Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Trần Đăng Tuấn - UBTV Quốc hội Việt Nam không thể là hội kín; Ts Nguyễn Sĩ Dũng - Giống như Quốc Hội, UBTV họp công khai; Nguồn cơn thực chất nào khiến Ủy ban TVQH cấm báo chí tham dự?

Tôi là người đưa ra đề xuất lập kênh Truyền hình Quốc hội trong hệ thống kênh của VTV, và tôi biết có nhiều gian nan nên phải nhiều năm sau và do đơn vị khác xin mở thì kênh này mới được xuất hiện ở VOV (Gần đây, sắp xếp giá sách, tôi tình cờ thấy lại bản sao văn bản cá nhân tôi gửi về việc xây dựng kênh này. Văn bản có bút phê của CTQH khi đó (TBT hiện nay) chỉ đạo Văn phòng QH làm việc về nội dung đề xuất).

Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa.

Khi đó tôi nghĩ rằng cần có một kênh để đủ thời lượng tường thuật hàng ngày mọi hoạt động lớn nhỏ không chỉ của toàn Quốc hội, mà của từng uỷ ban. Để người dân chứng kiến, để khuôn mặt Quốc hội và từng nghị sỹ thật rõ ràng, cụ thể, chứ không là khái niệm trừu tượng trong mắt người dân.

Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, UB Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, để dân cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp nhằm thúc đẩy quốc kế dân sinh.

Để đồng thuận, người ta cần biết cơ quan lãnh đạo Quốc hội đang nghĩ gì, làm gì, đang cố gắng thế nào, và các vấn đề phải giải quyết khó đến đâu. Nếu là vấn đề bí mật quốc phòng, an ninh – thì buổi họp kín là hiểu được. Còn nếu là các vấn đề mà hàng ngày người dân đang cảm nhận từ thực tế, thì không nên kín.

Nếu các bộ trưởng “lỡ” lộ thông tin mật này nọ, thì là vấn đề kỹ năng, cũng cần cọ xát để không “lỡ lời” nữa. Mặt khác “mật” chỉ là mật, khi nó ít, rất ít thôi. Nhiều cái mật quá thì thành xa cách, có khi xa lạ nhau mất.

5 phút “để ghi hình” giải quyết được gì. Dân có lạ khuôn mặt các lãnh đạo quốc hội đâu. Nhưng e là với hạn chế như vậy, chân dung thể chất thì quen, nhưng chân dung tinh thần thì lại không rõ.

Còn chuyện nhỏ hơn là: Khi một kênh truyền hình riêng cho Quốc hội đã có, ngày nào cũng phát sóng từ sáng đến khuya, mà Quốc hội mỗi năm họp có hai kỳ, Lãnh đạo QH họp thường xuyên hơn lại chỉ có 5 phút ghi hình đầu buổi. Các uỷ ban thì dân không nghe không nhìn thấy trực tiếp họ làm gì. Vậy kênh đó sống bằng nguồn chất liệu gì?

Đá bóng người ta nhất định muốn xem trực tiếp, chứ không phải thích nghe “bình luận sau trận đấu” hay các trích đoạn bàn thắng thôi. Ít các buổi tường thuật thi đấu trực tiếp, một kênh thể thao sẽ còn lại gì?

So sánh là khập khiễng. Bởi bàn về miếng cơm manh áo còn khiến người dân quan tâm xem trực tiếp gấp nhiều lần.

Tôi thấy tiếc.

Trần Đăng Tuấn

(FB Trần Đăng Tuấn)


Ở nước ta, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Còn Quốc hội thì chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chịu trách nhiệm trước nhân dân trước hết nghĩa là phải chịu sự giám sát của nhân dân. Để nhân dân có thể giám sát, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai”.


Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, vì vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đương nhiên cũng phải họp công khai. Đây là lý do tại sao Điều 4 Quy chế làm việc của UBTVQH quy định: “1. Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí…”.

Tất nhiên, Quốc hội và UBTVQH hoàn toàn có thể họp kín khi cần thiết (liên quan đến bí mật quốc gia chẳng hạn). Tuy nhiên, muốn họp kín, thì vẫn phải tuân theo các thủ tục do pháp luật quy định. Ví dụ, Quốc hội chỉ có thể họp kín “theo đề nghị của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng CP hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH” (Điều 90, Luật Tổ chức QH). Thủ tục họp kín cho UBTVQH có vẻ như chưa được quy định ở đâu cả. Thế nhưng, về nguyên tắc, những gì áp dụng cho QH thì đương nhiên phải được áp dụng cho cơ quan thường trực của QH.


Chính vì vậy, việc VPQH chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp UBTVQH như vừa qua có vẻ là trường hợp rất đặc biệt. Nhiều phóng viên đã rất băn khoăn, lo lắng về sự hạn chế nói trên. Sự băn khoăn, lo lắng như vậy không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, có lẽ, UBTVQH đã áp dụng thủ tục họp kín, nên VPQH mới không cho báo chí tham dự phiên họp.

Ts Nguyễn Sĩ Dũng

(FB Nguyễn Sĩ Dũng)


Khó có thể nghĩ khác hơn, điều mà giới quan chức của UBTVQH xem là “bí mật quốc gia” chính là những quyền căn bản của dân đang bị Quốc hội ém nhẹm và sẽ tiếp tục ém nhẹm.

 Quốc hội về thực chất đang là gì?
Như thường lệ của não trạng “quản không được thì cấm”, một lần nữa Ủy ban Thường vụ quốc hội lại ra “luật” chỉ có báo chí nhà nước dự 5 phút đầu mỗi phiên họp của cơ quan không biết có còn “của dân” hay không.

Chỉ có điều, lý do không cho báo chí tham dự là sợ “lộ bí mật quốc gia” mà vài quan chức của UBTVQH nêu ra lại khiên cưỡng đến trơ trẽn. Chẳng lẽ họ không thể tưởng tượng ra một lý do nào khác dễ thuyết phục hơn?

Trong thực tế, tuyệt đại đa số các vấn đề được thảo luận trong các phiên họp của UBTVQH mà được báo chí thông tin đều là kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Thậm chí hoàn toàn có thể cho rằng thông tin về những lĩnh vực này mà UBTVQH cung cấp cho báo chí là quá ít so với đòi hỏi của yêu cầu minh bạch thông tin - theo tiêu chuẩn quốc tế mà các cơ quan Việt Nam đã nhận hàng tỷ USD cho dự án “nâng cao sự minh bạch thông tin”, liên quan đến phần hành hoạt động của Chính phủ và Quốc hội.

Kết quả về tính khả thi của những dự án minh bạch trên là cho tới nay, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) Việt Nam vẫn đứng gần chót bảng trong tổng số hơn 170 quốc gia, xét về độ minh bạch thông tin.

Trong khi đó, nhiều “bí mật quốc gia” đáng được bàn thảo nhưng đã luôn bị “quốc hội gật” từ chối nêu ra và văn bản hóa, pháp quy hóa: vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc từ năm 2014, hậu quả Formosa gây ô nhiễm nổ ra từ năm 2016… Không có lấy một tiếng nói thẳng lưng trong UBTVQH về những vấn nạn này. Tất cả cứ như khom lưng trước một thế lực vô hình đang điều khiển UBTVQH và thao túng cả Quốc hội.  

Chỉ có vài nội dung có vẻ “nhạy cảm” và liên quan “bí mật quốc gia” mà UBTVQH thảo luận trong những năm qua và dược báo chí dẫn lại - đó là các dự luật biểu tình và dự luật về hội. Nhưng hỡi ôi, đây lại là những vấn đề mà UBTVQH tỏ ra “kiên định” nhất. Những quyền căn bản ấy của người dân - đã bị đảng và Quốc hội “treo” suốt từ cam kết của Hiến pháp 1992 cho đến nay, một lần nữa trong nhiều lần, bị UBTVQH gạt khỏi chương trình làm luật của năm 2017 và cả năm 2018.

Báo chí nhà nước đã đưa tin về vụ hai dự luật trên bị ách lại. Nhưng tất nhiên, báo nhà nước chỉ đưa tin theo đúng phong cách “Ban Tuyên giáo trung ương”, nghĩa là không bình luận, hoặc có nhấn mạnh thì cũng chỉ dám đặt câu hỏi “vì sao lâu thế…”.

Khó có thể nghĩ khác hơn, điều mà giới quan chức của UBTVQH xem là “bí mật quốc gia” chính là những quyền căn bản của dân đang bị Quốc hội ém nhẹm và sẽ tiếp tục ém nhẹm.

Vậy Quốc hội về thực chất đang là gì?

Báo chí nhà nước chỉ còn biết chua chát: việc cấm báo chí dự phiên họp của UBTVQH là “một bước thụt lùi”.

Nhưng còn tệ hơn nhiều. Nếu cách đây 3 năm đã bùng lên những ý kiến cho rằng Quốc hội không còn “của dân, do dân và vì dân” nữa mà thực chất là của các nhóm chính trị và lợi ích, giờ đây có vẻ khẳng định ấy mang tính “chân lý” hơn bao giờ hết.

Bất cần báo chí nhà nước và từ chối luôn một cầu nối tương tác với cử tri, UBTVQH đang bất cần dân và chủ động cô lập mình.

Thiền Lâm



(VNTB)

Không có nhận xét nào: