Tôi được đặt hàng viết một kịch bản phim nhiều tập về Phạm Xuân Ẩn, nhưng lâu rồi vẫn không viết xong. Lý do là muốn giải mã được Phạm Xuân Ẩn thì trước hết phải giải mã được nhân vật bí ẩn nhất trên chính trường miền Nam trước 1975 : Bác sĩ Trần Kim Tuyến.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến |
Lần đầu tiên tôi mô tả việc ông Ẩn giải cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến trong loạt Ký sự dài 52 kỳ về Phạm Xuân Ẩn đăng trên báo Thanh Niên năm 2001. Lúc đó ông Hữu Thọ làm Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương có gọi điện nhắc nhở Tổng Biên tập, rằng ông ấy tán thành bài báo, nhưng có nhiều vị lãnh đạo phản ứng rất dữ. Điều đáng mừng là ông Hữu Thọ không yêu cầu dừng đăng, nhưng tôi biết Thanh Niên có thể bị ai đó trên ông Hữu Thọ làm khó, nên lập tức tôi đến phỏng vấn ông Năm Xuân (đại tướng Mai Chí Thọ). Ông Năm Xuân bảo việc ông Ẩn giải cứu Trần Kim Tuyến là “Nhân Trí Dũng”. Nội dung phỏng vấn ông Năm Xuân được đăng ngay trong loạt ký sự đó, như một tấm chắn tự vệ.
Bởi vì, Trần Kim Tuyến cho đến lúc đó (và cả bây giờ nữa, tuy mức độ có chút giảm nhẹ), dưới mắt sách báo cách mạng và nhiều sách báo Sài Gòn cũ, là một hung thần “có nhiều nợ máu với nhân dân”. Mọi hành vi trấn áp, tra tấn, thủ tiêu bí ẩn rùng rợn nhất của nền Đệ nhất cộng hòa đều quy cho bác sĩ Tuyến.
Điều lạ lùng là ông Tuyến lại có mối quan hệ gắn bó đặc biệt đối với 3 nhà tình báo lẫy lừng nhất của cách mạng, đó là Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo và Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ông Thảo thì tôi không được gặp, nhưng ông Ẩn và ông Ba Quốc thì tôi gặp nhiều lần.
Ông Ẩn cứu ông Tuyến đơn giản vì ông Tuyến là bạn của ông. Tôi hỏi ông, ông Tuyến có nợ máu với nhân dân không, ông bảo không, ông Tuyến “là người có lý tưởng”. Theo ông Ẩn, ông Tuyến không hề làm cho CIA, cũng không làm cho tình báo Anh mà chỉ “cộng tác với tình báo Anh” nhằm thực hiện mục tiêu của mình mà thôi. Những câu chuyện khẳng định ông Tuyến không phải là “người của Mỹ” và chỉ có liên hệ "cộng tác" với tình báo Anh tôi đã viết đăng báo.
Ông Ngô Công Đức, chủ báo Tin Sáng, kể tôi nghe, sau năm 1975 ông có gặp bác sĩ Tuyến ở Hồng Kông. Ông Tuyến nói với ông Ngô Công Đức : “Trong đời tôi, tôi thương nhất là thằng Ẩn và thằng Thảo. Thằng Thảo là Việt Cộng tôi có thể hiểu, còn thằng Ẩn là Việt Cộng thì tôi không hiểu được. Nó mà là Việt Cộng thì không có thứ gì của tôi mà nó không biết”. Ông Ẩn biết hết, nhưng ông không bao giờ dùng cái biết của mình để làm hại ông Tuyến, ông Tuyến cũng biết điều đó. Ông Ẩn còn nói với tôi, nghề tình báo mà ông học được nhiều nhất chính là từ ông Tuyến.
Ông Ba Quốc thời kỳ trước 1975 tôi đã viết tới 36 kỳ báo, lần đầu tiên công chúng biết tới ông là từ loạt bài đó, đó là thời kỳ vừa lừng lẫy và bi thương của ông và gia đình ông. Nhưng thời kỳ lừng lẫy nhất của ông Ba Quốc là sau 1975, thời kỳ ông chỉ huy tình báo chống bọn diệt chủng Pon Pot và chống Trung quốc xâm lược, tôi không được phép viết. Trong những lần làm việc với tôi, hễ nhắc tới âm mưu của Trung Quốc ông lập tức đỏ mặt tía tai phẫn nộ, nhưng mỗi khi nhắc đến bác sĩ Trần Kim Tuyến khuôn mặt ông trở lại vẻ hiền từ đôn hậu. Ông không nói nhiều về ông Tuyến, ông chỉ nói ông Tuyến “không mặn mà” với chuyện chống Cộng và kể câu chuyện phi tang chiếc tàu ở ngoài khơi mà tôi nói ở Stt trước như một minh chứng.
Hơn ai hết, bác sĩ Tuyến biết Phạm Ngọc Thảo là người như thế nào, nhưng ông Tuyến đã cùng với ông Thảo làm một cuộc chính biến bất thành, mục đích là đưa ông Ngô Đình Nhu ra nước ngoài để bảo vệ chế độ ông Diệm. Vì người mà Mỹ muốn gạt chính là ông Ngô Đình Nhu. Dù thân thiết với ông Nhu, nhưng cả ông Thảo và ông Tuyến đều hiểu rằng, nếu ông Nhu còn ở lại thì Mỹ nhất định sẽ lật luôn ông Diệm. Mà chế độ ông Diệm sụp đổ thì Mỹ sẽ đưa quân vào. Mục tiêu của ông Tuyến là xây dựng chế độ miền Nam không phụ thuộc vào ngoại quốc, còn mục tiêu của ông Thảo là thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình. Sự dự đoán của hai ông đều không sai.
Thời đệ nhị Cộng hòa ông Tuyến làm báo Xây Dựng. Mà Xây Dựng là tờ báo bảo vệ thanh danh ông Phạm Ngọc Thảo kiên trì nhất sau khi ông bị sát hại.
Là người làm báo, tôi học được rất nhiều điều từ những nhà tình báo mà tôi gặp. Đó là sự trung thực của thông tin, đó là không viết, không báo cáo “theo khẩu vị của cấp trên”. Khi bắt đầu viết về Phạm Xuân Ẩn và các nhà tình báo khác, Tổng cục 2 có chỉ cho tôi những người trong mạng lưới để tôi “phăng” những mạng lưới ấy ra mà tìm hiểu nhưng họ không cung cấp cho tôi bất cứ một thông tin nào. Đầu tiên có người đề nghị tôi đưa bản thảo cho Tổng cục 2 xem trước khi đăng, tôi không đồng ý, lãnh đạo Tổng cục cũng không yêu cầu. Họ chỉ đọc sau khi bài được đăng trên báo. Chỉ trường hợp duy nhất là loạt bài về Phạm Ngọc Thảo, do “sợ” nên người phụ trách nội dung báo Thanh Niên (sau khi anh Nguyễn Công Khế đã nghỉ) đã gửi cho Tổng cục 2 “duyệt” trước khi đăng, chuyện đó sau này tôi mới biết, nhưng Tổng cục đã không hề sửa một chữ nào. Cũng may là Tổng cục “duyệt” nên những chỗ “nhạy cảm” trong loạt bài này đã không bị cắt bỏ.
Có một chuyện buồn liên quan đến loạt bài về ông Ba Quốc, đó là câu chuyện ông cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) khi ông Mười Cúc còn làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia định trong chiến tranh. Sau khi đăng, đã bị một người thân của ông Mười Cúc phản ứng dữ dội. Tài liệu đó không phải do Tổng cục cung cấp, nhưng Tổng cục đã xác minh là có thật, nên đích thân lãnh đạo Tổng cục phải đến gặp người phản ứng để thuyết phục, rằng Thanh Niên đã không đăng sai, điều đó cũng giúp cho Thanh Niên không phải bẻ cong ngòi bút mà cãi chính.
Tôi lan man hơi lạc đề trong Stt này để muốn nói: Làm tình báo mà chỉ báo cáo cho đúng lập trường của cấp trên thì cái giá phải trả là xương máu của chiến sĩ, là nỗi oan sai tù tội tan gia bại sản của người vô tội. Làm báo mà chỉ viết dối trá cho đúng lập trường của cấp trên hoặc ông chủ của các “nhóm lợi ích” thì tác hại theo cách khác nhưng mức độ không hề kém. Còn các bạn muốn dùng mạng xã hội làm phương tiện báo chí theo mọi trường phái thì nên nghiền ngẫm lại câu này của văn hào Mark Twain : “Lời nói dối có thể đi nửa vòng trái đất trước khi sự thật xỏ chân vào giày”.
(FB Hoàng Hải Vân/Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét