Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

APEC - Bàn cờ cân não phức tạp

Paven (Danlambao) - Vậy là sau 10 năm, Việt Nam lại tổ chức Hội nghị cấp cao các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tình hình vô cùng phức tạp của kinh tế-địa-chính trị trong nước cũng như khu vực và quốc tế. Nước nào cũng muốn tìm kiếm lợi ích, muốn có lời thì phải trao đổi. Việt Nam lấy gì để trao đổi và hy vọng có được những lợi ích gì?


Trước khi đến Tàu, tổng thống Donald Trump đã công du Nhật, Hàn. Đây dường như là hành trình tối ưu. Cùng với những dọa dẫm và các động thái chuẩn bị cứng rắn trước đó, ông Trump đã thắng lợi, ít nhất về mặt kinh tế, khi mang về cho Mỹ nhiều thỏa thuận béo bở. Dù cho các bản ghi nhớ không nhất thiết thành hiện thực thì nó cũng có giá trị biểu tượng to lớn khi ông đến thăm Việt Nam tham dự APEC, và dĩ nhiên cả với cử tri Mỹ. Chắc chắn đã có nhiều đổi chác Mỹ-Tàu trong cuộc gặp của hai nguyên thủ, không chỉ riêng hai nước, có thể liên quan đến Bắc Hàn, và biết đâu cả Việt Nam nữa.

Nhật Bản, Nam Hàn và Tàu cộng đến Việt Nam trong tâm thế nghi kỵ và cạnh tranh ảnh hưởng khu vực, cùng với TPP đang bỏ dở. Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt phải tới Việt Nam đơn giản vì nhiệm kỳ thứ 2 này, ông hy vọng đạt được cơ sở quan trọng, vững chắc hơn trong hợp tác và khống chế các nước ASEAN và Đông Á, khởi động sáng kiến vành đai con đường và chuỗi ngọc trai trên biển, từ đó chiếm lợi thế tuyệt đối (so với Mỹ) trong khu vực.

Nga đến với những hy vọng về vai trò địa chính trị lớn hơn ở khu vực. Đồng thời ông Putin cũng mong tìm được lối thoát kinh tế ở hướng Đông khi mà phía Tây đã bị Mỹ và Châu Âu cấm vận chặt chẽ. Trước sự bành trướng của Tàu cộng, Nga còn kỳ vọng vào những hợp đồng vũ khí từ các thành viên ASEAN.

Các nước ASEAN nhỏ bé đến với tâm lý tọa sơn quan hổ đấu, thuận nước thì đẩy thuyền, không thì tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Dễ thấy rằng, các ông lớn luôn có lợi thế chủ động ra giá, trong khi các nước nhỏ yếu thường bị động và thiệt thòi trong các thỏa thuận. Việt Nam, chủ nhà APEC, chắc chắn đang kỳ vọng có được 2 điều tối quan trọng.

Thứ nhất là các thỏa thuận thương mại và đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế. TPP đang được nhiều nước (nhỏ) quan tâm, không chỉ Việt Nam. Nhưng Mỹ thì đã rút, Tàu cộng thì không muốn TPP thành hiện thực cản trở chuỗi ngọc trai. Canada và một số nước trong số 11 thành viên còn lại thì vẫn chần chừ.

Thứ hai là các vận động về biển Đông có lợi cho Việt Nam. Điều này e là rất khó khăn. Mỹ, Nam Hàn, Nhật quan tâm nhưng còn vướng vấn đề Bắc Hàn. Tàu cộng luôn sẵn sàng lôi kéo và chơi xấu. Canada, Úc, New Zealand cộng lại vẫn còn yếu. Nga thì quá xa và kinh tế thì còn lao đao vì cấm vận. ASEAN thì chia rẽ và ai lo nhà ấy.

Tâm thế của CSVN: với Mỹ thì nhiều mong đợi, với Tàu cộng thì cảnh giác lo sợ, với ASEAN thì bực mà không làm gì được, với Nga thì chẳng hy vọng được bao nhiêu. Dĩ nhiên cộng sản Việt Nam cần khéo léo xây dựng mối quan hệ với tất cả các nước có lợi cho mình. Nhưng Hà Nội phải có gì để trao đổi. Một chút buồn là bà Trump đã không đến thăm Việt Nam dù đã theo phu quân công du 3 nước Đông Á. Có người cho đó là vì CSVN đang giam giữ mẹ Nấm, người được tặng danh hiệu "Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm". Ở vấn đề khác, quan trọng hơn nhiều, Biển Đông vừa là hiểm họa vừa là cơ hội vàng của Việt Nam. Nếu Tàu cộng hoàn toàn làm chủ được nó thì chẳng khác nào Việt Nam bị giam cầm bốn phía bởi người khổng lồ phương Bắc, mãi mãi không ngóc đầu lên được. Nhưng cũng chính biển Đông là lợi ích to lớn cả về kinh tế, chính trị và quân sự mà Mỹ, Nga, Nhật, và nhiều nước khác muốn có. Nhiều năm trước, nó là nguyên nhân gián tiếp làm cho ASEAN chia rẽ bởi sự lôi kéo của Tàu cộng, thì nay nó cũng là lợi ích trục tiếp mà các nước cần và muốn bảo vệ. Biển Đông cùng với Cam Ranh sẽ là con át chủ bài, là vật nặng đáng kể nhất cho Việt Nam để đem ra trao đổi, đàm phán. Các hợp tác song phương dường như là rõ ràng nhất đối với Việt Nam hiện nay. Còn các thỏa thuận đa phương về biển Đông hay TPP thì có lẽ xa vời và khó khăn.

Chính sách mở cửa kinh tế cùng với APEC 2006 đã đem lại cho Việt Nam làn sóng đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ. Để xem cuộc chiến chống tham nhũng cùng với APEC 2017 sẽ góp phần định hướng phát triển của Việt Nam như thế nào trong 10 năm tiếp theo.

Kinh tế - Địa chính trị luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Các nước lớn dĩ nhiên có lợi thế. Còn Việt Nam và các nước nhỏ thì sao? ASEAN liệu có đoàn kết hơn và có tầm nhìn chung trong khuôn khổ APEC? Bàn cờ phức tạp nhiều người chơi đang cân não không chỉ bên tham gia mà còn nhiều bên quan sát. Hãy NGÓNG và ĐỢI kết quả cụ thể hơn trong vài ngày tới.

11.11.2017

Không có nhận xét nào: