LTS: Bài viết này của ông Bùi Đức Lại viết về Cách mạng tháng 10 Nga và phân tích nguyên nhân sâu xa về sự sụp đổ của “thành trì XHCN” ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trong bài có nhiều quan điểm gây tranh cãi, nhưng trên tinh thần đa chiều và để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được giới thiệu cùng quý độc giả bài viết này.
______
Bùi Đức Lại
9-11-2017
Cuộc cách mạng gọi là “long trời lở đất” này thực sự đã làm xáo động số phận toàn nhân loại trong thế kỷ thứ hai mươi. Đã có lúc nó được đăt tên chính thức là Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Bây giờ thì nó mang lại cái tên cũ, cái tên đã có điều trớ trêu là nó xẩy ra vào tháng mười một, nhưng lại gọi là Cách mạng Tháng Mười. Âu nó cũng là một điềm báo về sự bất toàn của nó trong tương lai.
Chế độ và nhà nước Xô Viết, con đẻ của CMT10 đã chết một cái chết tự nhiên, sau hơn bẩy mươi năm tồn tại. Nhưng vẫn còn tồn tại vài đứa con tự nhận có huyết thống xa gần với nó, kể cả những đứa con lạc loài đã chết hoặc đang ngắc ngoải. Sáu mươi năm trước, người Nga đã tin và làm cho một phần nhân loại tin rằng, cuộc cách mạng của họ đã làm thay đổi số phận loài người và nước Nga đang mấp mé bước vào chủ nghĩa cộng sản “mùa xuân của nhân loại” cùng với sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản, chế độ người bóc lột người cuối cùng.
Lịch sử đã không phát triển theo hướng đó. Dù rằng cái chết của chủ nghĩa xã hội hiên thực không ai có thể phủ nhận được, nhưng những ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội và bà mẹ của nó – Cách mạng tháng 10 – và về chủ nghĩa xã hội nói chung, vẫn tiếp tục tồn tại.
Những lời nguyền rủa nó tăng lên cả về cường độ lẫn về giọng điệu, xem nó là tội ác, mở đầu cho nhiều tội ác hệ quả diễn ra trên quy mô thế giới.
Một số tiếp tục khẳng định nó là một cuộc cách mạng vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, sự thất bại của Liên Xô chỉ là thất bại của một mô hình cụ thể, do sự tấn công của kẻ thù, do những sai lầm chủ quan và sự bội phản của những kẻ đứng đầu chế độ.
Điều đáng quan tâm ở đây là, ở chỗ cùng với cách nói như vậy, người ta có vẻ vẫn hứa hẹn một chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa khác – tương lai của loài người, thậm chí làm như đã tìm ra cái đó. Chắc chắn họ không dám nhận chủ nghĩa xã hội là mô hình Triều Tiên, vì như vậy thì nhục mạ quá đối với lương tri thông thường.
Những người thích đại ngôn trong Hội đồng lý luận chắc cũng chưa dám nhận chủ nghĩa xã hội đó là mô hình Việt Nam, vì còn đang loay hoay mô tả nó – dù là phác thảo vài nét sơ bộ – mà thật ra chưa hình dung ra nó là cái gì cho giống với Mác-Lê nin và còn không biết một trăm năm nữa, nó có hình thành hay không ở Việt Nam.
Chỉ còn người Trung Hoa can đảm đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, gần đây được đại hội đảng của họ cụ thể hóa thêm bằng tư tưởng Tập Cận Bình. Cái mô hình này giống với giấc mơ về một nước Trung Hoa thống trị thế giới hơn là một cái gì có thể gọi cố gượng tên là xã hội chủ nghĩa.
Việc đánh giá Cách mạng Tháng Mười phải gắn với nhìn nhận bản chất của chủ nghĩa xã hội đã tồn tại ở Liên Xô và các nước trong “phe xã hội chủ nghĩa” gồm cả Trung Hoa thời đó (dù nước này không thừa nhận tư cách thành viên của phe vào những năm sau này).
Để làm được việc đó, cần tránh thói điêu toa hay mắc:
– Những ai ghét nó thì gán cho nó tất cả những khuyết nhược điểm, những tội ác, những lỗi lầm, xem như đó là vấn đề của riêng nó, mà phần còn lại của nhân loại chưa hề mắc phải cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
– Những ai muốn tìm cách bênh vực nó thì chọn loc ra những lời lẽ tốt đẹp nhất mà nó nêu ra trong cương lĩnh của mình (phần nào thực hiện được trong thực tiễn, trong những thời kỳ nhất định), và khẳng định sự tốt đẹp của nó, rằng nó sẽ vẫn là tương lai của loài người.
Sự “ăn gian hiển nhiên” này vẫn nhan nhản trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng. Nó lấn át các cuộc thảo luận đích thực, thay vào đó bằng những cuộc cãi vả, khiến người ta càng xa rời hơn bức tranh hiện thực, chẳng góp ích gì trong việc nhìn về tương lai.
Tôi muốn trình bày một số điều mình nghĩ ngợi xung quanh các vấn đề này.
1- Học thuyết của Mác có những điểm hôm nay bị phê phán là không tưởng, viển vông (và cuối đời mình, Mác và Ang ghen cũng thừa nhận), có một luận đề rất quan trọng về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong việc xóa bỏ chế độ tư bản, chế độ người bóc lột người cuối cùng trong lịch sử, thiết lập chủ nghĩa cộng sản.
Giai cấp công nhân Châu Âu, trong tình trạng khốn khó của nó suốt từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời cho đến giữa thế kỷ thứ 20, đã tìm thấy ở đây điều nó muốn tìm, để chuyển từ giai cấp tự nó sang giai cấp vì nó – theo cách diễn đạt bóng bẩy quen thuộc. Từ đó dẫn tới sự ra đời của các đảng công nhân, các tổ chức quốc tế của chúng và cuộc chiến đấu thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên quy mô thế giới (ít ra là ở châu Âu).
Thực tế phong trào công nhân bị đàn áp đẫm máu trong suốt thế kỷ 19, khiến người ta tin rằng không thể tránh được việc sử dụng bạo lực cách mạng – chuyên chính vô sản để tước đoạt quyền tư hữu tư liệu sản xuất và công hữu hóa nó – nguyên lý cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa xã hội.
Mác không bao giờ thừa nhận rằng chủ nghĩa cộng sản (mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội) có thể thắng lợi ở các nước chưa phát triển tư bản chủ nghĩa, chưa có một giai cấp vô sản đại công nghiệp. Nói khác đối với những nước nông nghiệp, chưa phát triển công nghiệp như Nga, Trung Hoa, Việt Nam… không đặt ra vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bước đường phát triển “tự nhiên” của các nước đó đương nhiên là chủ nghĩa tư bản.
Số phận của giai cấp vô sản càng bi đát hơn trong Đại chiến thế giới 1. Việc họ phải cầm súng đứng trên hai chiến tuyến, bắn vào nhau đã làm phá sản tư tưởng về một cuộc cách mạng toàn thế giới của giai cấp vô sản.
Trong các nước tham chiến thì nước Nga của Nga hoàng là nước rệu rã nhất vì những yếu kém vốn có của một nước kém phát triển, cộng với tình trạng bị giằng xé bởi những mâu thuẫn trong và ngoài nước. Các thế lực (chống chế độ Nga hoàng) nhìn thấy cơ hội lật đổ chế độ này, đưa nước Nga sang giai đoạn phát triển mới.
Con đường thông thường mà nước Nga có thể đi là cuộc cách mạng tư sản lật đổ Nga hoàng và tiến hành công nghiệp hóa nước Nga, như ở nhiều nước châu Âu khác. Nhưng trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga lúc đó, giai cấp tư sản đã yếu, lại không biết làm sao thoát ra khỏi cuộc chiến, trong khi vô sản và những người nhân danh họ thì đã được tôi luyện và trưởng thành nhiều năm trong các tổ chức của phong trào công nhân châu Âu.
Lênin và các đồng chí của ông đã nhìn thấy cơ hội giành lấy chính quyền, và sẵn sàng chấp nhận những giá rất đắt để làm việc này, mà Hòa ước Brest Litovsk với Đức là bằng chứng.
Lênin và những người cùng cánh đương nhiên là muốn sử dụng ngọn cờ cộng sản do Mác khai sáng và những khẩu hiệu chính trị của phong trào công nhân châu Âu mà các ông là thành viên tích cực trong nhiều năm. Ông tìm cách chứng minh rằng, Nga dù rằng chưa phải là môt nước tư bản phát triển, nhưng chính là nước sẵn sàng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bằng những lý luận về sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, bằng việc cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành thắng lợi ở khâu yếu nhất, không nhất thiết phải là những nước tư bản phát triển.
Chiếc áo mà ông cắt từ những mảnh vải của Mác và của ông thích hợp với nước Nga vào thời điểm đó (hoặc nói đúng hơn, hợp với mục tiêu của Lênin và các đồng chí của ông), đáp ứng đúng tâm trạng của đa số vô sản và lao động nghèo khổ của nước Nga đang kiệt quệ vì chiến tranh. Ông đã giành được chính quyền từ tay chính phủ Kerenski yếu đuối và bất lực. Vì ông đưa ra được khẩu hiệu chính trị đáp ứng tâm trạng tức thời của nhân dân Nga và khát vọng từ ngàn xưa của nhân loại về một xã hội bình đằng, không có bóc lột người. Nước Nga của vô sản và những người nghèo chấp nhận những hy sinh to lớn đi theo những người bôn-sê-vich trong cuộc đấu tranh này.
Và những người trí thức có lương tri, những trực tiếp chứng kiến bộ mặt man rợ của thế giới tư bản thế kỷ 19 và chán ghét nó đến tận cổ, cũng nhìn thấy ở đây niềm hy vọng giải phóng cho nhân loại cần lao. Họ ủng hộ cuộc đấu tranh này, dù không ít người dự cảm rằng, chính nó có thể làm tổn thương lý tưởng tự do.
Tất cả những điều đó làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười.
Sau những trải nghiệm đầu tiên về một chính sách cộng sản thời chiến bạo liệt (nói chung chế độ nào, không riêng gì chế độ cộng sản của Lênin, trong chiến tranh nguy cấp cũng thực hành một chính sách tương tự như vậy) và những trải nghiệm khác thì Lênin đưa ra NEP.
NEP không hề là giải pháp tình thế mà là những chính sách nghiêm túc khởi đầu công nghiệp hóa nước Nga theo con đường phát triển chủ nghĩa tư bản, trước khi muốn chuyển qua một giai đoạn phát triển khác.
Nhưng nếu đi theo đường đó thì cũng có nghĩa là xóa bỏ tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền, phản bội lại tất cả những gì đã làm nên sức mạnh của cách mạng, và đảng cộng sản sẽ đơn giản trở thành chính đảng cầm quyền theo hình mẫu mà chính nó từng nguyền rủa. Đó là điều không chỉ Stalin mà tất cả những người bôn-sê-vich không thể chấp nhận.
Nước Nga tiến vào con đường đồng thời thực hiện hai cuộc cách mạng gộp lại trong cùng một thời gian, công nghiệp hóa lần thứ nhất và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đặc điểm này sẽ quán xuyến toàn bộ tính chất nền chính trị và đời sống xã hội Nga dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản từ thời Stalin nắm quyền cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
2- Tích lũy ban đầu là điều kiện không thể thiếu để công nghiệp hóa. Đó luôn luôn là một thời kỳ lịch sử đẫm máu và nước mắt của thợ thuyền, của nông dân, của các dân tộc thuộc địa… Những tội ác kinh hoàng của thời kỳ này vẫn in đậm trong ký ức nhân loại, dù nhiều thế kỷ đã trôi qua. Nước Nga công nghiệp hóa (trong vòng vây của thế giới tư bản, không có thuộc địa trên danh nghĩa), do nhà nước trực tiếp thực hiện, nhưng cũng không thể không có tích lũy ban đầu.
Nó không có con đường nào khác là phải khai thác (bóc lột) lao động trong nước, nông dân, công nhân, tước đoạt của cải của các tầng lớp hữu sản, khai thác tài nguyên… Và muốn thực hiện những điều đó thì không tránh được những chính sách hà khắc của nhà cầm quyền, đặc biệt với giai cấp hữu sản, kể cả nông dân. Xét trên phương diện lịch sử, những biện pháp đó tương đương con đường tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản, dưới một cái tên gọi khác. Người ta tin và bộ máy tuyên truyền làm cho người ta tin thêm rằng, tất cả những cái ác đó (nhân danh chuyên chính vô sản) là cần thiết cho sự ra đời của nhà nươc công nông, cho bước đột phá vào tương lai, đúng theo khẩu hiệu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” ở dạng trần trụi nhất.
Thêm nữa, vị thế của công nông đã được nâng cao, đời sống vật chất của họ được cải thiện nhiều so với chế độ Nga hoàng, chỗ đứng của nước Nga trong thế giới đã động viên mạnh mẽ khí thế toàn xã hội. Đó chính là cơ sở để xã hội chấp nhận chế độ chuyên chế để áp đặt, chấp nhận một sự tập quyền cao độ về chính trị, thậm chí chấp nhận cả những thủ đoạn tàn ác của nhà cầm quyền. Chính sự chấp nhận (và cam chịu) đó, làm cho chế độ độc đoán càng đắc thắng, chà đạp lên cả những nguyên tắc sinh hoạt dân chủ của đảng cộng sản, làm cho mầm ung thư trong cơ thể chế độ có điều kiện phát tác triển nhanh chóng, hủy hoại chế độ.
Chế độ chính trị độc đoán là anh em sinh đôi của nền kinh tế công hữu, kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, biến toàn bộ lao động xã hội thành người làm thuê của “nhà nước”.
Về mặt đối ngoại để có thể sống sót trong vòng vây của thế giới tư bản, nhà nước đó sẽ chắc chắn không từ chối các biện pháp, kể cả việc thỏa hiệp tạm thời với thế lực thù địch này để tập trung chống thế lực thù địch khác, để ngăn chặn nguy cơ các thế lực đó liên minh với nhau. Để thực hiện được chính sách đó, nó không từ dẫm đạp lên lợi ích của dân tộc khác. Chính sách của nhà nước Xô Viết đối với Đức và Ba Lan trước Đại chiến thế giới lần thứ hai là một ví dụ.
Để công nghiệp hóa nước Nga trong chế độ xã hội chủ nghĩa Xô Viết, trong những điều kiện cụ thể của đầu thế kỷ 20, nước Nga không có con đường nào khác.
Để làm được điều đó thì nước Nga cần một người cầm đầu sắt đá, độc đoán và quyền biến. Con người đó là Stalin. Về phương diện cá nhân, Stalin phải chịu trách nhiệm về những tội ác phạm phải, nhất là sự tàn bạo do việc lạm dụng quyền lực, nhưng xét về phương diện lịch sử thì ông là nhân vật lịch sử cần có. Đó là tính hai mặt của nhân vật này, cũng là tính hai mặt của chủ nghĩa xã hội Xô Viết, chủ nghĩa xã hội hiện thực duy nhất mà loài người biết đến.
Có thể nói rằng những tội ác của quá trình công nghiệp hóa trong thế giới tư bản không nhỏ hơn, nếu không phải là lớn hơn những gì mà nhà nước Xô Viết đã phạm phải. Cái khác là trong thế giới tư bản tội ác đó được “chia nhỏ” cho nhiều địa chỉ cụ thể, nhiều khi tội phạm không có danh tính. Còn ở nước Nga thì nó được tập trung cho nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và người đứng đầu là Stalin.
Nước Nga đã công nghiệp hóa thành công trong một thời kỳ lịch sử tương đối ngắn. Đó là điều rõ như ban ngày, không cần phải chứng minh. Công nghiệp Nga đã sản xuất ra tất cả những gì mình cần để sống và làm chiến tranh thắng lợi với những thế lực hùng mạnh và hung hãn nhất của chủ nghĩa tư bản thế kỷ 20. Đó là một thành tích kỳ diệu, có lẽ chưa hề có trong lịch sử. Thành tích càng kỳ diệu thì cái giá phải trả lại càng đắt, như lịch sử sau này chứng minh, nhưng có lẽ không đắt hơn giá công nghiệp hóa ở các nước tư bản trong những thế kỷ trước.
3- Stalin cũng đã thành công trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đúng thiết kế của mình. Chế độ đó đã sống nhiều thập kỷ, đã đương đầu ngang cơ với những lực lượng thù địch với nó trong nước và trên bình diện quốc tế, đã từng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều dân tộc, nhất là những nước thuộc địa. Nhưng vấn đề là ngay từ trong cấu trúc của nó, chế độ đã mang mầm mống của căn bệnh ung thư chết người. Mầm bệnh đã lớn lên cùng với chế độ để cuối cùng giết chết chế độ.
Chế độ cần có quyền lực tuyệt đối tập trung để hình thành và tự bảo vệ. Nhưng quyền lực tuyệt đối tất yếu dẫn tới tha hóa, làm tiêu vong mọi động lực phát triển, triệt tiêu mọi sự phê bình, mọi sáng kiến, biến tất cả những con người trong chế độ thành những chiếc đinh ốc thụ động của bộ máy xơ cứng, do một nhúm người, thậm chí một cá nhân nắm quyền vận hành, điều khiển.
Không thấy vấn đề nằm ở chế độ, đổ thừa tất cả cho sai lầm của người lãnh đạo, không chịu sửa đổi những điểm yếu chết người, không dám động chạm đến cấu trúc của chế độ mà cứ loay hoay trong những giải pháp vụn vặt, cụ thể, khiến tất cả những người lãnh đạo Xô Viết sau Stalin (Khơ rút sốp, Brê giơ nhep, Andropop. Goocbachop…) đều thất bại trong mưu toan cứu vãn nó. Cỗ xe cứ điên cuồng lao dốc đến khi vỡ tung ra, vào thời điểm mà cả một số đối thủ của nó chưa sẵn sàng, thậm chí không mong muốn.
Chủ nghĩa xã hội, nếu không phải là không tưởng thì cho đến nay chỉ có một hình thức tồn tại duy nhất trong hiên thực, đó là chủ nghĩa xã hội Xô Viết do Stalin dựng lên và được những nhà lý luận Xô Viết cụ thể hóa, nhân danh chủ nghĩa Mác, được xây dựng thành lý luận hoàn chỉnh ở Liên Xô, được các Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản và công nhân nêu thành quy luật, là sách giáo khoa trong tất cả các trường đảng các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây. Đó là chế độ xã hội với nền kinh tế công hữu vận hành theo cơ chế chỉ huy tập trung thông qua những kế hoạch năm năm (và do đó đương nhiên không thừa nhận tư hữu tư liệu sản xuất, kể cả đất đai, không chấp nhận kinh tế cá thể, không thừa nhận thị trường), đó là thực hiện chuyên chính vô sản, nhân danh nó đàn áp mọi thế lực, cá nhân, tư tưởng trái với ý chí của người cầm quyền đã được đảng biến thành nghị quyết.
Chưa từng tồn tại ở đâu một chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực nào ngoài chủ nghĩa xã hội đó. Điều này là sự thật.
Các nước xã hội dân chủ chưa khi nào tự nhận mình là xã hội chủ nghĩa cả.
Cái mà hôm nay người ta thực hiện ở Trung Hoa, ở Việt Nam (kinh tế nhiều thành phần, trong đó thành phần tư nhân ngày càng có vị trí quyết định, cơ chế thị trường) không phải là xã hội chủ nghĩa, theo đúng những gì mà chính Mác – Lênin và toàn bộ học thuyết về chủ nghĩa xã hội khẳng định. Nó là thứ do những người ở đó tự sáng tạo ra cho mình, chẳng được ai thừa nhận ngoài chính họ, cũng chẳng liên hệ gì đến học thuyết của Mác, Lê nin cả. Giả thử Mác và Lê nin sống lại thì các ông sẽ nói: Các ngài muốn xây dựng chế độ gì là thuộc quyền các ngài, nhưng đó không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa) mà chúng tôi quan niệm, nó không phải con đẻ mà cũng chẳng phải con nuôi của chúng tôi, nó là “tu hú đẻ nhờ”.
Có những người nghĩ rằng có một thứ xã hội chủ nghĩa của Lê nin, một thứ xã hội chủ nghĩa “có bộ mặt người”, không có quốc hữu hóa, không có tập thể hóa nông nghiệp, không có chuyên chính vô sản. Nếu thế thì nó chính là chế độ xã hội dân chủ Bắc Âu.
Để thực hiện một chế độ như vậy đòi hỏi Lênin và các đồng chí của ông từ bỏ sự thù địch với tư tưởng xã hội dân chủ, từ bỏ việc dùng bạo lực lật đổ chế độ tư bản và tước đoạt tư liệu sản xuất tư nhân. Điều đó thật khó như tìm đường lên trời, nhưng về lý thuyết vẫn có thể. Nhưng Lê nin cũng như bất cứ ai không thể tạo ra ở nước Nga đầu thế kỷ 20 những điều kiện khách quan để cho chủ nghĩa xã hội dân chủ ra đời: Một xã hội công nghiệp phát triển, một nền “dân chủ tư sản” vận hành thành thục, một cơ sở đạo đức Tin lành được dân chúng thừa nhận rộng rãi. Những điều kiện đó nước Nga không có. Lại càng không có ở Trung Quốc ngày nay, dù rằng Lưu Á Châu và nhiều người khác cổ võ cho chủ nghĩa xã hội dân chủ. Cái mà hôm nay ông Tập Cận Bình đang chủ trương và đã được đại hội lần thứ 19 của đảng cộng sản Trung Hoa quyết nghị, xét về thực chất là đi lại con đường tập quyền nhân danh đảng để xây dựng một nước Trung Hoa tư bản chủ nghĩa, với động lực tinh thần là tư tưởng dân tộc hẹp hòi dưới cái khẩu hiệu “phục hưng Trung Hoa”. Nó sẽ hoặc là chết yểu, hoặc sẽ đẻ ra một quái vật đầu Ngô mình Sở made in China tác yêu tác quái trên trái đất này. Nó không có liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội hay Mác – Lênin cả.
4- Sự xuất hiện và cáo chung của chế độ xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ tiến trình phát triển của loài người trong thế kỷ 20, ảnh hưởng đó cho đến nay vẫn chưa chấm dứt hẳn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã nói quá nhiều những mặt tiêu cực của nó, thích thú với việc xem xét vấn đề một cách phi lịch sử nhằm phủ định sạch trơn vai trò của nó. Đây chính là một vấn đề cần được nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc, khoa học.
Tôi thấy ít nhất chủ nghĩa xã hội Xô Viết đã có những đóng góp tích cực sau đây cần được khẳng đinh:
4.1. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô Viết tồn tại trên 70 năm, hệ thống xã hội chủ nghĩa tồn tại trên 40 năm, đã tạo ra một thế giới “hai phe”, hai hệ thống cạnh tranh nhau. Sự tương tác giữa hai hệ thống, đã tác động mạnh mẽ đến chủ nghĩa tư bản, thúc đẩy những sự phát triển tiến bộ về mọi mặt chính trong lòng nó, nhất là theo hướng những chính sách xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển khuynh hướng xã hội dân chủ trong nhiều nước.
4.2. Chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ, khiến cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ và bắt buộc các đế quốc thực dân nhanh chóng đi theo con đường phi thực dân hóa. Những tác động của chủ nghĩa xã hội có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng nếu không có nó thì quá trình này sẽ còn kéo dài và đẫm máu hơn nhiều.
4.3. Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội xô viết chứng tỏ con đường do Mác – Lê nin vạch ra là không hiện thực, nhưng chính điều đó lại thúc đẩy nhân loại tiếp tục những nỗ lực tìm đường khác đi tới tương lai.
Thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô chẳng hề trở nên an toàn và hạnh phúc hơn, mà trái lại, xung đột giữa các cộng đồng trở nên dữ dội, khó kiểm soát, khó đối phó hơn nhiều. Chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ của nó đang đứng trước những thách thức lớn lao, không chứng tỏ sức mạnh của nó giải quyết những vấn nạn đang đặt ra trước nhân loại. Tìm đường vẫn là vấn đề cấp bách đặt ra.
5- Tác động đối với Việt Nam. Như đã nói Cách mạng tháng Mười và sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội đã tác động mạnh mẽ đến việc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới.
Việt Nam đã là một trong những dân tộc đầu tiên đứng lên thực hiện con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, đã sớm thực hiện cuộc đột phá lớn vào chủ nghĩa thực dân cũ thông qua chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến chống Pháp là không thể tránh được, do thực dân Pháp quyết tâm chiếm lại Việt Nam với sự toa rập của những nước lớn vì quyền lợi ích kỷ của họ. Vì là người khai phá, Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất và khó khăn lớn. Có những dân tộc sau đó đã giành được độc lập mà không phải tiến hành chiến tranh. Nhưng nếu không vấp phải những thất bại thảm hại như ở Việt Nam thì thực dân Pháp và các nước đế quốc nói chung còn lâu mới “giác ngộ” chịu từ bỏ hệ thống thuộc địa của mình. Trong chiến tranh giải phóng, Việt Nam được sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất của phe xã hội chủ nghĩa cùng với nhân loại tiến bộ.
Nhưng cùng với đó Việt Nam đã bị lôi cuốn trên thực tế vào con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, đã phải thực hiện những chính sách được xem là quy luật phổ biến của chế độ đó một cách gượng ép, không phù hợp với thực tế Việt Nam. Điều này khiến cho khối đại đoàn kết thống nhất dân tộc bị tổn thương nặng nề, gây ra những tổn thất lớn, cả trong chiến tranh, trong xây dựng đất nước, cả trước và sau 1975. Cuộc chiến tranh giải phóng nhuốm màu sắc ý thức hệ đã trở nên phức tạp và đau đớn hơn nhiều.
Trong tình thế khốn quẫn, Việt Nam phải bắt đầu đổi mới. Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Xô Viết, nếu phân tích đúng đắn thực chất của tình hình và nguyên nhân, Việt Nam sẽ có quyết tâm đổi mới toàn diện, dứt khoát hơn nhiều. Những người lãnh đạo nhậy cảm nhất sau năm 1986 đã hiểu rằng, cần phải đổi mới toàn diện chính trị, kinh tế, tư tưởng, nhưng bắt đầu phải bằng đổi mới kinh tế – vấn đề cấp bách nhất, rồi từng bước đổi mới chính trị – vấn đề phức tạp nhất. Sự thận trọng trong đổi mới chính trị là đúng đắn và cần thiết để tránh cho dân tộc sa vào sự hỗn loạn và phải trả giá đắt, như thực tế đã chứng minh đối với nhiều nước.
Nhưng trước thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, những người lãnh đạo Việt Nam đã không dám và không thể nhìn thẳng vào nguyên nhân thất bại của nó, co về lập trường bảo thủ quen thuộc, áp dụng những những thủ đoạn đối phó để “cứu vãn chủ nghĩa xã hội”. Trên thực tế là dị ứng với mọi yêu cầu đổi mới chính trị thực chất.
“Đổi mới kinh tế” ngập ngừng đã dẫn đến việc hình thành một giai tầng xã hội, chủ yếu là những người nắm quyền và phe cánh hưởng lợi lớn từ trạng thái đổi mới dừng lại giữa chừng. Lực lượng này vừa lợi dụng danh nghĩa xã hội chủ nghĩa (?), vừa lợi dụng ngọn cờ đổi mới, chẳng những không bị trấn áp mà ngược lại còn lạm dụng quyền lực chính trị, tiền và vũ lực để trấn áp mọi khuynh hướng tiến bộ. Nó đã phát triển mạnh cả về thế và lực, trở thành những con quỷ ba đầu sáu tay, biến hóa khôn lường, chi phối nền chính trị Việt Nam dưới cái mặt nạ lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Lúc này, đấu tranh giữa hai con đường ở Việt Nam trở thành cuộc đấu tranh thực lực giữa những thế lực yêu nước lành mạnh và những kẻ đục khoét, bóc lột đất nước. Yêu nước ngày nay là đấu tranh đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới chính trị, để hòa nhập chung vào bước tiến của thế giới, để chống lại mọi thế lực muốn khống chế, nô dịch hóa Việt Nam.
Nguồn: Trần Ngọc Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét