Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Bộ Công Thương yêu cầu triệu tập ông Vũ Đình Duy, không cho nghỉ đi chữa bệnh; Cựu 'sếp' nhà máy 7.000 tỷ thua lỗ vắng mặt bất thường

Bộ Công Thương không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy và chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trước thông tin ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí - chủ đầu tư dự án xơ sợi Đình Vũ, hiện là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đã nhiều ngày không xuất hiện tại văn phòng làm việc và đã có giấy xin phép nghỉ phép, trong đó có nói “có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài”, Bộ Công thương vừa có thông tin chính thức về sự việc.
Theo đó, ngày 2/11, tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xi nghỉ để đi chữa bệnh. 
Liên quan đến việc này, Bộ Công Thương có quan điểm như sau: 
-Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. 


-Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. 
-Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Ông Vũ Đình Duy
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những điển hình về đầu tư không hiệu quả. Với tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (7.000 tỷ đồng), Nhà máy xơ sợi Đình Vũ dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, giúp ngành dệt may trong nước tự chủ một phần nguyên liệu. Ban đầu, Dự án được góp vốn bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tuy nhiên phần vốn góp 200 tỷ đồng của Vinatex và 1 đơn vị thành viên là Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã nhanh chóng được các đơn vị này thoái hết và rút lui khỏi Dự án vào năm 2015.
Sau khi cơ cấu lại cổ đông chỉ còn PVN và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tham gia góp vốn đầu tư với tỷ lệ tương ứng 75:25 tại PVTEX.
Sau gần 6 năm đầu tư, ngay từ khi chạy thử rồi vận hành thương mại vào tháng 5/2014, Nhà máy  liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất và thua lỗ nặng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Hóa chất có công văn "kêu cứu" gửi đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cấp đủ vốn điều lệ cho Tập đoàn từ nguồn Qũy hộ trợ phát triển doanh nghiệp Trung ương để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư và trả nợ vốn vay đầu tư. 
Theo đó, Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tập đoàn dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Có 3 đơn vị có doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ là Công ty cổ phần DAP (50,8%), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (51,8%), Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (18,6%)…
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn lỗ 806 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 là 107 tỷ đồng.
Trước những khó khăn, lãnh đạo Vinachem đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cấp đủ vốn điều lệ cho Tập đoàn từ nguồn Qũy hộ trợ phát triển doanh nghiệp Trung ương để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư và trả nợ vốn vay đầu tư.
Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét sửa đổi Luật số 71 đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế 0%; có cơ chế bán than cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá than hiện nay TKV đang bán.
Vinachem cũng đề nghị cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại Tập đoàn với số tiền 2.708 tỷ đồng.
Trong trường hợp không được chuyển nợ vốn vay thành vốn Nhà nước đầu tư nêu trên, Vinachem đề nghị cho phép thanh toán khoản nợ vay của VDB trong thời gian 5 năm, từ 2016 đến 2020 (không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm).
Tập đoàn đề nghị cho phép khoanh nợ vay của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong giai đoạn tương ứng.
Đồng thời khoanh nợ khoản vay của Dự án cải tạo- mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà bắc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (dư nợ đến cuối tháng 2/2016 là gần 4.000 tỷ đồng) trong thời gian 5 năm, từ 2016- 2020.
Tập đoàn kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới xem xét cho phép điều chỉnh lãi suất đối với dư nợ gốc vay VDB cho Dự án Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (3.043,6 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55% năm trở lên về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước hiện hành là 8,55%/năm.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam còn đề nghị Công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% năm 2018 tương tự cơ chế đã được chấp thuận như Công ty Đạm Ninh Bình.
Ngoài ra, Vinachem mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc vay vốn đề đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Diệu Thùy

Cựu 'sếp' nhà máy 7.000 tỷ thua lỗ vắng mặt bất thường



Một nguồn tin cho biết, ông Vũ Đình Duy - hiện là Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - đã không có mặt ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiều ngày nay.
Ông Vũ Đình Duy cũng chính là cựu Tổng giám đốc Nhà máy xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVtex) - nhà máy 7.000 tỷ đang thua lỗ 1.400 tỷ.
Nguồn tin này cho hay, ông Vũ Đình Duy đã có giấy xin nghỉ ốm, có thể phải ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng ông Duy vẫn nghỉ khi chưa được cho phép.
Trong thông cáo mới nhất của Bộ Công Thương gửi báo chí, thì ngày 2/11, Tậpđoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ này thông báo việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh.
Quan điểm của Bộ Công Thương là không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy.
Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Vũ Đình Duy, nhà máy 7.000 tỷ, thua lỗ, PVtex, tập đoàn hóa chất Việt Nam, tơ sợi Đình Vũ
Ông Vũ Đình Duy (bên trái) khi được trao quyết định bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Ảnh: Bộ Công Thương
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, giữ chức Tổng giám đốc PVTex từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014. Giữa tháng 4/2016, ông được điều động và bổ nhiệm về Vinachem. Trước đó, từ vị trí Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, ông chuyển lên giữ chức Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Trong thời điểm ông Duy làm tổng giám đốc PVTex, nhà máy xơ sợi này luôn trong tình trạng khó khăn, không bán được hàng và phải nhiều lần dừng hoạt động.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tình hình tại PVTex và phát hiện nhiều sai phạm. Quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Cá nhân ông Vũ Đình Duy sau khi rời PVTex tiếp tục được giữ nhiều vị trí quan trọng ở nhiều cơ quan khác nhau.
Đó là làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, rồi làm Cục phó An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp của Bộ Công Thương vào tháng 6/2015
Đến ngày 8/4/2016, Bộ trưởng Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy, phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kể từ ngày 8/4/2016.
Ông Duy giữ chức vụ đó từ thời điểm tháng 4/2016 đến nay.
Trước đó, cựu cán bộ của Bộ Công Thương, sau đó được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh, đã bị phát hiện có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong khi chờ xem xét, xử lý, ông này cũng đã bỏ trốn ra sang châu Âu và Bộ Công an đã phát lệnh truy nã quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa phát hiện được tung tích của Trịnh Xuân Thanh. 
L.Bằng

Không có nhận xét nào: