Nguyễn Hằng |
Nhờ vũ khí bí mật ít người ngờ tới mà đội quân Mông Cổ hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn “càn quét” qua phần lớn châu Á, tràn sang cả châu Âu cách đây khoảng 800 năm.
Khoảng 800 năm trước, đế chế Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn đã trở thành nỗi ám ảnh đối với hàng triệu người dân châu Á và châu Âu.
Đội quân bách chiến bách thắng của Khả hãn Mông Cổ này không những tinh nhuệ, hung hãn, hiếu chiến mà còn nổi tiếng là tàn bạo, đến nỗi: "Cỏ không mọc được dưới vó ngựa Mông Cổ".
Trong nhiều năm qua, bí mật về đội quân Mông Cổ và nhà quân sự Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học, sử gia trên thế giới.
Vũ khí bí ẩn của đội quân thiện chiến
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện khoa học quốc gia Mỹ vào tháng 3/2014, đưa ra kết luận rằng sự phát triển lớn mạnh của đế chế Mông Cổ "hung bạo" dưới thời cai trị của Thành Cát Tư Hãn có thể là nhờ vào yếu tố khí hậu, thời tiết.
Theo đó, Neil Pederson và Amy Hessl, hai chuyên gia nghiên cứu thực vật học tại ĐH Virginia (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu đặc biệt này dựa vào vòng tăng trưởng (vòng tuổi) trên các cây thông Siberia ở miền trung của Mông Cổ.
Ban đầu, các chuyên gia chỉ tiến hành nghiên cứu về dấu tích của các vụ cháy rừng ở khu vực này. Tuy nhiên, không ngờ qua việc quan sát vòng tăng trưởng trên các thân cây mà họ đã tìm thấy bí mật liên quan tới sự phát triển hùng mạnh của đế quốc Mông Cổ nổi tiếng trong lịch sử.
Bằng cách lấy mẫu vật trên các vòng tăng trưởng của những cây thông Siberia trên dãy núi Khangai ở miền Trung Mông Cổ, nhóm nghiên cứu đã tái tạo được mô hình thời tiết từ năm 900 đến nay, tức là khoảng 1.100 năm.
Trước đó, quan điểm truyền thống cho rằng sở dĩ người Mông Cổ di chuyển và không ngừng mở rộng lãnh thổ là vì họ mong muốn thoát khỏi điều kiện sống khắc nghiệt ở quê nhà. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này lại cho thấy điều ngược lại.
Cụ thể, từ những phân tích, các chuyên gia nhận thấy thời điểm phát triển hùng mạnh của Mông Cổ dưới thời trị vì của Thành Cát Tư Hãn trùng khớp với giai đoạn khí hậu ôn hòa, kéo dài tới hơn 1.000 năm.
"Mưa thuận, gió hòa" với độ ẩm cao, nhiệt độ ấm áp trong khoảng thời gian từ giữa năm 1211 – 1225 có thể đã giúp cho các hoạt động sản xuất đồng cỏ phát triển mạnh, gia tăng nguồn năng lượng, tài nguyên dồi dào, góp phần thúc đẩy thuận lợi cho các cuộc chinh phạt khét tiếng của đội quân Mông Cổ.
Theo nhà nghiên cứu Amy Hessel tại ĐH West Virginia, cho biết: "Trong khoảng thời gian 15 năm liên tiếp, độ ẩm ở khu vực này đều cao hơn bình thường.
Đặc điểm khí hậu thời tiết này lại diễn ra đúng vào thời kỳ quan trọng trong lịch sử của Mông Cổ. Độ ẩm bất thường sẽ tạo ra năng suất cây trông bất thường".
Và điều này thực sự rất quan trọng đối với một đế chế sống dựa nhiều vào chăn nuôi trên đồng cỏ. Người ta cho rằng mỗi chiến binh của Thành Cát Tư Hãn có ít nhất 5 con ngựa, và việc năng suất cây trồng tăng lên sẽ giúp ích rất nhiều cho đội quân chinh phục Á-Âu trên lưng ngựa.
Nhiều cỏ, nhiều ngựa, giàu quyền lực
Điều kiện thời tiết khí hậu tốt "bất thường" tồn tại trong một thời gian dài, đồng nghĩa với việc gia tăng lượng cỏ và điều này góp phần giúp phát triển số lượng lớn về gia súc và ngựa chiến. Đây vốn là nền tảng quyền lực của đội quân mà Thành Cát Tư Hãn đứng đầu.
Khí hậu cũng cho thấy một sự tương phản rõ rệt đối với việc phát triển và duy trì sự hùng mạnh của một đế chế trên thảo nguyên. Trong thập niên từ năm 1180-1190, hạn hán kéo dài và nghiêm trọng đã gây nên sự bất ổn và phân chia đối với các bộ lạc ở Mông Cổ.
Người Mông cổ đã biết nhìn nhận và nắm bắt cơ hội. Đặc biệt, trong bối cảnh ấy lại có sự xuất hiện và nổi lên của một thủ lĩnh xuất chúng, người góp phần gia tăng sự đoàn kết cho họ.
Đó chính là một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử thế giới, Thành Cát Tư Hãn, nhà quân sự có tầm nhìn lỗi lạc, mang lại sự thống nhất cho các bộ lạc Mông Cổ, thực hiện hàng loạt các cuộc chinh phạt với quy mô lớn.
Có vẻ như thời tiết khí hậu là một vũ khí bí mật, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của đế chế này.
Chuyên gia Amy Hessl nhận định, sự chuyển đổi từ hạn hán khắc nghiệt đến độ ẩm cực kỳ cao cho thấy khí hậu đóng vai trò trong các sự kiện của con người.
Dù khí hậu không phải là yếu tố duy nhất, nhưng nó chắc chắn tạo ra những điều kiện lý tưởng giúp vị thủ lĩnh tài ba thoát ra khỏi thời kỳ hỗn loạn, phát triển quân đội, tập trung quyền lực và đưa đế chế của mình lên vị trí đứng đầu.
Khí hậu thuận lợi đóng vai trò quan trọng, nhưng bí quyết chính trị, biết cách sử dụng sức mạnh công nghệ, chiến thuật quân sự của Thành Cát Tư Hãn cũng nắm giữ phần không nhỏ gia tăng sức ảnh hưởng và sự bành trướng về lãnh thổ của đế chế Mông Cổ.
Quan sát bức ảnh bên dưới có thể thấy, màu đỏ cho thấy sự phát triển của đế chế Mông Cổ. Đến cuối những năm 1200, đế chế của Thành Cát Tư Hãn chia thành bốn "tiểu bang" (cho những người con được công nhận của Khả hãn), thể hiện trong ảnh bằng màu vàng, xanh nhạt, xanh đậm và tím.
Mông Cổ không phải là đế chế duy nhất bị ảnh hưởng bởi tác động của khí hậu. Trước đó, các nhà khoa học cũng có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa khí hậu với sự suy vong của các đế chế như Đế quốc Angkor ở Campuchia cách đây gần 600 năm.
Tuy nghiên, đây là một trong số ít những nghiên cứu khám phá sâu vào góc độ tích cực của khí hậu, có vai trò thúc đẩy sự phát triển thuận lợi của một đế chế.
Ngay cả những thời kỳ biến động của lịch sử, các nền văn minh lớn, những đế quốc hùng mạnh vẫn có thể được "hưởng lợi" hay chịu tổn thương trước biến động của khí hậu.
Và đội quân của Thành Cát Tư Hãn cũng không nằm ngoại lệ, họ may mắn sở hữu và biết tận dụng "vũ khí bí mật" ít ai ngờ tới.
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206.
Vị Khả hãn Mông Cổ này được coi là một trong những nhà lãnh đạo, nhà quân sự lỗi lạc và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử thế giới.
Ông luôn được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất. Lãnh thổ Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn trị vì trải rộng từ Á sang Âu, bao gồm nhiều khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hungary, Đông Âu,...
Tham khảo nguồn: NatGeo, BI
theo Helino
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét