VÌ SAO HỌ KHÔNG TRẢ NHÀ 34 HOÀNG DIỆU CHO CỤ TRỊNH
VĂN BÔ?
VỀ NGÔI NHÀ 34 HOÀNG DIỆU
Dương Đức Quảng
Mấy hôm nay, sau khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi, nhiều nhà báo và các bạn viết fb đã có bài về cụ trên báo và trên trang cá nhân bày tỏ sự ngưỡng mộ, tiếc thương và cả sự thông cảm với gia đình cụ xung quanh câu chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, nơi cụ đã ra đi. Nhà báo Quốc Phong đã có một bài khá hay trên báo Thanh Niên kể nhiều chuyện về hai cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, trong đó có chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội này. Một số nhà báo và bạn viết khác, trong đó có người tôi biết khá rõ cũng viết về ngôi nhà này nhưng có những chi tiết chưa thật đúng, thậm chí cho đây là câu chuyện “thâm cung bí sử” ít người biết, "khi nào đó tôi sẽ viết ra"!.
Là một nhà báo có hơn mười năm làm việc tại Văn phòng Chính phủ có điều kiện tiếp cận với các thông tin liên quan đến ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, hôm nay tôi đưa lên fb của tôi một đoạn trong cuốn Hồi ký tôi đang viết dở về cuộc đời làm báo của mình để cung cấp thêm thông tin với bạn đọc về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu này: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất băn khoăn, trăn trở mỗi khi nghĩ đến những người dân đã hiến tài sản của mình cho cách mạng, kháng chiến mà sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước Chính phủ vẫn không có chính sách và một khoản vật chất nào để trả ơn bà con, trong khi nhiều bà con hiện nay cuộc sống rất khó khăn. Thủ tướng nói nhiều bà con ngư dân đã giao cả chiếc thuyền là tài sản lớn của mình cho bộ đội dùng chở quân vượt sông, có bà con người dân tộc ở Tây nguyên hiến cả con voi quý của mình cho bộ đội chở gạo, chở đạn ra mặt trận…Thủ tướng trăn trở về chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, nhà tư sản dân tộc lớn ở Hà Nội, người đã hiến 5.147 lạng vàng cho nhà nước trong Tuần lễ vàng năm 1945 và những năm kháng chiến cũng như việc dành ngôi nhà ở 48 Hàng Ngang để đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Chính tại ngôi nhà này Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, được Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 tuyên bố sự ra đời của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, ông bà Trịnh Văn Bô cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam mượn ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu trong 2 năm để bố trí chỗ ở và làm việc cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng (sau này ông Hoàng Văn Thái là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng); đến năm 1956 theo như Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì sẽ trả lại cho gia đình. Năm 1956 cuộc Tổng tuyển cử đó không diễn ra và năm 1957 miền Bắc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tất cả các ngôi nhà có diện tich trên 100 m2 nếu đang cho thuê hoặc cho mượn đều nằm trong diện cải tạo và đều do nhà nước quản lý. Ngôi biệt thư số 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô nằm trong khuôn viên rộng gần 3.000m2, xây dựng trên diện tích 300m2, diện tích sử dụng hàng trăm m2 bị đưa vào diện cải tạo, bị nhà nước quản lý. Sau năm 1975, lúc này ông bà Trịnh Văn Bô đều đã già yếu, con cháu lại đông đúc nên đã làm đơn gửi các cấp xin lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu.
.
Trong gần 20 năm, qua các thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, các thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, tất cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đều thấy việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô là đúng đạo nghĩa, không có gì còn phải bàn cãi. Thế nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Việc nhà nước tiến hành cải tạo và quản lý ngôi nhà 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô cũng giống như nhà nước đã tiến hành cải tạo và quản lý hàng trăm ngôi nhà khác ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành khác. Tôi có một người bạn thân học cùng từ những năm cấp 2 ở trường Trưng Vương, sau này lại học cùng trường Phổ thông cấp 3B Hà Nội từ đầu những năm 1950 của Thế kỷ trước, bố mẹ bạn cũng cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam mượn ngôi nhà ở phố Phạm Đình Hổ, tương tự như ông bà Trịnh Văn Bô cho mượn ngôi nhà 34 Hoàng Diệu mà cũng không đòi lại được nhà, mặc dù bố mẹ bạn tôi có con trai là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Bởi vì những trường hợp cho mượn nhà rồi các ngôi nhà này sau đó thuộc diện cải tạo và quản lý của nhà nước đã được Quốc hội bàn sôi nổi trong một kỳ họp và trước sự phức tạp của vấn đề Quốc hội đã ra Nghị quyết là nhà nước không xem xét lại các trường hợp đã tiến hành cải tạo nhà đất trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trước đây, coi đây là một vấn đề thuộc về lịch sử đã qua, không có “hồi tố” ! Và thế là việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô “dùng dằng” mãi mặc dù đã có ý kiến ở cấp cao nhất mà vẫn không giải quyết được, đến cả khi ông Trịnh Văn Bô qua đời năm 1988.
Trong thời gian làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí VPCP, tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lê Xuân Trinh cho phép có mặt trong các cuộc họp của Chính phủ và Thường trực Chính phủ để nắm thông tin phục vụ Thủ tướng và Bộ trưởng trong lĩnh vực hoạt động báo chí nên biết được nhiều thông tin về hoạt động của Chính phủ và sự điều hành của Thủ tướng. Một hôm, vào khoảng đầu tháng 8-1994, trước khi bước vào phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Phó Thủ tướng Phan Văn Khải:
- Anh Đỗ Mười và tôi vừa thống nhất ý kiến giao lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình ông Trịnh Văn Bô. Ngôi nhà này anh Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn), anh Năm (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh), anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trước đây, sau này cả anh Mười Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), anh Bảy (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng), anh Mười (Tổng Bí thư Đỗ Mười) và tôi đều đồng ý. Anh thay mặt tôi ký Quyết định trao lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô.
Phó Thủ tướng Phan Văn Khải nói:
-Việc này quá phức tạp, đề nghị Thủ tướng ký.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc lại:
-Anh Mười và tôi đã thống nhất rồi. Anh phụ trách lĩnh vực này anh ký.
Nhắc đến ông Đỗ Mười trong chuyện này tôi không thể không viết thêm về việc khi ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cả sau này khi ông làm Tổng Bí thư ông đã nhiều lần gặp và đích thân dẫn bà Trịnh Văn Bô đi xem nhiều ngôi nhà trong thành phố và cả ở các khu đô thị mới, vận động, thuyết phục bà nhận một trong những ngôi nhà do Chính phủ và Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý thay cho ngôi nhà 34 Hoàng Diệu nhưng đều bị bà từ chối. Lần này ông thống nhất với ông Võ Văn Kiệt ra quyết định giao nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô.
Các chuyên viên ở VPCP biết rõ việc trao trả lại ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô rất phức tạp. Như trên đã viết, ngôi nhà này vốn là nhà ông bà Trịnh Văn Bô cho Bộ Tổng Tham mưu mượn từ năm 1954 để bố trí cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng (sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) ở và làm việc. Sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái mất ngôi nhà này tiếp tục do Bộ Quốc phòng quản lý. Hơn nữa, trả lại ngôi nhà này cho gia đình bà Trịnh Văn Bô sẽ đụng tới hàng trăm ngôi nhà khác thuộc diện giống như ngôi nhà này ở Hà Nội, không kể ở các tỉnh thành thuộc diện nhà nước quản lý sau cuộc cải tạo nhà đất trước đây. Vì thế làm sao cho quyết định của Thủ tướng trả lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô không "đẻ số", không để chủ các ngôi nhà khác ở vào trường hợp tương tự kiến nghị Chính phủ xem xét để trả lại nhà cho họ như đã trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô là cả một vấn đề không đơn giản. Một “sáng kiến” lóe lên trong đầu các chuyên viên VPCP là dùng chính ngôi nhà của bà Trịnh Văn Bô làm “quà tặng của Chính phủ” để tặng cho bà vì ông bà đã có công lao to lớn, hiến 5.147 lạng vàng và ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho cách mạng và kháng chiến, mới có thể giải quyết được khó khăn này. Đề xuất trên đây của VPCP được Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận và ngày 9-9-1994 Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định trả lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô theo phương án trên.
Sau khi có quyết định này, một số sĩ quan Quân đội còn ởi trong ngôi nhà này đã có đơn thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước phản đối quyết định của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau đó tôi được biết, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đã đưa việc này ra một cuộc họp của Bộ Chính trị, cho rằng quyết định trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô của Thủ tướng Chính phủ là trài với Nghị quyết của Quốc hội. Có vị đặt câu hỏi” Chính phủ đã có quà tặng gì để trả ơn những bà mẹ đã có chồng và 8, 9 người con hy sinh trong kháng chiến? Xương máu quý hay vàng bạc quý mà Chính phủ xử lý như vậy?
Sau đó Bộ Chính trị yêu cầu Thủ tướng ra quyết định ngừng thi hành quyết định trả ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô. Một thời gian sau ngôi nhà 34 Hoàng Diệu được Quân đội bàn giao về cho Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý. Chính trong thời điểm “nhập nhoạng” bàn giao, anh Trịnh Cần Chính và mấy người con khác của ông bà Trịnh Văn Bô đã đưa mẹ mình vào ở ngôi nhà này, căng một biểu ngữ rất lớn từ tầng ba thả xuống tầng một nhìn ra đường Hoàng Diệu “cám ơn Đảng và Chính phủ” đã trả lại ngôi nhà này cho gia đình. Việc bà Trịnh Văn Bô và các con vào ở ngôi nhà này được cho là “bất hợp pháp” vì ngôi nhà vẫn do nhà nước quản lý. Ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi đó cùng nhiều vị lãnh đạo khác cũng đã đến ngôi nhà này vận động và thuyết phục bà Trịnh Văn Bô nhận một ngôi nhà khác, giao lại ngôi nhà này cho nhà nước quản lý. Song bà Trịnh Văn Bô không chấp thuận. Đã có lúc có người đề xuất cắt điện, cắt nước ở ngôi nhà này như một biện pháp buộc bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng các con phải rời khỏi ngôi nhà đang ở! Từ đó đến nay bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng các con vẫn ở ngôi nhà này cho đến ngày 5-11- 2017, bà qua đời tại đây, thọ 104 tuổi.
Công lao của ông Trịnh Văn Bô, nhà tư sản dân tộc yêu nước, người đã hiến phần lớn tài sản cho cách mạng từ ngày đầu cách mạng thành công, trong đó có 5.147 lạng vàng và ngôi nhà 48 Hàng Ngang, người từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tin cậy và quý trọng, người đã được tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất, cùng vợ mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ, xứng đáng được mọi người ghi nhớ.
Còn ngôi nhà này, cho đến thời điểm hiện nay, nói theo ngôn ngữ bình dân, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô vẫn chưa có “Sổ Đỏ”!
_______________
Ông Dương Đức Quảng cho hỏi một câu: Vì sao Ông Dương Trung Quốc lại đòi được nhà 27 Hàng Đường, Hà Nội?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét