trừng phạt nào nhằm vào Bắc Kinh do lo ngại đối mặt với đòn trả đũa nghiêm trọng.
Là nhân vật quan trọng thúc đẩy chiến lược "xoay trục châu Á" của Tổng thống Obama, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton rất coi trọng các vấn đề tại khu vực này và các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.
Nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt mong muốn xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác tại châu Á – Thái Bình Dương giống với hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực Đại Tây Dương nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia.
Với Trung Quốc, bà tỏ ra khá thận trọng. Bà từng nói, rất khó để chỉ ra Bắc Kinh là bạn hay là thù với Mỹ.
Đồng thời bà tuyên bố công khai rằng: Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc, giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ hai nước cần phải có thời gian và đừng quá kỳ vọng vào kết quả của những nỗ lực vội vã.
Trước giờ G: Tương lai nào cho chân vạc Mỹ-Nga-Trung thời kỳ hậu Obama? - Ảnh 1.
Với Hillary Clinton, Trung Quốc - Mỹ hoàn toàn có thể xây dựng được mối quan hệ "tích cực, hợp tác toàn diện".
Trong khi đó, đến thời điểm này, những gì thấy được ở Donald Trump chủ yếu là những chỉ trích kịch liệt vào các chính sách kinh tế của Trung Quốc, nhằm buộc nước này ký kết vào các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, ông Trump tuyên bố sẽ đặt ra những chế tài thật nặng đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, cũng như ngăn chặn Chính phủ Trung Quốc thực hiện bảo hộ thương mại.
Donald Trump chủ trương giảm nợ nước ngoài của Mỹ, hạ thấp mức thuế đối với các doanh nghiệp, tạo ưu thế trước Trung Quốc trong các diễn đàn song và đa phương.
Điều đáng chú ý là, ông Trump từng nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Với Nga: Sự khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên
Nếu như cách xử lý các vấn đề Trung Quốc của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đan xen giữa cứng rắn và mềm mỏng, thì trong cách ứng xử với Nga, giữa Clinton và Trump lại có những khác biệt cơ bản.
Ứng cử viên đảng Dân chủ từng cho biết, bà không có ấn tượng tốt đẹp gì đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cũng không mấy lạc quan về quan hệ hai nước trong tương lai.
Bà Clinton vừa hy vọng sẽ tiếp tục bắt tay với Nga trong nỗ lực kiểm soát đối đầu vũ trang vừa kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh cùng chống lại sự bành trướng của Nga.
Khác với đối thủ, Donald Trump không những khen Putin "mạnh" hơn Obama, tỉ phú New York còn chủ trương xây dựng mối quan hệ "đồng minh" kiểu mới giữa hai nước nhằm đối phó với những vấn đề quốc tế như Syria.
Một số nhân vật trong ban vận động tranh cử của Trump từng bị báo chí Mỹ tố có mối quan hệ khá mật thiết với Moscow, bà Clinton cũng lấy cớ này để không ngừng chỉ trích đối thủ.
Tuy trong vấn đề Ukraine, cách tiếp cận của ông Trump hoàn toàn tương đồng với Chính phủ Mỹ hiện nay cũng như với đối thủ Clinton khi công kích Nga, nhưng xét về tổng thể, quan điểm của Trump với Nga có phần cảm tính khác xa so với cựu Ngoại trưởng vốn kiên định, chắc chắn.
Clinton hoặc Trump sẽ tiếp cận quan hệ chân vạc Mỹ - Nga - Trung như thế nào?
Trước giờ G: Tương lai nào cho chân vạc Mỹ-Nga-Trung thời kỳ hậu Obama? - Ảnh 2.
Donald Trump dù chỉ trích nhưng vẫn tuyên bố "Mỹ sẽ cùng Trung Quốc làm ăn tốt với nhau"
Thứ nhất, chính sách với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nền tảng cho chiếc ghế Ngoại trưởng của bà Clinton.
Trong bối cảnh ngoại giao Mỹ ở đây đang gặp nhiều trở ngại, nếu trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, rất có khả năng bà sẽ quan tâm nhiều hơn tới khu vực này, những va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi.
Mặt khác, dưới áp lực của phe cánh tả trong nước, hai đại diện của hai đảng phái lớn nhất nước Mỹ này cũng đưa ra ý kiến phản đối với mức độ khác nhau nhằm vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Tổng thống Obama xúc tiến.
Họ cho rằng ý nghĩa ngoại giao của hiệp định này đã vượt quá lợi ích kinh tế của Mỹ, từ đó các vấn đề nảy sinh như thất nghiệp sẽ dẫn đến sự bất mãn trong xã hội Mỹ.
Nhưng với tư cách là một trong những nhà thiết kế chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, hiện tại quan điểm của cựu Ngoại trưởng đối với TPP vẫn khá tích cực.
Ở Mỹ, có nhiều suy đoán rằng, TPP cuối cùng cũng sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới sự ủng hộ của Hillary Clinton. Kết quả này sẽ tác động mạnh mẽ tới quan hệ Mỹ - Nga - Trung trong tương lai.
Về phần mình, Trump cũng không đưa ra quá nhiều các ý kiến mang tính xây dựng nhằm củng cố và phát triển quan hệ Mỹ - Trung. Thái độ này dường như báo trước quan hệ song phương trong tương lai sẽ gặp nhiều sóng gió nếu như Trump đắc cử.
Thứ hai, khi còn là Ngoại trưởng, Hillary Clinton từng nỗ lực thay đổi chính sách cứng rắn, đối đầu tồn tại trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Bà cũng đưa những chính sách khéo léo vào đường lối ngoại giao của Mỹ, giúp khởi động lại quan hệ Mỹ - Nga.
Vì thế, nếu như đắc cử, bà sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao của mình, tuy nhiên biện pháp tiến hành sẽ rất khác. Dù bà vẫn giữ thái độ thận trọng đối với quan hệ Mỹ - Nga nhưng lại tỏ ra bi quan về viễn cảnh quan hệ hai nước.
Nếu như nói chính sách của Clinton đối với Nga sẽ cứng rắn hơn so với thời của Obama, vậy thì trong trường hợp ông Trump đắc cử, viễn cảnh quan hệ Mỹ - Nga nhiều khả năng sẽ chuyển biến, hai bên có thể sẽ theo một hướng đi mới nhằm thay đổi quan điểm và thái độ trước đó.
Điều đáng quan tâm là, Trump tuy không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao như Clinton nhưng ông rất coi trọng vai trò của các nhà lãnh đạo đối với chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Nếu như Trump đắc cử, rất có thể ông sẽ thông qua những mối quan hệ cá nhân để thay đổi cục diện quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung.
Dù Hillary Clinton hay Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45, thế chân vạc giữa Mỹ - Nga - Trung đều sẽ bước sang một trang mới.
Bà Clinton từng nói, tuy quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều thách thức, nhưng giữa hai nước hoàn toàn có thể xây dựng được mối quan hệ "tích cực, hợp tác toàn diện".
Trump một mặt chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại thị trường việc làm của Mỹ, mặt khác cũng cho biết sẽ "cùng Trung Quốc làm ăn tốt với nhau".
theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: