ó rất ít người còn nhớ thời điểm Nguyễn Sự được bầu làm Chủ tịch thị xã vào năm 1994, Hội An như cái chợ mở rộng: Phố cổ xuống cấp, đường sá chật chội, hàng quán chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Năm 1995, ít tháng sau khi nhậm chức, Nguyễn Sự bắt đầu hành động để cứu Hội An. Ông tuyên chiến với nạn lấn chiếm vỉa hè. Toàn bộ quán ăn, cửa hàng chiếm dụng vỉa hè trái phép bị dẹp bỏ. Ông mở rộng chợ Hội An, đưa những người nghèo có nhu cầu vào buôn bán. Những hộ dân ở nhà mặt tiền, ông đề nghị viết cam kết và giao trách nhiệm quản lý vỉa hè trước nhà. Ai vi phạm thì chủ nhà có quyền xử lý hoặc báo chính quyền.
"Vậy mà kinh lắm. Họ chửi ông Sự dữ lắm. Có người còn dọa đốt nhà Bí thư. Tôi biết ông đó, chủ của mấy cái nhà hàng ngay trung tâm phố cổ. Ông ta giàu có, cậy có tiền nên đi đâu cũng khẳng định sẽ cho cha Sự biết tay.
Thời đó mà dọa như vậy là tội to rồi. Tôi biết nhưng mặc kệ, cứ im lặng làm. Mấy cái nhà hàng của ông ấy lấn chiếm, tôi làm trước. Không phải tôi trả thù riêng vì bị dọa, mà mình làm vậy để người khác thấy mình làm nghiêm, không ngại đụng chạm chi cả", ông Sự kể.
Ông Sự nói "cứng", nhưng sau ông còn gia đình vợ con. Ông nhớ lại: "Tôi thì bình tĩnh vậy nhưng vợ con lúc đó rất sợ. Vợ tôi đi vô đi ra nhà là khóa cửa liền. Bà ấy còn khuyên tôi nghỉ việc kẻo mang họa vào thân".
Suốt một năm trời, tối nào ông Sự cũng đạp xe quanh phố. Chỗ nào có vi phạm, ông gọi Chủ tịch, Bí thư phường xuống dẹp ngay. Ai để tái phạm, điều chuyển làm việc khác. Có bữa ngày mồng Một Tết âm lịch, ông Sự phát hiện ngay chỗ đường Nguyễn Thái Học (phường Minh An) có 2 đống rác. Ông gọi lãnh đạo phường tới. Hai ông Chủ tịch, Bí thư phường đang mặc vest đi chúc Tết, vẫn xắn tay áo lên cùng ông dọn rác.
Nguyễn Sự giành lại vỉa hè thành công và cũng từ đó bắt đầu thêm nhiều kế hoạch táo bạo khác để biến Hội An trở thành thiên đường du lịch. Ông cùng các cộng sự làm hồ sơ để Hội An được công nhận là di sản thế giới. Ông đề ra việc cấm xe máy, xe có động cơ đi vào phố cổ. Và cũng chính ông là người đề xuất thu vé tham quan du lịch phố cổ đối với du khách.
"Kế hoạch nào lúc bắt đầu thực hiện cũng đều bị phản ứng, bị chửi bới cả. Người dân chửi cứ chửi, tôi cứ im lặng lắng nghe góp ý. Góp ý hay thì mình điều chỉnh phương án thực hiện để đạt được mục đích đề ra ban đầu.
Người chửi hăng nhất, dọa đốt nhà ngày đó bây giờ quý tôi lắm. Anh ấy thấy tôi ở xa là đã chào, kéo vào uống chén trà cho bằng được. Mình làm bằng cái tâm thì người ta quý mình thôi.
Tôi có chút tự hào vì mình đã có những việc làm giúp Hội An giữ được nét cổ kính mà đời sống của người dân vẫn phát triển", ông Sự nói.
ói về quãng đời 24 năm làm quan của Nguyễn Sự là nói đến hai tiếng liêm khiết. Ông là lãnh đạo to nhất của TP Hội An mà chưa bao giờ được xe biển xanh đến đón tại nhà. "Lúc mới nhậm chức tôi đi xe đạp. Sau nhiều việc quá, xe đạp có khi đi chậm nên gom tiền mất mấy năm mua được con xe 71 cũ. Đến khi con 71 nát quá thì mua được con wave Tàu và đi đến khi tôi về hưu.
Tôi làm việc trong thành phố, không bao giờ phải dùng đến xe công vụ dù mình có tiêu chuẩn. Chiếc xe có làm cho mình sang hơn, oách hơn đâu. Công việc mình làm, hiệu quả của công việc mới là thước đo cho mình", ông Sự chia sẻ.
Khi có xe Wave rồi, năm 2014 ông lại đạp xe. Không đạp một mình, ông còn "áp đặt" tất cả công chức Hội An đi làm bằng xe đạp.
Cũng có người nói Nguyễn Sự "giả nghèo". Họ đặt ra bao nhiêu giả thuyết khi thấy ông suốt hàng chục năm vẫn sống trong căn nhà 3 gian do cha mẹ để lại. Ông chẳng phản đối, thậm chí còn khẳng định mình giàu.
àm lãnh đạo mà cửa nhà ông Sự lúc nào cũng mở toang, dân phố Hội lúc nào cũng xông vô nhà nói chuyện được. Dân đến nhà ông toàn là người đi bộ, xe máy chứ chẳng thấy chiếc ô tô nào. Số điện thoại của lãnh đạo mà từ ông xích lô đến bà hàng rong bán chè xí mại đều biết, nửa đêm có chuyện là nhấc máy lên gọi.
Dân gọi lúc nửa đêm, ông đang nằm bên cạnh vợ cũng mở màn, dắt xe đạp đến tận nơi. Ông lãnh đạo này dù đứng trong đám đông vẫn không thể lẫn vào đâu được. Dép quai hậu, quần jean, áo pull hoặc sơ mi đơn giản và chẳng bao giờ có cà vạt.
Năm 2016, khi đã từ quan, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đi thị sát tình hình sạt lở ở biển Cửa Đại vẫn phải mời ông để tham vấn ý kiến. Ông xuất hiện giản dị đến nỗi một phóng viên vừa đến thường trú địa bàn Quảng Nam thốt lên: "Ông ngư dân nào đây mà được lãnh đạo tỉnh mời đến hỏi ý kiến ghê vậy?".
"Nói thế nào thì tôi vẫn nhận quà khi làm lãnh đạo đấy. Anh quý tôi anh tặng tôi vài gói thuốc, mời một bữa cà phê thì ok ngay. Nhưng mà 1 cây thuốc là tôi từ chối liền. Tôi uống rượu cũng tự mua uống, mời nhậu cũng không được với tôi đâu.
Mình cũng tự hào chưa bao giờ rờ vào một đồng bạc của doanh nghiệp tặng. Họ tặng mình thì mình đề nghị tặng cho bệnh viện, mua máy móc cho bệnh viện hoặc tặng cho quỹ học sinh nghèo", ông khảng khái nói.
ả cuộc đời Nguyễn Sự gắn liền với công việc, với Hội An. Ông thừa nhận mình ít có thời gian cho gia đình. Ông chỉ giỏi việc làng, xã còn trong nhà thì nhất nhất nghe lời vợ. Cả phố Hội đều biết vợ ông – một cô giáo. Bà một mình lo nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ già, chi tiêu mọi thứ trong gia đình. Ông Sự nể vợ, vì việc ông làm khiến bà không ít lần hứng đạn.
"Mấy chuyện tôi đưa ra cho Hội An thực hiện khi nào cũng có dư luận trái chiều. Bà ấy cũng phải chịu áp lực ghê lắm. Người dân họ xì xầm, chỉ trỏ, nói đủ thứ không hay.
Bà ấy chịu đựng cũng giỏi. Chỉ có một lần duy nhất là khi tôi bị người ta dọa đốt nhà năm 1995 thì bà ấy yêu cầu nghỉ việc. Lần đó chính quyền dọn dẹp được vỉa hè, bà con tin vào tôi một thì vợ tin đến mười. Sau này việc gì tôi đưa ra bà ấy cũng ủng hộ", ông Sự chia sẻ.
Hội An năm nào cũng dính bão lụt. "Bão vô bờ, lũ về thì tôi hoàn toàn không có mặt ở nhà. Vợ tôi một mình dọn dẹp, chằn chống nhà cửa, bảo vệ tài sản. Tôi nhớ trận lũ lịch sử 2013, nước lên nhanh.
Tôi đi cứu bà con ở phường Cửa Đại và tham gia chống lũ mấy ngày liền. Lúc về nhà, nước ngập quá cửa sổ. Vợ con ôm nhau ngồi trên gác còn ti vi, tủ lạnh, xe máy… đều chìm trong nước. Nghĩ lại mọi việc, tôi nghĩ mình có lỗi với vợ nhiều thứ", ông Sự ngậm ngùi nói.
Ông Sự cũng luôn tự hào rằng mình có người bạn đời luôn thông cảm và hiểu ông. Bà cũng không bao giờ trách móc mà luôn âm thầm giúp đỡ, động viên chồng.
"Vợ tôi luôn thức chờ chồng về. Bà ấy rất tinh ý khi thấy mình vui hoặc buồn. Bà ấy thấy tôi về nhà mà nét mặt đăm chiêu, không nói tiếng nào trong gia đình thì có vấn đề. Những lúc ấy bà ấy để mình yên lặng suy nghĩ, không bao giờ làm phiền.
Vài hôm sau khi mình vui thì mới hỏi tại sao mấy hôm trước anh có chuyện gì buồn à. Tôi lúc đó mới có thể tâm sự với bà ấy.
Cả sự nghiệp của tôi, nếu không có vợ làm hậu phương thì chưa chắc đã có gì đáng kể. Tôi mang ơn bà ấy", ông Sự bộc bạch.
ng đang yên đang lành làm lãnh đạo, dân tin, cấp trên tín nhiệm, cấp dưới kính trọng thì bỗng dưng xin… nghỉ hưu sớm, để nhường đường cho lớp trẻ.
Gần 2 năm sau ngày treo ấn từ quan, ông Nguyễn Sự vẫn không hết tất bật. Ngồi ở quán cà phê quen giữa lòng phố cổ Hội An, chiếc điện thoại của ông rung lên liên hồi. Cuộc thì người ở chính quyền gọi hỏi sếp cũ vài vấn đề cần tư vấn. Cuộc khác thì do người dân gọi phản ánh chuyện rừng dừa Bảy Mẫu bị xẻ thịt làm du lịch. Phóng viên các tờ báo khắp cả nước cũng gọi ông, hỏi quan điểm về mấy vụ thời sự đang làm nóng dư luận như chuyện vỉa hè, chuyện doanh nghiệp tặng xe công…
"Về hưu rồi thì mình làm dân. Anh em ở Hội An họ cần cái chi mà mình biết thì mình tư vấn. Bà con gọi điện phản ánh vấn đề thì mình hỏi cho kỹ rồi gửi đến đúng người có trách nhiệm để giải quyết.
Mình bây giờ làm trung gian giữa bà con và chính quyền rứa thôi. Nhưng mà cũng bận lắm, có khi còn bận hơn lúc đang làm lãnh đạo", ông Sự nhẹ nhàng nói.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét ngắn gọn về 24 năm làm việc của ông chỉ bằng 1 câu: "Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An".
Đình Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét