Dân trí Kết thúc hơn 2 tiếng rưỡi trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp các câu hỏi của đại biểu về phân hóa giàu nghèo, về Chính phủ kiến tạo, về BOT, những vụ án tham nhũng, về TPP không có Mỹ... Vấn đề chống tham nhũng, theo Thủ tướng, cần tính toán việc nâng lương cho cán bộ công chức. Đây là việc cần thiết trong tình hình tham nhũng vặt đang diễn ra.
Chiều ngày 18/11, Thủ tướng đã có hơn 2 tiếng rưỡi trả lời chất vấn của các cử tri.
16h45’, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) hỏi, quản lý ODA đang có vấn đề gì. Quản lý như thế có giữ được mức khống chế vay ODA, có giữ được trần nợ công? Việc tăng trường kinh tế đã được giải thích là không phụ thuộc Samsung, Fomosa, cũng không dựa vào khai khoáng, dầu khí. Nhưng điều đó không lý giải được nhiều điểm bất hợp lý. Đại biểu chất vấn, tăng trưởng có cố tật nào không? Năm sau liệu tăng trưởng có tụt đột ngột không?
Đại biểu Đỗ Thị Hoa Ry (Sóc Trăng) đề cập về giải pháp phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp đột phá nào để nghị quyết về vấn đề này đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận, Thủ tướng nhắc về 1 DN Trung Quốc xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm việc này. Vậy chế tài nào để buộc các địa phương phải dành quỹ đất làm nhà xã hội nhiều hơn nhà thương mại?
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhắc lại những thành tựu trong lĩnh vực ngoại giao trong năm 2017. Làm sao phát huy hiệu quả của công tác đối ngoại, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, làm giảm khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước?
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) băn khoăn chủ trương quan tâm, giảm chi phí cho doanh nghiệp có được tiếp tục quan tâm chỉ đạo? Đại biểu tán thành trả lời của Thủ tướng về thu hút FDI và đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả trong việc gắn kết DN trong nước với DN FDI để thúc đẩy khả năng xuất khẩu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng đất nước có nhiều nhân tài mà lại không được quan tâm đầu tư, nhiều nhân tài phải tự trang trải các chi phí đầu tư học hành. Liệu thời gian tới Chính phủ có thể dành một phần ngân sách để làm học bổng quốc gia cho việc bồi dưỡng nhân tài?
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng Chính phủ đã thành công trong việc kiềm chế mức tăng phi mã của nợ công nhưng vấn đề tinh giản biên chế lại gần như không đạt được mục tiêu, qua cả 10 năm qua. Vẫn phổ biển tính trạng trên nóng dưới lạnh, trên động mà dưới không động. Thời gian tới, Chính phủ nên đặt mục tiêu trọng tâm là tăng trưởng kinh tế hay tập trung để tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả?
Tổng kết lại, đã có 23 đại biểu chất vấn Thủ tướng, 4 đại biểu tranh luận và còn 25 đại biểu khác chưa thể trực tiếp hỏi Thủ tướng. Những nội dung này sẽ tiếp tục được Thủ tướng trả lời bằng văn bản.
Tuyên bố Đà Nẵng là thành công của APEC 2017
16h32’, trả lời các câu hỏi, Thủ tướng nói về chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và khẳng định việc này đã thành công bước đầu. Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra về đảm bảo việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thực hiện triệt để hơn. Thủ tướng đề nghị mọi cơ quan, đơn vị, bộ ngành phải tái cơ cấu quyết liệt trong lĩnh vực mình phụ trách.
Về nợ đọng xây dựng cơ bản, Thủ tướng cho biết, sau nghị quyết 11 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội danh mục những công việc, công trình cơ bản cần giải quyết nếu không sẽ dẫn tới hệ quả phá sản nhiều DN, công trình.
Hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đại biểu Mai Khanh về vấn đề đầu tư cho du lịch, Thủ tướng khẳng định tới đây sẽ tập trung làm hạ tầng cơ bản cho phát triển du lịch ở nhiều khu vực.
Vấn đề bỏ giấy phép con đại biểu Phạm Tất Thắng nêu, Thủ tướng dẫn con số hơn 400 ngành nghề yêu cầu điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu rà soát để cắt bỏ ít nhất 1/3.
Bộ Công Thương vừa qua đã đi đầu trong việc cắt bỏ một lúc hơn 600 điều kiện kinh doanh. Bộ Nông nghiệp cũng cắt được hơn 1/3 tổng số thủ tục… Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết về kiểm soát điều kiện kinh doanh để kiểm soát việc làm phát sinh những thủ tục, giấy phép con với doanh nghiệp. Nếu bộ nào gây cản trở cho việc cắt bỏ các điều kiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Năm 2017, cả nước đã cắt bỏ hơn 5.000 thủ tục. Theo Thủ tướng, con số này là rất lớn, thể hiện nỗ lực cao.
Về ý nghĩa những thành công của APEC, Thủ tướng khẳng định đã lèo lái được con thuyền rất phức tạp, khác biệt giữa các quốc gia thành viên APEC để ra được tuyên bố Đà Nẵng là rất quan trọng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ấn tượng của bạn bè quốc tế về việc tổ chức, đón tiếp, sự thịnh tình của Việt Nam. Các nguyên thủ đến Việt Nam đều ấn tượng, đánh giá cao sự tổ chức chu đáo của Việt Nam.
Giải quyết nhũng nhiễu, tiêu cực, Thủ tướng liệt kê nhiều giải pháp như kiểm tra, kiểm soát, xử lý để chặn đứng hiện tượng này.
16h22, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề cập vấn đề huy động nguồn lực cho đồng bào dân tộc và vấn đề quyết sách mạnh mẽ cho năm 2018 để cơ cấu cho được nền kinh tế.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề cập báo cáo giám sát, báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri nêu việc bố trí vốn để trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản còn rất lớn mà không được đưa vào dự toán ngân sách để trả cho DN, có khả năng dẫn tới khó khăn cho DN và khiếu kiện với chính quyền. Đại biểu mong Thủ tướng quan tâm việc này.
Vấn đề khác là tranh chấp địa giới hành chính tại 30 điểm còn tồn tại ở Việt Nam dẫn đến nhiều bức xúc trong người dân, như có hộ gia đình 30 năm không được cấp sổ đỏ vì rơi vào khu vực tranh chấp. Đại biểu yêu cầu được biết giải pháp giải quyết.
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) quan tâm vấn đề du lịch, dịch vụ. 2017, du lịch góp phần không nhỏ cho phát triển. Gần đây, những vấn đề du lịch lại dần ít được nhắc đến và đàu tư cho du lịch so với định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa tương xứng. Nhiều dự án du lịch vị đình, giãn, hoãn tiến độ.
Đại biểu Phạm Tất Thắng () nhận định việc đầu tư phát triển con người chưa tương xứng và đề nghị Thủ tướng nêu quan điểm về hiện trạng này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ghi nhận thành công của Hội nghị APEC và đề nghị Thủ tướng nói về ý nghĩa của việc này.
“Tham nhũng vặt hiện rất phổ biến và nhức nhối. Đường rộng cũng ăn, đường hẹp cũng ăn, nhà rộng cũng ăn, nhà hẹp cũng ăn, nhà cao cũng ăn mà cắt ngọn thì càng ăn. Thủ tướng nóng bỏng lắm nhưng tình trạng trên nóng dưới lạnh còn phổ biến. Biện pháp nào chặn hữu hiệu tình trạng trên?” – ông Trí đặt câu hỏi.
Đại biểu Đỗ Thị Lan tranh luận thêm về vấn đề đầu tư BOT giao thông. Đại biểu muốn biết lộ trình cụ thể để giải quyết triệt để những tồn tại
16h18, người đứng đầu Chính phủ chuyển sang vấn đề cải tiến môi trường đầu tư kinh doanh. Như đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đã nêu, Thủ tướng khẳng định sẽ xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bảo vệ nhà đầu tư, theo đó, là một khâu yếu cần khắc phục của bộ máy.
Ví dụ cụ thể về vấn đề nộp thuế, dù đã cắt giảm nhiều thời gian nhưng vị trí xếp hạng của Việt Nam vẫn cách xa những nước top đầu của ASEAN, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về vấn đề này.
Vấn đề xã hội hóa, Thủ tướng nhắc tới thành công trong việc huy động nguồn lực để phát triển kinh tế thời gian qua. Dù vậy, cũng có hiện tượng lạm dụng xã hội hóa để tạo gánh nặng cho người dân.
Như việc lạm thu trong trường học, trẻ em vừa sinh đã phải đóng này đóng khác, theo Thủ tướng, đó là những biểu hiện rất vô lý. Chuyện này cũng đúng với vấn đề phí BOT bị kêu ca vừa qua là còn cao, nặng, chưa “vừa sức” với người dân.
Thay thế ngay cán bộ nhũng nhiễu, đòi lót tay
16h10, vấn đề phân cấp giao quyền, địa phương đẩy việc lên trên, bộ ngành lại ôm việc, giữ phần… Thủ tướng xác nhận đó là một hiện tượng cần giải quyết. Việc phân cấp, giao quyền sao cho phải thành một hệ thống luật pháp, quy định rõ ràng.
Hiện tượng sính bằng cấp, không trọng người tài, theo Thủ tướng, cũng là một thực tế cần tính toán lại. Người thực việc thực, thống nhất giữa tư duy và hành động là đánh giá cần thiết với cán bộ, cần xem xét toàn diện trong việc tuyển dụng cán bộ công chức.
Chủ tịch Quốc hội nhắc Thủ tướng câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về hiện tượng cán bộ chậm giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân.
Thủ tướng đáp, việc này thể hiện năng lực của cán bộ, đạo đức của cán bộ. Vì tâm lý an toàn, sợ mất chức mất quyền nên không giám quyết… những việc này làm chậm lại quá trình cải cách hành chính.
“Tới đây những bộ phận, đơn vị, cán bộ chậm giải quyết thủ tục cho dân, đòi lót tay, nhũng nhiễu phải được thay thế ngay” – Thủ tướng khẳng định.
Với nhận định, việc đầu tư cho văn hóa không tương xứng phát triển kinh tế, Thủ tướng nhắc lại nghị quyết 33 về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam để nhấn mạnh chủ trương kinh tế phải đi theo văn hóa chứ không phải ngược lại. Thủ tướng cho biết đã giao Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện kiểm tra việc thực hiện nghị quyết này để khắc phục những nhược điểm thời gian qua.
Nộp thuế, thủ tục hải quan điện tử là cách chống tham nhũng vặt
16h, nói về nhiệm vụ chống tham nhũng, Thủ tướng đồng ý nhận định ở thể chế nào, nhà nước nào cũng có tham nhũng. Đảng và Nhà nước coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nên cả hệ thống chính trị mới cùng thống nhất chống tham nhũng, lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.
Bên cạnh việc giáo dục cán bộ công chức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thì các cơ quan Trung ương phải làm gương về vấn đề này. Theo Thủ tướng, cần tính toán việc nâng lương cho cán bộ công chức. Đây là việc cần thiết trong tình hình tham nhũng vặt đang diễn ra.
Một giải pháp cụ thể như ứng dụng công nghệ để nộp thuế, giải quyết thủ tục hải quan điện tử để ngăn việc tiếp xúc của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp, theo Thủ tướng, là một cách để chống tham nhũng vặt.
Về công nghiệp 4.0, Thủ tướng nhận định, nền công nghệ kỹ thuật số tạo thay đổi căn bản, quan trọng trong nền kinh tế. Những vấn đề đó cần suy nghĩ chủ động để đưa vào, nhất là với các nền kinh tế kỹ thuật. Nếu không chủ động sẽ tụt hậu xa hơn.
Từ nhiệm vụ đó, Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu chính phủ nghiên cứu để có chương trình ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực, để mọi người dân và DN có cơ hội tiếp cận nền kinh tế số. Đào tào nguồn nhân lực, theo đó, là nội dung quan trọng để thực hiện nhiệm vụ. Tư duy cũ, cách làm cũ sẽ khó thành công trong nền kinh tế số.
Về chỉ số tăng trưởng qua các quý, Thủ tướng nhắc lại, công thức tính GDP của Việt Nam và thế giới có “tật chung” tháng 1 vẫn là tháng ăn chơi, từ từ, đủng đỉnh. Đến quý II, quý III mới đốc thúc thì kinh tế mới đi lên. Sau quý I vừa qua, tập thể Chính phủ rất lo lắng, sốt ruột nên phải tiến hành rà soát từng ngành hàng, lĩnh vực để đốc thúc, chỉ đạo nên kết quả đã sốc lên được. Càng về các quý sau, kinh tế càng sôi nổi. Các khu vực kinh tế đều tăng rất cao. Nông nghiệp, năm nay lần đầu tiên đã xuất khẩu 35 tỷ USD. Ngành du lịch đến lúc này đã đón hơn 10 triệu khách quốc tế trong khi năm trước cả năm mới đạt được số này…
Chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp là người nông dân
15h50, Quốc hội trở lại hội trường làm việc sau giờ nghỉ giải lao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Thủ tướng tiếp tục trả lời câu hỏi của 5 đại biểu nêu ra trước đó.
Thủ tướng đề cập việc Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị nói về việc thực thi kỷ cương hành chính. Thủ tướng nói, tinh thần của Chính phủ, lời nói phải đi liền với việc làm, đảm bảo kỷ cương phép nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch các tỉnh thành chấp hành nghiêm các bản án đã có hiệu lực của các cấp tòa. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Tư pháp rà soát, báo cáo Thủ tướng về việc thi hành 85 bản án trước ngày 20/12/2017.
Về vấn đề 35 tòa án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc, Thủ tướng khẳng định sẽ xem xét kịp thời để đảm bảo việc thực hiện nghiêm minh pháp luật ở địa phương.
Trở lại với câu hỏi nông nghiệp, nông dân, nông thôn của đại biểu đặt ra trước đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh lại chủ trương này với 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện quyết liệt thời gian qua cũng như tiếp tục tới đây. Theo đó, chương trình này đã có những tiến bộ rõ rệt. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ việc tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là các ngành trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề ở nông thôn, xây dựng văn hóa cũng như đảm bảo môi trường sống ở nông thôn.
Chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp, theo Thủ tướng, nằm ở người nông dân. Phải làm sao để người nông dân thực sự là chủ thể trong môi trường sống của mình.
Thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ tổ chức cuộc đối thoại với nông dân để giải quyết các vấn đề đặt ra. Về cung cầu hàng hóa, nông sản, Thủ tướng nhắc Bộ trưởng NN&PTNT làm tốt việc điều hành trong lĩnh vực này, nhất là quy hoạch sản phẩm, sản xuất trong lĩnh vực.
“Hình ảnh Saigon Coop đặt hàng ở các tỉnh ĐBSCL để đưa về TPHCM tiêu thụ là giải pháp rất tích cực, nhịp nhàng để đáp ứng yêu cầu vận hành của thị trường” – Thủ tướng dẫn chứng. Ngoài ra, an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan trực tiếp trong lĩnh vực này mà dư luận đặc biệt quan tâm. Làm được các khâu đó thì tình trạng phải giải cứu nông sản sẽ giảm bớt.
15h19, đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) đề cập công nghệ 4.0 với xu hướng chuyển sang nền kinh tế tự động hóa. Ông Tịnh băn khoăn về con số tăng trưởng thấp của quý I mà lại đột phá vào quý III. Ông đề nghị Thủ tướng nói rõ việc này.
Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai)
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) chất vấn về tham nhũng. Theo ông, tham nhũng ở nơi nào, chính quyền nào cũng có nhưng phải kiên quyết chống bằng được. Thời gian qua, Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt đem lại hiệu quả cao cho cuộc chiến chống tham nhũng. Dù vậy, theo đại biểu, biến động ở phần dưới vẫn chưa nhiều trong khi phần dưới mới là phần sát dân, mới là phần gây rất nhiều bức xúc cho dân vì “quan tham thì lại phải nhũng”. Đại biểu muốn biết giải pháp hiệu quả để chống nạn tham nhũng.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu vấn đề, qua tổng hợp ý kiến cử tri về cải cách hành chính, tình hình kinh tế xã hội cho thấy còn một số bộ phận người dân doanh nghiệp bị nhũng nhiễu mà rất khó chỉ điểm vì sợ bị ảnh hưởng, trù dập. Thủ tướng có hứa xử triệt để việc đưa – nhận lối lộ, sẽ thay cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu. Đại biểu muốn có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiền (Lâm Đồng) nói về việc xác định trách nhiệm trong công tác điều hành. Phó Chủ tịch tỉnh phải xắn tay đi dẹp vỉa hè, việc cấp huyện, xã phải chờ cấp trên chỉ đạo mới xử lý công việc… là những ví dụ cho vấn đề này. Đại biểu yêu cầu trình bày giải pháp giải quyết việc này. Đề cập vấn đề bằng cấp trong xã hội được đại biểu nhận định là dẫn đến nhiều hệ quả. Đại biểu yêu cầu Thủ tướng cho biết giải pháp để tuyển được người thực tài, thay đổi câu chuyện bằng cấp.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng giơ biển tranh luận. Ông cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng không đề cập vấn đề quan trọng là phát triển văn hóa. Dẫn lại những vụ án đau lòng vừa qua, ở góc nhìn văn hóa, đại biểu cho rằng, nguyên nhân sâu xa là vấn đề văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Đề cương văn hóa của Đảng, mới đây nhất thể hiện ở Nghị quyết 33 khóa XI, đại biểu muốn Thủ tướng nói về giải pháp khắc phục vấn đề này.
15h16, đề cập tình trạng phá rừng, Thủ tướng chia sẻ chuyện đi thực tiễn một số địa phương và nhận thấy tình hình phá rừng nghiêm trọng nên đã báo cáo Ban Bí thư để có chỉ thị về việc này. Qua đó, số vụ phá rừng thời gian qua đã giảm xuống, nhất là việc chuyển rừng nghèo kiệt sang làm cây công nghiệp. Nhiều tỉnh đã xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, từ Bình Định, Gia Lai, Huế, Điện Biên…
Nhận thức của chính quyền về việc này ngày càng cao hơn. Theo đó, chỉ tiêu che phủ rừng, trồng rừng năm nay đã đạt chỉ tiêu đề ra. Chính phủ đã cho dừng nhiều dự án thủy điện khi phải phá rừng không cần thiết, nhất là rừng tự nhiên.
Thủ tướng tin rằng tư tưởng vì lợi ích 10 năm trồng cây tới đây sẽ được thực hiện tốt hơn. Hành động của các lãnh đạo trở thành chủ trương quan trọng của đất nước. Làm sao để Việt Nam tới đây không phải là núi đồi xơ xác mà sẽ là màu xanh bạt ngàn bao phủ.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là góp phần chống tham nhũng
15h09’, trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Thủ tướng đáp, năm nay tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thủ tướng khái quát, FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển, xuất khẩu, góp phần vào phát triển. FDI chiếm 60% xuất khẩu. Kết hợp giữa FDI và DN trong nước dẫn tới hình thành chuỗi phụ trợ ngày càng tăng.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi về doanh nghiệp FDI và cổ phần hóa.
Thủ tướng chia sẻ việc đi vào Intel ở TPHCM, DN có cả chi bộ Đảng, cả chi đoàn, đoàn thanh niên. Họ đã nâng bữa ăn công nhân lên được 46 nghìn đồng. Hay một DN khác ở Quảng Ninh đã lo cả nhà ở xã hội, đời sống đảm bảo cho công nhân.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng xác nhận, còn một số tồn tại bất cập của FDI cần xử lý như đầu tư công nghệ ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường. Những vấn đề đó cần xử lý nghiêm. Thủ tướng nói về tinh thần tái cơ cấu FDI.
Về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Thủ tướng khẳng định đã tiến bộ khi số lượng DN chỉ còn mấy trăm so với hàng ngàn DN trước đây. Đây là điểm tồn tại cần thúc đẩy khắc phục thời gian tới. Có một số bộ ngành còn chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong cổ phần hóa. Thời gian cổ phần hóa vì thế kéo dài. Thị trường của Việt Nam cũng còn nhỏ nên khả năng hấp thụ vốn thấp. Thủ tướng nói về việc Vinamilk bán 3% cổ phần vừa qua đã được 9.000 tỷ đồng. Số vốn lớn như vậy cho thấy không nhiều DN có khả năng thu mua.
Cổ phần hóa DNNN không phải chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực vì cổ đông càng nhiều thì sự giám sát càng nhiều – Thủ tướng quả quyết.
15h04’, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc có hài lòng với kết quả đạt được không, Thủ tướng đáp, có kết quả hôm nay là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân để năm đầu tiên sau 10 năm qua hoàn thành cả 13 chỉ tiêu đề ra. Dù vậy, kết quả đó, theo Thủ tướng cũng mới chỉ là bước đầu. Kết quả đáng hoan nghênh nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, ở mặt nào đó vẫn còn lạc hậu, chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi Thủ tướng có hài lòng với kết quả đạt được của năm nay?
“Chúng ta chưa hài lòng và phải làm chất lượng hơng nữa, đồng bộ hơn nữa. Chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn” – Thủ tướng nói.
Chia sẻ lo lắng, Thủ tướng nói là biểu hiện “trên nóng dưới lạnh”, một bộ phận trong bộ máy còn quan liêu, xa dân. Điều đó rất đáng báo động. Sao để cả bộ máy cùng đồng lòng phục vụ nhân dân để không còn một bộ phận người dân thiếu tin tưởng nữa. Việc điều hành phải tiếp tục giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng, chính sách để phát huy được tiềm năng của người Việt Nam.
Về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, có mặt Tổng Bí thư ở đây, chắc chắn không có chuyện chìm xuồng các vụ án. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần công khai kết quả xử lý trước Quốc hội, nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khen Bình Dương, TPHCM đi đầu về "đô thị thông minh"
14h55’, nói về đô thị thông minh, Thủ tướng cho rằng, đây là xu hướng tất yếu của thế giới. Mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tốt nguồn lực, đối phó với ô nhiễm và quản lý hiệu quả tài nguyên, để cư dân được sống trong môi trường xanh, an toàn, an ninh, bền vững. Vì vậy, chính quyền đô thị phải kiến tạo, vì dân, sát dân, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Thủ tướng hoan nghênh Bình Dương, TPHCM… như những ví dụ đi đầu. Nhưng cũng còn những vấn đề như tài chính, nguồn nhân lực còn hạn chế. Nhất là vấn đề an ninh mạng, bảo vệ quyền riêng tư của người dân để không bị kẻ xấu phá hoại – đó là những yêu cầu lớn với thành phố thông mình.
“Chúng ta đừng chạy theo phong trào làm thành phố thông minh. Thế giới người ta cũng phải chọn lọc chặt chẽ chứ nếu không sẽ tốn kém, không hiệu quả. Vậy thì phải có số liệu đầu vào chính xác, có nhân lực đáp ứng chứ không dễ thất bại. tôi cảnh báo vấn đề như vậy” – Thủ tướng trao đổi.
Thủ tướng nói về Chính phủ kiến tạo
14h49’, nói về Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng khẳng định, nội hàm trước hết của khái niệm này là chủ động thiết kế về thể chế pháp luật. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì xã hội làm tốt thì để xã hội làm. Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, theo đó cần phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc
TPP không có Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã đồng ý về việc thảo luận tham gia TPP 11. Theo đó, Nhật, Canada, Mexico cũng là những nền kinh tế lớn mà Việt Nam cần tận dụng. Do đó, Việt Nam vẫn nỗ lực cùng các thành viên TPP 11 để tham gia các đàm phán, với tinh thần vì lợi ích của đất nước, của khu vực. Hiện các vấn đề chưa thống nhất được vẫn đang được đàm phán. TPP 11 và RCEP sẽ mở ra những không gian mới lớn về xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế.
Việt Nam – Mỹ đã có hiệp định song thương (TIPFA). Khi Mỹ chưa tham gia TPP thì Việt Nam và Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện hiệp định này trong hợp tác.
Về sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa về vấn đề chủ động thiết kế thể chế. Theo đó, Chính phủ phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình xung quanh hơn để có điều hành hợp lý.
Hai lĩnh vực cần được đầu tư BOT
14h40, nói về chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng khẳng định có cải thiện rõ rệt. Tiến bộ trước hết là việc tăng trưởng cao, ổn định kéo dài. Trong cơ cấu tăng trưởng cũng rất tích cực khi giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng ở dịch vụ. Quan trọng nhất là năng suất lao động tăng lên, 2017 là 2,87%, đóng góp cho tăng trưởng năm nay đạt 44%. Chỉ số ICOR cũng đang giảm tích cực.
Thủ tướng nhấn mạnh về giải pháp tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, không phải là đứng đầu ASEAN nữa là hướng tới OCD, hướng tới nền kinh tê số, đào tạo lao động, tiếp cận thị trường lớn, thắt chặt kỷ cương và chống ô nhiễm môi trường. Đó là những giải pháp rất quan trọng. Thủ tướng cũng thống nhất việc phải đầu tư cho chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) chuyển câu hỏi của cử tri về việc Thủ tướng khắc phục như thế nào những bất cập của BOT? (Ảnh: Quochoi.vn)
Về BOT giao thông, Thủ tướng khẳng định sự quan trọng của đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư. Điều đó mang lại sự tiến bộ lớn cho hạ tầng, huy động được trên 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy hoạch BOT được cho là làm chưa tốt. Có những tuyến đường gây dư luận bất bình, nhất là về số trạm đặt, số km đặt trạm, giá, phí… Chính sách, cơ chế cho BOT cũng còn nhiều bất cập, nhất là thiếu giám sát, kiểm tra. Những vấn đề này đang được chấn chỉnh quyết liệt.
Tuy nhiên, quy hoạch BOT được cho là làm chưa tốt. Có những tuyến đường gây dư luận bất bình, nhất là về số trạm đặt, số km đặt trạm, giá, phí… Chính sách, cơ chế cho BOT cũng còn nhiều bất cập, nhất là thiếu giám sát, kiểm tra. Những vấn đề này đang được chấn chỉnh quyết liệt.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 2 lĩnh vực cần đầu tư BOT là cung ứng điện và giao thông. Những dự án đó phải được đấu thầu công khai chứ không chỉ chỉ định thầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng. Quy trình là, BOT, theo đó, cũng cần thực thiện tốt hơn.
Về cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Thủ tướng thông tin cuộc làm việc mới đây cùng Bí thư Lạng Sơn và Bộ trưởng mới của Bộ GTVT đã dẫn tới quyết định làm tuyến này bằng BOT để triển khai cả tuyến tới cả Hữu Nghị quan để đến 2019-2020 có tuyến cao tốc quan trọng này nối vào Quốc lộ 1.
14h30, trả lời các câu hỏi, Thủ tướng đề cập trước hết việc chênh lệch giàu nghèo. Thủ tướng khẳng định cuộc cách mạng của Việt Nam trước hết để giải phóng dân tộc, sau để nâng cao cuộc sống của người dân nên đã thực hiện phương châm người cày có ruộng. Vì vậy, cả hệ thống chính trị liên tục phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh. Đời sống của nhân dân từ nông thôn tới miền núi, vùng sâu, vùng xa liên tục được cải thiện, cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi nhiều. Dù vậy, khó khăn của người dân vẫn là thực tế. Thu nhập của người dân ở nông thôn chỉ bằng ½ thành thị, ở vùng núi thì còn hơn 40% người nghèo. Thu hẹp khoảng cách là nhiệm vụ lớn, về mặt kinh tế phải đẩy mạnh ổn định, tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất chất lượng, hiệu quả, để người nông dân thu lợi từ sự phát triển kinh tế hơn. Điều tiết thu nhập qua thuế cũng phải tốt hơn.
Về mặt chính trị, Thủ tướng nhấn mạnh, muốn giảm khoảng cách thì ổn định môi trường xã hội là quan trọng để tập trung cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân làm chủ. Có chính trị tốt mới có thể giải quyết được vấn đề chênh lệch khoàng cách. Cần tiếp tục các chính sách an sinh với người nghèo, người yếu thế. Ngoài vấn đề xã hội hóa ngân sách mạnh mẽ, cần khơi dậy trách nhiệm xã hội, nhân rộng mô hình thoát nghèo hiệu quả. Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn những tấm lòng hảo tâm từ trong và ngoài nước để góp phần hỗ trợ những vùng bị thiên tai. “Với tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo, cần quan tâm mạnh mẽ, giành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm đến những vùng khó khăn, nhất là vùng chưa có điện, đường, trạm xá, hạ tầng cần thiết cho người dân” – Thủ tướng nói.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp này, theo Thủ tướng, sẽ giải quyết được tình trạng chênh lệch.
Về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng trình bày, trước hết giải pháp đầu tư kinh doanh rất cần thiết. Có ổn định vĩ mô các thành phần kinh tế mới phát triển được, sau đó đến công bằng trong tiếp cận nguồn lực, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng về quyền tài sản, con người, công dân. Từ nhận thức đó, các báo cáo về kinh tế tư nhân năm qua rất khả quan.
Sau đó, chủ trương của Chính phủ, tiếp tục giảm chi phí, lệ phí, giảm kiểm tra chồng chéo, nói không với đưa hối lộ - một phần chi phí không chính thức.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển. Liên kết giữa kinh tế tư nhân với DN FDI, DNNN cần quan tâm. Chuyển 3,5 - 4 triệu hộ kinh doanh cá thể sao để họ trở thành DN tư nhân với quy mô mở và vừa.
Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị.
Tinh thần, ý chí vươn lên tự tin dám làm, được chính quyền và nhân dân cổ vũ là yếu tố quan trọng, là niềm tin để thực hiện mục tiêu.
14h21, Thủ tướng bắt đầu trả lời trực tiếp các chất vấn đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội cho biết có 46 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Thủ tướng.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhắc đến 2 vấn đề. Trước hết, đất nước đã xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN khá thành công nhưng chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn đang diễn ra. Đại biểu muốn biết quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này.
Đại biểu đề cập việc phát triển kinh tế tư nhân với nghị quyết của Đảng là định hướng kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế đất nước.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) ghi nhận kết quả nổi bật của năm 2017 nhưng băn khoăn về chất lượng tăng trưởng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng nêu nhận định về vấn đề này.
Đề cập vấn đề các dự án BOT giao thông thời gian qua, đại biểu chuyển câu hỏi của cử tri về quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng để khắc phục các bất cập bộc lộ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề cập ngay sau khi Chính phủ mới thành lập, Thủ tướng đã nêu thông điệp về Chính phủ kiến tạo. Ông Lộc muốn Thủ tướng làm rõ quan điểm này. Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về tinh thần hành động của Chính phủ hay một mô hình mới?
Nhắc tới sự kiện APEC 2017, ông Lộc đề cập tiến trình mới của TPP với 11 nước. Tuy nhiên, TPP không có Mỹ cũng thu hẹp đáng kể sự hấp dẫn của hiệp định. Thủ tướng có chủ trương gì về việc này?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn 2 vấn đề. Trước hết, về đô thị thông minh, Thủ tướng mong muốn gì ở mô hình này? Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi, Thủ tướng có hài lòng với kết quả đạt được của năm nay. Trong những trăn trở về vận nước thì Thủ tướng sốt ruột nhất với vấn đề gì?
Những vụ án liên quan đến tham nhũng, cờ bạc, lạm dụng quyền lực thời gian qua chưa được giải quyết nghiêm. Thủ tướng chỉ đạo thế nào để sớm đưa ra xét xử nghiêm minh những vụ án này?
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26 năm 2008 về vấn đề này, đến nay đã qua gần 10 năm thực hiện. Trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp, cần xác định nguồn lực ưu tiên để thực hiện. thủ tướng sẽ chọn khâu nào, nông nghiệp, nông dân hay nông thôn để thực hiện? Có cách gì để khắc phục tình trạng phải giải cứu nông sản?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng có 2 nút thắt về phát triển kinh tế là sức khỏe các doanh nghiệp FDI và chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa trong quá trình triển khai thực hiện không đạt được tiến độ kế hoạch. Thủ tướng sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề cập lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng năm 2016. Tại sao Thủ tướng lệnh vậy mà vẫn có nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, chứng tỏ lệnh của Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm?
14h16, về lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành công của APEC 2017 cùng việc đón nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp nhà nước vừa qua. Theo Thủ tướng, đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi 10 hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp.
Thủ tướng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia; chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, phấn đấu đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Thời gian tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tạo mọi thuận lợi cho kiều bào đầu tư kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
14h10, chuyển sang vấn đề cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, Thủ tướng nhắc tới thông tin mới nhất về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các bộ ngành, địa phương. Thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận trên 4.600 phản ánh, kiến nghị của người dân và gần 1.100 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng xác nhận những bất cập, chậm chuyển biến như tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. “Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận” – Thủ tướng nói.
Thời gian tới, Thủ tướng muốn tập trung cải thiện căn bản nhóm các chỉ số đánh giá cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện còn thấp, vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh Chính phủ điện tử, công khai minh bạch chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân.
Lãnh đạo Chính phủ cũng muốn hoàn thiện hệ thống quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Nhiệm vụ khác Thủ tướng trình bày là ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị, tăng cường thanh kiểm tra công vụ và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội. Lãnh đạo Chính phủ cũng báo cáo thêm về vấn đề giảm nghèo cho bà con ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.
14h, phiên chất vấn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu. Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tâm huyết và thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 mà Chính phủ đề xuất. Báo cáo trước khi trực tiếp trả lời các câu hỏi đặt ra, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, có 76 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn 2 ngày qua, về phía Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông đã trực tiếp trả lời chất vấn. 2 Phó Thủ tướng (Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam) và Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cũng tham gia báo cáo, giải trình thêm tại hội trường.
Thủ tướng khái quát, đa số các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội. Niềm tin của người dân, theo đó, được nâng lên. Dù vậy, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung giải quyết, nỗ lực phấn đấu.
Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội từ phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 đến nay (gần 1 tháng), Thủ tướng cho biết, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực hơn, tiếp tục khẳng định kết quả đạt được toàn diện như đã báo cáo trong ngày khai mạc Quốc hội.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12/2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%. Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; thị trường chứng khoán vượt mốc 890 điểm.
Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc…
Về phòng chống thiên tai, Thủ tướng cho biết, sau 13 cơn bão, năm 2017 đã có 363 người chết và mất tích do thiên tai. Hiện tại, bão số 14 đang đe dọa đổ bộ Khánh Hòa - Ninh Thuận. Bất thường của bão gió năm nay là kèm mưa lớn, gây hậu quả lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng. Bão đổ bộ vào những địa phương trước nay không hề bị bão bao giờ. Mưa bão, lũ lụt đã khiến hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Những diễn biến phức tạp đó cho thấy công tác phòng chống thiên tai, ứng phó phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu. Việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập. Tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo chặt chẽ hơn, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tăng cường đầu tư trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, hồ đập, trước mắt tập trung khắc phục các sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua…
Đây là lần thứ 2 trả lời chất vấn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là lần đầu tiên lãnh đạo cơ quan điều hành đất nước có trọn một buổi chiều đăng đàn trước Quốc hội.
Tại kỳ họp Quốc hội đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến bố trí 40 phút cho hoạt động trả lời chất vấn nhưng sau cùng ông cũng không trực tiếp đăng đàn mà ủy quyền hoàn toàn cho Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thực hiện việc này. Trước đó nữa, kỳ họp cuối năm ngoái, nửa đầu buổi chiều phiên chất vấn Thủ tướng phải “chia sẻ” cho một Bộ trưởng. Thủ tướng chỉ có khoảng hơn một tiếng rưỡi để giải đáp các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Danh sách đại biểu chất vấn Thủ tướng chưa được trả lời ngay tại hội trường, do thời gian hạn hẹp, kỳ nào cũng rất dài. Không hiếm thấy cảnh hàng loạt đại biểu được bố trí phát biểu, nêu câu hỏi luôn để người đứng đầu Chính phủ trả lời… bằng văn bản sau khi kết thúc kỳ họp.
Với lần đầu tiên được bố trí thời lượng trọn cả một buổi chiều như hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội trông đợi, đây sẽ là một phiên chất vấn sôi nổi, sâu sắc đối với hoạt động điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thêm nữa, phần chất vấn với Thủ tướng không giới hạn trong các nhóm vấn đề cụ thể như với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Các đại biểu Quốc hội có thể đặt bất cứ câu hỏi nào với người đứng đầu Chính phủ.
Tổng hợp ý kiến thăm dò trước đó của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy, có 16 vấn đề từ 23 đoàn đại biểu Quốc hội chờ đợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời.
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét