TTO - Trong một lần vận động thanh niên tòng quân ra chiến trường Tây Nam, bà Quờn bất ngờ khi nhìn thấy chàng trai đầu tiên đứng ra xung phong lên đường là... con trai mình: Huỳnh Minh Kỳ.
Mẹ Quờn (ngồi xe lăn) và chị Xíu trong “biệt phủ” của mình - Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Chàng trai ấy đã nghe theo lời của chính mẹ mình, xung phong ra trận, để rồi không bao giờ trở về nữa.
Mỗi lần nhắc tới anh tui là má khóc. Má đau khổ vì anh ấy nhiều lắm... |
Mẹ vận động, con xung phong
Đã 30 năm rồi, từ khi mẹ VN anh hùng Trần Thị Quờn, 81 tuổi, vẫn cố không tin tờ giấy trên tay mình là giấy báo anh Kỳ ngã xuống ngoài chiến trận.
Đến giờ, mẹ hay nói mình không nhớ gì cả. Chỉ có những giọt nước mắt lập trình nỗi đau, mỗi khi ai nhắc đến tên con thì rơi xuống.
Người em ruột của mẹ kể lại lúc đó mẹ công tác ở hội phụ nữ xã. Thống nhất rồi, nhưng đất nước vẫn còn chưa yên tiếng súng.
Mẹ Quờn tham gia đội vận động thanh niên tình nguyện lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam. Lúc này Huỳnh Minh Kỳ - con trai mẹ - đang là chốt trưởng bảo vệ rừng của Lâm trường Sông Trẹm.
Kỳ là một thanh niên tốt người, tốt tánh, không ít gia đình có con gái ngỏ ý muốn gả con. Nhưng, nhà nghèo, mất cha, lại phải phụ mẹ gánh gồng nuôi hai em nhỏ nên anh đã không tính đến chuyện lập gia đình.
Khi Kỳ xung phong đi đánh giặc, mẹ nhớ lại: “Tôi mừng lắm. Vậy là nó có máu của cha, ông, cậu nó. Anh hùng như vậy mới phải. Cảnh nhà khó khăn trăm bề, nhưng khi con tui xung phong giúp nước thì tui ủng hộ ngay”.
Chú Ba Quý, lúc ấy là giám đốc lâm trường, đứng ra tổ chức liên hoan cho lính của mình nhập ngũ. Kỳ ra đi với một lời hứa là khi nào bờ cõi bình yên sẽ quay về.
Thế rồi, trong một lần truy quét tàn dư của quân Khmer Đỏ, ngày 5-1-1988, bị phục kích, thượng sĩ Huỳnh Minh Kỳ (trung đội phó, đại đội 6, tiểu đoàn 5, trung đoàn 69, Sư đoàn 5) đã hi sinh.
Chị Huỳnh Thị Bé Xíu (45 tuổi, em kế anh Kỳ) cho biết: “Mỗi lần nhắc tới anh tui là má khóc. Má đau khổ vì anh ấy nhiều lắm”.
Những người hùng lần lượt ra đi
Đời mẹ, đó là lần thứ 4 phải đón nhận tin người thân mình ngã xuống. Mẹ chỉ biết khóc. Hết khóc cha, khóc em, khóc chồng rồi giờ lại khóc con.
Nỗi đau như dòng sông cứ sâu dần, sâu dần... sau mỗi tờ giấy báo tử.
Thời chiến, phụ nữ vùng bưng biền ít nhiều thần tượng những người hùng cầm súng. Mẹ Quờn nói cuộc đời mẹ luôn có những người hùng như vậy.
Nhưng không có nỗi đau nào bằng việc lần lượt tiễn những người hùng ra đi, rồi họ không bao giờ trở lại.
Hết cha, rồi em trai mẹ cầm súng, rồi hi sinh trên đất này. Lớn lên, hoàn cảnh đã đưa mẹ gặp và yêu một chiến sĩ của tiểu đoàn 306.
Ông Huỳnh Văn Lác (Sáu Đông) là một người nổi tiếng trong đội quân thiện chiến đó. Nhưng rồi, trong một trận đánh ác liệt, ông cũng đã hi sinh.
Đồng đội kể rằng trước khi rút quân, họ chỉ kịp chôn ông cùng 10 liệt sĩ khác trong một hố chôn tập thể.
Lúc ông Sáu Đông hi sinh, người con trai duy nhất của hai người còn ẵm ngửa trên tay. Do công tác giao liên phải di chuyển nhiều, người con vừa dứt sữa thì mẹ gửi cho người thân chăm sóc.
Trong những năm tháng lăn lộn bám dân, mẹ Quờn gá nghĩa với một anh bộ đội tiểu đoàn U Minh 2. Hai người có với nhau ba mặt con, người con trai đầu là anh Huỳnh Minh Kỳ và hai em gái.
Trước ngày giải phóng, sau một cuộc hành quân, người chồng sau của mẹ không bao giờ trở về, ông mất tích từ đó đến nay không một tin tức gì.
Rốt cuộc những người hùng trong đời mẹ Quờn cũng đã lần lượt bỏ bà ra đi, không một ai ở lại với bà.
Để rồi khi hòa bình lập lại, mẹ phải dắt díu mấy đứa con thơ đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Ai kêu gì, mướn gì cũng làm, mẹ không từ chối. Lang bạt ăn nhờ ở đậu nên không đứa nào được học hành tới nơi tới chốn.
Chị Xíu, con gái mẹ Quờn, chỉ lên trần nhà dột nát phải vá bằng tấm nilông - Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Ngôi nhà của người mẹ anh hùng
Năm 2006, chính quyền xã Trí Phải (huyện Thới Bình, Cà Mau) thấy hoàn cảnh mẹ quá nghèo nên quyết định xây nhà tình nghĩa cho mẹ.
Nhưng với một điều kiện là mẹ phải... có đất. Điều đó quá khó đối với mẹ.
Thấy vậy, chòm xóm, anh chị em xa gần ngồi lại gom góp, hùn tiền để đủ mua cho mẹ một cái líp nhỏ trồng mía của bà con thương tình nhường lại, ngang khoảng 8m, dài 20m. Nơi nương náu của mẹ chính thức mọc lên từ đó.
Cách trung tâm xã chỉ vài cây số, nhưng ngôi nhà của mẹ dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Căn nhà nằm lọt thỏm giữa hoang vu đất ruộng của hàng xóm, không có lối đi lại.
Phía trước là con kênh, muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài, hai mẹ con phải “vượt sông” trên chiếc phà tự tạo bằng những thùng phuy.
Hôm chúng tôi tới nhà, mưa đang rơi nặng hạt. Căn nhà tình nghĩa cũ kỹ không còn làm tròn nghĩa vụ che nắng mưa của nó.
Mẹ Quờn đang nằm trên chiếc nệm mỏng manh, bị dột ướt. Phía trên đầu mẹ là trần nhà được căng tấm cao su để chống dột.
Nhìn lớp bụi dày, có lẽ nó đã được căng ở đó lâu lắm rồi. Nghe có người đến thăm, mẹ nhất quyết kêu con đỡ dậy để tiếp chuyện, không quên nhắc “các chú cẩn thận kẻo nước dột trúng đầu”.
Mưa rồi cũng tạnh, mẹ dù rất yếu nhưng vẫn cố ngồi xe lăn để đưa chúng tôi tham quan “biệt phủ” của mình. Bên hiên hè và nhà sau lợp lá dột nát trên nền đất lồi lõm.
Căn nhà chính còn tươm tất được xây hơn chục năm nhưng đã mục thấm và dột nhiều nơi. Cách đây mấy năm, xã có hỗ trợ sửa chữa, nhưng giờ đã xuống cấp nhiều. Mỗi khi mưa lớn chị Bé Xíu lại tất tả che chắn chỗ này chỗ kia.
Cách đây ít lâu, chỗ dột trơn nên mẹ trượt té khi bước xuống võng, vỡ xương chậu.
Chi phí thuốc đặc trị gia đình không kham nổi, ngân sách xã hỗ trợ cũng có hạn, thế là chị Bé Xíu phải nhờ người vay nóng bên ngoài để điều trị cho mẹ. Chị nói, số tiền nợ đó đến giờ cũng không biết sao trả được.
Chị Bé Xíu là con gái lớn của mẹ. Chị có chồng ba con, nhưng cảnh nhà vợ nghèo khiến chồng chị ngán ngẩm dẫn ba đứa con đi biệt xứ.
Chị về với mẹ để lo cho bà miếng cơm manh áo. Hai mẹ con sống nhờ vào đồng trợ cấp liệt sĩ.
“Khổ lắm, hàng chục năm trời sống lay lắt, hai mẹ con cứ vậy mà sống. Tui thì lặn lội giăng lưới cắm câu, nhiều lúc túng quá bắt ốc bươu vàng về kho tiêu cho mẹ ăn” - chị Xíu kể trong nước mắt.
Hàng xóm nói mẹ Quờn mới chỉ bớt khổ từ hơn một năm nay, kể từ khi được công nhận bà mẹ VN anh hùng.
2 mẹ con đều là mẹ anh hùng
Trường hợp của mẹ Quờn khá hi hữu khi mẹ của mẹ Quờn cũng là mẹ VN anh hùng - bà Lê Thị Hai, có chồng và con hi sinh. Mẹ Hai được truy phong anh hùng năm 2015 khi đã mất.
Năm 2016, mẹ Quờn nhận được danh hiệu anh hùng vì cũng có chồng và con hi sinh. Hai mẹ con đều là anh hùng và có cuộc đời giống y như nhau: cùng nghèo khổ và cùng có chồng, con hi sinh cho Tổ quốc.
|
- Kỳ 1: 3 lần 'khóc thầm lặng lẽ' - Kỳ 2: người mẹ trăm năm - Kỳ 3: Đêm mơ thấy mộ con trai - Kỳ 4: Người phụ nữ phi thường - Kỳ 5: Ngôi nhà thiếu bóng đàn ông
___________
Kỳ tới: Mỗi người con một cuộc chiến tranh
HOÀNG QUÂN - TIẾN TRÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét