Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

12 bí quyết thay đổi vận mệnh của cổ nhân, hiểu được sẽ một đời an nhiên hạnh phúc; Tổng thống Lincoln: ‘Mỗi người sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình’

Nếu như “Mệnh” là do Trời định trước, thì “Vận” lại nằm trong tay mỗi người. Vậy chúng ta làm thế nào để có thể cải biến vận mệnh của mình?
Cuộc đời mỗi người trên thế gian đều khác nhau, có người cả đời đều cát tường như ý, mạnh khỏe trường thọ; có người thì trung niên gian khổ, về già mạnh khỏe yên bình; có người thì tuổi trẻ vang danh, tuổi già cô đơn khổ cực; có người thì cả đời trắc trở gian nan, mọi việc đều không như ý.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến các vận mệnh khác nhau đó? Cổ nhân đã đúc kết ra 12 bí quyết quyết định đến vận mệnh:
“Một là mệnh, hai là vận, ba là phong thủy, bốn là tích công đức, năm là đọc sách.
Sáu là tên tuổi, bảy là tướng mạo, tám là tôn kính Thần Phật, chín là kết giao với quý nhân, mười là dưỡng sinh.
Mười một là chọn nghề và chọn bạn đời, mười hai là hướng đến những cái tốt đẹp may mắn và tránh xa hung dữ, tà ác”.
1. Mệnh
Mệnh là cố định bất biến, là đã được định trước. Về nghĩa hẹp mà nói, cái “mệnh” mà chúng ta nói chính là “bát tự” của mỗi người.
“Bát tự” là do tám can chi (vừa hay là 8 chữ – bát tự) tạo thành, là can năm và chi năm, can tháng và chi tháng, can ngày và chi ngày, can giờ và chi giờ.
Trong đó, “Can” được gọi là “Thiên can”, gồm có 10 “can”: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ; “Chi” được gọi là “Địa chi”, có 12 “chi”, bao gồm: Tý, Sửu, Dẫn, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Như vậy, căn cứ vào ngày giờ tháng năm sinh của bạn mà tính ra “thiên can địa chi”, tổng là 8 chữ, thì có thể đoán ra hành trình cuộc đời, vinh nhục họa phúc, giàu nghèo thọ yểu của mỗi người.
Về nghĩa rộng mà nói, trong vận mệnh mỗi người, luôn có những điều mà dù chúng ta có cố gắng thay đổi thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào xoay chuyển được, đó chính làm “mệnh”, trong Phật giáo gọi là “A lại da thức” (ālayavijñāna). Chúng chính là một kho tàng các loại hạt giống của nghiệp thiện – ác mà một người đã tạo ra trước đó, được tập hợp lại không sót một chi tiết nhỏ nào.
Khi gặp thời cơ thuận lợi, một hoặc nhiều hạt giống (tốt và xấu) sẽ được đưa ra, gieo trồng và trổ quả, kết quả là người đó được sinh ra phải hưởng những quả do những kiếp quá khứ đã làm ra, không thể trốn tránh, không thể chối bỏ.

Trong cuộc đời, có những cái mà chúng ta thay đổi thế nào đi chăng nữa cũng không thay đổi được, đó chính là mệnh. Ảnh dẫn theo soha.vn

2. Vận
Vận tức là vận thế, có thể thay đổi được.
Nếu ví “mệnh” như một chiếc xe xuất phát từ điểm bắt đầu của cuộc đời chạy đến điểm cuối cùng; xe của bạn là loại gì, con đường như thế nào, thì đó gọi là “mệnh”. Còn cụ thể là lái xe như thế nào để đi đến hết hành trình cuộc đời bạn, đó lại là “vận”.
Có người vốn có một chiếc xe tốt, con đường đi cũng rất tốt, nhưng tự mình lại được chăng hay chớ, để mặc nước cuốn trôi, lái xe không cẩn thận, kết quả là cuộc đời kết thúc không có hậu.
Có người vốn ban đầu chỉ có một chiếc xe rất xấu, đường đi thì ngoằn ngoèo chông gai, gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng cả đời cần cù chịu khó, cẩn thận từng ly từng tý, lái xe rất chuyên tâm, kết quả cả đời mạnh khỏe bình an.
Chính vì mệnh là cố định không thay đổi, nhưng vận lại nằm trong tay mỗi người. Bởi vậy, chúng ta thường vẫn nghe nói rằng bói mệnh, đoán mệnh, mà không có đoán vận, bói vận vậy!
3. Phong thủy
Môi trường mà mỗi người chúng ta ở gọi là phong thủy.
Phong thủy này gồm môi trường tự nhiên mà chúng ta sống, còn bao gồm cả môi trường xã hội mà chúng ta ở. Nếu ví con người như một cái cây, phong thủy chính là môi trường mà cái cây này sinh sống, ví như thổ nhưỡng, ánh  sáng, lượng nước, các sinh vật khác ở xung quanh, v.v…
Môi trường bên ngoài này dĩ nhiên là quan trọng, nhưng bản thân cái gen di truyền và nỗ lực sinh trưởng của cây cũng rất quan trọng. Do đó phong thủy là yếu tố bên ngoài, không phải yếu tố bên trong. Tất nhiên yếu tố bên ngoài và bên trong là có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Cái gọi là Phong thủy, là môi trường tự nhiên mà chúng ta ở, và cũng bao gồm mồi trường xã hội mà chúng ta sống. Ảnh dẫn theo pinterest.com

4.  Tích công đức
Tích đức chính là làm việc tốt.
Cổ nhân nói, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Cho dù là văn hóa Nho gia, hay là Phật, Đạo gia, đều đề xướng giúp người tích đức hành thiện, từ đó mà thay đổi vận mệnh.
Trường hợp ví dụ kinh điển nhất là câu chuyện Viên Liễu Phàm đời Minh cải biến vận mệnh. Sau này người ta dạy “Liễu Phàm tứ huấn” (4 giáo huấn của Liễu Phàm) để răn dạy hậu thế nhận thức được sự chân thực của vận mệnh, tiêu chuẩn phân biệt rõ thiện ác, phương cách sửa chữa lỗi lầm, từ đó thấy được những công hiệu linh nghiệm của việc hành thiện tích đức. Đây cũng là câu chuyện thay đổi vận mệnh làm gương cho mọi người.
5. Đọc sách
Đọc sách là học văn hóa, tăng thêm tri thức.
Đọc sách là một quá trình học tập suốt đời, thông qua đọc sách, chúng ta có thể thu được tri thức, kết giao bạn bè, mở rộng tầm nhìn, còn có thể nâng cao bản thân.
Đọc sách cũng là phương thức nhanh chóng và tốt nhất để học hỏi văn hóa từ xưa đến nay, thu nạp lượng tri thức rộng lớn của nhân loại, trở thành người có trí tuệ.

Đọc sách giúp bạn hun đúc nên tấm lòng rộng mở, lý tưởng và tâm niệm to lớn xa xôi. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Đọc sách giúp bạn có thêm cái nhìn đúng đắn về thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan. Nhờ đọc sách bạn có thể thông hiểu lời của các bậc hiền triết từ thời xưa, cũng nhờ vậy mà có thể uống rượu đàm đạo hát ca cùng các bậc tao nhân mặc khách. Nhờ đọc sách, bạn có thể rút ra những bài học từ vô số các câu chuyện kim cổ, mở mang kiến thức, hấp thụ tinh hoa, hình thành những quan niệm chân chính.
Đọc sách giúp bạn mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống, có thể thoải mái du ngoạn cổ kim Đông Tây, học thức rộng khắp bốn biển. Cùng với việc không ngừng đọc sách, sẽ hun đúc nên trong bạn một tấm lòng rộng mở, lý tưởng cao xa.
Đọc sách giúp bạn kết giao bạn bè, mở rộng phạm vi giao tiếp. Thông qua đọc sách, bạn có thể tìm được bạn hữu tâm đầu ý hợp, mở lòng và thư thái. Đó chẳng phải là điều tốt không gì bằng đó sao!
Do đó, từ cổ chí kim, đọc sách luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của con người.
6. Tên tuổi
Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên. Một cái tên tốt, có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ dẫn.
Ví dụ trong “Thần điêu hiệp lữ”, Dương Quá sở dĩ được Quách Tĩnh đặt cho cái tên như vậy, là hy vọng anh không mắc sai lầm như cha của mình, Dương Khang; mong anh nhớ kỹ sai lầm của cha, để làm một con người đường đường chính chính. Cuối cùng, Dương Quá đã trở thành một đại hiệp vang danh muôn đời.
Bởi vậy người xưa, đặc biệt là con cái trong các gia đình danh gia vọng tộc hoặc dòng dõi Nho sinh, đối với việc đặt tên đều rất coi trọng.
7. Tướng mạo
Tướng tức là tướng mạo, bao gồm tướng mặt và tướng tay.
Xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”.
Thông qua tướng mạo bên ngoài có thể phân tích được ý nghĩ trong nội tâm của một người. Tu đức ở tâm, cát hung (lành dữ) có thể biết được. Tâm khởi thiện niệm, các loại phúc báo sẽ đến.
8. Tôn kính Thần Phật
Khổng Tử nói: “Dốc sức vì dân, để họ đạt được cảnh giới của nghĩa, kính trọng quỷ thần, nhưng luôn giữ một khoảng cách, như vậy có thể gọi là trí vậy”.
Bậc thầy chí thánh này đã dạy các đệ tử của ông: Cảnh giới Nghĩa của việc dốc sức phục vụ nhân dân là phải làm cho mọi người dân kính trọng tôn thờ quỷ thần, nhưng mình và người dân phải giữ khoảng cách nhất định với quỷ thần, như vậy mới xứng danh là bậc Trí.
Người xưa cũng nói: Bậc quân tử có ba cái sợ, sợ mệnh trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân.
Mệnh trời tức là quy luật vận hành của Đạo Trời, cần phải kính trọng Đạo Trời. Sợ đại nhân; đại nhân không phải là người hơn bạn, mà là người tu dưỡng đạo đức rất cao, cần phải kính sợ họ, kính sợ bậc bề trên, bậc tôn giả. Sợ lời của thánh nhân, đối với những lời nói của bậc thánh hiền phải có lòng kính sợ.
Làm được ba điều sợ này, thì con đường của bạn sẽ đi rất vững vàng.

Tôn kính Thần Phật giúp cải biến vận mệnh: Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

9. Kết giao quý nhân
Kết giao quý nhân tức là chọn người thiện mà kết giao.
Người xưa có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nếu xung quanh chúng ta đều là những người đạo đức cao thượng, thì chúng ta cũng sẽ trở nên đạo đức cao thượng. Cũng như vậy, nếu chúng ta luôn luôn kết giao với những người đạo đức thấp kém, dần dà, phẩm hạnh của chúng ta cũng trở nên xấu đi.
10. Dưỡng sinh
Dưỡng sinh là giữ thân tâm khỏe mạnh.
Dưỡng sinh không chỉ đơn giản như ngày nay thường nói “Sinh mệnh là ở vận động”, mà là: “Sinh mệnh là ở vận động và tĩnh dưỡng”, không phải chỉ có mỗi vận động mà thôi.
Đồng thời, dưỡng tâm và dưỡng thể cũng quan trọng như nhau. Hơn nữa cần sống thuận theo quy luật của tự nhiên, Mặt trời mọc thì dậy, Mặt trời lặn thì nghỉ, đồng bộ với bốn mùa của trời đất.
11. Chọn nghề và chọn bạn đời
Chọn nghề tức là công việc sự nghiệp, chọn bạn đời tức là hôn nhân cưới xin.
Nam sợ làm nhầm nghề, nữ sợ lấy nhầm chồng. Một sự nghiệp thành công, ít cũng vài năm, nhiều thì mười năm, ba mươi năm. Một người trước tiên cần lập chí theo nghề có hy vọng thành công nhất, sau đó kiên định không ngừng làm việc.
“Gia hòa vạn sự hưng” (Gia đình hòa thuận thì vạn sự đều hưng thịnh), vợ chồng hòa thuận, hai người ý đồng lòng thì quả thực là quý hơn vàng. Đằng sau một người đàn ông thành công, luôn có một người phụ nữ vĩ đại; đằng sau một người phụ nữ hạnh phúc đều có một người đàn ông đáng tin cậy.

Gia hòa vạn sự hưng, phu thê hòa thuận, vợ chồng đồng tâm quý hơn vàng. Ảnh dẫn theo Bigpoint.com

12. Gần lành tránh dữ
Gần lành tránh dữ là hướng đến những điều tốt đẹp, may mắn, tránh xa điều ác, hung dữ.
Trong đời người, chúng ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ họa phúc. Khi hoàn cảnh tốt lành thì cần thừa thế mà tiến lên; khi hoàn cảnh hung hiểm, thì cần dè chừng, cần thận, cũng là lùi một bước biển rộng trời trong.
Mười hai bí quyết trên, chỉ có “Mệnh” là nhân tố tiên thiên, còn 11 điều còn lại, đều có thể thông qua nỗ lực hậu thiên để thay đổi vận mệnh của mỗi người. Bởi vậy mới nói, mệnh là tự mình lập, vận mệnh nằm trong tay chính bản thân mỗi người.
Cuối cùng, dù đường đời có lắm lúc chông gai, gập ghềnh, nhưng vẫn giữ trong tâm mình thiện niệm, không ngừng hành thiện tích đức, thì phía trước bạn là một bầu trời xanh bao la vẫy gọi.
Hải Sơn biên dịch


Tổng thống Lincoln: ‘Mỗi người sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình’

Có lần, Tổng thống Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam ngoài 40 tuổi đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không đồng ý tuyển dụng.
Người phụ tá của Lincoln thấy vậy không giấu được băn khoăn, liền hỏi nguyên nhân. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của anh ấy”. 
Người phụ tá vẫn không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra có vẻ ngoài không ưa nhìn thì đó là lỗi của họ sao, thưa ngài?”. 
Tổng thống Lincoln điềm tĩnh trả lời: “Mỗi người sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”. 
Quả thực, Lincoln đã điểm trúng điều cốt yếu nhất của đạo làm người. Đến tuổi trung niên, tướng mạo người ta sẽ phản ánh phần lớn tính cách và phẩm chất của họ. Người khoan dung thì khuôn mặt phúc hậu. Người hiền dịu thì tướng mạo đẹp nhu hòa, thánh thiện.
Trái lại, người thô bạo, lỗ mãng thì mặt mũi lúc nào cũng hung dữ. Người lòng dạ nhỏ mọn thì tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt. Tướng mạo cũng phản ánh sự tu dưỡng tâm tính, lối sống và hành vi của người ta. Người xưa thường nói: “Tướng do tâm sinh” là vì thế.
Tuy nhiên, tướng mạo của một người không phải là một thứ cố định, bất biến, theo họ suốt cả đời, mà hoàn toàn có thể cải biến dần dần. Dung mạo xinh đẹp phần lớn là do sự quyến rũ từ nội tâm lan tỏa. Muốn có một vẻ mặt hòa ái, thánh thiện, sự tu dưỡng tâm tính chính là yếu tố quyết định nhất.
(Ảnh dẫn theo soha)
1. Thường xuyên mỉm cười
Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười“. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến người ta vui vẻ, thân thiết và gần gũi nhau hơn. Mỉm cười chính là làm bung nở một đóa hoa ngời hương sắc trên khuôn mặt.
Đó không phải là kiểu cười xã giao, gượng gạo, khô cứng mà niềm vui vẻ thực sự xuất phát từ nội tâm. Bạn mỉm cười với mọi người chính là đang trao truyền đi thiện ý, thiện tâm, đang tưới mát những cơn nóng giận và tâm hồn cằn cỗi.
Cười có thể khiến bạn đẹp hơn và cũng có thể khiến người khác hạnh phúc hơn, cớ sao không thể trao nhau một nụ cười?
2. Khen ngợi người khác nhiều hơn
Ai cũng đều muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt là lời khen đúng lúc, đúng chỗ. Có lần, các nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm nhỏ với nước. Kết quả cho thấy, sự kết tinh hình dạng của tinh thể nước chịu ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài.
Chủ nhiệm của nghiên cứu trên là tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado ở Tokyo (Nhật Bản). Ông phát hiện rằng bật những bản nhạc cổ điển nổi tiếng của Mozart và Beethoven, rồi dùng kính hiển vi quan sát thì thấy các tinh thể nước không ngừng “nhảy múa”, biến hóa đẹp mắt.
Khi nói những lời dễ nghe, các tinh thể nước tạo thành hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói lời khó nghe thì chúng lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự.
Có câu “Thiện ý một câu ấm ba đông” là như thế. Một lời khen ngợi xuất phát từ thiện tâm chứ không phải lời xã giao, khách sáo có thể mang đến những hiệu quả không ngờ.
Nói lời hay ý đẹp, có thể khích lệ người khác sẽ làm rung động trái tim, tinh thần của họ. Sự rung động ấy cũng sẽ phản ánh ra bên ngoài của họ, thể hiện qua hành vi, lời nói, sắc mặt.
Đồng thời, khi nói ra những lời thiện ý thì bản thân bạn cũng thu được lợi ích. Miệng liền kề tai, bạn nói lời đẹp ý tốt thì cũng chính là đang được lắng nghe chúng, tâm hồn bạn sẽ thanh thản và tướng mạo bạn cũng sẽ đẹp hơn lên.
(Ảnh dẫn theo tinhte.vn)
3. Nhẫn nhịn nhiều hơn, bớt tức giận
Người có thể nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Nhà Phật có câu đại ý rằng, người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà ra. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người người thích là kết quả của sự tu dưỡng nhẫn nhịn mà có được.
Nhưng nhẫn không phải là kìm nén cái tức giận ở sâu bên trong, đè nén tâm can. Nếu làm như vậy thì cũng bằng như nuốt giận vào trong, lâu ngày có thể còn nguy hại hơn. Nhẫn chính là thực sự coi nhẹ mọi chuyện, không để bực dọc trong lòng, ứng xử bằng thái độ cao thượng, nhã nhặn, khoan dung. Đó mới là cái nhẫn lớn nhất của người hiểu chuyện vậy.
4. Luôn biết cảm ơn
Người biết hàm ơn, dù là với bông hoa, ngọn cỏ, thì trong lòng ắt nảy sinh một thứ tình cảm cao đẹp đối với người và vật quanh mình. Nội tâm của họ cũng tỏa ngát hương thơm, như có một bông hoa ẩn giấu, lặng lẽ tỏa sắc khoe hương. Người mà trong lòng tràn đầy hương thơm thì bên ngoài cũng sẽ xinh đẹp rạng rỡ.
(Ảnh dẫn theo cstaikouras.gr)
5. Giữ tâm niệm tốt đẹp
Vẻ bề ngoài của một người chính là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong họ. “Tướng do tâm sinh”, cho nên bên trong tốt đẹp thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Tâm tình của một người ra sao sẽ quyết định vận mệnh, cuộc sống của họ.
Nếu bạn mong muốn trở thành người xinh đẹp, trước hết hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với người thế gian. Hãy luôn ôm giữ thiện niệm, biết nghĩ cho người, không phát ra tà niệm, ý xấu nhắm vào người khác. Khi ấy, bạn không những nhận ra mọi thứ đều trở nên xinh đẹp hơn mà ngay cả tướng mạo của mình cũng ngày càng tươi tắn, nhuận sắc.
6. Ở gần người có tâm hồn đẹp
Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói như vậy. Tiếp xúc với người tốt, có tâm hồn đẹp, bạn sẽ nhận được lợi ích từ họ, dần dần tốt đẹp hơn lên.
Đẹp xấu của người ta không chỉ là vẻ đẹp bề ngoài hào nhoáng hay nhan sắc cá lặn chim sa mà chính là vẻ đẹp của tâm hồn thuần thiện, thánh khiết. Người có tâm hồn đẹp thì dung mạo ắt cũng đẹp tươi.
Giờ thì bạn đã biết rồi, bí quyết để có một tướng mạo đẹp chính là phải có tâm hồn thiện lương. Vẻ tô son chuốt hồng, điểm trang son phấn bên ngoài chỉ là lớp vỏ, khí chất bên trong mới quyết định vận mệnh của bạn vậy!
Tử Du
Xem thêm:

Xem thêm:

Không có nhận xét nào: