Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Đảng đã quét rác thì phải làm cho sạch sẽ’

Thứ bảy , 05/08/2017 07:38 GMT+7

(VTC News) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, liên tục xảy ra nhiều đại án kinh tế là do trước đây Đảng và hệ thống chính trị đã thiếu quyết tâm trong việc chống tham nhũng, nay đã làm thì phải làm đến cùng.
Liên quan đến các vụ án lớn về kinh tế đang được điều tra làm rõ cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Đảng đang biến thành hành động mạnh mẽ, PV VTC News đã phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X.
“Đã quét rác thì phải làm cho sạch”
- Thưa trung tướng, thời gian vừa qua, phía cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam một số nhân vật được cho là cộm cán liên quan đến những vụ án lớn về kinh tế. Và mới đây, Trịnh Xuân Thanh cũng ra đầu thú sau gần một năm bỏ trốn. Ông nhận xét gì về những vụ việc trên?
Bây giờ mọi thông tin về các đại án kinh tế cũng đã chính thức công khai, toàn dân đều biết hết rồi, thì Đảng phải làm mạnh hơn nữa. Gần đây hai nhân vật cộm cán là Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê cũng đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam.
Cơ quan pháp luật Nhà nước vẫn đang tiếp tục truy đến cùng các vụ này. Kể từ vụ bắt giam Phạm Công Danh rồi bây giờ lôi ra thêm “một đống” các nhân vật khác nữa thì điều này nói lên rằng quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thể hiện rất tích cực.
nguyenquocthuoc
 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng Đảng, Nhà nước đã quyết tâm chống tham nhũng thì phải làm đến cùng.
Từ chỉ đạo của Đảng đến cơ quan Bộ Công an, cơ quan điều tra, rồi Thanh tra Chính phủ... tất thảy đều vào cuộc rất rốt ráo. Có thể nói đây là một quyết tâm chính trị rất cao của cả một hệ thống chính trị hiện nay. Điều này tôi rất hoan nghênh. Đã làm là làm đến cùng.
Không chỉ tôi mà nhân dân khi chứng kiến những nhân vật cộm cán phạm tội như vậy bị khởi tố, xét xử theo đúng pháp luật thì cũng đồng tình thôi. Đó là việc nên làm, cần thiết phải làm.
- Trung tướng vừa nói “Đảng phải làm đến cùng”, vậy cụ thể là gì?
Tôi cho rằng Đảng đã chỉ đạo làm vụ án nào thì phải làm cho rõ ràng, triệt để, dứt khoát không để xảy ra sự thỏa hiệp. Công ra công, tội ra tội. Tội đến đâu xử đến đấy, phải nghiêm minh và truy đến cùng.
Cơ quan điều tra không thể để bỏ sót tội phạm, mà tinh thần của pháp luật cũng chính là nghiêm minh và không bỏ sót tội. Tội lớn tày đình như của các nhân vật trong những vụ án vừa qua thì càng không được bỏ sót.
Video: Trầm Bê liên quan thế nào đến đại án Phạm Công Danh?
Gần đây, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những phát biểu thể hiện sự quyết tâm rất cao của Đảng.
Tổng Bí thư đã nói rất hình tượng rằng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc”. Đây là một quyết tâm chính trị rất cao.
Qua đó muốn nói lên rằng ý chí của Đảng đã biến thành hành động của bộ máy Nhà nước công quyền. Đó cũng chính là ý chí, nguyện vọng của người dân nữa. Tôi rất hoan nghênh điều này.
- Trung tướng đánh giá thế nào về việc Trịnh Xuân Thanh về nước và ra đầu thú mới đây?
Đây là một cơ hội tốt để phục vụ công tác điều tra. Trịnh Xuân Thanh ra đầu thúlà một cơ hội để cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, khai thác. Nếu Trịnh Xuân Thanh thấy tội của mình quá nghiêm trọng rồi thì trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 phải khai đầy đủ, khai tất cả những ai có liên quan.
tuong20thuocjpg1432296481_EDLF
Đảng đã quét rác thì phải làm cho sạch sẽ, chứ làm nửa vời kiểu ngày hôm nay quét dở, mai nó lại đầy rác thì cũng không được.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Vấn đề không phải chỉ có Trịnh Xuân Thanh thôi đâu mà từ Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra sẽ “sờ” đến nhiều vụ khác, nhiều nhân vật cộm cán khác sai phạm rất nhiều mà lâu nay đang "ẩn mình".
Đảng đã quét rác thì phải làm cho sạch sẽ, chứ làm nửa vời kiểu ngày hôm nay quét dở, mai nó lại đầy rác thì cũng không được. Tức là phải làm triệt để.
Vụ án nào đã làm là phải làm dứt điểm, làm đến nơi đến chốn. Điều này sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Những vụ việc vừa rồi cũng cho thấy bên cạnh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng thì cũng có quyết tâm chính trị rất cao từ chính Bộ Công an nữa. Tôi cho rằng đây là quyết tâm chính trị chung của cả hệ thống chính trị hiện nay trong việc chống tham nhũng.
“Trước kia Đảng không dám làm vì thiếu quyết tâm chính trị”
- Có thể nói những sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong các vụ án đều có tính chất kéo dài và có tính hệ thống. Vậy những sai phạm mặc nhiên tồn tại trong một thời gian dài như thế là do đâu?
Đúng là những sai phạm trong các vụ án nói trên có tính hệ thống và tồn tại từ rất lâu. Đó là vì quyết tâm chính trị của hệ thống chính trị trong việc phòng chống tham nhũng trước kia không cao.
Thực tế thì dư luận khi đó đề cập đến rất nhiều, rằng người này sai phạm thế này, người kia lũng đoạn thế khác... phải nói là ý kiến rất nhiều, nhưng mà Đảng khi đó không dám hành động.
Việc Đảng khi đó không dám hành động thì cũng do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là do Đảng, Nhà nước, bộ máy pháp luật, cơ quan điều tra, hệ thống chính trị nói chung khi đó đã thiếu sự quyết tâm.
Vì thiếu sự quyết tâm nên mới dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như các vụ án hiện nay dư luận đã thấy. Tôi cho rằng đây là một điều đáng buồn và cũng đáng tiếc.
Nhưng bây giờ thì đã khác trước rồi. Hiện nay nguyện vọng, ý chí của nhân dân rất lớn, và đã chuyển thành ý chí chính trị của Đảng, của Nhà nước, của cả tập thể một hệ thống chính trị nên buộc phải hành động quyết liệt.
Nếu không có áp lực mạnh mẽ của dư luận thì chắc rằng Đảng cũng không làm quyết liệt như hiện nay đâu. Cho nên dư luận là rất cần thiết, chính dư luận mở đường và cũng là áp lực để cho Đảng, Nhà nước từ đó có quyết tâm chính trị và những hành động quan trọng.
Nhưng hành động đó của Đảng phải được quần chúng nhân dân ủng hộ mới có hiệu quả. Nên vấn đề ở đây không phải là Đảng không biết những sai phạm, những tiêu cực, tham ô, tham nhũng của các cá nhân, tổ chức, mà vấn đề là trước đây, Đảng và cả hệ thống chính trị đã không quyết tâm hành động.
Sau này Đảng đã nhận thấy rằng nếu không hành động quyết liệt thì sẽ dẫn đến mất lòng dân, dẫn đến nguy cơ mất Đảng, mất chế độ.
Hiện nay Đảng nhận thức được rằng vấn đề chống tham nhũng, giữ gìn bộ máy trong sạch của Đảng, của Nhà nước càng ngày càng phải làm quyết liệt hơn.
Qua những vụ án trên có thể thấy rằng đây không còn là những “nhóm lợi ích” tham nhũng nữa mà là một “hệ thống tham nhũng”. Mà hệ thống này tập trung nhiều ở trong “mắt xích” Bộ Công thương.
Chúng ta thấy đa số các sai phạm của các cá nhân, tổ chức được phanh phui ra vừa qua đều tập trung hoặc liên quan đến Bộ này và hệ thống tín dụng ngân hàng.
Bởi vì Bộ Công thương là một “siêu Bộ”, nắm rất nhiều quyền lực, rất nhiều tài sản, nguồn lực quốc gia. Nhưng chính Bộ Công thương lại bị buông lỏng quản lý, thiếu giám sát nên mới xảy ra những tiêu cực như vậy.
Theo tôi, trong các vụ án trên, Đảng và cơ quan Nhà nước cần phải làm đến nơi đến chốn. Bởi Bộ Công thương cũng chưa phải là cuối cùng đâu. Đằng sau Bộ Công thương còn nhiều cá nhân, tổ chức khác nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
LƯU THỦY

Không có nhận xét nào: