15-11-2017
Bộ Giáo dục lại muốn ngửa tay xin ngân sách 12.000 tỉ đồng để cho ra lò 9.000 tiến sĩ. Tức là, để có một tiến sĩ, ngân sách phải tiêu tốn 1,33 tỉ đồng.
Từng đồng từng cắc trong cái bầu sữa ngân sách ấy đều là của nhân dân, do nhân dân đóng góp từ mồ hôi, từ nước mắt. Vậy nên, có thể hiểu nôm na, với giá thịt lợn hiện nay, để có một tiến sĩ, người nông dân sẽ tốn 665 con lợn. Nếu quy ra bò, chi phí cho một tiến sĩ tương đương 88 con bò.Bộ Giáo dục lại muốn ngửa tay xin ngân sách 12.000 tỉ đồng để cho ra lò 9.000 tiến sĩ. Tức là, để có một tiến sĩ, ngân sách phải tiêu tốn 1,33 tỉ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn dùng số tiến sĩ được ra lò với chi phí tương đương 792.000 con bò, hoặc gần 6.000.000 con lợn để thực hiện công cuộc cải cách giáo dục.
Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã.
Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hành vi nịnh trong tiếng Việt.
Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 ở Việt Nam…
Tôi không hiểu người dân có thể kì vọng gì vào một thực trạng đào tạo và cho ra đời những tiến sĩ với những công trình nghiên cứu như trên?
Giáo dục kém cỏi, chắc chắn là do yếu tố con người. Nhưng, trước tiên phải là con người lựa chọn phương thức giáo dục, định hướng giáo dục, chứ chưa phải là những người thực hiện truyền tải nội dung chương trình giáo dục. Một chương trình giáo dục tồi thì 9.000 tiến sĩ kia liệu có tác dụng gì?
Nếu vẫn giữ tư duy giáo dục một chiều, nhồi sọ học sinh một mớ lý thuyết suông, buộc học sinh phải tiêu hoá một khối lượng kiến thức khổng lồ, thiên về hình thức và xa rời thực tế, cũ kĩ, lạc hậu, chú trọng quá nhiều vào yếu tố giáo điều lý thuyết, định hướng khuôn mẫu tư duy, hạn chế sáng tạo, thì 9.000 tiến sĩ kia cũng chẳng thay đổi được gì.
Cuối cùng chỉ là người dân tốn thêm nhiều bò, nhiều lợn, trong khi con trẻ vẫn mịt mù tương lai.
Ngân sách và tiến sỹ
15-11-2017
Tôi rất ấn tượng cái cách ông cựu chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị hay tự giới thiệu trình độ văn hoá của ông là “tiểu học”. Cho dù kể từ khi “tham gia cách mạng” ông được cho bổ túc rất nhiều, có đủ bằng cấp, nhưng theo ông phần tiểu học của ông là thực học; các bằng cấp kia là ráng học để làm. Ông Võ Văn Kiệt cũng chỉ khai trong lý lịch là biết đọc, biết viết.
Đành rằng, thời bình mà lãnh đạo không được học hành đầy đủ là bi kịch của dân tộc; nhưng dân tộc ấy còn bi kịch hơn khi có các nhà lãnh đạo vì mặc cảm thất học mà cố khoác cho mình bao nhiêu bằng cấp cho dù chẳng thực học được mấy ngày.
Cái tư duy chính sách đưa ra chỉ tiêu đào tạo hàng chục nghìn tiến sỹ rồi chi hàng chục nghìn tỷ đồng nếu không phải vì mưu đồ “% dự án” thì cũng thật là bệnh hoạn. Khoa học kỹ thuật của nước nhà thua kém phải chăng là vì tỷ lệ tiến sỹ của Ta thấp hơn. Tại sao mấy ông “chính trị gia” lại cần phải giáo sư tiến sỹ; tại sao các tỉnh lại phải thu hút người có bằng cấp; trong khi, những loại bằng cấp đó chỉ thực sự cần cho người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà thôi.
Nên giải tán cái gọi là các “Viện hàn lâm” của Việt Nam, đưa nó về các trường đại học theo đúng chuyên ngành. Để cho các trường đại học đào tạo tiến sỹ theo chuẩn chất lượng của mình và chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Cái mà các trường, các trung tâm nghiên cứu cần ở nhà nước là bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ; cho tự do sáng tạo chứ không phải chi bao nhiêu ngân sách để sản xuất ra bao nhiêu tiến sỹ.
PS: Đọc các luận văn TS của quan chức, nhớ câu chuyện một ông chủ tịch hội đồng TS nhận xét, “luận văn của anh rất giống báo cáo uỷ ban”; vị nghiên cứu sinh thành thât trả lời, “Dạ, thầy để tôi về kêu thư ký viết lại”(đã hỏi thầy Đào Công Tiến về “riu-mơ” này, thầy cười).
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Kính thưa các loại tiến sỹ. Tác giả viết: “Bây giờ tiến sĩ thạc sĩ thành nhu cầu đ… cản được, cũng như mua bán dâm vậy á. Thôi thì ông nào muốn học tự móc túi ra học như người ta. Chứ bây giờ các ông bà nghị quyết chi 12 nghìn tỷ thì nghẹn ngào. Nhà nghèo, cơm không có đớp, bầy con phải nhịn để ông bố dốt nát ưa làm sang mua áo gấm. Thiệt đau lòng“.
Thời loạn tiến sỹ
15-11-2017
Trong cơn kiệt quệ và cùng quẫn cả về ngân sách tài chính và sự suy thoái trầm trọng của nền giáo giục, với căn bệnh thành tích và bằng cấp là hai căn bệnh gây nên tất cả những thảm trạng mang tầm quốc gia hiện nay, họ lại tiếp tục đổ 12.000 tỷ để đầu tư cho 9.000 tiến sỹ với mục đích chỉ để “cải cách giáo dục”.
Họ lại vẫn mắc vào hội chứng cuồng loạn bằng cấp, mà chính nó đã là một căn bệnh trầm kha của nền giáo dục khoa bảng và thi cử chứ không trọng thực học để con người có thể làm việc và phát kiến.
Vậy phải chăng mấy chục năm với hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào những trận đánh lớn cải cách đều trở thành vô ích? Và hơn 24.000 tiến sỹ, gần 10.000 giáo sư hiện nay không có khả năng để giúp thay đổi được thảm trạng nền giáo dục nước nhà hay sao? Và họ tiếp tục đào tạo một số lượng lớn tiến sỹ để cải cách giáo dục – tiếp tục thí nghiệm trên những thế hệ tương lai? Và 9.000 kẻ sỹ này học gì và làm gì để thay đổi bộ mặt nền giáo dục Việt Nam sau khi họ học xong và khoác trên mình những tấm bằng ấy?
Quả thực tư duy bằng cấp đã trở thành một dạng vi rút bào mòn trí não của những con người trên đất nước này. Không thể trông chờ gì vào đám trí thức rởm vẫn ngày càng hoành hành và tàn phá xã hội theo đủ cách mà chúng nghĩ ra được.
Một tỉnh nghèo khác thì tiếp tục ngửa tay xin 900 tỷ để xây quảng trưởng với lý do “làm khang trang bộ mặt” tỉnh này.
Trong khi dân mòn mỏi chờ hàng cứu trợ thiên tai mà cơn bão Damrey vừa tàn phá khốc liệt thì bọn cán bộ nẫng tay trên mà không để chút gì cho dân.
Không biết nói làm sao về những khổ nạn trong chính tổ quốc mình.
Bình Luận từ F
Mời đọc thêm: Thiếu tiến sĩ hay thiếu người có năng lực?(PT). – Đào tạo tiến sĩ và sự lơ lửng của lòng tin (TT). – ‘12.000 tỉ và 9.000 tiến sĩ’: Tránh lặp lại vết xe cũ (PLTP). – Đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần đánh giá lại hiệu quả (VOV). – Tiến sĩ đã cống hiến gì cho giáo dục và kinh tế xã hội?(Zing). – Hơn chục nghìn tỷ đào tạo tiến sĩ: Có tiền sao không hút người học (TP). – ‘Sao cứ phải đào tạo tiến sĩ đại trà?’ (PLTP). – Muốn nâng chất lượng không cần ‘phổ cập’ tiến sĩ (PNTP). – Chất vấn về tiền đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học, đây là câu trả lời cho các đại biểu Quốc hội (CafeBiz). – ĐBQH nói về đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần hạn chế “lò ấp” tiến sĩ “giấy” (ANTĐ). – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lý giải việc duy trì kinh phí đào tạo tiến sĩ (Soha).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét