Thụy My
Rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran, dời đại sứ quán về Jerusalem...tổng thống Mỹ Donald Trump gây xáo trộn cục diện thế giới.REUTERS/Matej Leskovsek
L’Express tuần này giới thiệu 100 khuôn mặt của nước Pháp gợi lên những ý tưởng cho tương lai. Le Point mở điều tra « Đàn ông đã bị phụ nữ vượt qua ? », còn L’Obs phân tích « Những phe cực đoan đang thách thức tổng thống Macron ».
Le Courrier International chạy tựa « Trump, người đặt chất nổ » với ảnh bìa là hình vẽ một khuôn mặt từa tựa như tổng thống Mỹ nhưng ở giữa là một quả bom. Bên trong là một hình vẽ khác : ông Trump đang hung hăng cầm một cây búa có đầu hình hỏa tiễn. Tờ báo tóm tắt : đụng độ đẫm máu ở Gaza, vòng xoáy chiến tranh Iran-Israel, « đoạn tình » với châu Âu, và cuộc gặp thượng đỉnh đầy rủi ro với Bắc Triều Tiên.
Trong bài xã luận mang tựa đề « Hòa bình, theo ông Trump », tờ báo nhận định nơi tổng thống Mỹ, chủ nghĩa cô lập được tuyên bố trong khẩu hiệu tranh cử « American First » kết hợp một cách kỳ lạ với chủ nghĩa can thiệp ngày càng tăng. Khi người tiền nhiệm Barack Obama cố gắng rút nước Mỹ khỏi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới, thì ngược lại, Donald Trump can thiệp vào tất cả những cuộc khủng hoảng, thậm chí còn kích động chúng.
Về Syria, Obama ngoài các tuyên bố về lằn ranh đỏ, hầu như chỉ đứng ngoài. Còn ông Trump không ngần ngại cho bắn hỏa tiễn ngay từ những nghi ngờ đầu tiên về tấn công hóa học. Obama đã làm gì cho hòa bình giữa Israel và Palestine ? Chẳng có gì đáng kể - ông không ưa thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou. Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, Obama cũng tỏ ra thụ động trước những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Một trong những thành tựu của thời kỳ Obama về ngoại giao, là thỏa thuận với Iran, chủ yếu do châu Âu thương lượng trong hơn mười năm. Nhưng trên hồ sơ này cũng như tất cả các hồ sơ khác, Donald Trump đã đi ngược lại với người tiền nhiệm. Khi rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran, Trump khẳng định nếu Iran muốn trở thành thành viên cộng đồng quốc tế, thì phải chấm dứt bành trướng trong khu vực và ngưng yểm trợ các phe Hezbollah, Hamas. Nếu người Palestine muốn tồn tại, thì phải chấp nhận mình đã thua cuộc.
Donald Trump không mơ hồ, không cần đến thủ thuật ngoại giao. Đó là con người của chủ nghĩa đơn phương tuyệt đối, cho rằng chỉ có tiếng nói của người chiến thắng là quan trọng. Cũng giống như đồng nhiệm Nga và Trung Quốc, Trump ỷ vào sức mạnh của mình, bất chấp các đồng minh châu Âu. Ông nghĩ rằng đã thắng được ván đầu khi đưa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào bàn hội nghị. Donald Trump mơ thành nhà kiến tạo hòa bình – hòa bình theo kiểu của ông. Theo Le Courrier International, đó là một ván bài tẩy đầy rủi ro, có thể kêt thúc bằng một đám cháy lớn trên toàn cầu, mà những ngọn lửa đầu tiên đã bốc lên ở dải Gaza và Syria.
Những lời hứa vẫn chỉ là lời hứa
Trong bài « Nền ngoại giao hỗn loạn », The New York Times được Le Courrier International trích dịch, nhắc nhở : khí hậu, tự do mậu dịch, Iran - mỗi lần Donald Trump xé bỏ một thỏa thuận được ký kết trước khi ông lên nắm quyền, thì lại khẳng định ông sẽ thương lượng được tốt hơn. Thế nhưng những lời hứa này chưa bao giờ thành sự thực.
Tháng 6/2017 khi rút khỏi hiệp định khí hậu Paris bị Donald Trump cho là « lừa đảo », tổng thống Mỹ cho biết sẵn sàng thương lượng lại, nhưng từ đó đến nay vẫn im ắng. Ông hứa một chế độ bảo hiểm y tế mới cho mọi người với chi phí rẻ hơn, và người ta vẫn phải chờ đợi kế hoạch của ông. Trước đó, một trong những quyết định đầu tiên của Donald Trump khi bước vào Nhà Trắng là rút lui khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.
Donald Trump khẳng định sẽ buộc Trung Quốc nhượng bộ, nhưng những cuộc đàm phán gần đây vẫn chưa cho thấy hy vọng tránh được một cuộc chiến tranh thương mại. Thỏa thuận duy nhất mà Trump áp đặt tái thương lượng khá thành công là với Hàn Quốc, tuy nhiên còn phải dời lại để dành thế mạnh cho Seoul khi đối thoại với Bình Nhưỡng về chương trình nguyên tử.
Thỏa thuận bị Donald Trump ngờ vực nhiều nhất là hiệp định nguyên tử Iran. Các thanh tra quốc tế, và ngay cả các cơ quan an ninh, tình báo của Mỹ lần Israel đều cho rằng Teheran tôn trọng hiệp định. Điều này không quan trọng đối với ông Trump, các đồng minh diều hâu, thủ tướng Israel và Ả Rập Xê Út. Tất cả dường như tin rằng vấn đề Iran sẽ được giải quyết khi chế độ sụp đổ, do khủng hoảng kinh tế hoặc do một chiến dịch quân sự.
Một động thái bất lợi cho hồ sơ Bắc Triều Tiên
Thông điệp này có vẻ phản tác dụng trước cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un ; trong khi tầm quan trọng của hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên còn cao hơn cả với Iran.
USA Today dẫn nhận xét của Bruce Klingher, cựu chuyên gia phân tích của CIA, nay làm việc cho think tank Heritage Foundation : « Về mặt chính thức thì hai hồ sơ không liên quan với nhau, nhưng trong ý nghĩ của mọi người thì ngược lại. Đó là hai Nhà nước du côn, đang ở những giai đoạn khác nhau trong chương trình nguyên tử ».
Bình Nhưỡng tiến triển khá xa trong lãnh vực này, bị nghi là đang sở hữu ít nhất 60 đầu đạn hạt nhân. « Chính quyền Trump đã đặt mục tiêu quá cao, và đang trong ngõ cụt khi nhất quyết chống đối không chỉ hiệp định với Iran mà cả với Bắc Triều Tiên ».
Hồi năm 1994, một thỏa thuận khung giữa chính quyền Clinton và Bắc Triều Tiên đã giúp làm chậm lại chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng trong tám năm. Tuy nhiên đã bị tan vỡ dưới thời ông George W.Bush, một phần do các khiêu khích của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng do Washington không giữ lời hứa hỗ trợ cho một chương trình năng lượng nguyên tử hòa bình.
Iran gieo gió gặt bão ?
Ngược lại, The Daily Telegraph xuất bản ở Luân Đôn phản biện « Chính Iran đã gây ra nông nỗi ». Theo bài báo được Le Courrier International dịch lại, thái độ hung hăng của nước Cộng hòa Hồi giáo từ khi ký được hiệp định đã khiến tổng thống Mỹ không có chọn lựa khác.
Năm 2015, khi Barack Obama đầu tư rất nhiều cho hiệp định này, nhiều người chờ đợi Iran có những quan hệ mang tính xây dựng một khi thỏa thuận được ký kết. Đây là cơ hội để từ bỏ chính sách hiếu chiến chống phương Tây từ năm 1979, giao thương với thế giới bên ngoài. Nhưng trái lại, Iran đã trở nên thù địch hơn với phương Tây.
Theo tờ báo bảo thủ Anh, nếu tổng thống Hassan Rohani thành thật, thì đã không để cho các chiến hạm Iran quấy nhiễu Đệ ngũ hạm đội Mỹ đang tuần tra trong khu vực như thường lệ. Ông ta cũng không thể tiếp tục yểm trợ quân nổi dậy Houthi ở Yemen – đã gây ra thảm họa nhân đạo khi muốn lật đổ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ. Và cũng không cho phép Vệ binh Cộng hòa tích trữ vũ khí ở Syria và Liban, với hàng ngàn hỏa tiễn có thể tấn công các thành phố chính của Israel. Teheran tiếp tục xuất khẩu nguyên tắc không khoan nhượng của cuộc cách mạng Iran sang thế giới Hồi giáo.
Việc tăng cường bộ máy quân sự Iran tại Nam Liban và nhất là tại Syria, khiến tình báo Israel ước lượng có 50% khả năng xảy ra xung đột quân sự với Iran trong mùa hè 2018. Obama muốn thương thuyết về chương trình nguyên tử chính là để tránh cuộc chiến này, nhưng ba năm sau, bóng ma chiến tranh lại càng đe dọa hơn, khiến Israel phải chuẩn bị bảo vệ biên giới.
Theo The Daily Telegraph, chính quyền Obama không hiểu được quyết tâm mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài lãnh thổ của Iran. Rõ ràng Cộng hòa Hồi giáo Iran muốn thống trị khu vực. Teheran đỡ đầu phe Hezbollah - phe này vừa thắng thế trong cuộc bầu cử ở Liban hôm 6/5, và ủng hộ Hadi Al Ameri, thủ lãnh dân quân Shia từng sống lưu vong nhiều năm tại Iran - ứng cử viên này về nhì trong cuộc bầu cử đến 12/5 ở Irak.
Nhận định rằng việc hủy hiệp định nguyên tử làm cho « Phe cứng rắn ở Iran mạnh thêm »,nhưng Washington Post cũng ghi nhận phần lớn trong ngân sách 350 tỉ đô la của Iran được dành cho các cuộc can thiệp quân sự và chính trị ở Syria, Irak, Yemen và Liban. Trong bốn năm gần đây, chi tiêu quân sự của Teheran tăng 128%.
Ba siêu diều hâu tại Nhà Trắng
« Vỏ quít dày, móng tay nhọn ». L’Obs giới thiệu « Băng nhóm khủng khiếp » của Donald Trump : những người chừng mực đã ra đi, bây giờ là siêu diều hâu Bolton ở chức cố vấn an ninh quốc gia, Pompeo ở bộ Ngoại Giao, Haspel ở CIA.
Tuần báo mô tả ông John Bolton là một « quả lựu đạn đã rút chốt ». Ông là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc đổ quân vào Irak năm 2003, phản đối hiệp định nguyên tử Iran ngay từ đầu, và cho rằng để đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền chính đáng khi ra tay « tiên hạ thủ vi cường ». Một chi tiết nữa gần gũi với Donald Trump : năm 1970 để khỏi phải đi quân dịch sang Việt Nam, John Bolton đã vào lực lượng Vệ binh Quốc gia, nói rằng « không hề muốn đi chết trên các ruộng lúa ».
Còn Mike Pompeo, tốt nghiệp cả West Point lẫn Harvard từng đả kích kịch liệt bà Hillary Clinton trong vụ lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công, cũng là người chống đối hiệp định Iran từ đầu. Ông biết trấn an đúng lúc với những câu như « Nếu chúng ta không đóng vai trò lãnh đạo trong kêu gọi dân chủ, thịnh vượng và nhân quyền trên thế giới thì ai sẽ làm điều ấy ? ».Nhưng theo L’Obs, đằng sau cung cách lịch sự của Pompeo là một chú pitbull, một nhà tư tưởng cay độc.
Với « gián điệp sắt thép » Gina Haspel, 33 năm phục vụ cho CIA, trước câu hỏi việc tra tấn có phi đạo đức hay không, bà từ chối trả lời, chỉ nói rằng « nhiều thông tin quý giá đã lấy được từ các thành viên Al Qaida ».
An ninh của Israel trên hết
Khi rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran và dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, tổng thống Donald Trump đã khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối với Nhà nước Do Thái. Theo tờ Al Hayat có trụ sở ở Luân Đôn được Le Courrier International trích dịch, một mặt ông Trump chọn lựa đối đầu trực tiếp với Iran, mặt khác đặt mình trong tình trạng xung đột với người Palestine, đặt toàn thế giới Ả Rập trước việc đã rồi.
Có ba lý do. Trước hết Donald Trump rất thù ghét chế độ Iran, và nói chung không ưa người Ả Rập, người Hồi giáo. Thứ hai, ông đặt an ninh của Israel lên trên hết, kể cả phải lâm chiến với Iran. Thứ ba, Donald Trump hy vọng các nước vùng Vịnh, cũng lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Teheran trong khu vực, sẽ xích lại gần với Israel.
Máu lại đổ trên dải Gaza, cho đến bao giờ ?
Về vụ bạo động tại dải Gaza vào « Ngày thứ Hai đen » 14/5 làm 59 người chết và 2.400 người bị thương, L’Obs cho rằng một lần nữa cuộc chiến hình ảnh lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Israel-Palestine, trong một ngày rất đặc biệt.
Người Do Thái kỷ niệm 70 năm lập quốc, một phép lạ trường thọ của quốc gia tí hon lọt thỏm giữa bao nhiêu nước thù địch. Còn người Palestine tưởng niệm « Nakba », tức thảm họa khiến họ phải lưu vong, trong sự dửng dưng của cộng đồng quốc tế đã quá chán ngán trước một cuộc chiến bất tận.
Nhận định rằng phe Hamas chắc chắn có can dự, và cũng có thể đã cổ vũ người dân Gaza khiêu khích lính Israel, dẫn đến cái chết của họ, nhưng tờ báo trong bài « Gaza, vụ thảm sát những người bị quên lãng » chỉ trích quốc tế đã bỏ rơi người Palestine. Tờ Ha’Aretz ở Tel Aviv cho rằng « Vụ Gaza đã làm xấu đi hình ảnh của Israel ».
Ngược lại, tuần báo Anh The Economist với hình bìa là một cậu bé Palestine đang bắn bằng chiếc ná trong khói đen mịt mù, đặt vấn đề « Có cách nào tốt hơn không ? ». Theo tờ báo, Israel phải trả lời về những cái chết ở dải Gaza, nhưng bây giờ là lúc người Palestine thực hiện chính sách phi bạo lực.
Bao nhiêu máu đổ ra mới đủ ? Tất cả các Nhà nước đều có quyền bảo vệ biên giới, và dường như có những chiến binh Hamas trà trộn trong những người biểu tình Palestine. Phe này đã phá hiệp ước hòa bình Oslo với chiến dịch đánh bom tự sát trong những năm 1990 và 2000. Thắng cử năm 2006, những người lãnh đạo Hamas lại tham nhũng và bất tài. Xi-măng lẽ ra dùng cho tái thiết, là bị sử dụng để xây các hầm ngầm nhằm tấn công Israel, vũ khí được trữ tại các địa điểm dân cư, kể cả đền thờ Hồi giáo và trường học, khiến những nơi này trở thành mục tiêu. Theo tờ báo, nếu Hamas chịu buông vũ khí và người Palestine tuần hành một cách hòa bình, họ sẽ được cảm tình hơn, có thể thuyết phục được Israel bớt bóp nghẹt dải Gaza.
Làm gì trước một nhà độc tài được bầu lên một cách dân chủ ?
« Nếu Kadhafi là người Mỹ ? ». Tác giả Kamel Daoud đặt vấn đề trên Le Point : chúng ta biết hạ bệ một nhà độc tài nhưng bất lực trước một nguyên thủ được bầu lên một cách dân chủ và lại đe dọa thế giới. Liệu có thể làm một cuộc « đảo chính quốc tế » hay không ?
Trước một lãnh tụ độc tài, có thể lật đổ và tổ chức bầu cử người mới. Nhưng phải làm gì nếu Kadhafi mang màu da trắng, là người Mỹ, rất giàu có và được bầu lên ? Donald Trump không phải từ trên trời rơi xuống, mà đại diện cho nhiều cử tri, cho một xu hướng trên thế giới. Làm thế nào thoát khỏi nhân vật này càng sớm càng tốt, vì theo tác giả, sớm muộn gì ông Trump cũng sẽ khởi động một cuộc chiến.
Ủng hộ một lãnh tụ dân chủ, đổ bộ ban đêm xuống một bờ biển với các « cố vấn quân sự » hoặc giúp đỡ người dân cầm vũ khí, cô lập nhà độc tài, đóng băng các tài khoản của ông ta ? Câu trả lời tương đối dễ dàng khi một dân tộc là nạn nhân của một lãnh đạo độc tài, nhưng làm gì khi dân tộc – hoặc đúng hơn là đa số của dân tộc này – lại là thủ phạm ? Đó cũng là trường hợp của Putin, Erdogan và một số khác : họ dùng thủ đoạn để tại vị, nhưng họ cũng mang đến hy vọng tạo dựng lại vinh quang cũ cho đất nước.
Mỹ bỏ rơi, châu Âu cần tự lực cánh sinh
Trước thời thế đổi thay, cây bút Jacques Attali trên L’Express than thở « Châu Âu chúng ta đang đơn độc » và đặt câu hỏi, bao giờ người châu Âu mới chịu hiểu điều đó ?
Kể từ thập niên 20 đến nay, người châu Âu quen nghĩ là dù sao đi nữa luôn có ai đó sẽ hỗ trợ mình. Thực tế Hoa Kỳ đã cứu châu Âu khỏi móng vuốt bọn quốc xã, giúp vực dậy nền kinh tế qua kế hoạch Marshall, và mối đe dọa Liên Xô với các tên lửa hạt nhân. Hơn nữa, người Mỹ còn làm mọi cách để các đồng minh tiếp tục lệ thuộc mình. Không có chuyện châu Âu độc lập về quân sự, tài chính, văn hóa, kỹ nghệ, công nghệ ; Mỹ luôn tìm cách kiểm soát các lãnh vực chiến lược và ấn định các nguyên tắc của mình ; và châu Âu cảm thấy thoải mái về sự lệ thuộc này.
Ngày nay tất cả dường như đã thay đổi. Tổng thống Mỹ quyết định mà không quan tâm đến quan điểm cũng như lợi ích của các đồng minh châu Âu. Nhưng không chỉ Donald Trump, mà thật ra các tổng thống tiền nhiệm cũng chỉ hành động vì quyền lợi của nước Mỹ, còn ông Obama thì kín đáo « giựt dây từ xa ».
Tác giả chắc chắn rằng sẽ không có một người Mỹ nào đến, hy sinh tính mạng để cứu châu Âu hay Washington can thiệp với nguy cơ lãnh một quả bom trên đất Mỹ. Theo tác giả Attali, cần có một kế hoạch quốc phòng chung để bảo vệ biên giới trên đất liền và trên biển, có những phương tiện thông tin độc lập với các vệ tinh và cáp quang dưới đáy biển của Mỹ. Một liên bang châu Âu mà đến nay mới chỉ có tổng thống Pháp đề nghị đang trở thành điều kiện cần thiết để cứu vãn nền văn hóa cựu lục địa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét