Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

GS. Đặng Hùng Võ: "Đặc khu kinh tế mà phải theo luật chung là tư tưởng hẹp hòi"

Vũ Long - 11:02, 16/11/2017

TheLEADERNguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc giao đất cho các nhà đầu tư trong đặc khu kinh tế với chu kỳ dài hơn sẽ làm cho đặc khu có nhiều bất động sản có giá trị trên thế giới nhiều hơn.

GS. Đặng Hùng Võ: "Đặc khu kinh tế mà phải theo luật chung là tư tưởng hẹp hòi"
GS Đặng Hùng Võ: "Tôi cho rằng, 99 năm hay thậm chí là hơn nữa thì cũng không ảnh hưởng gì".
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội bàn thảo quy định một số chính sách ưu đãi liên quan tới đất đai, tài sản gắn liền với đất, trong đó đáng chú ý là thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại các đặc khu kinh tế có thể kéo dài tới 99 năm.
Phương án giao đất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. TheLEADER đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.
Gần đây có ý kiến cho rằng dự thảo giao đất kéo dài tới 99 năm nên được điều chỉnh do nó làm ảnh hưởng đến mặt bằng chung và gây tổn hại đối với Nhà nước. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, 99 năm hay thậm chí là hơn nữa thì cũng không ảnh hưởng gì. Thời hạn sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh chỉ là mốc xác định quyền của các chủ đầu tư là đến vậy, còn việc vượt quá thời hạn còn phải có sự chấp thuận và đồng ý từ cơ quan quản lý.
Khi một dự án đầu tư hết thời hạn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đề xuất việc gia hạn, có thể là xin thêm vài năm để bổ sung vốn đầy tư nâng cấp hoặc cũng có thể là xin đầu tư một chu kỳ mới.
Trên thực tế, đa số dự án đều được gia hạn. Không có chuyện một dự án đầu tư đang là một khu công nghiệp, khi hết chu kỳ 50 năm lại bị Nhà nước thu hồi về cho mục đích khác. Chắc chắn là không có Nhà nước nào làm như vậy.
Một khi đất đã là khu công nghiệp thì chỉ đến khi nào nó không mang lại hiệu quả hoặc nhà đầu tư đề nghị thay đổi thì mới có sự thay đổi. Còn nếu đang là khu công nghiệp và có tính hiệu quả thì nó sẽ tiếp tục là khu công nghiệp. Khi hết một chu kỳ đầu tư, nếu chủ đầu tư đề nghị và việc kinh doanh không gây ra sự tổn hại gì thì sẽ được tiếp tục kéo dài và được Nhà nước gia hạn.
Vậy thì việc gia hạn hai chu kỳ 50 năm với mức 100 năm không có gì khác nhau. Việc đưa ra con số 99 năm là giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn và tôi nghĩ rằng điều này không ảnh hưởng gì đến sự bất bình đẳng hay cái gì quá đáng. Đây có thể coi là hình thức đơn giản hóa của việc gia hạn của dự án đầu tư.
Nếu trước đây nhà đầu tư cần hai chu kỳ thì giờ chỉ cần một. Khi có chu kỳ dài hơn, nhà đầu tư có nhiều khả năng đổ tiền vào những công trình có tính vĩnh cửu hơn, làm cho đặc khu của chúng ta có nhiều bất động sản có giá trị trên thế giới nhiều hơn.
Đây là chuyện bình thường, chúng ta đừng nên tự mình phức tạp hóa câu chuyện mà nên nghĩ theo cách đơn giản.
Nếu ba đặc khu kinh tế được trao một cơ chế đặc thù riêng thì nhiều khả năng sẽ phải sửa đổi Luật đất đai. Bên cạnh đó, nếu các địa phương khác cũng đòi hỏi con số 99 năm thì liệu Nhà nước có quản lý nổi không, thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Các địa phương khác không thể đòi được bởi vì đây là đặc khu. Nếu muốn đòi, các chỗ khác hãy phấn đấu trở thành một đặc khu.
Đối với đặc khu kinh tế, những chính sách và luật lệ được quy định rõ trong luật riêng về đặc khu.
Tôi thấy ý kiến của Chủ tịch Quốc hội vừa rồi nói rất đúng bởi luật của đặc khu kinh tế chỉ cần không vi phạm Hiến pháp còn việc ngược lại với các luật khác là điều cho phép. Có như vậy thì nó mới là đặc khu, chứ không thì gọi gì là đặc khu.
Đặc khu kinh tế mà cũng phải theo khung pháp luật chung thì đấy là một tư tưởng có thể nói là hẹp hòi.
Nếu dự thảo này được đi vào thực tế thì ông có dự báo gì về tầm ảnh hưởng của nó đối với sức hút đầu tư vào các đặc khu Việt Nam hiện nay?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho là sức hút sẽ lớn hơn với nhiều nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp. Tôi thậm chí còn đề nghị những chính sách đất đai cởi mở hơn nữa chứ không dừng lại ở 99 năm. Có nhiều thay đổi cởi mở hơn là cơ sở để chúng ta so sánh. Nếu chính sách như vậy thì sẽ thúc đẩy đầu tư đến đâu so với mức mà chúng ta đang áp dụng hay việc áp dụng các chính sách đất đai dưới dạng là quyền sử dụng đất với các thời hạn khác nhau thì loại nào mang lại kết quả khả quan hơn.
Ví dụ như sau 10 năm, chúng ta sẽ thấy được lí do gì làm cho nó phát triển như vậy hoặc lí do gì làm cho nó kém phát triển như vậy. Chúng ta sẽ có được tổng kết và sự điều chỉnh.
Tôi tin rằng, nếu có sự điều chỉnh phù hợp và kịp thời thì chúng ta sẽ xây dựng được ba đặc khu là những điểm khuyến khích đầu tư rất tốt và trở thành những cầu nối giữa kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới.
Ngoài vấn đề thời hạn giao đất, theo ông, còn bất cập nào đáng lưu ý trong pháp luật về đất đai hiện nay?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng chính sách đất đai hiện có hai nhược điểm chính.
Thứ nhất, chúng ta chưa lồng được quyền tài sản theo pháp luật dân sự vào trong đất đai. Lồng vào đâu cũng vướng. Đất đai là một chuyện còn quyền sử dụng đất lại là chuyện khác. Cả hai vấn đề này đều không gắn vào được với quyền tài sản. Điều này tạo ra cho chủ sử dụng đất cảm giác rằng vẫn thiếu một điều gì đó để có thể tự tin đất này thuộc tài sản của mình.
Thứ hai, Nhà nước hiện vẫn can thiệp quá sâu bằng những cách thức quá mạnh và thậm chí là can thiệp trực tiếp vào thị trường đất đai. Điều này làm cho thị trường bị méo mó chỗ này hay chỗ khác.
Việc thị trường quyết định điều phối đất đai nhằm đáp ứng quá trình đầu tư thì sẽ tốt hơn. Và đặc biệt, tham nhũng trong quản lý đất đai phải được xóa bỏ hoàn toàn thì thị trường bất động sản mới mang lại hiệu quả cao.
Xin chân thành cảm ơn ông! 

Không có nhận xét nào: