Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Do bài viết này của BBC:"Chủ nghĩa tư bản 'khuyết tật nhưng phát triển"; Nên bài viết trên TCCS đã bị gỡ: Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Chủ nghĩa xã hội dù đang khủng hoảng cả về lý luận và thực tiễn, nhưng với cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, nhân loại đã bước vào một thời kỳ phát triển mới – thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Với Đổi mới, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng, nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế, khai thác động lực mạnh mẽ bước vào thời kỳ phát triển mới nhằm sớm thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hình minh họa
Phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa xã (XHCN) không qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa (TBCN) là một vấn đề lý luận cốt yếu trong lý luận cách mạng XHCN không chỉ đối với Việt Nam, mà cả với sự phát triển lý luận cách mạng XHCN ở các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Mấy chục năm qua, các học giả đã có hàng chục nghìn công trình, bài viết nghiên cứu xoay quanh chủ đề con đường phát triển chủ nghĩa xã hội (CNXH). Các thành tựu nghiên cứu đạt được rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, những kết quả ấy lại rất khác nhau, và thường không đạt được sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu theo lập trường mác-xít. Đó là do mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận, lập trường tư tưởng… khác nhau.

Hơn thế, phong trào XHCN vừa trải qua khủng hoảng toàn diện, nghiêm trọng cả về thực tiễn và lý luận. Đó là hệ thống lý luận xây dựng CNXH theo mô hình Xôviết trước đây là giáo điều, xơ cứng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan… đã thực sự lỗi thời, không phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. Đó là hệ thống CNXH hiện thực rơi vào khủng hoảng toàn diện, tan rã ở châu Âu. Những nước XHCN còn lại đã mở cửa, đổi mới toàn diện và đã bước vào một giai đoạn phát triển mới không còn theo mô hình cũ.

Về mặt lý luận và thực tiễn cần phải nhìn nhận một cách khách quan, khoa học rằng sau hơn 30 năm cải cách ở Trung Quốc và 30 đổi mới ở Việt Nam, mô hình lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH mới mà hai quốc gia này chủ trương và tiến hành hiện thực hóa đã khác rất xa mô hình CNXH Xôviết trước đây. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam và Trung Quốc cơ bản là khác nhau, mặc dù về nguyên tắc và mục tiêu XHCN là tương đồng.

Dù có nhiều điểm khác nhau nhưng, sau cải cách, đổi mới các nước phát triển theo con đường XHCN mới đã tạo ra sự phát triển kinh tế – xã hội được đánh giá là thần kỳ. Trong khi, các nước Đông Âu và Liên Xô sau khi hệ thống XHCN ở châu Âu tan rã và không ít nước rơi vào khủng hoảng toàn diện cả kinh tế, chính trị và xã hội. Cho đến nay, mặc dù đã qua 30 năm, nhiều nước vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng. Mặc dù vậy, vào thời điểm hiện nay, dù nhiều quốc gia còn bất ổn, đời sống của người dân còn rất khó khăn nhưng hầu như đa số người dân ở các quốc gia này, không muốn quay trở lại xây dựng CNXH theo mô hình như trước đây.

Rõ ràng, niềm tin của người dân về CNXH theo mô hình trước đây ở những quốc gia châu Âu đã từng xây dựng CNXH hiện thực ở thế kỷ XX đã bị tổn thương nặng nề. Chủ nghĩa xã hội như đã tồn tại trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống nhân loại. Chính điều này đặt ra cho những nhà nghiên cứu cần phải có cách tiếp cận mới với lý luận về CNXH của nghĩa Mác – Lênnin. Cần phải vận dụng sáng tạo lý luận ấy không chỉ bởi những điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, mà phải đặt nó trong bối cảnh mới của tiến trình lịch sử thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển nếu không nằm trong chỉnh thể vận động và phát triển chung của toàn nhân loại.

Qua nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu các quan điểm của các nhà kinh điển, của các học giả mác-xít và ngoài mác-xít xung quanh vấn đề CNXH và con đường XHCN ở các quốc gia theo mô hình Xôviết trước đây; tìm hiểu những nhân tố tác động đến quá trình phát triển định hướng XHCN không trải qua giai đoạn TBCN; các nhân tố thời đại và nhân tố đặc thù của mỗi nước; thực trạng công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN ở nước ta 30 năm qua, bước đầu chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề lý luận căn bản về thời kỳ phát triển định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

Nêu vấn đề thời kỳ phát triển định hướng XHCN về mặt lý luận sẽ liên quan tới quan điểm “quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Đây là một vấn đề lý luận hiện nay đã được khẳng định. Tìm hiểu quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này từ khi thành lập đến nay ta thấy đây là một vấn đề lý luận cốt yếu nhưng cũng đã có nhiều sự điều chỉnh trong các thời kỳ cách mạng khác nhau.

Thật vậy, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1930 đến nay để tiến lên CNXH, đã có sự thay đổi căn bản: Từ “tiến thẳng lên CNXH”, đến “bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN”, và hiện nay là “bỏ qua chế độ TBCN”. Cần làm rõ: có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) với tư cách là một chế độ xã hội được không ? Bỏ qua chế độ TBCN nhưng có sử dụng và phát huy những nhân tố nào của giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa?.

Đặt vấn đề về mặt tư duy: bỏ qua chế độ TBCN có phải là sự khẳng định chế độ TBCN là chế độ xã hội xấu xa đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của nhân loại, do đó cần phải “bỏ qua”, loại bỏ chế độ đó trong quá trình phát triển của lịch sử loài người hay không. Như vậy, có nhận thức đúng sự tồn tại khách quan, tất yếu hiện nay của CNTB không? có phù hợp với sự phát triển tự nhiên của lịch sử không? và có tiếp tục gây ra sự kỳ thị, đối kháng, đối đấu giữa sự phát triển của Việt Nam hiện nay với phần còn lại của thế giới là TBCN hay không? Có tách biệt sự vận động và phát triển của Việt Nam hiện nay ra khỏi quỹ đạo phát triển chung của thế giới ngày nay hay không? Đây là một vấn đề lý luận rất cốt yếu.

Với sự nhận thức phát triển của Việt Nam hiện nay là “thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa” nghĩa là chúng ta chỉ xác định con đường và đích đến của riêng Việt Nam, không đề cập, không làm tổn thương đến sự phát triển và mô hình phát triển của các quốc gia khác, các chế độ chính trị khác. Thực tế là với toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng tham gia một cách toàn diện vào đời sống chung của toàn cầu và đã trở thành một thực thể tích cực có nhiều đóng góp cho phát triển chung của khu vực và thế giới.

Thứ hai, về những điều kiện tiên quyết để tiến lên chủ nghĩa xã hội ở “các nước lạc hậu” trong thời đại ngày nay

Những điều kiện tiên quyết mà C. Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lê-nin đã dự đoán khả năng các nước lạc hậu phát triển lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN đó là:

– Chủ nghĩa tư bản đã phát triển lên tới đỉnh cao ở các nước tiên tiến;
– Cách mạng vô sản đã thắng lợi ở Tây Âu;
– Cách mạng vô sản ở Tây Âu kết hợp với cách mạng ở các nước lạc hậu;
– Sự nêu gương và sự ủng hộ tích cực của cách mạng XHCN ở phương Tây đối với các nước lạc hậu đi theo con đường XHCN;
– Những lực lượng tiên tiến của các nước “lạc hậu” chủ động thực hiện quá trình phát triển bỏ qua CNTB.

Rõ ràng, những điều kiện tiên quyết mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, dự báo khi đó đến nay hầu như không còn nữa /hay không còn phù hợp. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan các điều kiện này ta thấy, vào thời điểm đó, trong tư duy của các ông luôn thường trực ý thức quyết liệt rằng, giữa CNTB và chủ nghĩa cộng sản luôn hiện diện trong tình trạng đấu tranh sinh tử “một mất một còn”, kiểu như “chủ nghĩa xã hội là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Nghĩa là CNTB và CNXH luôn đối đấu và phủ định nhau. Nhân loại được đặt trước lựa chọn duy nhất: hoặc CNTB, hoặc CNXH. Hệ lụy của tư duy ấy là đã chia thế giới thành hai phe, hai hệ thống đối đầu nhau, tìm mọi cách tiêu diệt nhau… đã dẫn đến chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang và cuối cùng là góp phần dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống XHCN ở châu Âu nửa cuối thế kỷ XX. Trong cuộc đối đầu “một mất một còn” ấy CNXH hiện thực theo mô hình Xô viết về cơ bản đã bị tiêu diệt và CNTB với rất nhiều khuyết tật của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Vì lẽ đó, trong điều kiện hiện nay, khi mà các điều kiện tiên quyết nêu trên không còn thì để tiến lên CNXH chúng ta phải làm thế nào?.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thế giới đã ở một trạng thái hoàn toàn mới. Có người gọi đó là một “thế giới phẳng”. Hầu như mọi rào cản giữa các quốc gia, các khu vực cơ bản đã được dỡ bỏ. Mọi quốc gia tồn tại trong trạng thái tùy thuộc lẫn nhau. Một sự kiện kinh tế, chính trị, an ninh, môi trường… diễn ra ở một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Đặc biệt sau khi hệ thống CNXH ở châu Âu sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc thì CNTB trở thành “nhân vật chính” của vũ đài thế giới và sự vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay nhìn chung bị chi phối bởi CNTB hiện đại.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quan hệ hữu nghị với hầu như các quốc gia trên thế giới; đặc biệt có quan hệ đối tác chiến lược với hầu như các cường quốc. Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới mà còn là thành viên có vai trò và vị trí quan trọng trong các thế chể, định chế, các liên minh kinh tế, xã hội rộng lớn toàn cầu.

Trong bối cảnh mới, mặc dù chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng rõ ràng chúng ta cũng có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển hơn. Vấn đề là ta phải đặt mình vào trong bối cảnh ấy, một cách khách quan và đề cao tính mục đích của thời kỳ phát triển định hướng XHCN để ta có chiến lược, chủ trương, biện pháp và giải pháp hướng tới ngăn chặn nguy cơ, hạn chế thách thức, có nhiều điều kiện để tận dụng thời cơ và cơ hội hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vấn đề quan trọng là trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng chúng ta cần phải đề cao tính mục đích của sự phát triển – đó là CNXH, từ sự đề cao mục đích, chúng ta phải biết tận dụng nhiều điều kiện, cơ hội khách quan, kịp thời nắm bắt thời cơ – nghĩa là tìm phương tiện, phương thức, nguồn lực, động lực để sớm đạt được mục đích xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

Muốn vậy chúng ta phải ngày càng thực sự trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới; cũng như thực sự trở thành “bạn” của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đây chính là một điều kiện “tiên quyết”, “bắt buộc” để chúng ta thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực là những điều kiện khách quan và chủ quan cho sự phát triển của mỗi quốc gia ở những thời điểm nhất định chỉ xuất hiện vào đúng những thời điểm đó, vì vậy, những dự báo lý luận dù có thần kỳ đến mấy cũng không thể bao chứa hết.

Thứ ba, xuất phát điểm của Việt Nam khi bước vào thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa

Xuất phát từ tình hình cụ thể, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia là nguyên tắc chỉ đạo quan trọng nhất. Đây cũng chính là một nguyên tắc cơ bản của phép biện chứng duy vật. Chỉ có xuất phát từ thực tiễn mới nắm vững được thực trạng đời sống xã hội, các xu thế vận động cũng như quy luật vận động của thực tiễn. Xa rời thực tiễn, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, quan liêu, bất chấp quy luật khách quan là những bài học đắt giá mà Đại hội VI của Đảng ta đã chỉ ra.

Không xuất phát từ thực tiễn đất nước sẽ ban hành những chỉ thị, nghị quyết không phù hợp với thực tiễn vì vậy sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Không xuất phát từ thực tiễn khi áp dụng những kinh nghiệm quốc tế thường dập khuôn, máy móc, giáo điều xa lạ đối với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi đó, người dân sẽ không tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước.

Chẳng hạn, đối với nước ta hiện nay, nhiều người do xa rời thực tiễn, máy móc, giáo điều, duy ý chí… nên khi nhận định về xuất phát điểm của nước ta tiến hành “quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN”, nghĩa là khi bước vào thời kỳ phát triển định hướng XHCN họ vẫn “một mực” khẳng định xuất phát điểm của Việt Nam vẫn từ “một nước nông nghiệp lạc hậu”, “thực dân nửa phong kiến”, “chúng ta vừa bước ra từ chiến tranh và chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh tàn khốc”… Với sự nhận diện như thế, rõ ràng chúng ta không thể có chủ trương, đường lối, chính sách sát hợp để lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng CNXH hiện nay.

Thực ra, chúng ta đã “từ giã” nước “nông nghiệp lạc hậu”, “thực dân, nửa phong kiến” gần 70 năm, chúng ta đã bước ra khỏi chiến tranh đã 40 năm, và chúng ta đã có 30 năm thực hiện thành công công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Thực tiễn nước ta hiện nay, khác rất xa những năm trước năm 1945, những năm trước năm 1975. Sau 30 năm đổi mới chúng cũng đã khác rất xa năm 1986 khi đất nước ta bước vào đổi mới. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã đưa nước ta trở thành một thành viên có vai trò, vị trí và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình… Vì vậy, nếu không xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước thì rõ ràng chúng ta không thể nhận diện đúng thời cơ, thách thức, nguồn lực, động lực… và do đó sẽ không thể có được các chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cũng sẽ không thực hiện được những nhiệm vụ và mục tiêu của thời kỳ phát triển định hướng XHCN mà chúng ta đã đề ra.

Thứ tư, vấn đề phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Sau 30 năm đổi mới thành tựu to lớn nhất, quan trọng nhất của chúng ta là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể khẳng định là đột phá về mặt lý luận và thực tiễn. Lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN đã soi sáng cho sự phát triển của đời sống kinh tế của nước ta 30 năm qua. Tuy nhiên, xã hội là một cơ thể thống nhất và đồng bộ. Các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình vận động và phát triển dù có thể có sự phát triển không đều nhưng về căn bản các lĩnh vực, bộ phận phải tương thích, đồng bộ và thống nhất với nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Không có một cơ thể xã hội hài hòa ổn định thì không thể phát triển bền vững được.

Sự thành công hết sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta thời gian qua chỉ cho ta thấy rằng cần phải xác định đúng thời điểm hiện nay Việt Nam đang tồn tại và phát triển ở trạng thái là thời kỳ phát triển định hướng XHCN. Đây không phải là cách diễn đạt khác của “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” mà là sự nhận diện thực trạng xã hội và xu hướng vận động tất yếu của nó. Ai cũng biết mọi sự vận động phát triển đều là thời kỳ quá độ từ trạng thái này sang trạng thái khác một cách phổ biến. Xác định thời kỳ phát triển định hướng XHCN nghĩa là đề cao tính mục đích của sự phát triển. Nói cách khác, sự phát triển là quá trình vận động theo những quy luật khách quan nhưng có sự tham gia của nhân tố chủ quan để đạt tới mục đích đề ra.

Thứ năm, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng XHCN một điều kiện tiên quyết có tính nguyên tắc là phải kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và phải kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản cộng sản Việt Nam người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua. Điều này đã được lịch sử khẳng định. Lịch sử cũng cho thấy vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam không phải bằng lý luận mà bằng chính thực tiễn đời sống.

Với xuất phát điểm là một xã hội chưa trải qua thời kỳ phát triển TBCN hội nhập vào sự phát triển chung của nhân loại, nếu theo sự phát triển bình thường của quá trình lịch sử tự nhiên thì như nhiều quốc gia khác, chúng ta tiến lên CNTB là một lẽ bình thường. Trong khi, CNTB sau hơn 200 tồn tại mặc dù mang lại cho nhân loại rất nhiều thành tựu nhưng cũng có những thời kỳ đen tối nhiều máu và nước mắt đối với tiến trình phát triển nhân loại. Chế độ bóc lột, phân tầng xã hội, phân hóa giầu nghèo, chiến tranh và tha hóa con người là những sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa tư bản mà bất cứ quốc gia nào đi theo con đường TBCN không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, giai đoạn hiện nay, nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới. Đó là thời đại của sự phát triển đỉnh cao của nhân loại. Đó không còn là chủ nghĩa tư bản với đúng nghĩa của nó nữa. Có người gọi đó là xã hội hậu tư bản. Thực tiễn cho thấy, trong các nước tư bản phát triển ở đỉnh cao hiện nay đã xuất hiện rất nhiều nhân tố của chủ nghĩa cộng sản như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác dự báo.

Với Việt Nam từ một quốc gia đang phát triển với mức sống trung bình của thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay phát triển theo định hướng XHCN là hoàn toàn hiện thực và đó là một tất yếu khách quan. Thực chất, đây là một sự phát triển rút ngắn mà lịch sử cho thấy có nhiều dân tộc đã từng trải qua.

Vấn đề cốt lõi ở đây là chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là người lãnh đạo đất nước ta đi theo con đường XHCN. Vì vậy, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam là một vấn đề có tính nguyên tắc, một điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, để giữ vững được nguyên tắc này Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện một số vấn đề cốt lõi sau:

Một là, Đảng Cộng sản không phân chia quyền lãnh đạo quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam cho bất cứ lực lượng chính trị nào khác nhằm đảm bảo sự thống nhất và tính nhất quán của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN;

Hai là, Đảng phải đổi mới toàn diện về tổ chức và phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội.

Ba là, Đảng cần kiên quyết chỉnh đốn xây dựng đảng. Kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đảng viên nhất là đội ngũ lãnh đạo cao cấp; Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xây dựng lòng tin trong nhân dân; Kiên quyết giải tán các tổ chức đảng cơ sở suy thoái, mất sức chiến đấu; Kiên quyết loại bỏ những phần tử thái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ Đảng.

Bốn là, Kiên quyết đấu tranh chống những thế lực phản động trong nước và quốc tế nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng. Kiên quyết chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng, giữ vững ổn định chính trị;

Năm là, Mở rộng quan hệ quốc tế, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm đời sống hòa bình cho nhân dân.

PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu

28/10/2017 11:2′

(Tạp chí Cộng Sản)

Chủ nghĩa tư bản 'khuyết tật nhưng phát triển'


LeninBản quyền hình ảnhMAXIM MALINOVSKY
Image captionBelarus là nơi vẫn có các triển lãm về Lenin, nhiều năm sau khi hệ thống XHCN sụp đổ
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (1917-2017), Tạp chí Cộng sản ở Việt Nam có bài xác nhận mô hình Liên Xô như đã tồn tại về cơ bản đã bị tiêu diệt.
Cùng lúc, bài của Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng chủ nghĩa Tư bản có "rất nhiều khuyết tật nhưng vẫn tồn tại và phát triển", và đây là một thực tế mà hệ thống chính trị ở Việt Nam cần quan tâm.
Bài cũng nói cả về lý luận và thực tiễn, mô hình chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam "khác nhau".
Cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa hai hệ thống gây ra "chạy đua vũ trang và cuối cùng là góp phần dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống XHCN ở châu Âu nửa cuối thế kỷ XX," bài báo viết.
"Trong cuộc đối đầu "một mất một còn" ấy CNXH hiện thực theo mô hình Xô Viết về cơ bản đã bị tiêu diệt và CNTB với rất nhiều khuyết tật của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển."
Trên thực tế, "sau khi hệ thống CNXH ở châu Âu sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc thì CNTB trở thành "nhân vật chính" của vũ đài thế giới và sự vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay nhìn chung bị chi phối bởi CNTB hiện đại".
Và dù chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô đã tan rã năm 1991, nay bài báo đi tới nhận thức rằng, "hầu như đa số người dân ở các quốc gia này, không muốn quay trở lại xây dựng CNXH theo mô hình như trước đây".
Cách nhận định lịch sử Liên Xô và sự kết thúc của mô hình cộng sản Đông Âu trong bài của TS Nguyễn Linh Khiếu có vẻ khác với đánh giá của TS Tạ Ngọc Tấn.
Phát biểu trên VTV1 gần đây, ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng CSVN, cho rằng "sai lầm của Liên Xô dẫn tới sụp đổ là "đưa một loạt những kẻ cơ hội, đặc biệt là ông Gorbachev lên vị trí cao nhất".
'Hội nhập quốc tế, thực tiễn gần dân, không giáo điều'
Tuần lễ thời trang MoscowBản quyền hình ảnhANADOLU AGENCY
Image captionTuần lễ thời trang Moscow: diện mạo nước Nga ngày nay đã khác xa thời XHCN và "hầu như đa số người dân không muốn quay trở lại xây dựng CNXH theo mô hình như trước đây"
Tiến sỹ Nguyễn Linh Khiếu nêu ra một số nhận xét mang tính định hướng đáng chú ý cho Việt Nam, nhấn mạnh tới thành quả và nhu cầu hội nhập quốc tế tích cực, và ra các chính sách căn cứ vào thực tế, không giáo điều, duy ý chí như một thời gian trước.
Quan điểm này nêu rằng trong bối cảnh này, Việt Nam, do Đảng Cộng sản lãnh đạo "phải ngày càng thực sự trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới; cũng như thực sự trở thành "bạn" của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới".
"Đây chính là một điều kiện "tiên quyết", "bắt buộc" để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa," tác giả viết.
Nhắc lại giai đoạn trước 1986, Tiến sỹ Nguyễn Linh Khiếu cảnh báo:
"Xa rời thực tiễn, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, quan liêu, bất chấp quy luật khách uan là những bài học đắt giá mà Đại hội VI của Đảng ta đã chỉ ra."
"Không xuất phát từ thực tiễn đất nước sẽ ban hành những chỉ thị, nghị quyết không phù hợp với thực tiễn vì vậy sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn."
"Không xuất phát từ thực tiễn khi áp dụng những kinh nghiệm quốc tế thường dập khuôn, máy móc, giáo điều xa lạ đối với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi đó, người dân sẽ không tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước."

Nhiều yếu tố 'cộng sản' ở xã hội tư bản ngày nay

Hàng hóa xứ Wales, Anh QuốcBản quyền hình ảnhMATT CARDY
Image caption"...nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới"
Một điều đáng chú ý nữa là bài báo nhận định rằng tại các xã hội Phương Tây ngày nay, "nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới".
"Đó là thời đại của sự phát triển đỉnh cao của nhân loại. Đó không còn là chủ nghĩa tư bản với đúng nghĩa của nó nữa. Có người gọi đó là xã hội hậu tư bản."
"Thực tiễn cho thấy, trong các nước tư bản phát triển ở đỉnh cao hiện nay đã xuất hiện rất nhiều nhân tố của chủ nghĩa cộng sản như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác dự báo."
Nhưng bài báo không nói bằng cách nào Việt Nam có thể đạt được trình độ phát triển như vậy.
Có vẻ như giải pháp đề ra vẫn là nhấn mạnh vai trò "Đảng lãnh đạo" nhưng kiến nghị Đảng Cộng sản Việt Nam "phải đổi mới toàn diện về tổ chức và phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội".
Đà Nẵng khai trương Trung tâm Báo chí APECBản quyền hình ảnhZING.VN
Image captionViệt Nam thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ: Đà Nẵng vừa khai trương Trung tâm Báo chí APEC để phục vụ hội nghị thượng đỉnh quan trọng bậc nhất tại châu Á hàng năm
Trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, thậm chí cần phải xóa cả một số cơ sở Đảng suy thoái, tác giả kiến nghị:
"Kiên quyết giải tán các tổ chức đảng cơ sở suy thoái, mất sức chiến đấu; Kiên quyết loại bỏ những phần tử thái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ Đảng."
Sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vai trò của các nhà lý luận kiêm tham mưu cao cấp cho lãnh đạo của Đảng này được đề cao.
Điều này cho thấy để giải quyết vấn đề khó khăn, mang tính nội tại của hệ thống chính trị kiểu Trung Quốc, và một phần tương tự là Việt Nam, người ta rất cần lý luận.
Tuy thế, như Giáo sư ĐH Harvard, Niall Ferguson viết trên trang Sunday Times tại Anh hôm 29/10/2017, 'chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc' thực chất chỉ là cách gọi khác đi của 'chủ nghĩa tư bản' do nhà nước quản trị.
Xem thêm về chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô:

Không có nhận xét nào: