Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Chính quyền TPHCM lấy tư cách gì phế bỏ một quyết định của Thủ tướng Chính phủ?; Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm

5-5-2018
Khoảng năm 2000, trong cuộc họp HĐND TPHCM, sau khi phê phán gay gắt lãnh đạo Q.2 chậm trễ trong công tác giải tỏa đền bù, chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh gút lại: “Anh Chín Lực (Đỗ Tiến Lực – chủ tịch UBND Q.2), tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở anh nhiều lần phải tiến hành cắm mốc đường dẫn từ hầm Thủ Thiêm lên (đường Mai Chí Thọ bây giờ), để bàn giao cho đơn vị thi công, tôi cho anh hứa lần cuối, chừng nào cắm xong?”.
Anh Chín Lực ngửa bài: “Thưa anh Bảy, anh làm ơn nói với các ông lớn, bà lớn cho tôi biết đất chỗ nào của ông nào hay của bà nào, để tôi biết đường mà cắm”. Toàn thể đại biểu cười rần, có lẽ chạm nọc nhạy cảm, ông Bảy Thanh chuyển sang phần nghị sự khác.
Hôm sau, chỉ có báo Phụ Nữ đăng câu nói của anh Chín Lực, anh khều tôi nói nhỏ, báo Phụ Nữ chịu chơi! Không ngờ vài tháng sau, ông Bảy Thanh cách chức chủ tịch Q.2, điều anh Chín Lực về làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐQT công ty Samco (Cơ khí Ô tô Sài Gòn) chuyên đóng ô tô buýt. Anh Chín rất bản lĩnh, xuống chức vẫn vui vẻ.
Đoàn Thanh tra Chinh phủ và các nhà báo nên phỏng vấn 2 ông 7 Thanh và 9 Lực để biết các lãnh đạo ác ôn nào từng thâu tóm đất đai Thủ Thiêm. Không công bố quy hoạch cho người dân bị giải tỏa, làm mất bản đồ là vi phạm luật pháp!
P/S: Luật Quy hoạch đô thị Số: 30/2009/QH12
Điều 9. Lưu trữ, lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị
1. Hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị và cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 53. Công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai bằng các hình thức sau đây:
a) Trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ, mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực được lập quy hoạch;
b) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;
c) In thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi.
2. Nội dung công bố công khai gồm các nội dung cơ bản của đồ án và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
3. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.
Điều 54. Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn công bố công khai đồ án quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn do mình quản lý.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương;, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có trách nhiệm công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
____
Mời đọc lại bài viết 16 năm trước: Mới thanh tra bốn quận, đã phát hiện nhiều cán bộ “cò” đất (NLĐ).

Chính quyền TPHCM lấy tư cách gì phế bỏ một quyết định của Thủ tướng Chính phủ?


5-5-2018
Từ khi có Quyết định 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM đã ra hàng loạt các văn bản để thực thi Quyết định này của Thủ tướng. Đến ngày 22/2/2002 Chính phủ có Công văn số 190/CP-NN cho phép UBND TPHCM căn cứ vào quyết định 367/TTg thu hồi 930 ha đất (770 ha xây dựng Khu đo thị mới và 160 ha xây dựng khu tái định cư), nhằm xây dựng Khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Và như đã nói ở các stt trước, bằng 2 thông báo 77/TB-VP và 78/TB-VP, trong cùng một ngày 22/3/2002, chính quyền thành phố cố tình làm sai bản đồ quy hoạch chung mà Thủ tướng phê duyệt bằng cách giảm diện tích mặt nước và chuyển một phần diện tích tái định cư vào cho đủ diện tích 770 ha của khu trung tâm, đồng thời tiến hành thu hồi đất của dân ngoài phạm vi được Thủ tướng phê duyệt để bù vào. Điều này đã được báo chí phản ánh là chính quyền thành phố đã phá vỡ quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt “từ trong trứng nước”, là nguyên nhân của mọi khiếu kiện dai dẳng của dân diễn ra mười mấy năm nay.
Việc phá vỡ quy hoạch dần dần được hợp pháp hóa. Trước hết bằng một công văn từ Chính phủ. Đó là Công văn số 1642/CP-CN ngày 24 tháng 11 năm 2003 do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký “cho phép UBND TP.HCM điều chỉnh Quy hoạch chung, Quy hoạch chi tiết trên cơ sở thống nhất ý kiến của Bộ xây dựng”. Từ công văn này, chính quyền thành phố đã ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27-12-2005 “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000”. Điều 2 Quyết định này đã ghi một cách ngang ngược : “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Nghĩa là bản đồ quy hoạch 1/5000 do Thủ tướng duyệt bị phế bỏ, thay vào đó là tấm bản đồ do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký duyệt.
Theo trình tự xây dựng các văn bản pháp luật thì 1 văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể bị phủ nhận bằng một văn bản quy phạm pháp luật cao hơn chứ luật lệ nào lại cho phép ngược lại ? Ngay cả 1 văn bản của Chính phủ thì Nghị định, Nghị quyết là cao nhất, kế đó là Quyết định, dưới nữa mới đến công văn. Công văn 1642/CP-CN của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký không có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định của Thủ tướng. Bản thân cái công văn đó không thể phế bỏ một quyết định của Thủ tướng, huống hồ là nó giao cho chính quyền địa phương ra quyết định phế bỏ quyết định của Thủ tướng. Muốn phế bỏ một quyết định của Thủ tướng thì ít nhất phải có một Quyết định tương ứng trở lên của Thủ tướng, chứ sao lại làm ngược đời như vậy ?
Các nhà báo nên đào sâu cái bản quy hoạch 1/5000 do chính quyền TP.HCM ban hành bảo kê cho những đại gia nào, và điều gì đã xảy ra kể từ khi có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng đến khi Chính quyền TP.HCM phế bỏ quyết định này thì mới biết lý do thật sự của tấm bản đồ 1/5000 do Thủ tướng phê duyệt đã bị “phi tang”.

Không có nhận xét nào: