03:03, 07/05/2018
Tóm tắt bài viết
- Trung Quốc đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa và tên lửa hành trình ra Trường Sa, theo CNBC.
- Đây là hành động đã "vượt quá giới hạn", theo chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế.
- Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần xét lại Trung Quốc có xứng đáng với vai trò một siêu cường, có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không.
Hôm thứ Ba (2/5), hãng CNBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc trong 30 ngày qua đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vượt qua giới hạn
Cụ thể, Bắc Kinh được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9B với tầm bắn gần 300km. Theo Thời báo châu Á (Asia Times), hệ thống phòng không này tương tự hệ thống S-300 của Nga, có thể tấn công các máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.
Trong khi đó, tên lửa hành trình được Trung Quốc mang ra Trường Sa là loại YJ-12B – tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay tương tự dòng Kh-31 của Nga, nhưng có hình dáng tương tự mục tiêu bay GQM-163 Coyote của Mỹ. Loại vũ khí này có thể trang bị cho oanh tạc cơ H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16.
Phản ứng trước tin này, ngày 3/5 Bắc Kinh đã lên tiếng bảo vệ việc triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa đất-đối-không tại Biển Đông, ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi” trên khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu: “Việc triển khai có liên quan không nhằm chống lại bất cứ nước nào. Các bên có liên quan không nên lo lắng về vấn đề này và cần xem xét điều này bằng một cách thức khách quan.”
Tuy nhiên, với hệ thống tên lửa đất đối không và không chống hạm triển khai ra Trường Sa, Trung Quốc gần như đã nắm quyền kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng liên quan đến việc quá cảnh tới các quốc gia trong khu vực xung quanh Trường Sa như Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan; và phía Bắc tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Asia Times, việc kiểm soát những tuyến hàng hải này ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát thương mại thế giới, cũng như quyết định ai có quyền lực quân sự thực sự ở Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
“Trước đây, nếu anh là một trong những bên tuyên bố chủ quyền … anh biết rằng Trung Quốc đang theo dõi mọi bước đi của anh. Bây giờ anh sẽ biết rằng anh đang hoạt động trong phạm vi tên lửa của Trung Quốc. Đó là một đe dọa khá mạnh mẽ”, Greg Poling, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế của Washington (CSIS), nói với Reuters.
Theo ông Gregory Poling, Bắc Kinh đã đi quá giới hạn: “Điều này có thể coi là Trung Quốc đang vượt qua một giới hạn quan trọng. Việc triển khai các hệ thống tên lửa này là một mối đe dọa quá rõ ràng và cho thấy một bước đi nữa của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông”.
Nói một đàng, làm một nẻo
Nếu những tin tức của CNBC là chính xác, hành động của Trung Quốc một lần nữa cho thấy họ là những người xem thường luật pháp quốc tế và cũng xem thường chính các tuyên bố của mình.
Trước đó, hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói từng mạnh miệng chỉ trích các hoạt động tập trận của Mỹ và Singapore ở Biển Đông, cho rằng “Quân sự hóa chính là yếu tố gây bất ổn định nhất ở khu vực”.
Ông nhấn mạnh rằng dù có những tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tăng cường tiến trình thảo luận Bộ quy tắc ứng xử (COC), mở rộng sự hợp tác giữa các nước cùng bờ biển và khuyến khích hòa bình và hợp tác ở Biển Đông, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Tuy nhiên, như đã thấy, hồi giữa tháng 4 Trung Quốc đã xúc tiến một cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với tàu sân bay Liêu Ninh, hơn 10.000 binh sỹ hải quân, 76 máy bay chiến đấu và hạm đội gồm 48 tàu và tàu ngầm tham gia vào cuộc diễn tập. Và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp tham gia quan sát.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Chương trình An ninh Hàng hải, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho rằng việc triển khai tên lửa ở Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai lực lượng ở Biển Đông. Cùng với các phương tiện di động như chiến đấu cơ và chiến hạm, Bắc Kinh coi như có một chiếc dù bao phủ toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả tại những vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc không nắm giữ.
Theo ông Collin Koh, điều vô lý là Bắc Kinh cho rằng những hoạt động nói trên của họ không phải là quân sự hóa, mà chỉ là những biện pháp mang tính phòng thủ, tự vệ. Tuy nhiên, họ lại xem những hoạt động tương tự của các nước khác là quân sự hóa. Nói cách khác, dường như Bắc Kinh muốn tự mình viết ra luật và buộc cả thế giới phải theo luật của họ, còn họ lại không cần tuân theo luật lệ nào!
Thách thức cả thế giới
Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không. Theo một số nhà phân tích, sau việc triển khai tên lửa ở Trường Sa, việc thiết lập ADIZ có thể là bước kế tiếp để Trung Quốc thật sự làm bá chủ Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại CSIS, cho rằng việc Trung Quốc điều tên lửa ra Trường Sa là giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa. Tiếp theo nước này sẽ điều các chiến đấu cơ đến khu vực và khi thời gian chín muồi, họ sẽ vạch các đường ranh giới và tuyên bố ADIZ.
Một chuyên gia khác của CSIS, ông Bonnie Glaser, cũng có nhận định tương tự: “Đây chính xác là điều chúng tôi đã dự đoán Trung Quốc sẽ làm. Tiếp theo chúng ta sẽ thấy Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu, có thể là luân phiên, rồi họ sẽ bắt đầu tập trận gần các đảo này”.
Đặc biệt, những động thái vừa qua của Trung Quốc đang thách thức trực tiếp những lợi ích của Mỹ trong khu vực. Thực tế, Trung Quốc đang cố gắng thay thế Hoa Kỳ ở Biển Đông, và nâng mức độ đe dọa lên Hải quân Hoa Kỳ khi các lực lượng hải quân và máy bay của Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Trung Quốc.
Tương tự như vậy, khí tài quân sự trên quần đảo Trường Sa là một phần quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc để cô lập Đài Loan, khiến Mỹ không thể tiếp cận với hòn đảo này. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng “đóng cửa” tuyến hàng hải Biển Đông (bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự) như đã đóng cửa eo biển Đài Loan trong năm 1996.
Các căn cứ chính của Mỹ hỗ trợ tự do hàng hải và hoạt động an ninh khá xa khu vực Biển Đông, chủ yếu ở Nhật Bản, Okinawa, Guam và Trân Châu Cảng. Guam cách Biển Đông hơn 3.000 km, có nghĩa là một phản ứng nhanh chóng của tàu sân bay bắt đầu từ đó là không thể. Trân Châu Cảng còn xa hơn nữa, cách Đài Loan khoảng 8.000 km và các Biển Đông xa hơn.
Vì vậy, có lẽ Mỹ sẽ phải nhanh chống quyết định có nên xắn tay áo để kiểm chế Bắc Kinh tại Biển Đoong hay không, hoặc để mọi việc tiến triển xa hơn nữa.
Trong khi đó, đã có người đặt vấn đề có nên tiếp tục để Trung Quốc chiếm giữ ghế thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không, khi họ liên tiếp có những hành động đi ngược lại hòa bình và ổn định của thế giới?
“Với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc phải ý thức được trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới. Bất cứ hành động quân sự hóa nào trên Biển Đông sẽ đi ngược lại trách nhiệm và vai trò đó”, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhận xét.
Có lẽ, đã đến lúc cần xét lại Trung Quốc có xứng đáng với vai trò là một siêu cường hay không, khi Bắc Kinh trong nước thì bị lên án đàn áp nhân quyền, đi ngược dân chủ; trên quốc tế lại liên tục tạo ra bất ổn, xáo trộn và nghi kỵ.
Trung Dung
Có thể bạn quan tâm :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét