Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Giang Nam - Hội nghị TW 7 chưa đủ dấu hiệu cải cách hiệu quả?

Trong nghiên cứu khoa học nói chung, chính trị nói riêng, phần đánh giá thực trạng là điều cơ bản nhất, thường gọi là điều kiện tiên quyết.

Bản báo cáo đề dẫn của TBT đã bộc lộ rõ rằng việc đánh giá thực trạng chưa đúng thực tế.

Hình minh họa
Thực trạng?

Báo cáo đề dẫn bộc lộ mâu thuẫn trong nhận định đánh giá thực trạng.

Tổng bí thư đánh giá chung về ưu điểm,rất lạc quan: “Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín; cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chính Minh, có tư uy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”.

Quan điểm trên lại tự mâu thuẫn với nhận định sau của TBT Trọng:

“Song những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”, Tổng bí thư chỉ rõ. (Vietnam net)

Một bộ phận nhỏ có thể làm suy yếu cả hệ thống hay sao ?

Vì sao tự mâu thuẫn?

Bất cứ sự mâu thuẫn nào khi đánh giá thực trạng cũng có nguyên nhân. Do đó cần có thảo luận, tranh luận. Sự mâu thuẫn này nói chung do hai khả năng:

1/ Không nhìn rõ nguyên nhân thực trạng Đất nước và Đảng xuống dốc toàn diện…

2/ Biết rõ thực trạng trên nhưng không cam tâm chỉ ra nguyên nhân cốt lõi, vì e sợ điều gì lớn hơn, như suy sụp lòng tin, gây bi quan lý tưởng, như vỡ “bình quý”.

Nghị sĩ QH Lê Thanh Vân nói “Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2014 đã quy định rất rõ về điều này. Cụ thể, có 9 đối tượng lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thuộc diện phải luân chuyển công tác và không phải là người địa phương, đó là: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục hải quan tỉnh.

Tất cả đều đã có quy định rất rõ ràng nhưng tiếc là sau khi chỉ thị được ban hành lại không được thực hiện đồng bộ.(…) Chỉ có một số địa phương bố trí được cán bộ luân chuyển theo tinh thần của chỉ thị trên, còn lại, nhìn chung vẫn chưa thực hiện nhất quán được trên cả nước”.

Giải pháp?

Thêm thuật ngữ mới như “cán bộ cấp chiến lược” thay cho khái niệm cũ “cán bộ nòng cốt, cán bộ cao cấp”, thực tế nội hàm vẫn như cũ. (Thời phong kiến đã có khái niệm tương tự:“quan chức là rường cột quốc gia”.)

Quan hệ “con ông cháu cha” và “nhóm lợi ích” thay bằng “thân quen cánh hẩu”.

Những giải pháp cứu vãn tình thế vẫn chỉ ở “công tác cán bộ” do nội bộ Đảng đám nhiệm hết, không cần đến biện pháp Dân chủ, dù chỉ là dân chủ trong đảng.

Bốc bài thuốc y học cổ truyền

Từ Trung Quốc đến Việt Nam thời phong kiến đã áp dụng Luật Hồi tỵ (chữ Hán: 迴避), nghĩa là tránh đi hoặc né tránh) quy định, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu để bố trí chuyển đi chỗ khác. Luật "hồi tỵ" cũng được áp dụng trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nguyên tắc trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền.

Ở Việt Nam Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi Luật Hồng Đức) có quy định: quan đầu tỉnh, huyện không được làm việc ở địa phương mình. Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, kết thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".

Đến thời Minh Mạng luật hồi tỵ còn triệt để hơn, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Nước Việt Nam XHCN sau thời gian gian dài dùng thuốc Tây nhãn hiệu “chủ nghĩa Mác Lê nin về công tác tổ chức cán bộ”, thực tiễn đã chứng tỏ không công hiệu, bệnh vẫn nặng. Chủ nghĩa Mác Lê nói cán bộ lãnh đạo là người trưởng thành từ thực tiễn, vừa hồng vừa chuyên. Nói chung chung về công tác tổ chức như vậy thì ai biết đâu mà lần?

Kỳ này Hội nghị TW7 đề ra toa thuốc y học dân tộc “bí thư cấp uỷ phải là người nơi khác” là cốt lõi của Luật hồi tỵ.

Hai trăm đại biểu còn đang bàn xem chỉ áp dụng Luật hồi tỵ ở cấp tỉnh thành hay cả huyện, quận (?) Vậy phải chờ biểu quyết !

Thực ra, gần chục năm qua Đảng CSVN đã thử áp dụng chính sách “luân chuyển cán bộ” đầu tỉnh, nhưng chỉ thực hiện được ở một số nơi. Chưa có báo cáo đánh giả kết quả.

Tuy nhiên“nhóm lợi ích” thời hiện đại đã hoá giải cả vị quan đầu tỉnh đã hồi tỵ. Vị này được kết nạp vào “nhóm”chia chác quyền lợi. Tình trạng Yên Bái đã bộc lộ thật rõ, bí thư tỉnh người nơi khác, trong vòng ít năm hình thành liền nhóm lợi ích. Quan đầu tỉnh đem theo gia đình họ hàng đến nơi phó nhậm. Từ đó dây mơ rễ má mọc ra liền. Bỏ qua chế độ phong kiến, gia đình thân nhân đầu tỉnh hăng hái tham gia việc quan ở cùng địa phương.

Kỳ họp này chán chẳng muốn nói đến “nhóm lợi ích” nữa vì nói mãi đã nhàm rồi. Phải có cái gì mới thì mới là hội nghị mới. Vậy thì có ngay vài khái niệm mới (thân quen, cánh hẩu).

Cấp huyện, quận, thị tương tự mô hình quản trị (hệ thống chính trị) cấp tỉnh, thành. Vậy cần lý giải vì sao còn rụt rè chừa lại mà không “hoán đổi/ luân chuyển” cán bộ đầu cấp huyện quận? Cơ sở lý luận như thế nào bây giờ ?

Vấn đề BHXH và lương công chức, quan chức?

Một hội nghị với trên 2 trăm cán bộ có thể hoạch định được một việc đại lớn như vậy không? Một Hội nghị 7 ngày thì làm cách nào giải quyết nợ công, để gia tăng ngân sách để tăng lương? Lại nhắc biện pháp cũ: tinh giảm biên chế.

Hàng chục Hội nghị Tw hai nhiệm kỳ qua đã bàn việc này. Tuy nhiên mỗi khi có chiến dịch giảm biên chế thì biên chế mới ngày càng phình to. Ngay cả chiến lược “nhất thể hoá” từng cặp cơ quan lãnh đạo song trùng sẽ đẻ ra phòng ban mới, biên chế mới. Phần tinh giảm sẽ nhỏ hơn nhiều. Sự tập trung quyền lực có nguy cơ khiến độc tài càng lớn hơn lúc trước.
Nhận dân đứng ngoài cuộc, không có chức năng giám sát.

Tổng bí thư yêu cầu hơn hai trăm uỷ viên phải trả lời các câu hỏi nhức nhối sau:

- Phải chỉ ra khâu đột phá là khâu nào, đánh giá cán bộ hay sắp xếp bố trí cán bộ, khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu", chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai?

- Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp ? (thế thì nghị quyết là…sai !).

- Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai ? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?

- Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa ?

- Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?”.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra với các ủy viên TƯ.

Trong khi chờ tổng kết hội nghị, tôi dự đoán 200 uỷ viên không thể làm thoả lòng tổng bí thư và nhất là kỳ vọng nhân dân ngóng đợi.

Giang Nam 

(VNTB)

Không có nhận xét nào: