- 3 tháng 11 2016
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa con số cụ thể các dạng tư duy và hành vi mà ban lãnh đạo hiện nay cho là 'suy thoái' về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và biểu hiện của 'tự suy thoái' và 'tự diễn biến' trong nội bộ.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10, sau Hội nghị Trung ương 4 mô tả ba nhóm định nghĩa, mỗi nhóm gồm đúng chín điều.
Báo chí Việt Nam hôm 02/11/2016 trích văn bản này nói tổng cộng có 27 "biểu hiện suy thoái" nhưng không giải thích vì sao mỗi nhóm lại gồm đúng 9 định nghĩa mà không phải là ít hơn hoặc nhiều hơn.
Nhóm đầu tiên ghi rõ là "Chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị", nhấn mạnh đến tư duy ý thức hệ.
Điều đầu tiên là "Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh."
Tiếp sau là "Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái."
Sau đó là 7 điều khác, gồm cả "lười học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh", và "làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân"...
Các thói xấu trong dân gian như "nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng" cũng được đưa vào nhóm này.
Điều đáng chú ý là "nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu" cũng trở thành một mục cần né tránh, cảnh giác.
Trong dư luận Việt Nam nhiều năm qua có ý kiến một số lãnh đạo Đảng Cộng sản, Chính quyền sau khi về hưu thì phát biểu "gần dân" hơn và phê phán bộ máy mạnh hơn.
Nay hành vi này bị cho là một dạng "suy thoái".
Và có vẻ như Trung ương Đảng CSVN nhắc nhở cả các quan chức đương quyền khi đưa vào mục suy thoái số 8 nói về "tham vọng chức quyền", và số 9 nói về "tư duy nhiệm kỳ".
"Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo..." cũng được đặt vào mục này.
Nhiều báo Việt Nam đã đăng tải về các trường hợp "cả họ làm quan" như ở Hà Giang hoặc đưa con cái, thân quyến vào các chức vụ của chính quyền và bộ máy kinh tế.
Trong 9 điều về "suy thoái về đạo đức, lối sống" thì "tham ô, tham nhũng" chỉ đứng số 7, gần cuối, thấp hơn nhiều so với các mục nói về đạo đức thuần tuý như "cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi" (số 1), hoặc "gây mất đoàn kết nội bộ" (số 2).
Một số vấn đề dân sinh và tệ nạn xã hội như "đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan" được cho vào điểm số 9, nằm cuối cùng trong hạng mục suy thoái lối sống.
Sau 18 điều đã nêu thì đến 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ của chính Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khác với thời chiến tranh, có vẻ như hiện nay lo ngại 'tự vỡ' trong Đảng này lớn hơn các mối lo về đối lập chính trị hoặc kẻ thù bên ngoài.
Chẳng hạn "Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động...truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước", mà theo các điều luật khác thì thuộc tội phản quốc, lại chỉ đứng số 6.
Mục này thấp hơn hẳn so với các điều trừu tượng như "phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh" (số 1) và "phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa" (số 2).
Vận động và tổ chức chống Đảng cũng không quan trọng về hạng mục bằng việc "sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng" (số 4).
'Giành lại lòng tin'
Ngay từ giữa tháng 10/2016, báo chí chính thống ở Việt Nam đã nhất loạt đăng tải nhiều ý kiến trong giới quan chức nói về nhu cầu phải chống lại các biểu hiện "tự suy thoái" và "tự diễn biến" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra.
Mục tiêu chung là để "giành lại lòng tin của người dân" đối với Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị.
Chẳng hạn, trước Hội nghị Trung ương 4, ông Phạm Xuân Hằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lòng tin trong nhân dân, để dân thấy Đảng nói và đang làm".
Ông hối thúc "Phải quyết liệt, quyết liệt hơn nữa", theo trang VOV hôm 15/10.
Còn tạp chí Tuyên giáo của Đảng CSVN thì kêu gọi chủ động phòng và chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong bộ máy chính trị hiện hành.
Hiện chưa có nhiều đánh giá quốc tế về phong trào này tại Việt Nam nhưng một số điểm nêu ra ở trên trùng hợp với mục tiêu của công cuộc 'Đả hổ diệt ruồi' mà lãnh đạo Tập Cận Bình tung ra mấy năm qua ở Trung Quốc.
Theo học giả Cheng Li từ Viện Brookings thì chiến dịch chống tham nhũng và trừng phạt các quan chức có mục tiêu phục hồi niềm tin trong dân về tính chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (to restore public confidence in the Communist Party's mandate to rule).
Còn học giả phương Tây, ông Jonathan Fenby viết trên trang BBC lại cho rằng ông Tập Cận Bình chống tham nhũng còn vì mục tiêu kinh tế: phá tính độc quyền kiên cố của các nhóm lợi ích (entrenched vested interests) để thu hồi tiền bạc bị thất thoát và tái định hướng nguồn lực và tài chính quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét