Trần Quốc Quân
Ngày này cách đây 100 năm, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nổ ra tại nước Nga. Sau đó, trong hơn 40 năm, bằng bạo lực, cuộc cách mạng vô sản từ nước Nga đã lan ra nhuộm đỏ gần nửa phần Trái Đất.
Với khí thế hừng hực theo Lenin và Đảng Bolsheviks tiến hành cách mạng, giai cấp công nhân và nông dân Nga tràn đầy hi vọng được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột để bước lên ngôi vị thống trị.
Nhưng thực tế chế độ xã hội chủ nghĩa xây dựng nên từ chính quyền cướp được bằng bạo lực đã đem lại cho nhân dân cần lao Xô Viết những gì?
Ngày 7/11/1987 nhân dịp kỉ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi một thanh niên đầy nhiệt huyết vừa được đứng dưới lá cờ của đảng đã viết bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành với những lời lẽ đầy sức chiến đấu, ngợi ca thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Liên Xô và chủ nghĩa xã hội thế giới.
Trong bài báo, tôi còn trích dẫn cả lời chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".
Vỡ mộng vì thực trạng Liên Xô
Chưa đầy một năm sau, ngày 21/9/1988 trên đường sang Ba Lan du học, tôi đã quá cảnh tại thủ đô Moskva của Liên Xô.
Quãng thời gian ngắn ngủi ở đây, được tận mắt thấy cái gọi là "thành tựu vĩ đại" mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho đất nước và con người Xô Viết, tôi đã vỡ mộng.
Những ngày này, tôi tận mắt được chứng kiến một Moskva hối hả, lam lũ và trống rỗng.
Cửa hàng bách hóa tổng hợp GUM kiến trúc lộng lẫy xây dựng cuối thế kỉ 19, bên trong gần như trống trơn, đôi chỗ từng đoàn người xếp hàng dài đến tận mặt phố, thậm chí ra cả rìa Quảng trường Đỏ. Họ kiên nhẫn chờ đến lượt, mong mua được cân đường, mét vải, vài bánh xà phòng…
Tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, các nhân viên hàng không và hải quan mặt lạnh như tiền đã trấn lột của bạn tôi từng chiếc áo thêu, từng chiếc kimono khi làm thủ tục bay.
Sau này được tiếp cận các nguồn thông tin mở, tôi mới biết bức tranh toàn cảnh vẽ lên trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga và các nước Cộng hòa Liên bang Xô Viết nửa đầu thế kỉ 20 là không khí khủng bố bao trùm và nạn đói kinh hoàng lan tràn.
Chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng Mười, ngày 17/7/1918 toàn bộ gia đình hoàng tộc Nga gồm Sa hoàng Romanov Nikolai II, hoàng hậu Aleksandra, các công chúa Olga, Tatiana, Maria, Anastasia, và hoàng tử Aleksey 14 tuổi, cùng bốn người tình nguyện theo phục vụ đã bị hành quyết bằng súng lục bắn vào đầu.
Dưới thời cai trị của Stalin, hàng triệu người bị giết hoặc bị chết trong tù.
Từ 19 thành viên của Bộ Chính trị năm 1934, đến năm 1938 chỉ còn lại bảy người tại vị.
Từ 139 Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng năm 1934, sau năm 1941 chỉ còn lại 41 người còn sống.
Trong số 5 nguyên soái Liên Xô đầu tiên, có ba vị bị giết là Tukhachevsky, Blyukher, Yegorov.
Trong số các tướng lĩnh Hồng quân có 13 vị bị giết. Ngay cả Trotsky, lãnh tụ chỉ đứng sau Lenin, can tội chống Stalin không thành bị khai trừ khỏi đảng và trục xuất khỏi Liên Xô.
Năm 1940, tuy đã trốn đến Mexico, Trotsky vẫn chết thảm dưới lưỡi rìu do điệp viên của Stalin bổ vào đầu ngay tại nhà riêng.
Những năm đầu thập niên 1930, phong trào hợp tác hóa đã làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng ngành nông nghiệp, cùng với lệnh trung ương cưỡng bức trưng thu ngũ cốc khiến nạn đói xảy ra khắp lãnh thổ Liên Xô.
Số người chết đói, tại Nga có 5 triệu, tại Ukraine có 3,3 triệu và tại Kazakhstan có 1,3 triệu…
Cách mạng được định nghĩa là tiến trình thay đổi sâu sắc nhằm xóa bỏ cái cũ, thiết lập cái mới tiến bộ hơn. Nếu xét về phương diện thúc đẩy tiến bộ, Cách mạng Tháng Mười Nga về thực chất không đáng được gọi là cách mạng mà chỉ là một cuộc cách mạng mạo danh.
Lạc hậu vẫn hoàn lạc hậu
Trước khi nổ ra Cách mạng Tháng Mười Nga, loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng với bốn hình thái xã hội từ thấp đến cao là chế độ nguyên thủy, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến và chế độ tư bản.
Với tư duy suy luận tưởng như là logic, Marx - Engels - Lenin cho rằng, sau khi trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, loài người ắt phải bước vào hình thái xã hội mới, tiến bộ hơn là chủ nghĩa xã hội với nền tảng kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Nhưng về kinh tế, cuộc "cách mạng" này thực chất là cưỡng đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản và phú nông, tầng lớp có học thức cao, biết kinh doanh để trao vào tay giai cấp công nhân và nông dân, tầng lớp có học vấn thấp, không biết kinh doanh.
Cộng thêm chủ nghĩa thu nhập bình quân nhằm tạo ra hình ảnh giả tạo về bình đẳng xã hội đã triệt tiêu động lực phát triển.
Cùng nước Nga bước vào mùa xuân nhân loại, tiếng là đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển, đang trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản nhưng thực tế, các nước lạc hậu trong đại gia đình Liên bang Xô Viết thu được những gì?
Trước khi Liên Xô tan rã, các nước Cộng hòa vùng Kavkaz như Azerbaijan, Armenia, Gruzia nghèo nhất châu Âu; các nước Cộng hòa vùng Trung Á như Uzbekistan, Turkmenia, Tajikistan, Kirgizia nằm trong top nghèo nhất thế giới.
Thời tuổi trẻ, thế hệ tôi hầu như ai cũng gối đầu lên cuốn Thép đã tôi thế đấy, sách kinh điển của nền văn học Xô Viết để mơ giấc mơ thế giới đại đồng như chàng Pavel Korchagin, để tin vào viễn cảnh tươi sáng mà Cách mạng Tháng Mười Nga hứa đưa nhân loại tới thiên đường hạ giới.
Vậy mà sau khi Liên Xô tan rã, vội vã đặt chân tới nông thôn nước Nga để trải nghiệm những thành quả 75 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tôi chỉ thấy hiện lên trước mắt những con đường đầy ổ gà, những nếp nhà gỗ đìu hiu nép bên bìa rừng, những ánh đèn leo lét sau khung cửa sổ, những nét khắc khổ ngơ ngác trên gương mặt người nông dân.
Trong khung cảnh mùa đông u ám, các nông trang tập thể mang tên "Con đường sáng", "Con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản" hoang tàn, nghèo nàn, trơ trụi.
Cách mạng Tháng Mười Nga giải phóng cho hàng trăm triệu người nhưng lại đặt họ dưới ách cai trị của một hay một nhóm người.
Lại quay về với tư bản
Cách mạng Tháng Mười Nga thực chất là một cuộc bẻ ghi đường tàu, khiến một phần nhân loại rẽ sang đường vòng để hàng chục năm sau phải quay trở lại con đường chung với thế giới, con đường kinh tế thị trường và tư bản chủ nghĩa.
Các nhà lí luận đẻ ra chủ nghĩa Marx - Lenin cho rằng, mâu thuẫn là động lực phát triển, nhưng trong thực tế Liên Xô về chính trị thì thủ tiêu giai cấp, về kinh tế thì thủ tiêu cạnh tranh.
Thế nên nền kinh tế, chính trị, xã hội của Liên Xô thập niên 70, 80 thế kỉ trước đã lâm vào khủng hoảng toàn diện, trầm trọng không lối thoát.
Năm 1991, trong cơn hấp hối của chủ nghĩa xã hội, nước Nga đã vươn mình đứng dậy, thoát khỏi cái vòng kim cô của chủ nghĩa xã hội mà Lenin và Đảng Bolshevich chụp lên đầu dân tộc, để mở ra những cánh cửa mới cho tiến bộ và phát triển.
Kết quả là Liên bang Xô Viết, sinh ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã phải giải thể.
Đến nay, trải qua 26 năm, bằng ý nguyện của nhân dân thể hiện qua lá phiếu, chủ nghĩa xã hội không có mảy may cơ hội quay lại trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ nghĩa xã hội đã bị chính nhân dân Nga vứt vào sọt rác lịch sử.
Sau khi Liên Xô tan rã, ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga hàng năm trở thành ngày chia rẽ dân tộc.
Một phe muốn níu kéo quá khứ "tự hào", giương cao cờ đỏ búa liềm, ảnh Lenin và Stalin diễu hành trên đường phố.
Một phe muốn triệt để xóa bỏ kí ức đau thương. Để tránh hai phe xung đột, tổng thống Yeltsin đã đổi ngày 7/11 thành ngày Đồng lòng và Hòa giải. Năm 2006, tổng thống Putin đã kí sắc lệnh xóa bỏ ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11, chuyển ngày Thống nhất Dân tộc sang ngày 4/11.
Không thể phủ nhận, Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm thay đổi cục diện thế giới trong thế kỉ 20, nhưng đáng tiếc là theo hướng bi thảm.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô đã sụp đổ mà không có cơ hội phục hồi. Phàm cái gì không thực chất sẽ không tồn tại, dù thế lực nào cố tình áp đặt ý định chủ quan.
Giá trị duy nhất mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho loài người - ngoài ý chí của Lenin - là sinh ra chủ nghĩa xã hội làm đối trọng cạnh tranh khiến cho chủ nghĩa tư bản phát triển hơn, nhân văn hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Trần Quốc Quân, hiện sống tại Warsaw, Ba Lan.
Xem thêm cùng chủ đề Chủ nghĩa Cộng sản:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét