Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Biển Đông: Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận với Việt Nam; Vì sao Tập Cận Bình ‘thăm’ Việt Nam ngay sau Đại hội 19?; Biển Đông-Đấu trường Mỹ-Trung





Thu Hằng


mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (t) và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trước cuộc hội đàm tại Hà Nội ngày 02/11/2017.REUTERS/Kham
Ngày 03/11/2017, một quan chức Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Hà Nội đã đạt được một đồng thuận trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông thông qua nhiều cuộc đối thoại hữu nghị. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Vương Nghị vừa đến Hà Nội làm việc với các đồng nhiệm Việt Nam vào tuần này.







Phát biểu trước chuyến công du tham dự thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng của chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong), trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc cho biết các quan chức của hai nước đã có nhiều cuộc thảo luận « sâu sắc, thẳng thắn » về các vấn đề hàng hải và « đã đạt được một thỏa thuận quan trọng » song ông không nêu chi tiết.
Ông cho biết thêm : « Cả hai bên duy trì nguyên tắc tham khảo và đàm phán hữu nghị để cùng quản lý và kiểm soát các tranh chấp hàng hải và bảo vệ hình ảnh phát triển quan hệ Việt-Trung, cũng như ổn định tại Biển Đông ».
Về phía Việt Nam, trong một bản thông cáo ngày 02/11/2017, phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong buổi làm việc với phái đoàn Trung Quốc, ông đã đề nghị với ngoại trưởng Vương Nghị rằng hai nước giải quyết các tranh chấp dựa trên đồng thuận và luật pháp quốc tế.
Sau khi tham dự thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng trong hai ngày 10-11/11, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam và Lào. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong), mục đích chính của chuyến công du là thúc đẩy môi trường mở cửa và hòa nhập để phát triển thương mại và đầu tư trong vùng.
Vì căng thẳng tại Biển Đông, một cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng hai nước được dự kiến vào tháng 08/2017 bên lề một cuộc họp tại Manila, đã bị hủy.
Biển Đông: Trung Quốc hy vọng Mỹ « giúp đỡ, không gây thêm vấn đề »
Hãng tin Reuters cho biết ông Trần Hiểu Đông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẵn sàng và có khả năng tự giải quyết tình hình Biển Đông, ngầm nhắc đến Hoa Kỳ và những chuyến tuần tra của Hải Quân Mỹ trong vùng biển này khiến Bắc Kinh tức giận.
Cũng trong ngày 03/11, phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) hy vọng Hoa Kỳ có thể « giúp đỡ, chứ không gây thêm vấn đề » ở Biển Đông. Ông khẳng định : « Vấn đề tại Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ».




Vietnam – Cali Today news  – Tập Cận Bình “thăm” Việt Nam hai lần chỉ trong vòng 2 năm là một dấu hỏi lớn về quan điểm và cách thức ứng xử của “thiên triều” với giới quan chức Việt luôn bị xem là quá cúi đầu trước ý chỉ phương Bắc.

“Đồng chí Tập Cận Bình” đã đến Việt Nam cuối năm 2015. Ảnh: Người Lao Động
Không chỉ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào hai ngày 10 và 11/11 năm 2017, mà “theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam” – như báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin.

Vào lần trước, “đồng chí Tập Cận Bình” đã đến Việt Nam cuối năm 2015, 4 tháng sau khi Nguyễn Phú Trọng đi Washington gặp Obama và khi trở về, ông Trọng đã rất hể hả và cũng rất thật “mình phải thế nào người ta mới tiếp như thế chứ”.

Còn vào năm 2017, ông Trọng không đi Mỹ mà chỉ đi Campuchia – một quốc gia đang bất ngờ ngả hẳn về Bắc Kinh và gần đây còn đột ngột tuyên bố sẽ “đẩy đuổi” 70.000 người Việt sinh sống tại đất nước này về Việt Nam.

Bàn cờ Việt – Trung – Mỹ mà Việt Nam tưởng như “kiên định đu dây” trước đây chợt có nhiều dấu hiệu bấn loạn vào tháng Bảy năm 2017, khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính.

Đó là một đòn quá đau đối với chóp bu Hà Nội, về kinh tế lẫn thể diện. Ngay trong vùng biển mà luôn tuyên bố là thuộc chủ quyền không tranh cãi của mình, Việt Nam đã không thể khai thác dầu khí mà bị Trung Quốc cho vài trăm tàu vây bọc. Thậm chí Bắc Kinh còn đe dọa sẽ tấn công những căn cứ quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Cuối cùng, giàn khoan của hãng Repsol (Tây Ban Nha) liên doanh với Việt Nam đã phải phủ phục rút lui.

Nhưng cũng từ đó, mối quan hệ “thắm tình hữu nghị Việt – Trung” không còn cơm lành canh ngọt nữa.

Mới đây, Hải quân Việt Nam đã từ chối tham gia một chiến dịch cứu hộ do Trung Quốc chủ trì tổ chức cùng với một số nước ASEAN. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tỏ ra một cách lộ liễu hướng đến và tìm kiếm sự hỗ trợ của Hải quân Hoa Kỳ. Ngay sau biến cố Bãi Tư Chính vào tháng 7/2017, tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – đã di Mỹ và sau đó nhận được hứa hẹn của Mỹ về sẽ điều một tàu sân bay đến thăm Việt Nam vào năm 2018. Sau chuyến đi của tướng Lịch, đến lượt tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam – cũng đi Mỹ. Thậm chí ông Vịnh còn thể hiện tình cảm một cách “ve vãn” với Thượng nghị sĩ John McCain – người phụ trách Ủy ban quân vụ của Quốc hội Mỹ.

Cũng mới đây, báo chí Việt Nam tường thuật về “đối thoại thẳng thắn” tại Hà Nội giữa Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, với Vương Nghị – Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Trong lịch sử quan hệ Việt – Trung, “đối thoại thẳng thắn” thường được dùng vào những lúc “chó mèo cắn nhau”.

Có lẽ Tập Cận Bình – nhân vật vừa được đưa tên vào điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc và còn được nâng lên thành “tư tưởng Tập Cận Bình” như một cách ngang bằng và thậm chí còn soán chỗ “tư tưởng Mao Trạch Đông”, đang cảm thấy tín hiệu xấu về “đồng chí tốt” ở phương Nam.

Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 quậy phá tưng bừng ở Biển Đông vào năm 2014, đến năm 2015 không khí Việt – Trung đã đổi khác. Còn sau vụ Bãi Tư Chính năm 2017, hẳn giới chóp bu Việt càng bội phần nhục nhã không thể nói ra và càng ý thức rõ rệt thân phận của mình nếu phải trở thành “ngựa xe bất quá một cỗ, quân hầu bất quá vài tên” nếu để cho Trung Quốc “nuốt” Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng có thể là một cơ hội cho giới chóp bu Việt đón tiếp người Mỹ, cùng một mục đích không kém quan trọng là Việt Nam phải cố gắng duy trì được số xuất siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ để cân bằng với số phải nhập siêu cũng gần ba chục tỷ USD mỗi năm từ thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, người ta hầu như không còn hoài nghi về vị thế độc tôn tuyệt đối của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Độc tôn quyền lực lại dẫn đến độc trị về Biển Đông theo cách riêng của Trung Quốc. Nguy cơ xung đột vũ trang do Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông là không hề nhỏ trong tương lai trung hạn.

Một lần nữa kể từ năm 2015, Tập Cận Bình “thăm” Việt Nam có lẽ không ngoài ý định lôi kéo “đứa con hoang đàng” – cụm từ xấc xược rất đặc trưng mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã dùng để chỉ Việt Nam – về lại quỹ đạo của Bắc kinh, đồng thời chuyến đi này có ý nghĩa như một sự cân bằng tạm thời với sự hiện diện đang có chiều hướng gia tăng của người Mỹ ở Việt Nam.

Thiền Lâm

(Cali Today news)



Trung Quốc lại sắp làm Biển Đông dậy sóng


mediaẢnh vệ tinh chụp Đảo Cây (Tree Island), quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 12/10/2017.Planet Labs/Handout via REUTERS
Tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên và việc chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 tại Trung Quốc trong những tháng gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới, với hệ quả là vấn đề Biển Đông ít được truyền thông chú ý. Thế nhưng trên hiện trường, Bắc Kinh vẫn tiếp tục công việc xây dựng cơ sở trên những thực thể đã chiếm đóng, với mục tiêu rõ rệt là tăng cường quyền khống chế trên những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cho là của mình. Trong một bài viết đề ngày 31/10/2017, hãng tin Anh Reuters đã cảnh báo : trong một thời gian ngắn sắp tới đây, Bắc Kinh sẽ hung hăng khẳng định trở lại chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.







Ghi nhận đầu tiên của Reuters là việc Trung Quốc vẫn lẳng lặng tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo đá, xây dựng cơ sở tại nhiều nơi trên Biển Đông. chẳng hạn như tại vùng quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là trên Đảo Bắc (North Island) và Đảo Cây (Tree Island) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group).
Bồi đắp Hoàng Sa, sử dụng Trường Sa
Một báo cáo của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ngày 09/08/2017 đã nêu bật một vài công trình mới của Bắc Kinh mà vệ tinh gần đây đã chụp ảnh được.
« Vào tháng 8 năm 2015, hai tháng sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã chấm dứt, ở phía Tây của Đảo Cây chỉ có một lượng nhỏ đất mới tạo. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét một cảng mới và bồi đắp thêm khoảng 25 mẫu đất bổ sung cho hòn đảo (tương đương khoảng 10 héc ta)... Gần đây, Trung Quốc đã hoàn thành một bãi đáp trực thăng mới và lắp đặt cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo với các tua bin gió và hai tấm pa nô điện mặt trời trên Đảo Cây ».
Về đảo Bắc, AMTI xác nhận : « Trong năm 2016, Trung Quốc bắt đầu hoạt động bồi đắp nhằm nối liền Đảo Bắc với Đảo Giữa (Middle Island gần đấy. Tuy nhiên, cầu nối bằng đất giữa hai đảo này đã bị bão Sarika phá hủy vào tháng 10 năm 2016. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp ở phía nam Đảo Bắc và xây dựng một tường chắn bao quanh khoảng 7 mẫu đất mới (tức khoảng 2,8 héc ta) để ngăn xói mòn. Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở mới, trong đó dường như có cả một tòa nhà hành chính lớn nằm trong khu đất mới tạo trên đảo... »
Còn tại vùng quần đảo Trường Sa, một số chuyên gia chờ đợi là trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ bố trí chiến đấu cơ trên những hòn đảo nhân tạo đã có phi đạo (như Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn). Trong khi đó giới chức quân sự khu vực cho biết là Bắc Kinh đã dùng những cơ sở mới để tung lực lượng tuần duyên và hải quân sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á.
Theo bà Bonnie Glaser chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, Bắc Kinh đã xây dựng xong các cơ sở, và cả viên chức dân sự lẫn quân sự Trung Quốc đều nói rõ là khi thời điểm chiến lược chín muồi, họ sẽ tận dụng những cơ sở đó.
Bà Glaser thẩm định: « Tôi cho rằng vấn đề lúc này không còn là liệu Trung Quốc có làm hay không, mà là bao giờ thì họ sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn lợi ích của họ ở Biển Đông, vào một thời điểm do chính họ chọn lựa… »
Biển lặng trước bão tố
Hoạt động tăng cường cơ sở tại Biển Đông của Trung Quốc phản ánh thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông trong nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, được chính ông nêu bật trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản vừa qua, khi ông tuyên bố « Công việc xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông đã tiến triển đều đặn ».
Vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông chắc hẳn sẽ được nêu ra trong chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có chặng ghé Trung Quốc. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Michael Cavey, cho biết là Washington vẫn quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt là căng thẳng nẩy sinh từ các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng tranh chấp, cũng như việc có bên (ám chỉ Trung Quốc) dùng thủ đoạn cưỡng bức để tuyên bố chủ quyền.
Trả lời Reuters, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường (Ren Guoqiang) nói thẳng thừng là những hòn đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc, do đó không thể gọi việc Trung Quốc bồi đắp các đảo đá của mình và xây dựng các cơ sở phòng thủ là hành động triển khai quân sự.
Đối với nhân vật này, tình hình khu vực hiện nay nói chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải cố sức cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Vào ngày 30/10, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, đã lên tiếng yêu cầu Washington không nên « xen » vào nỗ lực của khu vực nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Biển Đông sẽ là đấu trường Mỹ-Trung
Vào đầu tháng 10 vừa qua, trong một diễn văn tại Singapore, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã lên tiếng cho rằng kể cả khi Washington thúc giục Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Lãnh đạo quân sự Mỹ cao cấp nhất trong vùng nói rõ là Washington muốn Bắc Kinh cố gắng nhiều hơn trong việc chấm dứt những hoạt động gây hấn tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố các lợi thế địa lý nhằm áp đặt chủ quyền mặc nhiên trên các vùng biển đảo đang tranh chấp.
Một nghiên cứu mới đây của RAND Corp, một định chế có liên hệ với chính phủ Mỹ, đã đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, và trên bảng xếp hạng những điểm nóng tiềm tàng, đã nâng Biển Đông lên trên Đài Loan và ở ngay dưới bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOPS một cách thường xuyên hơn, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền « quá đáng »của Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng Washington đang cố làm đối trọng với thế thống trị càng lúc càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã nhận định bi quan, cho rằng FONOPS chỉ là chiến thuật chứ không phải là chiến lược, và những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải do Mỹ tiến hành không làm suy suyển chút nào kế hoạch của Trung Quốc về Biển Đông. Theo ông : « Trung Quốc có dấu hiệu đang theo đuổi một chiến lược được suy tính kỹ và dài hạn để giành lấy quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ thì phản ứng bằng những động thái chiến thuật nhất thời ».
Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một chuyên gia về Hải Quân tại Đại Học Thượng Hải, thì lại tố cáo Mỹ là bên gây sự : « Chừng nào mà các nước không cố ý tiến tới và gây nên xung đột, thì mọi việc sẽ ổn... Vấn đề là một số nước, như Mỹ, lại lấn tới và khuấy động mọi sự ».


Trung Quốc nói đạt thỏa thuận kiểm soát tranh chấp Biển Đông với Việt Nam

Trung Quốc xây nhà trên đảo nhân tạo ở đảo Thị Tứ quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc xây nhà trên đảo nhân tạo ở đảo Thị Tứ quần đảo Trường Sa.
 AP Images
Tin về quan hệ Việt- Trung, một quan chức ngoại giao của Trung Quốc vào ngày 3 tháng 11 lên tiếng cho rằng Bắc Kinh và Hà Nội đạt được thỏa thuận về kiểm soát tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông thông qua những cuộc đàm phán hữu hảo.
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, ông Trần Hiểu Đông, cho biết như vừa nêu tại cuộc một họp báo trước chuyến công du của chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam để thăm chính thức cấp nhà nước ở Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.
Theo lời của ông Trần Hiểu Đông thì lãnh đạo của hai quốc gia láng giềng Việt Nam- Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu rộng về các vấn để biển; sau đó hai phía đạt được đồng thuận quan trọng.
Cũng theo lời ông Trần Hiểu Đông thì cả hai phía sẽ tuân thủ nguyên tắc đối thoại và tư vấn thân thiện nhằm quản lý những tranh chấp về lãnh hải, và bảo vệ tòa cảnh lớn hơn trong việc phát triển mối quan hệ Việt- Trung và ổn định tại khu vực Biển Đông.
Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, ra thông cáo cho biết tại cuộc gặp với người tương nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 tháng 11 rằng hai phía giải quyết tranh chấp dựa trên căn bản ý thức chung và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang ngày 3 tháng 11 lên tiếng bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ chứ không tạo nên vấn đề tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Trịnh nói với báo giới như vừa nêu và nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại Biển Đông và vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực này không phải là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nguyên văn lời của ông thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang là Bắc Kinh hy vọng một nước bên ngoài như Hoa Kỳ có thể trồng thêm hoa và loại bớt gai; tức giúp đỡ chứ không gây nên vấn đề cho khu vực Biển Đông.
Phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Trịnh Trạch Giang của Trung Quốc được đưa ra trước chuyến thăm Châu Á của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được bắt đầu từ ngày 4 tháng 11 qua 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Trung Quốc muốn Mỹ ‘không gây rắc rối’ biển Đông trước chuyến đi của Trump


Ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ "giúp đỡ chứ không phải là gây thêm rắc rối" trên biển Đông.
Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể “giúp chứ không gây thêm rắc rối” trên biển Đông đang có nhiều tranh chấp, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Bắc Kinh vào tuần sau, theo ghi nhận của Reuters.
Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên vùng biển này và lo ngại nước này có thể dùng các cơ sở đó để hạn chế việc tự do hàng hải.
Các tàu hải quân của Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông khiến cho Trung Quốc tức giận.
Nói với các phóng viên về chuyến công du châu Á của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói Bắc Kinh có chủ quyền lãnh thổ không thể gây tranh cãi đối với các hòn đảo và vùng lãnh hải bao quanh đó trên biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa. Thực chất của cuộc tranh chấp trên biển Đông là sự lấn chiếm bất hợp pháp của một số nước trên một số hòn đảo và rạn san hô, theo ông Trịnh. Vị thứ trưởng ngoại giao này nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại với các nước có liên quan trực tiếp.
“Vấn đề biển Nam Trung Hoa không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ,” Reuters trích lời ông Trịnh.
“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ, với tư cách là một quốc gia bên ngoài, có thể ‘làm nở thêm hoa và ít gai hơn’ – giúp đỡ chứ không phải là gây thêm rắc rối,” theo lời vị thứ trưởng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ông hy vọng Mỹ có thể có cách nhìn khách quan về những phát triển tích cực trên biển Đông và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở đây.
Theo ông Trịnh, không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải trên biển Đông và Trung Quốc phản đối bất kỳ bên nào sử dụng một lý do nào đó để làm tổn hại đến lợi ích về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành thêm nữa các hoạt động tuần tra lớn trên biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đang là nơi giao thương của lượng hàng hóa giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Không có nhận xét nào: