Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Ai phải chịu trách nhiệm trong việc "đốt" hàng chục ngàn tỷ tại Venezuela?

Thời gian qua, khi những thông tin về việc đất nước đang tiến lên “Thiên đường XHCN” Venezuela đang có nguy cơ vỡ nợ, khiến cho giới lãnh đạo ĐCSVN như ngồi trên đống lửa. Bởi vì họ đã ôm “giấc mộng vàng”, khi liều mạng đầu tư vào đất nước này một số tiền lớn theo lời dụ ngọt của Tổng thống Venezuela - Hugo Chávez với hy vọng cùng người em vĩ cuồng này cùng dắt tay nhau đưa hai đất nước tiến lên XHCN.

Lễ khởi công Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2
Và hôm nay, việc Venezuela vỡ nợ đã trở thành hiện thực chứ không còn là nguy cơ nữa, thì giới chóp bu CSVN im re, không dám hé răng.

Trước hết nói về đất nước Venezuela

Là một đất nước giàu có và thanh bình bậc nhất Nam Mỹ, Venezuela được đánh giá là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ước tính trữ lượng dầu của đất nước này là 297.570 triệu thùng, hơn cả Vương quốc dầu mỏ Trung Đông là Ả Rap Saudi (ước tính 267.910 triệu thùng).

Nhưng kể từ năm 1999, khi Hugo Chávez của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) lên làm tổng thống, đưa đất nước Venezuela đi theo ý thức hệ chính trị chủ nghĩa Bolivar và "chủ nghĩa Xã hội thế kỷ 21". Và từ năm 2013, khi Nicolas Maduro lên thay Hugo Chávez, do quản lý kinh tế yếu kém và tham nhũng tràn lan, đã đưa đất nước này chìm vào cơn khủng hoảng triền miên.

Từ một đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới giờ đây đã phải đi nhập khẩu dầu mỏ, không cung cấp đủ điện sinh hoạt cho người dân, không nhập được nguyên liệu để nhà máy hoạt động, không mua nổi lương thực hay thuốc men, và thậm chí không có đủ việc làm để cho mỗi công chức có thể đi làm nhiều hơn 2 ngày một tuần, lạm phát đạt hơn 1.500% trong năm nay. Những hàng tiêu dùng cơ bản nhất, từ bánh mì đến giấy vệ sinh, đều thiếu thốn trầm trọng. Đến nỗi họ không còn tiền để in tiền.

Nhưng kinh tế chưa phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là đây là một quốc gia thất bại, một nhà nước trên bờ vực sụp đổ. Trật tự xã hội Venezuela mong manh như một tờ giấy, hiện nước này có tỷ lệ giết người cao thứ hai thế giới, tình trạng cướp phá tràn lan không thể khống chế được(1).

Mô hình xây dựng XHCN của Hugo Chávez đúng là đã đưa đất nước Venezuela “Xuống Hố Cả Nút”. Đúng như mong muốn của ông ta.

Tai họa từ Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng

Từ dự án “khủng” trên giấy.

Năm 2007, khi Hugo Chávez đang còn trong thời kỳ oanh liệt, ông Đinh La Thăng còn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) xin phép Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, xin được đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước.

Tháng 6/2010, “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” được chính thức ra mắt. Tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỉ USD.

Ngoài tính chất “siêu dự án” về mặt quy mô vốn đầu tư, lô Junin 2, được PVN báo cáo Chính phủ nằm ở khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỉ thùng. Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Con số này tương đương 70% sản lượng dầu của Vietsovpetro, liên doanh dầu khí đầu tiên và lớn nhất tại VN.

Phần vốn mà VN phải đóng góp tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là 1,241 tỉ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía VN là 1,825 tỉ USD.

Chưa kể các chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, chỉ riêng tiền mặt mà PVN trực tiếp trao cho Venezuela, một đi không trở lại, đã lên đến 532 triệu USD: 442 triệu tiền “bonus” (phí tham gia), 90 triệu tiền góp vốn ban đầu.

Tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để “cứu” khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD, cho dù chưa thu được giọt dầu nào.

Lừa ma dối quỷ và qua mặt các bộ, ngành

Để thuyết phục sự chấp thuận của các bộ, ngành, PVN đã báo cáo rằng sản lượng của Junin 2 lên đến “200.000 thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm”.

Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã phân tích các rủi ro tại thị trường Venezuela, đặc biệt là về tài chính, và đã yêu cầu “phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của DNNN”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bày tỏ lo ngại khi dự án chưa làm rõ được rủi ro tại quốc gia đầu tư, khả năng huy động vốn, trong đó làm rõ về thời gian ân hạn khoản vay.

Bộ Tài chính cũng cảnh báo về một loạt các yếu tố rủi ro về khoản góp vốn của VN khi chưa có đánh giá cụ thể, chưa cập nhật các chi phí, tỷ suất thu hồi vốn…

Không xin chủ trương của Quốc hội

Ngày 5/8/2010, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã có văn bản gửi PVN, yêu cầu phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ dự án để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ngày 10.8.2010, Bộ Tài Chính cũng có công văn khẳng định rằng, theo Nghị quyết 49/2010/QH12 thì PVN phải lập hồ sơ trình xin chủ trương Quốc hội. Nhưng tất cả những ý kiến trên đều bị Đinh La Thăng bỏ ngoài tai, và quyết đầu tư cho bằng được dự án này.

Mất hàng trăm triệu USD phi lý

PVN đã ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela vào ngày 29/6/2010, trước khi các cấp có thẩm quyền chính thức cho phép. Nhưng điều đáng nói là như công văn của Bộ Tài chính chỉ ra, trong hợp đồng này, PVN đã chấp nhận một điều khoản cực kỳ phi lý: Phía VN phải trả “phí tham gia” (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu. Trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt.

Trong khi “kết quả khoan và khai thác siêu sớm không đạt được như kỳ vọng nên bức tranh sản lượng toàn mỏ có khả năng không được như dự kiến”, ngày 12/5/2013, PVN vẫn phải nộp cho Venezuela 142 triệu USD (đợt 3).

15 ngày sau thời hạn này, nếu không nộp đủ tiền, “toàn bộ cổ phần” của PVN trong liên doanh sẽ “tự động bị chuyển” cho đối tác Venezuela; phía PVN/PVEF cũng sẽ “không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư” ở Junin 2.

Năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện bản cam kết này vì nếu có góp thêm 142 triệu USD cũng chưa chắc thu được thùng dầu nào, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền “phí tham gia”, 90 triệu USD tiền góp vốn và các chi phí lớn khác mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả (2).

Toàn bộ những sai phạm trên đây, từ năm 2007 đến 2013 là thời kỳ ông Đinh La Thăng, và sau đó là ông Phùng Đình Thực làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN. Xuyên suốt trong thời kỳ này là chính phủ của TT Nguyễn Tấn Dũng.

Với một dự án lớn và được hứa hẹn một tương lai sáng ngời như vậy, dứt khoát ông Nguyễn Tấn Dũng phải thông qua Bộ Chính trị, mà người đứng đầu là TBT là Nông Đức Mạnh.

Ngoài việc nướng hàng chục ngàn tỷ vào dự án khai thác dầu tại Venezuela mà kết quả chẳng thu về được giọt dầu nào, theo Kết luận của UBKTTƯ, ông Đinh La Thăng còn làm thất thoát hàng mấy ngàn tỷ tại các dự án đắp chiếu thời ông làm Chủ tịch Tập đoàn PVN.

Đến thời ông làm Bộ trưởng GTVT, thì hàng trăm dự án BOT mọc lên nhan nhản khắp cả nước không qua đấu thầu, làm trên những con đường cũ, chỉ “tráng men” cho có rồi lập trạm thu tiền, như kiểu đơm đó. Làm cho người dân từ Nam chí Bắc phản ứng dữ dội vì những trạm BOT hút máu dân một cách trắng trợn và phi lý này.

Trong mấy chục năm cầm quyền của ĐCSVN, có lẽ chưa có cặp đôi nào có thành tích xuất sắc trong việc “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” (chữ của nữ NS Kim Chi) như cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng- Đinh La Thăng.

Nếu như hai trẻ em chưa đến tuổi thành niên Nguyễn Hoàng và Ôn Thành Tân đã bị TAND quận Thủ Đức xử 10 tháng tù và hơn 8 tháng tù vì đói mà cướp 2 ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me, trị giá 45 ngàn đồng. Thì với Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng, phải xử như thế nào để chứng tỏ nền Tư pháp XHCN là tiên tiến, văn minh và công bằng?

16/11/2017

Phương Trạch

Không có nhận xét nào: